04/06/2017, 22:53

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Bác ơi

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Bác ơi của tác giả Tố Hữu. • Gợi ý tìm hiểu bài thơ Trong các nhà thơ Việt Nam hiện đại, Tố Hữu là người sáng tác nhiều nhất, có nhiều tác phẩm hay, sâu sắc và cảm động về Bác Hồ: Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm, Cánh chim không mỏi, Theo chân Bác, ... Những tác phẩm ấy ...

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Bác ơi của tác giả Tố Hữu.

• Gợi ý tìm hiểu bài thơ
Trong các nhà thơ Việt Nam hiện đại, Tố Hữu là người sáng tác nhiều nhất, có nhiều tác phẩm hay, sâu sắc và cảm động về Bác Hồ: Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm, Cánh chim không mỏi, Theo chân Bác, ... Những tác phẩm ấy không chỉ là cảm nghĩ của cá nhân nhà thơ mà còn là tấm lòng của mọi người Việt Nam hướng về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
 
Bài thơ Bác ơi! Được Tố Hữu viết ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 6 - 9 -1969. Trong niềm đau xót, tiếc thương vô hạn đó, nhà thơ càng nhận rõ những phẩm chất đẹp tuyệt vời của Bác để ghi lại trong tiếng khóc tiễn biệt Người. Bác ơi! Được xem như bức tượng đài Hồ Chí Minh bằng thơ, khắc họa sâu sắc chân dung của một trong những con người đẹp nhất của thời đại ngày nay.
 
Trước hết, đó là lòng yêu nước sâu xa và lòng yêu thương con người rộng lớn của Bác:
 
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
 
Trái tim vĩ đại ấy đau “nỗi đau dân nước, nỗi năm châu” và lo “cho hôm nay và cho mai sau...”. Trong những ngày chống Mĩ cứu nước quyết liệt của dân tộc, trái tim Bác Hồ hướng về nửa nước đau thương, dành tình cảm của mình cho miền Nam thân yêu và lạc quan, tin tưởng vào tiền tuyến lớn anh hùng. Nhà thơ Tố Hữu đã viết nên những câu thơ đẹp để ca ngợi mối tình ruột thịt đó.
 
Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha.
 
Con người có trái tim lớn ấy lại là con người có một lẽ sống giản dị tự nhiên “như trời đất của ta”. Bác yêu thiên nhiên và con người cũng tự nhiên và tha thiết như lòng Bác vậy. Niềm vui của Bác cũng giản dị, tự nhiên như con người Bác, một niềm vui cao cả, luôn trân trọng, hướng về mọi người trên cả thế giới. Ở đây, Tố Hữu đã nhìn thấy sâu sắc, thấm thía vẻ đẹp tuyệt vời Hồ Chí Minh.
 
Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.
 
Và chính vì thế, Bác đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần quý giá nhất: một tình thương mênh mông, sâu sắc và một cuộc đời thanh bạch, giản dị. Nhà thơ nhìn thấy ở cuộc đời ấy một vẻ đẹp riêng của Bác: vẻ đẹp nằm ở phía tâm hồn, tinh thần con người:
 
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
 
Đó là vẻ đẹp của một con người hết sức giản dị nhưng lại vô cùng vĩ đại.
 
Hình tượng Bác Hồ hiện lên qua bài thơ thật thân quen, gần gũi bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người Cha già dân tộc, Người Bác kính yêu của tất cả chúng ta. Bác sống như trời đất của ta, như mọi con người, gần gũi với mọi con người. Nhưng trong cái “như mọi con người” ấy, Bác lại vượt lên cao hơn những con người bình thường để thành phẩm chất Hồ Chí Minh, vẻ đẹp riêng của Bác. Và chính vì thế, Bác đã vượt qua khỏi phạm vi dân tộc để đến với nhân loại, như trong trường ca Theo chân Bác, Tố Hữu đã viết:
 
Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh
Như một niềm tin, như dũng khí
Như lòng nhân nghĩa, đức hi sinh. 

0