18/06/2018, 12:08

Hồi Ký Soạn Giả Nguyễn Phương

Thông thường người ta biết danh, biết mặt, biết tiểu sử các ca sĩ: Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Văn Hường, các cô Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... nhưng ít người biết tên, biết mặt các nhạc sĩ, những người đã đào tạo và góp phần nâng cao tên tuổi ...

Thông thường người ta biết danh, biết mặt, biết tiểu sử các ca sĩ: Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Văn Hường, các cô Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... nhưng ít người biết tên, biết mặt các nhạc sĩ, những người đã đào tạo và góp phần nâng cao tên tuổi các ca sĩ. 

Trong tờ chương trình đêm hát (programme) hoặc trước rạp hát, các bầu gánh hát thường cho in hay treo hình dàn đào, kép với lời quảng cáo: "DIỄN VIÊN THINH SẮC LƯỠNG TOÀN" (Thinh là giọng ca, tiếng hát thật hay, thật điêu luyện - Sắc là nhan sắc mặn mà, quyến rũ của nam, nữ diễn viên). Không thấy giới thiệu hình ảnh và tài nghệ của các nhạc sĩ cổ nhạc.

Người nghe dĩa hát hay xem hát, nếu ưa thích tiếng đàn và muốn tìm hiểu tài nghệ cùng đời tư của nhạc sĩ thì thường thường là những người biết chơi đàn hoặc phải có một trình độ "thẩm âm" nào đó mới phân biệt được tiếng đàn hay như thế nào, ngón nghề của nhạc sĩ xuất sắc, độc đáo ra sao.

Tôi không phải là một nhạc sĩ. Tôi học cổ nhạc và tân nhạc chỉ vừa tạm đủ để dùng vào việc viết tuồng cải lương nên không chuyên sử dụng một loại nhạc khí nào. Tuy nhiên tôi hành nghề soạn giả cải lương liên tục trong 40 năm nên tôi có cái may mắn là được làm việc với các nhạc sư, nhạc sĩ các ban cổ nhạc các đoàn hát lớn, các hãng dĩa, các ban cải lương Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Đối với các nhạc sư bậc tiền bối như ông Hai Khị, ông Cao Văn Lầu, Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại, cụ Bảy Triều, thầy Giáo Thinh, cụ Cao Hoài Sang,... Cần phải có một sự nghiên cứu tỉ mỉ, chính xác vì các vị đó là những người có công khai sáng ngành cổ nhạc Việt Nam.

Trong bài này tôi chỉ viết về các nhạc sư, nhạc sĩ mà tôi quen biết, tuyệt nhiên không có khen, chê hay so sánh nhạc sĩ nầy với nhạc sĩ khác. Với các nhạc sư, nhạc sĩ mà tôi có nghe danh nhưng chưa được biết mặt hay không có cơ duyên được cộng tác trong một đoàn hát, tôi xin viết sơ lược vài điều mà tôi biết hoặc nghe bạn văn nghệ kể. Hy vọng các bậc thức giả, các bạn nhạc sĩ ở Canada bổ túc để tài liệu về ngành cổ nhạc Việt Nam được thêm phong phú.

Với phương pháp "Nhớ đâu nói đó", tôi phải lần theo dòng thời gian hành nghề soạn giả của tôi để nhớ năm nào làm việc cho đoàn hát nào, có những nhạc sĩ nào, và những nhạc sĩ được tôi kể trước hay kể sau, chỉ liên quan tới việc tôi cùng các vị đó làm việc trước hay sau mà thôi.

Năm 1948, tôi chân ướt chân ráo mới bước xuống ghe hát: đoàn Tiếng Chuông của ông Bầu Cang, tôi còn nhớ ban cổ nhạc có anh Năm Khạp đàn kìm, anh Ngọc Sáu đàn cò, Tư Quới đàn tranh. Thời gian nầy tôi chưa có ý muốn học cổ nhạc hay học viết tuồng nên không giữ chút ấn tượng nào về các bạn nhạc sĩ đó.

Năm 1950, tôi đi Gánh hát Con Tằm với anh Ba Vân, sau đó chúng tôi cùng về Ban Việt Kịch Năm Châu. Thời gian nầy tôi được đọc các quyển sách về nghệ thuật sân khấu trong tủ sách của anh Năm Châu: quyển A.B.C du théâtre, La mise en scène của tác giả Léon Moussinac, La Lumière artificielle du théâtre và các quyển kịch cổ điển của các tác giả Molière, Corneille, Victor Hugo, vì vậy tôi nảy ra ý muốn học viết kịch, viết tuồng cải lương và để thực hiện mộng tưởng đó, tôi xin học cổ nhạc với nhạc sư Hai Phát.

Ban cổ nhạc đoàn Việt Kịch Năm Châu lúc đó có: Ông Bảy Phải, nhạc trưởng, đờn Kìm; ông Hai Phát đờn cò, ông Tư Hiệu đờn violoncelle; ông Sáu Quý đờn tranh, sau nầy có anh Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu) đờn tranh thì ông Sáu Quý đờn guitare phím lõm. Dàn cổ nhạc như vậy kể ra có dư tay đờn nhưng anh Năm Châu chủ trương một sân khấu "Thật và Đẹp" nên đoàn hát thu hút nhiều nghệ sĩ có chân tài về đầu quân. Những nhạc sĩ đờn trong Ban cổ nhạc Việt Kịch Năm Châu là do thiện ý muốn hợp tác với nghệ sĩ Năm Châu nên họ bất kể số tiền lương được lãnh nhiều hay ít. Anh Bảy Bá vì muốn học viết tuồng, cùng với kép chánh Hoàng Kinh (chồng của cô đào Ngọc Đán) là hai người đệ tử ruột của anh Năm Châu nên Bảy Bá chỉ đờn những đêm có anh Năm Châu và chị Kim Cúc hát. Tôi bái Chú Hai Phát làm sư phụ, không phải để học đờn cò mà là để học các bài bản cổ nhạc để viết tuồng.

Ông Hai Phát tên thật là Hồng Tấn Phát, sanh năm 1908, ở Trà Vinh. Ông sử dụng rất điêu luyện ba loại nhạc khí: đàn Tam, đàn Cò và đàn Violon. Ông chẳng những giỏi về nhạc tài tử miền Nam, giỏi về bài bản dùng trong cải lương mà còn rất giỏi về nhạc Lễ.

Trước khi giới thiệu tỉ mỉ về tài nghệ đàn Tam, đàn Cò, đàn Violon của ông Hai Phát, tôi xin phép được kể chuyện cơ duyên nào khiến tôi bái ông Hai Phát làm sư phụ.

Năm 1951, vào cuối tháng 10 âm lịch, đoàn Việt Kịch Năm Châu bán dàn, hát ở rạp hát Vũng Tàu. Lúc đó trúng vào mùa lễ hội hát chầu ở đình Thắng Nhì, đoàn hát bội Vĩnh Xuân Ban của Bầu Thắng ở đình Cầu Quan được mời ra hát ba đêm. Không may khi ra tới Vũng Tàu, anh Năm Bửu, tay đàn cò và tay trống nhạc Lễ của Ban Vĩnh Xuân, vì ăn ốc len, ăn ghẹ và nhậu rượu đế quá nhiều, trúng thực nên được đưa vô nhà thương cấp cứu. Đoàn hát Vĩnh Xuân Ban của ông Bầu Thắng thiếu tay đánh trống lễ và đàn cò nên không thể nào đáp ứng được nhu cầu của Ban Trị Sự đình Thắng Nhì khi tiến hành khánh tiết tế lễ đúng theo tập tục cổ truyền.

Ông Bầu Thắng đích thân tới gặp anh Năm Châu cầu viện, xin cho ông Hai Phát tới giúp, thay cho tay trống lễ Năm Bửu. Đêm đó ông Tư Hiệu đàn violon thế ông Hai Phát. Ông Hai Phát đội khăn đống, mặc áo thụng xanh, tới đốt nhang bàn thờ Tổ, rồi quẩy đờn cò và bốn cặp dùi trống ra đi. Tôi gặp dịp để tìm hiểu nghệ thuật hát bội nên tình nguyện theo mang khăn gói giùm cho ông Hai Phát, hộ tống ông lúc về khuya.

Thú thật lúc đó tôi chưa phân biệt được cái khác nhau giữa việc đàn cò và đánh trống trên sân khấu cải lương khác nhau với đờn cò và đánh trống lễ trong các dịp lễ cúng Kỳ Yên.

Vào cuộc mới thấy ông Hai Phát là bậc sư phụ trong ngành nhạc lễ.

Việc khánh tiết tế lễ theo quy cũ truyền thống là trước tiên Ban Trị Sự đình Thắng Nhì thắp hương, tế cáo trời đất, cung thỉnh thánh thần, nguyện cầu quốc thái dân an, phong hòa vũ thuận, hà thanh hải yến, nông ngư đắc lợi. Mỗi lần tế lễ là trống lễ, đàn cò, kèn lá, đàn kìm của Ban Vĩnh Xuân phải tấu đúng theo quy cách. Ông Hai Phát đánh trống, chính là người hướng dẫn cả dàn nhạc.

Tiếng trống giòn tan, đường "ROI" sắc sảo, nhất là tiết tấu (rythme) thật cao siêu. Tôi nghe tiếng trống và nhìn ông điều khiển dàn nhạc mà mê mẩn tâm thần. Đúng là khi xây chầu cúng Kỳ Yên, nếu không có tiếng trống lễ thì không còn ra thể thống của một lễ cúng đình Thần.

Chấm dứt phần nghi lễ của ban quý tế, tiếp theo là lễ "Xây Chầu". Một hương chức cao niên được chọn là trưởng Ban chấp sự, đứng ra xây chầu. Ông Chấp Sự mặc áo thụng xanh, chít khăn đen, đốt nhang khấn lạy, tạ lễ thần xong, ông bước lên sân khấu, cầm dùi trống, đánh mạnh vào trống chầu ba hồi chín tiếng.

Tiếp theo là dàn nhạc lễ tấu khúc Ngũ Đối Hạ, cũng chính tiếng đàn cò của ông Hai Phát lãnh vai chủ đạo, tiếng đàn chắc nịch, đạo mạo, nghiêm trang khiến cho người vào lễ bái tăng thêm phần sùng kính.

Sau phần tế lễ là đến Ban hát trình diễn: lại thêm nhiều thủ tục rắc rối mà nếu không phải bậc nhạc sư như ông Hai Phát thì khó mà xoay sở. Vĩnh Xuân Ban nhận hát chầu ba thứ San Hậu trong ba đêm lễ hội, nhưng khởi đầu chưa phải là vào tuồng ngay.

Mở đầu là "Nghi lễ Điểm Hương", một anh kép sắm mặt tướng, thủ vai "Thiên Lôi", cầm bó nhang, anh múa bộ mở rộng 4 phương 8 hướng.

Tiếng trống lễ của ông Hai Phát đổ hột giòn tan, tiếng dùi gõ nhịp trên tang trống rắc rắc như điểm theo từng bước nhún nhảy của thiên thần.

Sau đó là lễ "Xang Nhựt Nguyệt" do một nam diễn viên mặc mảng bào, đội mão vua, mang râu bạc, tay cầm một tấm bảng nhỏ, biểu tượng cho mặt "Nhựt". Một nữ diễn viên, mặc mảng, đội mão cửu phụng, tay cầm một tấm bảng biểu tượng cho mặt "Nguyệt". Cả hai diễn viên biểu tượng Nhựt và Nguyệt múa điệu múa "Âm dương phối hợp".

Lại cũng tiếng trống lễ của ông Hai Phát dìu cho từng bước đi của điệu múa... lần nầy tiếng trống khoan nhặt, nhịp nhàng... tôi nghe lâng lâng nhớ tới lễ Cúng dâng Bông ở miếu Bà Thiên Hậu.

Tiếp theo là màn "Tam Hiền" hay Tam Tinh, ba nam diễn viên sắm vai ba ông Phước Lộc Thọ hát bài chúc lành cho dân làng.

Sau đó lễ chính được gọi là "Đứng Cái" và "Đứng Con", một diễn viên sắm mặt đẹp, mặc mảng bào, đội mũ văn, gọi là ông Cái, 4 cô đào gọi là Con, trang nghiêm lễ tạ thánh thần, hát lời chúc tụng quốc thái dân an.

Sau chót 4 võ tướng xuất hiện, gọi là Tứ Thiên vương, bốn tướng múa những điệu múa căn bản của vũ đạo hát bội, cùng với Ông Địa dâng liễn, 4 chữ nho "Gia quan tấn tước" để chúc các quan chức địa phương.

Lễ Bội đến đây thì đoàn Vĩnh Xuân Ban mới thật sự hát vào tuồng hát của đoàn.

Mỗi phần nghi lễ kể trên đều có một loại nhạc riêng, đánh trống theo từng bài bản riêng, nhạc sư Hai Phát buông tay trống là cầm cung đờn cò, có khi đàn kìm, có khi thổi kèn lá... ông tung hoành không mệt mỏi trong cái không khí vừa trang nghiêm huyền bí của đình chùa, vừa rộn ràng sôi nổi với tiếng đàn tiếng trống mê hoặc lòng người trong một lễ hội dân gian.

Tôi thật sự phục ông và xin bái ông là sư phụ từ đó.

ĐÀN TAM... Dàn nhạc các đoàn hát cải lương hầu như không có đoàn nào có nhạc sĩ sử dụng đàn Tam, vì tiếng đàn Tam tương tợ như tiếng đàn Banjo của Pháp, khác chăng là tiếng đàn Banjo được khải nghe ròn tan, âm thanh ngân dài, còn tiếng đàn Tam cũng khải, cũng reo (trémolo) âm thanh nghe cứng ngắt, không có dư âm nhiều.

Đàn Tam là loại đàn 3 dây nylon, thùng đàn hình chữ nhật, dài 18 phân, ngang 14 phân, dày 10 phân. Một bên thùng đàn thì bịt bằng da trăn hay da con kỳ đà, một bên kia để trống. Cây cần đàn dài mà không có phím. Nếu đờn chạy chữ trên cây đàn vĩ cầm (violon) đòi hỏi phải có thính giác mẩn tiệp, ngón đàn chính xác thế nào thì chạy chữ trên cây đàn Tam cũng như vậy, mà có thể nói còn khó hơn nữa vì vĩ cầm có 4 dây, âm thanh lớn hơn, dễ phân biệt hơn.

Ông Hai Phát là cột trụ của ban nhạc lễ và nhạc tài tử cổ nhạc ở tỉnh Trà Vinh trước khi ông gia nhập đoàn Việt kịch Năm Châu. Ông sử dụng đàn Tam khi hòa tấu "Bản bản Bày bài" để Ban nhạc tài tử của ông có một sắc thái đặc biệt mà không có Ban nhạc tài tử nào thời đó bì kịp.

Ông có thu đĩa Odéon 1969, trong băng cổ nhạc hòa tấu Nam Bình 2, ông đờn đàn Tam hòa với đàn tranh 21 dây của nhạc sư Vĩnh Bảo bài Lưu Thủy Trường. Nếu ai có dịp nghe qua đĩa nhạc hòa tấu nầy chắc chắn sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú thấy dưới đầu 4 ngón tay thần diệu, cung bực trở thành phân minh, chững chạc, âm thanh tròn trịa, phong phú như bất cứ loại đàn dây nào có phím.

Những đoạn chuyển biến nghe khoan thai... khi chạy chữ nhanh thì âm thanh dồn dập như thác đổ, nhịp điệu gút mắc, chứng tỏ một tài năng điêu luyện đến tột đỉnh. Nhắc đến tài nghệ đàn Tam của ông Hai Phát, tôi chợt nhớ đến 4 câu thơ của cụ Nguyễn Du khen nghề đàn của nàng Kiều:

"Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như nước suối mới sa nữa vời,

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Tôi xin thắp nén nhang lòng, kính bái cụ Nguyễn Du, mượn bốn câu thơ thần nầy để tưởng niệm ngón đàn thần diệu của sư phụ tôi: nhạc sư Hai Phát.

ĐÀN CÒ... Lối đàn cò của ông Hai Phát là kéo cung dài, đàn mực thước, đạo mạo mà sâu sắc (accent) theo thế hệ cổ. Anh Hai Thơm (danh cầm đàn Violon) và Văn Vĩ (danh cầm guitare phím lõm) là hai môn đệ xuất sắc của nhạc sư Hai Phát.

Sau khi đoàn Việt kịch Năm Châu giải tán, đổi bản hiệu là đoàn cải lương Phước Chung do ông Bầu Tám Kiết lèo lái, ông Hai Phát về Tòa Thánh Tây Ninh đàn và dạy đàn cò cho ban nhạc của Tòa Thánh.

Đến năm 1972, ông có dịp về Sài Gòn thăm lại trại Phước Chung ở dốc Cầu Bông (Đakao). Lần nầy gặp lại, tôi thấy hai chân của ông băng vải kín, đi lại khó khăn, sức khỏe suy yếu quá.

Ông bảo hai chân của ông bị đen thâm, dường như mất hết cảm giác. Ông đã uống thuốc Nam, thuốc Bắc nhưng điều trị cách gì cũng không thuyên giảm. Ông không muốn điều trị theo Tây y (Đến nay khi ra nước ngoài, tôi mới hiểu là ông bị bịnh tiểu đường rất nặng).

Trở về Sài Gòn lần này, ông Hai Phát có dịp hòa tấu bản Tây Thi Vắn, ông đàn cò, ông Bảy Hàm đàn kìm và ông Vĩnh Bảo đàn tranh, một cuộc hòa tấu sau cùng của ông với các đồng nghiệp.

Ông trở về quê nhà ở Trà Vinh, độ mươi ngày sau thì ông mất. Anh Duy Lân, soạn giả Kiên Giang và tôi, cùng với một số nhạc sĩ của đoàn Phước Chung (Thanh Hải, Thanh Liêm, Yên Sơn... đã xuống Trà Vinh phúng viếng và tiễn đưa ông đến mộ phần.

Nhạc Sư Sáu Tửng, đàn kìm.

Ông Sáu Tửng, tên thật là Huỳnh Văn Sâm, thân phụ của nhạc sĩ tân nhạc Huỳnh Anh và nữ ca sĩ Bạch Huệ.

Nhạc sĩ tân nhạc Huỳnh Anh là một tay trống hữu hạng, từng là nhạc trưởng ban nhạc ở các vũ trường Paramount (Chợ Lớn), vũ trường Kim Sơn, Arc en Ciel... Anh đã sáng tác bản nhạc "Mưa Rừng", bản nhạc chính trong vở tuồng cùng tên "Mưa rừng" của Hà Triều - Hoa Phượng.

Huỳnh Anh định cư ở Mỹ, có nhiều nhạc bản được thu thanh thu hình trên băng vidéo Thúy Nga.

Nữ ca sĩ Bạch Huệ là một danh ca cổ nhạc, chuyên ca những bài bản theo đúng mẫu mực cổ truyền. Cô Bạch Huệ không đi hát trên sân khấu cải lương mà chỉ ca trong các Ban tài tử cổ nhạc. Cô được các lò cổ nhạc mời làm giáo sư thị phạm, dạy ca các bản "Ba Nam, Sáu Bắc, Bảy Bản, Bát Bản" khi cô Ngọc Ánh mất, cô Bạch Hụê được mời làm giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc, dạy ca cổ thay cho cô giáo sư cổ nhạc Ngọc Ánh.

Ông Sáu Tửng, quê ở tỉnh Gò Công. Cái tên Hùynh Văn Sâm thì còn xa lạ với các nhạc sĩ và cả khách mộ điệu cải lương, nhưng chắc chắn là các nhạc sĩ cổ nhạc và khán giả cải lương, những người thích đọc báo trang kịch trường đều biết và ái mộ người nhạc sĩ mang tên Sáu Tửng.

Sở trường của ông Sáu Tửng là đờn cây đàn Kìm và đàn Sến. Ông chỉ dùng hai ngón trỏ và giữa tay trái để bấm dây bỏ ngón thay vì phải bấm bốn ngón như mọi người, tuy vậy vẫn nhanh nhẹn, tiếng đờn sắc sảo như người dùng 4 ngón để bấm phím.

Ông chuyên đàn Kìm chánh cho một số đoàn hát "Đại Ban" như Văn Hí Ban, Võ Hí Ban, Phước Cương, Trần Đắc, Hồng Nhựt, Phụng Hảo. Ngoài ra, ông còn đàn thu dĩa nhựa cho rất nhiều hãng dĩa: hãng Asia, Hồng Hoa, Lam Sơn, Continetal, Capitol, Quê Hương, Hoành Sơn, Tứ Hải... và đặc biệt các băng nhạc hòa tấu cổ nhạc Nam Bình 1, Nam Bình 2...

Thường thường người ta nhớ tên danh ca và bài ca, ít ai nhớ người nhạc sĩ nào đã đàn bản nhạc đó, dù nhờ ca bản nhạc đó mà ca sĩ nổi danh là danh ca. Người ta nhớ: "Sầu Vương Biên Ải" dĩa Hoành Sơn, tròng trắng chữ xanh do nghệ sĩ Út Trà Ôn ca, không nhớ dàn đờn cổ nhạc là những nhạc sĩ nào.

Anh Hồ Trường An khi viết về các danh ca làng dĩa nhựa cũng chỉ ghi:

- "Bóng chàng kỵ sĩ" dĩa Asia tròng đỏ chữ vàng do nghệ sĩ Thành Công ca.

- "Vó Ngựa Truy Phong" dĩa Tri Âm tròng trắng chữ xanh với các cô Bảy Phùng Hỵ, Tư Thanh Tùng, Kim Cúc và các nghệ sĩ Ba Vân, Năm Châu.

Nhưng nếu ai muốn biết tên nhạc sĩ thì truy nguyên, dò từ tên ca sĩ thì cũng có thể biết một phần nào. Vì một lẽ dễ hiểu là các danh ca thường thường chọn một nhạc sĩ bậc thầy ruột của mình để đờn cho mình hát hay ca dĩa, để nhờ người nhạc sĩ nầy luyện giọng, đưa hơi, giữ nhịp giúp cho. Tôi còn nhớ hễ vở tuồng hát nào mà cô Bảy Phùng Há có vai thì đàn kìm chánh nhất định phải là Sáu Tửng...

Cũng y như vậy các trường hợp sau đây:

- Ca sĩ Thành Công ca dĩa thì phải có Hai Long đàn Guitar mando...

- Hữu Phước ca thì phải có Ba Thu đàn Kìm, Ba Tý đàn tranh.

- Cô Kim Thoa hát sân khấu hay ca dĩa, đàn kìm chánh phải là anh Ba Diệp (thân phụ của nghệ sĩ Diệp Lang).

- Văn Hường ca dĩa thì phải có Văn Vĩ đàn guitare và Năm Cơ đàn kìm.

- Thanh Nga ca thì phải có nhạc sĩ Út Trong đàn kìm...

Tất nhiên là còn nhiều nhạc sĩ đàn chung vì có sự ăn ý rập ràng giữa các nhạc sĩ với nhau nữa thì tiếng đàn mới có nét đặc biệt, độc đáo như Năm Cơ (đàn kìm) hòa tấu với Văn Vĩ đàn guitare. Nhạc sĩ Năm Vĩnh đàn kìm đờn quăng bắt rất hay với nhạc sĩ Hai Thơm đàn violon... Nhạc sĩ Sáu Tửng, đờn kìm hòa tấu rất ăn ý với nhạc sĩ Chín Trích, đàn cò và nhạc sư Vĩnh Bảo, đàn tranh. Có khi thì thay ông Vĩnh Bảo là nhạc sĩ Bảy Bá Viễn Châu đàn tranh.

Năm 1950, ông Sáu Tửng cùng với các anh Duy Lân, Tám Thưa, Việt Hùng, cô Tư Bé và nhạc sĩ đàn cò và violon Tư Huyện sang Pháp đàn thu vào dĩa mang nhãn hiệu KIM KHÁNH (Chủ nhân là ông Bầu BA QUAN, chủ tiệm hột xoàn Ba Quan ở Chợ Cũ, Sài Gòn).

Năm 1960, ban đêm, nhạc sĩ Sáu Tửng đàn cho gánh hát Phụng Hảo của ông Bầu Nhơn; ban ngày ông Sáu Tửng cùng với hai nhạc sĩ Ba Dư (đàn tranh) và Chín Trích (thân phụ của nghệ sĩ Tú Trinh) đàn cò, lập thành ban cổ nhạc, chuyên đờn đệm cho lớp dạy ca cổ nhạc của trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn, phân khoa Nghệ Thuật Sân Khấu.

Ông Sáu Tửng có một lối đàn rất độc đáo. Câu đàn được ông sắp chữ, sắp nhịp rất là sắc sảo, tạo ra một lối đàn lôi cuốn, quăng bắt, ra vô mạch lạc. Có những lúc đang khi đàn, ông lại ngưng nghỉ, để cho các cây đàn khác hòa tấu với nhau, rồi bất thần ông cho tiếng đàn kìm nhào đại vô với tay tim nghịch, tạo ra những âm thanh lạ tai, khiến cho bản đàn đang đàn thêm duyên dáng, hấp dẫn. Những nhạc sĩ nào đờn yếu nhịp hoặc lúc đờn tinh thần lơ đãng thì rất dễ bị rớt nhịp sai câu đồn. Đây không phải là cách đàn phá nhau mà là một sự ngẫu hứng, tạo ra những chữ đàn mới lạ, tạo ra tiết tấu, âm điệu hấp dẫn hơn. Người ta sẽ nhận thức ra lối đàn độc đáo của Sáu Tửng qua bản Ngũ Đối Hạ, Lưu Thủy Trường với tiếng đàn cò của Chín Trích, tiếng đàn tranh của Vĩnh Bảo, trong băng cổ nhạc Nam Bình 1.

Lối rao độc chiến đàn kìm trước khi vô vọng cổ và đàn chầu sau câu số 2 cũng khó có nhạc sĩ nào đờn bằng nhạc sĩ Sáu Tửng.

Ông Sáu Tửng cũng nổi danh là tay đàn Sến có một không hai.

Đặc tính của đàn Sến là có 13 phím, 2 dây, (sau này cải tiến 3 dây). Âm thanh của đàn Sến nghe trầm đục. Lối đờn đàn Sến thường phải dùng tiết tấu nhanh, đờn chạy chữ lẹ. Có đoạn tay tim đánh liên hồi gọi là Reo (trémolo) ở khoảng gần cuối câu để chuẩn bị qua câu sau, do đó có tính chất hùng hồn chớ không êm dịu như đàn kìm.

Điều lạ là gần như danh cầm nào cũng thích chuyên luyện hai loại đàn có tính đối nghịch nhau như ông Hai Phát: đàn cò và đàn Tam (âm thanh, âm hưởng, tiết tấu của hai cây đàn đó khác nhau).

Ông Sáu Tửng thì đàn kìm, khoan thai, sâu lắng, khác với tính chất đàn nhồi chữ dồn dập như khi ông đàn Sến.

Năm Cơ cũng chuyên hai cây đàn Kìm và đàn Sến.

Ông Tư Huyện thì đờn cây violon và thổi ống tiêu.

Sau vãng hát, khi hừng chí, ông Sáu Tửng ôm đàn, tự đàn cho một mình ông thưởng thức, tiếng đàn nhẹ nhàng, khoan thai... dây tơ rung động, sâu lắng nghe như hạt sương rơi, nghe như cơn gió thoảng...

Tôi nằm gần bên, lắng nghe lây cái buồn man mác, không tài nào ngủ được. Tôi chợt nhớ một giai thoại kỳ thú giữa người nhạc sĩ tài ba nầy và một nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam: thi sĩ Xuân Diệu.

Theo lời kể của anh Năm Châu, thi sĩ Xuân Diệu có một thời gian ở nhà gần hãng xăng Mỹ Tho. Có lẽ lúc đó Xuân Diệu làm công chức trong Tòa số tỉnh Mỹ Tho (khoảng năm 1939 - 1940). Một đêm trăng sáng, thi sĩ Xuân Diệu mời anh Năm Châu, cô bảy Phùng Há và ông Sáu Tửng đến nhà chơi, hàn huyên tâm sự, ngâm thơ và đàn ca cho nhau thưởng thức. Tiếng đàn kim của ông Sáu Tửng đã làm cho Xuân Diệu sửng sốt, đê mê... Thi sĩ xuất thần, lấy bút tàu, chấm mực viết ngay trên thùng cây đàn kìm của Sáu Tửng mấy câu thơ:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh,

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngàn

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm,

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Ông Sáu Tửng rất quý cây đàn kìm đó, cây đàn thùng bằng gỗ trắc, mặt đàn bằng ván cây Ngô đồng, với bài thơ xuất thần của Xuân Diệu "...Đàn buồn... đàn lặng... ôi đàn chậm.. Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân..."

Danh cầm Sáu Tửng và thi sĩ Xuân Diệu đã ra người thiên cổ, không biết trên thiên đàng hay ở cõi non bồng nước nhược nào đó, hai ông có còn dạo đàn và ngâm thơ cho nhau thưởng thức nữa không.

Kính nhớ những bậc thầy không bao giờ nguôi.

0