04/06/2017, 22:52

Em hãy bình luận quan niệm của Nguyễn Trãi về vấn đề nhân nghĩa trong hai câu thơ sau: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Nguyễn Trãi là nhà quân sự tài ba, nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời ông hiến trọn cho dân, cho nước, cho cuộc khởi nghĩa anh dũng trường kì chống quân Minh xâm lược. Sau khi đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” để tùyên bố rộng ...

Nguyễn Trãi là nhà quân sự tài ba, nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời ông hiến trọn cho dân, cho nước, cho cuộc khởi nghĩa anh dũng trường kì chống quân Minh xâm lược.

Sau khi đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” để tùyên bố rộng rãi với toàn dân sự kiện lịch sử trọng đại này. Chiến thắng vang dội được ông tổng kết bằng hai câu thơ nhẹ nhàng mà tràn đầy tình người:
 
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
 
Cùng với hai câu thơ ấy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã rực sáng và sống mãi với thời gian. Hai câu thơ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nhân là thương người, trọng người, nghĩa là theo lẽ phải. Thương muôn người, trọng muôn người, đó là lòng thương dân. Lòng yêu nước gắn chặt với lòng thương dân và cùng xuất phát từ nhân nghĩa. Vậy nhân nghĩa chính là lẽ phải. Yêu nước, thương dân phải làm cho dân no đủ, hạnh phúc. Muốn vậy, người lãnh đạo đất nước phải có lòng thương xót dân chúng (điếu) bị áp bức tàn hại mà đem binh đánh kẻ có tội với dân (phạt).
 
Việc cầm gươm, khiển quân chỉ nhằm mục đích diệt bọn tàn ác, đem lại thái bình cho nhà nhà, người người. Đạo quân ấy là đạo quân của chính nghĩa, tư tưởng ấy là tư tưởng của đạo lí. Quả thật, hai câu thơ của Nguyễn Trãi đã thể hiện một tư tưởng tiến bộ, tích cực, phù hợp với đạo lí của dân tộc. Xưa kia, nước ta ảnh hưởng nền Nho giáo của Trung Quốc, mỗi người đọc sách Thánh hiền đều biết đến “ngũ thường” (năm điều rèn luyện): nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trong đó nhân nghĩa được đặt lên hàng đầu, khẳng định tầm quan trọng lớn lao của nó.
 
Bởi vậy, với mong ước lãnh đạo nhân dân chống giặc, Nguyễn Trãi đã đem nhân nghĩa mà đổi đãi với nhân dân hết lòng, ở đây, lí tưởng đạo đức của Nho giáo được Nguyễn Trãi tiếp thu theo truyền thống yêu nước thương nòi và yêu cầu chống nạn ngoại xâm xảy ra liên miên của dân tộc mình. Ông đã kết hợp chặt chẽ giữa tư tưởng nhân nghĩa và lòng yêu nước thương dân. Cho nên tư tưởng cao đẹp ấy của ông đã được nguyên Thủ trướng Phạm Văn Đồng ca ngợi: “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân, cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu dến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập, hạnh phúc của nhân dân”.
 
Lấy lòng yêu nước thương dân làm động cơ, lấy độc lập, hạnh phúc của nhân dân làm mục đích, tức là Nguyễn Trãi đã đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Thế đó, suốt cuộc đời, ông sống và chiến đấu vì nhân dân, vì mục đích và lí tưởng cao đẹp của mình. Mặc dù hiểu rằng trong chiến tranh, hi sinh mất mát là điều tất yếu nhưng Nguyễn Trãi luôn bảo vệ sự bình an của nhân dân: “Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”.
 
Ta thấy rõ tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đề cao tuyệt đối lòng yêu nước thương dân, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Như vậy, Nguyễn Trãi đã cụ thể hóa một nguyên tắc lãnh đạo đất nước “lấy dân làm gốc”. Nhờ thế, ông đã tập hợp được sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của “nghĩa lớn”, “chí nhân”. Trong “Bình Ngô đại cáo” ông viết:
 
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
 Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
 
“Nghĩa lớn” thắng “hung tàn”, “chí nhân” thay “cường bạo”. Lời khẳng định mạnh mẽ ấy chứng tỏ Nguyễn Trãi đã áp dụng có hiệu quả lời dạy của cổ nhân. Tư tưởng nhân nghĩa của ông vừa ôn hòa, vừa mạnh mẽ, thuyết phục.
 
Dùng nó làm mũi nhọn tiến công, Nguyễn Trãi đã thực hiện được hoài bão cuộc đời mình: làm gì cho dân bớt khổ. Mười năm kháng chiến gian khổ “nằm gai nếm mật”, dưới sự lãnh đạo của ông và Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh tan quân thù, đem đến hạnh phúc, yên ổn cho nhân dân, thái bình cho đất nước. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đem đến sự sống là như thế! Đây là một tư tưởng có giá trị muôn đời.
 
Chẳng những thế, Nguyễn Trãi còn thể hiện chí hòa bình, thông cảm với nỗi khổ của nhân dân hai nước. Bằng tấm lòng đã rung cảm, ông hiểu rằng những người lính trong hàng ngũ đội quân xâm lược cũng chỉ là những người dân lương thiện, bình thường, hơn nữa là nạn nhân chiến tranh dưới bàn tay quyền lực của bọn thống trị.
 
Ông thông cảm với nỗi khổ đau của người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Bởi vậy, ông đem nhân nghĩa để “hòa hiếu thật lòng”, không hiếu sát mà mục đích là “trừ bạo yên dân”. Khi kẻ thù buông giáo đầu hàng, ông lại đem nhân nghĩa “mở đường hiếu sinh”, tha cho tướng giặc bị cầm tù, làm cho chúng vừa nể phục vừa khiếp sợ: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”,
Mã Kì, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra dến biển mà vẫn hồn bay phách lạc. Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập, chân run!
 
Làm như vậy, tức là Nguyễn Trãi đã tránh được đổ máu trong tương lai, xây dựng được mối dây hòa bình giữa nhân dân hai nước. Còn điều kì diệu nào hơn nhân nghĩa:
 
“Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay”.
 
Với tư tưởng nhân nghĩa đúng đắn như thế, ông đã cùng Lê Lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến vượt qua trăm ngàn gian khổ đến thắng lợi vẹn toàn. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi rất tiến bộ, nó thể hiện được cái nhìn sâu rộng, tấm lòng nhân ái của người anh hùng như Lê Thánh Tông đánh giá: “ức Trai tâm thượng quang khuê báo”.
 
Tuy nhiên, lịch sử không chỉ có chiến thắng của Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung mà còn có những thất bại đau thương đưa đất nước vào vòng nô lệ. Vì không biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc nên nhà Hồ, nhà Nguyễn đã sụp đổ thảm hại. Từ bài học xương máu đó ta mới thấy hết giá trị của tư tưởng nhân nghĩa.
 
Phát huy truyền thông nhân nghĩa của dân tộc, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã lãnh đạo nhân dân ta đánh tan giặc Pháp, giặc Mĩ, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa xuân 1975.
 
Nguyễn Trãi thật là vị anh hùng dân tộc văn võ song toàn. Cùng với “Cáo bình Ngô” và tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp, ông sống mãi trong trí nhớ và tình cảm nhân dân Việt Nam như Nguyễn Mộng Tuân đã ca ngợi” “Kinh bang hoa quốc cổ vô tiền” (Dựng nước và làm đẹp cho nước xưa nay không ai hơn ông). Ngày nay, trong công cuộc xây dựng, đổi mới, giữ gìn đất nước, tư tưởng lấy dân làm gốc lại có tác dụng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

0