04/06/2017, 08:48

Cảm nghĩ của em về nhân vật Nhĩ trong truyện “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu

"Quê hương nếu ai không nhớ Sẽ không lớn nổi thành người" Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã thật tài tình khi đưa ra một triết lí - triết lí về quê hương, về mối quan hệ khăng khít giữa sự trưởng thành của mỗi người với quê hương. Nhà văn Nguyễn Minh Châu chắc cũng có sự đồng điệu trong tâm hồn ...

"Quê hương nếu ai không nhớ Sẽ không lớn nổi thành người" Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã thật tài tình khi đưa ra một triết lí - triết lí về quê hương, về mối quan hệ khăng khít giữa sự trưởng thành của mỗi người với quê hương. Nhà văn Nguyễn Minh Châu chắc cũng có sự đồng điệu trong tâm hồn với thi sĩ Đỗ Trung Quân ở điểm này khi viết truyện "Bến quê". Truyện gợi cho ta một cảm giác nhẹ nhàng cùng những suy nghĩ sâu xa về quê hương xứ sở, mà nhân vật Nhĩ trong câu chuyện ...

Câu chuyện viết về số phận của Nhĩ một người đàn ông đã từng bôn ba, được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, chiêm ngưỡng bao vẻ đẹp kì quan của thế giới, nhưng đến cuối đời, khi bị một căn bệnh hiểm nghèo phải nằm liệt giường, anh mới nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của vợ cũng như vẻ đẹp bình dị của bãi bồi bên kia sông, bến quê của vợ mà chưa một lần anh đặt chân đến.
 
Đọc truyện, từ những hình ảnh thiên nhiên lướt qua lăng kính của Nhĩ gợi ta liên tưởng đến những biểu tượng của cuộc sống giàu ý nghĩa. Trước hết, đó là vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông theo tầm nhìn của Nhĩ từ gần tới xa trong buổi sáng thu. Bức tranh ấy gợi lên vẻ trong trẻo, tươi mát của một vùng quê ven sông Hồng thông qua những hình ảnh quen thuộc; dòng sông Hồng uốn lượn, bầu trời cao rộng, bãi cát phẳng lì, những bông hoa bằng lăng tím tô điểm thêm vẻ dịu dàng duyên dáng. Đó là những hình ảnh rất thực, rất quen thuộc, gần gũi nhưng lại rất mới mẻ với Nhĩ, bởi anh có cảm giác như lần đầu tiên anh mới nhìn thấy. Bức tranh đó cũng là vẻ đẹp của cuộc sống, những cái bình dị quen thuộc của quê hương xứ sở.
 
Hình ảnh những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, cùng những tảng đất lở ở bờ sông bên này khi cơn lũ đầu nguồn sắp về đổ ụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng, là những chi tiết gợi cho ta liên tưởng tới sự sống của Nhĩ đang ở những ngày cuối cùng. Đặt trong suy nghĩ của nhân vật trước lời anh hỏi vợ, ta cảm nhận được cuộc sống buồn tẻ chán ngán và đầy tuyệt vọng, cái chết đang đến dần với anh.
 
Có thể nói, nghệ thuật tạo dựng hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng của câu chuyện giúp ta hiểu sâu hơn về tâm lí nhân vật và khám phá thêm nhiều điều trong tâm hồn của một con người đang tàn tạ ấy. Đặc biệt, đi sâu vào tìm hiểu những suy ngẫm và khát vọng của anh, ta mới thấy đó là những triết lí sâu xa về cuộc đời.
 
Biểu hiện đó trước hết trong cảm nhận của Nhĩ về Liên (vợ anh). Lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá, những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai của anh, và Nhĩ nhận ra là cả tình yêu thương, sự tần tảo và đức hy sinh thầm lặng của vợ. Anh nói với chị Liên: “Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm mà em vẫn nín thinh". Còn chị Liên đã trả lời "Có hề sao đâu, miễn là anh sống luôn luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong gian phòng này". Chính trong những ngày cuối đời, Nhĩ mới thực sự thấu hiểu với lòng biết ơn sâu sắc người vợ của mình. Cũng như cảnh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tảo tần và chịu đựng hy sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày thúng bôn tẩu tìm kiếm... Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này”.
 
Niềm khao khát của Nhĩ là được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông để được chiêm ngưỡng và tận hưởng vẻ đẹp rất đỗi bình dị và gần gũi qua ô cửa sổ căn phòng. Đồng thời cũng hiểu rằng mình sắp giã biệt cõi đời, ở Nhĩ bừng dậy một niềm khao khát vô vọng là được đặt chân một lần lên cái bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về giá trị bền vững bình thường và sâu xa của cuộc sống - nhưng giá trị thường bị người ta bỏ qua, lãng quên, nhất là lúc còn trẻ, khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn con người ta tìm đến. Sự thức tỉnh này chỉ đến được với người ta ở cái độ đã từng trải, với Nhĩ thì đó là lúc cuối đời, khi phải nằm liệt trên giường bệnh, bởi thế, đó là sự thức tỉnh xen với niềm ân hận và nỗi xót xa. Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia”.
 
Không thực hiện được điều ước muốn bằng khả năng của mình, anh đành nhờ cậu con trai đến bãi bên kia sông để giúp anh thỏa niềm mong ước cuối cùng ấy. Nhưng nó làm một cách miễn cưỡng và bị cuốn hút vào trò chơi phá cờ thế trên đường và có thể lỡ chuyến đò sang ngang duy nhất trong ngày. Những hành động, cử chỉ của cậu con trai phải chăng chính là hình ảnh của Nhĩ thuở nào. Chính vì vậy anh đã ngẫm ra một triết lí về cuộc sống; “Con người ta trong đời khó tránh khỏi những điều vòng vèo hoặc chùng chình". Triết lí ấy là của một con người đã trải nghiệm có ước muốn xa vời mà cuộc đời khi trẻ vô tình bỏ qua những cái bình dị ngay bên ta. Anh Nhĩ nhìn đứa con không hiểu được điều anh nhờ nó nên anh đã rút ra triết lí sâu xa đó như nỗi niềm đau đớn, pha lẫn sự ân hận của riêng anh. Vậy là không phải triết lí của một mà của hai thế hệ anh nhìn thấy, nên nó có tính chất quy luật tâm lí của con người. Hiểu được triết lí đó ta mới hiểu được ý tưởng sâu xa của tác giả như muốn khuyên mỗi chúng ta đừng lãng phí thời gian vào những điều vòng vèo, chùng chình mà cần trân trọng những giá trị bền vững, những vẻ đẹp bình dị của cuộc đời ở ngay quanh ta.
 
Hành động anh khoát tay ra hiệu cho con như giục nó, cùng với việc anh nhoài người về phía cửa sổ như cố truyền lấy những khát vọng tâm hồn đẹp đẽ, chân thành để thức tỉnh đứa con hay mỗi chúng ta về những cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.
 
Nhân vật Nhĩ trong truyện là nhân vật tư tưởng, một loại nhân vật nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn sau 1975. Nhà văn đã gửi gắm qua nhân vật nhiều điều quan sát, suy ngẫm, triết lí về cuộc đời và con người. Những chiêm nghiệm, triết lí đã được chuyển hóa vào cuộc sống nội tâm của nhân vật, với diễn biến của tâm trạng dưới sự tác động của hoàn cảnh được miêu tả tinh tế, hợp lí. Nhân vật gợi cho ta nhiều suy ngẫm về cuộc sống, về chính bản thân mình một cách nhẹ nhàng, thấm thía.

0