04/06/2017, 08:48

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Trình bày một vấn đề

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Trình bày một vấn đề I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ Nắm được các yêu cầu cơ bản của trình bày một vấn đề và biết cách trình bày một vấn đề. 1. Tầm quan trọng của việc trình bày một vấn đề - Trình bày một vấn đề là nhu cầu thường có của con người trong cuộc sống xã hội, ...

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Trình bày một vấn đề

I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ
Nắm được các yêu cầu cơ bản của trình bày một vấn đề và biết cách trình bày một vấn đề.
 
1. Tầm quan trọng của việc trình bày một vấn đề
- Trình bày một vấn đề là nhu cầu thường có của con người trong cuộc sống xã hội, nhưng trình bày một cách có hiệu quả, thuyết phục được người nghe đồng tình với mình thì không phải là việc dễ dàng, đơn giản.
 
- Vì vậy phải học cách trình bày qua một số thao tác cơ bản.
 
2. Công việc chuẩn bị
Để trình bày chủ đề “Thời trang và tuổi trẻ” ở buổi sinh hoạt câu lạc bộ của lớp, các em phải chuẩn bị như thế nào? Phải chuẩn bị qua hai bước sau đây:
 
a) Chọn vấn đề trình bày
Chủ đề “Thời trang và tuổi trẻ” đặt ra nhiều vấn đề cho học sinh trao đổi, tranh luận. Mỗi em chỉ nên nói một khía cạnh nào đó. Khía cạnh đó phải là:

- Khía cạnh mà nhiều người quan tâm cần giải đáp.

- Phù hợp với đối tượng người nghe trong buổi sinh hoạt (các bạn trong lớp,...)

- Quan trọng nhất đó phải là khía cạnh mà mình am hiểu, nắm vững, thích thú và thu thập được nhiều tư liệu để trình bày nhằm thuyết phục người nghe.
 
b) Lập dàn ý cho bài trình bày
Lập dàn ý nhằm hai mục đích: vừa đảm bảo nội dung cho bài trình bày, vừa chủ động trong lúc trình bày. Nội dung phải đủ ý, kết cấu bài trình bày phải lôgíc, chặt chẽ, dàn ý phải rõ, gọn để người trình bày có thể chủ động khi nói.
 
Dàn ý bài trình bày như dàn ý một bài văn, gồm:

- Các ý lớn, các ý nhỏ, các dẫn chứng minh họa.
- Diễn đạt các ý trên thành ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.
 
- Vì là bài trình bày trước nhiều người (bài nói ở diễn đạt) nên cần có câu chào hỏi mở đầu, các câu chuyển ý để bài nói được mạch lạc, câu cám ơn kết thúc bài trình bày. Cũng nên dự kiến cách nói, giọng điệu, cử chỉ sao cho hùng hồn, hấp dẫn,...

(Theo kinh nghiệm, nên viết đề cương vào một tờ giấy cứng, viết chữ to, các mục rõ, gọn để có thể dễ dàng nhìn vào nói một cách chủ động, tự nhiên).
 
3. Trình bày
Khi trình bày, cần chú ý các yêu cầu của ngôn ngữ nói đã được học và bám sát vào đề cương đã chuẩn bị.
 
Bài trình bày gồm ba bước:
 
a) Bắt đầu trình bày:
Tạo không khí thoải mái, tự nhiên, hòa hợp với người nghe bằng cách chào cử tọa và tự giới thiệu mình, sau đó mở đầu giới thiệu bài nói.
 
b) Trình bày nội dung chính:
+ Trình bày từng ý, từng phần của bài nói, có chuyển ý từ phần này đến phần khác cho đến hết bài nói.
 
+ Chú ý quan sát xem người nghe có phản ứng như thế nào để kịp thời điều chỉnh (cắt bớt nội dung nói hoặc bổ sung thêm ý, thay đổi cách nói, giọng điệu cho phù hợp,...)
 
c) Kết thúc trình bày:
+ Tóm tắt, nhấn mạnh một số ý chính.
+ Nói lời cảm ơn người nghe.
 
II. LUYỆN TẬP
1. Yêu cầu cần đạt là chọn đúng số thứ tự (đánh dấu các bước tiến hành trình bày) tương ứng với mỗi câu.
 
Ví dụ: Ba câu 5, 6, 7 bắt đầu bằng “Chào các bạn...” và “Trước khi bắt đầu...” là ở số thứ tự (1) Bắt đầu trình bày. Các em tiếp tục đánh số thứ tự vào các câu còn lại.
 
2. Yêu cầu cần đạt là triển khai các đề tài đã cho thành những khía cạnh nhỏ để chuẩn bị nội dung cho bài trình bày của mình.
Những đề tài này đều gần gũi và được các em quan tâm. Hãy suy nghĩ và tự làm bài tập này với yêu cầu càng triển khai được nhiều đề tài càng tốt.
 
3. Chọn đề tài để chuẩn bị trình bày trước lớp theo hai bước:
- Chọn đề tài thích hợp với mình và đáp ứng được yêu cầu của người nghe.
- Lập dàn ý cho bài trình bày theo ba phần mở bài, thân bài, kết bài; sau đó tập nói nhiều lần ở nhà.

0