Tròn 50 năm về trước, ngày 19.12.1955, trong đêm hát khai trương đoàn Kim Thoa với vở tuồng Lấp sông Gianh của soạn giả Kinh Luân tại rạp Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn), bọn mật thám Ngô Đình Diệm ném lựu đạn lên sân khấu giết hại hai nghệ sĩ và một ký giả, nhiều người khác bị thương. Những tình tiết xung quanh "vụ án chìm xuồng" này cho đến nay vẫn chưa được nhiều người biết. Chúng tôi xin trích lược giới thiệu cùng bạn đọc hồi ký của người nghệ sĩ, soạn giả Duy Lân với những tình tiết thú vị độc đáo.
"Đêm 19.12.1955, đêm khai trương của đoàn ca kịch Kim Thoa mà tôi được vinh hạnh làm đạo diễn của vở Lấp sông Gianh. Đêm này khán giả đến xem đông nghẹt, rạp Nguyễn Văn Hảo không còn một chỗ trống".
Theo diễn tiến của đêm hát, đạo diễn Duy Lân kể tiếp: "Vở hát được diễn tròn trịa không một sơ suất lỗi lầm. Nội dung của vở diễn Lấp sông Gianh lôi cuốn người xem có một cảm quan cùng người hát say sưa với cốt chuyện đang dần đến đỉnh điểm của kịch bản, là đại cảnh lấp sông Gianh - cảnh chót. Với hầu hết diễn viên phụ xuất hiện dưới sự điều động của hai vai chánh hô hào lấp cho kỳ bằng con sông chia hai miền Nam-Bắc... thì tang tóc máu lửa đã xảy đến cho đêm hát, kết thúc cuộc đời của hai nghệ sĩ cùng một ký giả và nhiều người khác bị thương nặng nhẹ trong đó có tôi đã văng mất hết một nửa chân trái, chịu mang tật vĩnh viễn suốt đời"...
Anh viết trong hồi ký: “Sau 6 tháng nằm liệt tại bệnh viện, tôi mới được "bồng" về nhà với cái chân còn bó bột và mong đợi từng ngày cho cái chân thật lành hẳn đặng "đi hát". Và người đem đến cho tôi cái vinh hạnh chót "được đi hát" là anh bạn Trần Vân Trạch đang lúc tôi nhớ thương sân khấu một cách tuyệt vọng ! Khi nghe anh Trần Vân Trạch yêu cầu tôi đi hát trở lại, trong lòng tôi tiến thoái lưỡng nan: hát gì được khi tôi đứng còn chưa vững với cặp nạng huống là đi, dầu đi một ít bước. Nhưng từ chối thì sợ mất dịp may hiếm có khi trong lòng cũng mong được hát trở lại với thân thể tật nguyền, thì nghe anh Trần Vân Trạch động viên: anh không hát đứng, hát đi được thì... hát ngồi vậy ! Nếu anh dám ngồi một chỗ để hát hay kể chuyện... thì sẽ có vai cho anh diễn. Được tôi nhận lời... hát ngồi trong một lớp diễn Ác quỷ thất tình để mặt thật, không hóa trang và ngồi diễn trên một chiếc ghế cứng chắc. Mệnh danh lớp hát này được tạm gọi là Độc thoại diễn thực. Sau 8 buổi hát hợp đồng tròn vẹn với ông bầu Trần Vân Trạch để thủ vai "ác quỷ" bằng tất cả ý chí tâm lực... tập trung để thể hiện một nhân vật huyền tưởng hết sức phi thường... tôi đã mệt lả, hơi sức khan kiệt, toàn thân run bắn lên đến nỗi người bạn thâm tình là anh Năm Châu phải trố mắt nhìn tôi đầy thương cảm và trách: "Toa (anh) liều lĩnh quá. Chân tay què quặt sức khỏe chưa hồi phục sao toa lại gấp hát chi cho khổ thân vậy, và lại bày vẽ ra cái lối hát ác hại ấy". Tôi ứa nước mắt mà lòng nghe rộn rã một niềm vui khó tả. Tôi cầm tay bạn tâm tình: tôi nhớ sân khấu quá, sân khấu là "vùng đất thiêng" của tôi, tôi sợ mất nó và tâm nguyện suốt đời sống chết với nó...
Sau hơn một năm điều trị vết thương với biết bao sự động viên an ủi của bạn bè, đồng nghiệp, một hôm anh hỏi tôi (Huỳnh Công Minh) lúc còn ở Bệnh viện Đô Thành: "Anh có hy vọng cái chân cụt của tôi sẽ lành và đi hát được không?". Tôi chưa nghĩ ra câu trả lời thì anh đã tự trả lời: "Tôi hy vọng còn trở lại với sân khấu: còn sống, còn đi đứng được là tôi còn hát được. Đời tôi không thể lìa bỏ sân khấu được miễn là...". Câu trả lời bị đứt quãng sau hai chữ "miễn là..." vì cả người hỏi lẫn người đáp đều quá xúc động khi nghệ sĩ Duy Lân ôm mặt khóc nức nở, vì anh hiểu mình hơn ai hết: hát làm sao được với một chân đã cụt đến đầu gối?
Duy Lân tên thật là Trần Văn Lân. Sinh năm 1910 tại xã Long Châu, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (cũ); mất ngày 18.4.1973 tại Sài Gòn. Ông là tác giả của những vở tuồng cải lương nổi tiếng trước thập niên 50: Nữ thiêng vương, Mỵ Ê Vương phi, Đế Thiên Đế Thích, Máu nhuộm phụng hoàng cung, Hai người điên giữa kinh thành, Vua mặt sắt, Người ăn mày trên sông Luông, Đoạn tuyệt, Gánh hàng hoa, Giai nhân và ác quỷ (phần nhiều những vở tuồng trên đã được trình diễn ở đoàn hát Năm Phỉ). Duy Lân còn là một giáo sư kịch nghệ của Trường quốc gia âm nhạc cùng thời với các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Bích Thuân, Hoàng Trọng Biên; là một trong những người đầu tiên góp công sáng lập Hội Nghệ sĩ ái hữu cùng thời với Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu, Ba Vân, Phùng Há, Ngọc Vân...; Trưởng ban tuyển chọn giải Thanh Tâm năm 1960 (năm phát HCV cho hai nghệ sĩ Ngọc Giàu và Bích Sơn).