18/06/2018, 12:08

Soạn Giả Trương Bỉnh Tòng

Thường trực Ban Tuyên huấn (tại đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông - 1973). Từ trái sang: Hoài Vũ, Hồ Thiện Ngôn, Ngô Y Linh, Trương Bỉnh Tòng, Trần Bạch Đằng, Khả Minh (Bến Nghé), Giang Nam Ông Trương Bỉnh Tòng sinh năm 1921, quê quán tỉnh Bạc Liêu (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lợi) ...

   
Thường trực Ban Tuyên huấn (tại đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông - 1973). Từ trái sang: Hoài Vũ, Hồ Thiện Ngôn, Ngô Y Linh, Trương Bỉnh Tòng, Trần Bạch Đằng, Khả Minh (Bến Nghé), Giang Nam
Ông Trương Bỉnh Tòng sinh năm 1921, quê quán tỉnh Bạc Liêu (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lợi) trong một gia đình buôn bán nhỏ. Tuổi ấu thơ ông lớn lên trên vùng đồng ruộng bạt ngàn, “cò bay thẳng cánh” cùng tiếng đàn violon của cậu học trò “âm nhạc cải cách” ao ước bay xa, lại sớm mê điệu hát ru “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ vừa năm...” hy vọng đeo đuổi âm nhạc dân tộc, rồi trở thành giáo viên dạy văn hóa, nhạc lý trường tiểu học Bạc Liêu.
Cách mạng tháng Tám thành công rồi tiếp theo kháng chiến chống Pháp, như thế hệ thanh niên thời đại “Anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng kiếm nguồn tươi sáng”. Vào kháng chiến, ông tiếp tục nghề “dạy văn hóa và âm nhạc” ở trường Trung học Nguyễn Văn Tố.  Dưới mái trường dựng lên cấp tốc bằng vật liệu cây lá rừng U Minh, mang tên học giả chí sĩ Nguyễn Văn Tố, chỉ một khóa duy nhất (1947-1950) mà sau này đã được một mùa “bội thu” những tên tuổi lớn trên văn đàn, sân khấu, giáo dục, công nghệ,  như các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, soạn giả Mai Quân, nhà giáo Hồ Thị Thiện, Giám đốc xí nghiệp Lê Minh Trí, thượng tá Võ Đăng Tuấn (Quân khu 9)...
Hàng năm, đến ngày kỷ niệm nhà giáo, cựu nhà giáo Trương Bỉnh Tòng được các học trò thành đạt tề tựu thăm viếng, tỏ lòng tri ân công đầu của người thầy dạy học và nhạc lý cơ bản, nâng cánh sáng tạo cho đàn em sau này.
Thời kháng chiến chống Pháp, ở các tỉnh miệt sông Hậu thỉnh thoảng có một người cao dong dỏng, vai đeo ba lô tay xách hộp đờn violon, thường được mọi người gọi là Tư Trương. Ông đi sưu tầm âm nhạc dân tộc khắp các tỉnh miền Tây, nghe bất cứ điệu hát dân gian nào, liền nhờ bà con hát rồi ông lấy đờn “cò tây” ra kéo, đến khi người hát xác nhận thiệt “đúng điệu” mới mở ba lô lấy tập vở ra ghi chép, ký âm lại và chú thích bằng ký hiệu riêng
Sở Thông tin Nam bộ  thành lập, Tư Trương - Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Văn nghệ Nam bộ được điều động về phụ trách “Trưởng phòng Ca nhạc”, ông biên soạn mảng Dân ca cùng với nhạc sĩ Quách Vũ (Quách Vĩnh Chương gọi ông bằng chú, sinh viên cùng thời với Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng) nghiên cứu hệ thống dân ca ba miền và đề xuất ý kiến bình chọn các tác phẩm âm nhạc dự thi “Giải Văn học Nghệ thuật Cửu Long I, II” (1951,1952). Trao đổi với đồng nghiệp, theo ông, ký âm và nhạc cụ của Tây phương chỉ có một âm (ton) và nửa âm (demi ton) còn nhạc dân ca và cổ nhạc nói chung “nhấn nhá” nhiều cung bậc, khó “chẻ”ra để ký âm. Như tiếng đờn độc huyền (đờn bầu) uyển chuyển mảnh mai như tơ, là âm sắc dân tộc độc đáo, hay như nhiều lần ông nói, cùng một điệu hò nhưng “hò Đồng Tháp” khác với “hò Bạc Liêu” và còn rất nhiều cái “giống” mà lại “khác” trong âm nhạc dân gian, nhưng chưa có  tài liệu nào đúc kết, hệ thống. 
Lúc ông đi công tác xa được tin Hiệp định Geneve ký kết, lập lại hòa bình và chuyển quân Tập kết. Về đến cơ quan được biết trong danh sách “tập kết” có tên mình, nhưng đơn vị đã hành quân ra bến tàu... ông báo cáo với tổ chức nguyện vọng xin “ở lại” và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.
Lên Sài Gòn cuối năm 1954, những ngày đầu dọ dẫm quan sát đường phố để học tác phong hòa mình thành người thành thị, ông băn khoăn chưa hình dung nổi cục diện đấu tranh với địch sẽ ra sao, trước mắt là bọn cơ hội - những cái loa tay sai ra rả giọng điệu chống cộng, gạt bỏ các điều khoản Hiệp định Geneve. Cũng trong thời gian đó, ông gia nhập đội ngũ giáo chức trường Huỳnh Khương Ninh ở Đa Kao - tạo thế hợp pháp, làm giáo viên dạy nhạc trường Trung học nổi tiếng về sư phạm này. Các điệu Tiền côn vũ, Vui sản xuất, Kết đoàn... được thầy Trương Bỉnh Tòng dạy cho đội vũ của trường Huỳnh Khương Ninh lan nhanh trong giới học sinh các trường khác. Cùng lúc các điệu múa này do nhóm cán bộ kháng chiến về thành huấn luyện, xuất hiện trên sân khấu các đoàn hát (nổi lên 2 vũ sư Mai Quân và Minh Cao) ngẫu nhiên đưa nghệ thuật “hát múa kháng chiến” trình diễn giữa Sài Gòn. 
Trong thời gian này, ông đi đi về về mật khu Củ Chi - bàn đạp của Trung ương Cục ở R tiếp cận nội thành, hội họp và nhận chỉ thị hoạt động trực tiếp của nhóm 3 người: nhà thơ Viễn Phương (Phương Viễn) Huỳnh Kim Thạch (Mai Quân) đang ẩn mình làm soạn giả trong các gánh hát và ông, với nghệ danh mới Hoài Linh. Chọn nghề soạn giả theo các gánh hát vừa tạo thế hợp pháp, vừa có thu nhập (lương) để sống, nhưng điều quan trọng là sử dụng sân khấu làm nơi tuyên truyền mạnh nhất, mau lẹ cực kỳ khi đưa lên sàn diễn các vở tuồng hấp dẫn, hướng khán giả liên hệ thời sự đất nước, dẫu là gián tiếp.
Địch công khai vô hiệu hóa Hiệp định Geneve ngày càng trắng trợn. Cuối tháng 12.1955, lựu đạn quăng trên sân khấu gánh Kim Thoa đêm diễn khai trương vở Lấp sông Gianh (soạn giả Kinh Luân) trúng vào lớp diễn dân chúng nối lại đôi bờ bị chia cắt, làm thiệt mạng 3 người – nghệ sĩ Ba Cương, phóng viên ảnh Nguyễn Mai và vệ sĩ Trần Phiên, còn soạn giả - thầy tuồng Duy Lân bị cụt mất một chân. Bọn địch tưởng rằng gây tiếng nổ như một đòn tâm lý khuất phục tiếng nói chính nghĩa, nhưng đến giữa năm 1956, Tư Trương (với bút danh Hoa Đăng) cùng nhà thơ Kiên Giang (cũng trong kháng chiến về Sài Gòn - bút danh Cửu Long Giang) hợp soạn vở Ngưu Lang Chúc Nữ, khéo léo lồng vào nội dung tuồng cảnh “sum họp - đoàn tụ” thể hiện ý chí dân chúng “chống phân ly - chia cắt”. Tiếng vang của vở hát như tiếng sấm báo hiệu cơn giông bão, lan tỏa khắp nơi. Các tuồng mới của các soạn giả kháng chiến  trình diễn trên sân khấu như “thông điệp” gởi đến mọi nơi, mọi giới: “Đảng vẫn hiện hữu  sát cánh cùng nhân dân miền Nam trong giai đoạn mới của cách mạng”.
Địch mở những cuộc tảo thanh, bố ráp triền miên. Tư Trương, Mai Quân và Phi Vân (Phạm Trần) lặn hụp, thoát hiểm nhiều lần trong gang tấc. Không ít những lần Tư Trương đến sinh hoạt chi bộ Đảng với Tư Trang, Năm Châu, Việt Thường ở trại Phước Chung dựng sát mé rạch bên kia cầu Bông, khi được báo động, mọi người tuồn ra ngỏ hậu lặn qua bên kia rạch, phía sau rạp Thuận Thành (nay là rạp Văn Hoa) để thoát thân.  Lại cũng thường xảy ra bất trắc, những lần thay đổi đột ngột địa điểm họp, hoặc hẹn gặp móc nối soạn giả hay nghệ sĩ diện “cảm tình”, chưa truyền đạt hết nội dung chỉ thị, phải “vọt lẹ” nhờ linh tính đánh hơi thấy “mùi lạ”.
Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam ra đời (1960) tiếp theo “Đại hội Văn nghệ Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định” bầu Ban chấp hành, cử hai soạn giả Tư Trương và nhà thơ Viễn Phương làm Chủ tịch và Phó chủ tịch.
Chế độ Ngô Đình Diệm đổ nhào cuối 1963, kéo theo kế hoạch “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ sụp đổ, Trung ương Cục kịp thời chi viện một lực lựợng cán bộ văn hóa văn nghệ dày dặn cho “Đặc khu Sài Gòn - Gia Định” do đồng chí Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) chỉ đạo đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới. Cuộc họp cấp tốc tại Xóm Thuốc thành lập “Đảng ủy Văn nghệ I. 4” gồm: Bí thư (nhà báo Hoàng Hà, sau đó là Sáu Chiến), các đảng Ủy viên: Tám Nhàn (nhà văn Nguyễn Văn Bổng từ Bắc vào, sáng tác tiểu thuyết Áo trắng, phản ánh thế hệ học sinh sinh viên chống Mỹ ngoan cường), Chín Bảo (Hai Vũ), Tư Trương (Trương Bỉnh Tòng) và Mai Quân (Năm Triều). Toàn bộ Đảng ủy lập tức “nhập thành”, chia nhau đến hoạt động ở các cở sở báo chí, nghiệp đoàn ký giả và các gánh hát đã móc nối.
Địch phản ứng quyết liệt, thẳng tay đàn áp, bắt bớ, lùng sục gắt gao, gây thiệt hại nặng nề về người và cơ sở, tuy nhiên Đảng ủy I.4  vẫn bám chặt cơ sở, hoạt động kiên cường. Tiếp đến năm 1967 và liền sau đó cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đội ngũ soạn giả, ký giả đảng viên và quần chúng “cảm tình” lớp hy sinh, lớp bị bắt, các cơ sở gần như tê liệt. Tư Trương cũng không thoát khỏi lưới vây bắt của địch, nhưng trong cái rủi có cái may, nhờ “tương kế tựu kế” bị địch buộc làm giao liên, đã một đi không trở lại khi  rút vào chiến khu bình yên.
Sau ký kết Hiệp đinh Paris 1973, đội ngũ cán bộ văn nghệ - soạn giả, đạo diễn miền Bắc vào chi viện, mở lớp tập huấn chuyên môn cho các ngành nghệ thuật, Tư Trương có dịp bổ sung kiến thức, học hỏi nghiệp vụ với các đồng nghiệp tu nghiệp nước ngoài về sân khấu thế giới: Ngô Y Linh, Bích Lâm và tiếp tục sáng tác các tiết mục Đêm đổi đời (1972), Cánh chim quê hương (1974), đến vở Cây sầu riêng trổ bông là một đề tài khái quát cuộc chiến đấu chống Mỹ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Tư Trương là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách khối biểu diễn (Sân khấu Cải lương - Kịch nói tạp kỹ, Ca nhạc và Nghệ thuật quần chúng). Năm 1984 ông hoàn thành kịch bản Pha lê và cát bụi dựng cho đoàn “2-84” ra Hà Nội diễn chào mừng Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, được khen là tiết mục xuất sắc. Tuổi già, ông dành quỹ thời gian nghĩ ngơi hoàn thành quyển sách Nhạc tài tử - Nhạc sân khấu cải lương gồm 7 chương, dành chương cuối cùng - Phần phụ lục(180 trang) phân tích các điệu thức, bản đờn và so sánh, tham khảo những dị bản của các địa phương. (Nhà X.B Sân khấu 1996). Tiếp theo là quyển Nghệ Thuật cải lương -Những trang sử (Viện Sân khấu X.B - 1997) gồm 6  Chương, từ xuất xứ Cải lương đến Hát cải lương những năm đầu xây dựng CNXH (1975 và những năm sau đó). Cuốn sách dày trên 260 trang là công trình nghiên cứu - Hồi ký với nhiều tư liệu lịch sử giá trị.
    Lúc 13 giờ 15 phút ngày 21.5.2008, ông Trương Bỉnh Tòng đã từ trần tại Bệnh viện 115 (TP.HCM) sau cơn bệnh nặng xuất huyết dạ dày, hưởng thọ 88 tuổi.
0