Nghệ sĩ Bảy Nhiêu
Một trong những nghệ sĩ tiền phong của sân khấu cải lương, đã phục vụ nghệ thuật trong hơn 35 năm cũng vẫn còn vương nghiệp Tổ, đó là nghệ sĩ Bảy Nhiêu gia nhập làng cải lương từ đầu thập niên 1920 cho đến tuổi già ngoài 70 vẫn còn lưu luyến nghệ thuật, được thể hiện qua những tập hồi ký, ...
Một trong những nghệ sĩ tiền phong của sân khấu cải lương, đã phục vụ nghệ thuật trong hơn 35 năm cũng vẫn còn vương nghiệp Tổ, đó là nghệ sĩ Bảy Nhiêu gia nhập làng cải lương từ đầu thập niên 1920 cho đến tuổi già ngoài 70 vẫn còn lưu luyến nghệ thuật, được thể hiện qua những tập hồi ký, và sau đây là tóm lược quá trình hoạt động nghệ thuật của ông:
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu tên thật là Huỳnh Năng Nhiêu sanh năm 1902, quê quán tại Thốt Nốt tỉnh Long Xuyên, bước chân lên sân khấu đầu tiên vào Tháng Mười năm 1921 trong gánh Tập Ích Ban của ông Vương Có, đóng vai chàng công tử Viếc trong vở “Tình Duyên Phấn Lạc” của soạn giả Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền, phóng tác theo vở “Fellah” của Pháp.
Kế tiếp Bảy Nhiêu đóng vai Châu Bá Hòa trong tuồng “Châu Trần Phải Nghĩa”, đóng vai Lý Ðáng trong tuồng “Phụng Kiều Lý Ðáng”, và rồi thì đến tuồng “Tang Gia Giả Gái”. Năm 1925 gia nhập đoàn Phước Cương và đến năm 1931 theo đoàn sang dự cuộc đấu xảo ở Ba Lê (Pháp). Năm 1933 lập gánh Tiếng Chuông, năm 1936 cùng với Năm Châu, Ba Vân, Từ Anh, Thanh Tùng về hát cho đoàn Ðại Phước Cương.
Một thành tích nữa khó thể quên là năm 1937 Bảy Nhiêu đi dự lễ Hiến Pháp ở Thái Lan, trình diễn vở Trà Hoa Nữ (La Dame aux Camélias) và vở cải lương Ðiên Vì Tình (lúc ấy người Xiêm không thích tuồng Tàu). Ðến năm 1940 thành lập gánh Tân Tân và năm 1941 thành lập đoàn Nam Phương, năm 1946 gia nhập đoàn Con Tằm.
Ðến năm 1947 Bảy Nhiêu lại tái lập gánh Nam Phương, gánh hát rã sau trận bị ăn cướp tại đình Xuân Hòa đêm 17 Tháng Baỷ, 1947, ông trở về gia nhập đoàn Việt Kịch Năm Châu, và đến năm 1954 thì giải nghệ về bán cà phê tại bên cạnh đình Phú Hòa ở đường Bà Lê Chân, Tân Ðịnh.
Cũng vì nặng nghiệp Tổ nên sau ngày giải nghệ rồi (1954) Bảy Nhiêu vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên sân khấu trào lộng, hài kịch xã hội của nhóm Năm Nỡ (bạn đi hát cùng thời), và đặc biệt là cộng tác với nghệ sĩ Năm Châu đóng phim, đảm nhận vai Sư Cụ trong phim Quan Âm Thị Kính, lúc Ban Việt Kịch Năm Châu hợp tác với hãng Mỹ Vân quay cuốn phim nói trên (Bảy Nhiêu là nhạc phụ của nghệ sĩ Năm Châu).
Nhắc lại nhân ngày cải lương cúng Tổ năm vừa qua (12 Tháng Tám, Bính Tuất) chúng tôi có viết bài “Tổ Nghiệp Cải Lương Là Ai?” đăng trên Nhật Báo Người Việt. Nội dung bài viết có đề cập đến vấn đề “ăn cướp và cải lương cùng một Tổ”, ăn cướp không ăn hàng các gánh cải lương”. Mà tại sao gánh hát Nam Phương của Bảy Nhiêu lại bị ăn cướp?
Lúc tuổi đã 70 nghệ sĩ Bảy Nhiêu được tờ nhật báo Sóng Thần đề nghị viết hồi ký đăng báo trước rồi sau đó sẽ xuất bản (có lẽ Sóng Thần thấy cuốn “50 năm mê hát” của Vương Hồng Sển). Ông nhận lời và viết theo kiểu nhớ gì viết nấy trong cuốn tập học trò 100 trang, viết đầy cuốn thì trao cho tòa soạn báo Sóng Thần và lãnh “bao thơ” đủ sống hằng ngày với cà phê cà pháo. Cứ như thế ông viết khoảng hơn chục cuốn và ký giả Ngọa Long lãnh phần sửa chính tả, câu văn cho mạch lạc để đăng báo. Sóng Thần dự định khi đăng hết sẽ xuất bản và ông sẽ được chia tiền bản quyền, nhưng báo chưa đăng hết thì bị ngưng vì lý do “hết giấy”, lúc đó khoảng giữa 1974 nhiều tờ báo cũng bị tình trạng đó chứ không riêng gì Sóng Thần.
Ðến khi tờ báo ra trở lại thì đang thời kỳ có nhiều vấn đề quan trọng phải đăng, chẳng hạn như sự việc Linh Mục Trần Hữu Thanh phát động “Phong Trào Chống Tham Nhũng”, thành thử ra hồi ký của Bảy Nhiêu không còn đất trống để đăng. Chờ đợi mãi dần dà cho đến 30 Tháng Tư, 1975, kể như “xù” luôn và hồi ký của Bảy Nhiêu chưa ra đời đã chết vậy!
Trong lúc nghèo khổ lại gặp xui xẻo, mấy năm sau nghe tin ông qua đời tại Tân Ðịnh, Sài Gòn.
Tờ nhật báo Sóng Thần có phần hùn với gánh hát Hùng Cường-Bạch Tuyết, do đó đêm nào nhân viên, ký giả cũng có mặt ở rạp Quốc Thanh với những Uyên Thao, Ðường Thiên Lý, Nguyễn Ðức Nhuận, Lý Ðại Nguyên, Huy Tường...