04/06/2017, 22:52

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Quá trình văn học và phong cách văn học

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Quá trình văn học và phong cách văn học I. QUÁ TRÌNH VĂN HỌC 1. Khái niệm quá trình văn học - Văn học là một loại hình nghệ thuật, một hình thái ý thức xã hội đặc thù luôn vận động, biến chuyển. Diễn tiến của văn học như một hệ thống chỉnh thể với sự hình thành, ...

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Quá trình văn học và phong cách văn học

I. QUÁ TRÌNH VĂN HỌC
1. Khái niệm quá trình văn học
- Văn học là một loại hình nghệ thuật, một hình thái ý thức xã hội đặc thù luôn vận động, biến chuyển. Diễn tiến của văn học như một hệ thống chỉnh thể với sự hình thành, tồn tại, thay đổi, phát triển qua các thời kì lịch sử được gọi là quá trình văn học. Các thời kì gồm có: cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại, đương đại; trong từng thời kì lại có các giai đoạn cụ thề nối tiếp nhau. Từng thời kì và các giai đoạn gắn với văn học nhân loại nói chung và văn học mỗi dân tộc nói riêng. (Liên hệ với các giai đoạn của văn học trung đại và văn học hiện đại Việt Nam đã học ở THPT).
 
- Quá trình văn học là sự vận động của văn học trong tổng thể, bao gồm tác phẩm (chép tay, in ấn, truyền miệng), tác giả, độc giả, các tổ chức hội đoàn, các hoạt động nghiên cứu, phê bình, dịch thuật, xuất bản, ảnh hưởng qua lại giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác, các hình thái ý thức xã hội khác, v..v...
 
- Quá trình văn học luôn luôn theo những quy luật chung. Trước hết, văn học gắn bó với đời sống, thời đại nào văn học ấy, những biến động lịch sử của xã hội thường tạo nên những chuyển biến trong lịch sử phát triển của văn học. Thứ hai, văn học phát triển trong sự kế thừa và cách tân: văn học dân gian là cội nguồn của văn học viết, người sau thâu nhận giá trị văn học của người trước và tạo nên những giá trị mới. Thứ ba, văn học của một dân tộc tồn tại, vận động trong sự bảo lưu và tiếp biến: giữ gìn, phát huy những tinh hoa của truyền thống; tiếp thu có chọn lọc và cải biến cho phù hợp những tinh hoa của văn học thế giới.
 
2. Trào lưu văn học
- Hoạt động nổi bật trong quá trình văn học là trào lưu văn học, một hiện tượng có tính chất lịch sử, ra đời và mất đi trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là một phong trào sáng tác tập hợp những tác giả, tác phẩm gần gũi nhau về cảm hứng, tư tưởng, nguyên tắc miêu tả hiện thực, tạo thành một dòng rộng lớn, có bề thế trong đời sống văn học của một dân tộc, hoặc của một thời đại. Một trào lưu văn học có thể có nhiều khuynh hướng hoặc trường phái văn học; cũng có khi nền văn học của một dân tộc không có trào lưu văn học, nhưng lại có các khuynh hướng, các trường phái văn học khác nhau.
 
- Trong lịch sử văn học thế giới có một số trào lưu văn học lớn:
 
+ Văn học thời Phục hưng châu Âu thế kỉ XV, XVI.
+ Chủ nghĩa cổ điển ở Pháp thế kỉ XVII.
+ Chủ nghĩa lãng mạn hình thành ở các nước Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp 1789.
+ Chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ XIX.
+ Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thế kỉ XX.
+ Chủ nghĩa siêu thực ra đời năm 1924 ở Pháp.
+ Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học Mĩ La tinh sau Đại chiến thế giới II.
+ Chủ nghĩa hiện sinh ra đời ở châu Âu sau Đại chiến thế giới II.
(Xem kĩ các trào lưu văn học này trong SGK tr.171 - 172)
 
- Ở Việt Nam, các trào lưu văn học lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng những năm 30 của thế kỉ XX. Từ 1930 đến 1945 có hai trào lưu xuất hiện công khai nổi bật:
 
+ Trào lưu lãng mạn: phong trào Thơ mới và một số truyện lãng mạn.
+ Trào lưu hiện thực phê phán: tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự.
 
Sau cách mạng Tháng Tám 1945, ở Việt Nam đã hình thành trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
(Xem thêm các trào lưu văn học này trong SGK, tr.172)
 
II. PHONG CÁCH VĂN HỌC
1. Khái niệm phong cách văn học
- Phong cách văn học là những nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể. Nói cách khác, phong cách là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo. “Phong cách chính là người” - nhà văn Pháp Buy-phông đã khẳng định như vậy.
 
- Quá trình văn học được đánh dấu bằng những nhà văn kiệt xuất với phong cách độc đáo của họ. Quá trình văn học mang tính lịch sử cho nên phong cách văn học cũng in đậm dấu ấn dân tộc và thời đại. Văn hào Vôn-te nói: “Cũng giống như từ gương mặt, ngôn ngữ, hành động cụ thể có thể nhận ra quốc tịch của con người, thì cũng có thế từ phong cách sáng tác nhận ra một số là người Ý, người Pháp, người Anh hay người Tây Ban Nha một cách dễ dàng”. Ở Việt Nam, trong những năm 30 của thế kỉ XX, dù mỗi người có một “gương mặt” riêng, nhưng các nhà văn của Tự lực văn đoàn và các nhà thơ của phong trào Thơ mới đều góp phần tạo nên diện mạo chung của vãn học lãng mạn lúc đó, và “mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời” (Tô Hoài).
 
2. Những biểu hiện của phong cách văn học
- Phong cách văn học biểu hiện ở những phương tiện sau đây:
 
+ Cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, giọng điệu riêng biệt của tác giả.
 
+ Sự sáng tạo các yếu tố thuộc nội dung tác phẩm: lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện nhân vật, triển khai cốt truyện, xác lập tứ thơ, hình ảnh thơ,...
 
+ Hệ thống phương thức biểu hiện và các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm: thể loại, kết cấu, ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu, cách kể chuyện, miêu tả, bộc lộ nội tâm, câu văn, giọng điệu, nhạc điệu,...
 
- Phong cách văn học là cái thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác. Cái độc đáo, vẻ riêng có tính chất bền vững, nhất quán; nhưng thống nhất từ cốt lõi, còn sự triển khai phải đa dạng, đổi mới:
 
+ Nguyễn Trãi trong Đại cáo bình Ngô, Quân trung từ mệnh tập rất hào hùng, đanh thép, sắc bén, nhưng trong Quốc âm thi tập lại u hoài, trầm lắng, suy tư.
 
+ Hồ Chí Minh trong truyện và kí hiện đại, như thơ chữ Hán lại mang sắc thái phương Đông cổ kính, thơ tiếng Việt đậm cốt cách dân gian.
 
- Phong cách còn phải có phẩm chất thẩm mĩ, nó phải đem lại cho người đọc một sự hưởng thụ mĩ cảm dồi dào qua những tác phẩm giàu tính nghệ thuật. Chỉ khi đó vẻ đẹp của phong cách từng tác giả mới được lưu giữ bền vững trong lòng người đọc từ thế hệ này sang thế hệ khác và trường tồn cùng với thời gian và lịch sử.
 
LUYỆN TẬP
Hai bài tập trong SGK đều không khó. Anh (chị) có thể trao đổi trong nhóm và tự làm.

0