04/06/2017, 08:46

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Cảnh ngày hè

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43) - Nguyễn Trãi. I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI 1. Đọc Tiểu dẫn để biết xuất xứ của bài thơ (Chú ý: Đây là thơ Nôm của Nguyễn Trãi) . 2. Đọc bài thơ với giọng điệu vui, thanh thản. Chú ý ngắt nhịp đúng câu thơ sáu chữ (theo nhịp 3 - ...

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43) - Nguyễn Trãi.

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Đọc Tiểu dẫn để biết xuất xứ của bài thơ (Chú ý: Đây là thơ Nôm của Nguyễn Trãi).
2. Đọc bài thơ với giọng điệu vui, thanh thản. Chú ý ngắt nhịp đúng câu thơ sáu chữ (theo nhịp 3 - 3) và một số câu bảy chữ theo nhịp 3-4:
Thạch lựu hiên / còn phun thức đỏ
Hồng liên tri / đã tiễn mùi hương.
 
3. Xem kĩ chú thích để hiểu đúng nội dung bài thơ (chú ý các điển tích và các từ cổ).
• Sau đây là một số gợi ý để trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài:

Trước khi đi vào từng câu hỏi, cần nhận rõ thời gian và thời điểm của cảnh trong bài thơ:
 
- Thời gian vào cuối mùa hè: Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
(Hoa sen tàn đã hết hương thơm).

- Thời điểm vào cuối ngày: (...) tịch dương: lúc mặt trời sắp lặn.

1. Tìm những động từ diễn tả trạng thái của cảnh.
- Động từ "đùn đùn", "giương" trong câu thơ:
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
 
- Động từ "phun" trong câu thơ:
Thạch lựu hiển còn phun thức đỏ.
 
Cảnh vật đang ở vào cuối mùa, cuối ngày, nhưng sự sống thì không dừng lại. Có một cái gì thôi thúc từ bên trong, đang ứa căng, đang tràn đầy, không kìm lại được, phải đùn đùn, phải giương lên, phải phun ra, hết lớp này đến lớp khác, khiến cho cảnh vật sinh động, đầy sức sống.
 
2. Phân tích rõ sự hài hòa của cảnh trong bức tranh thơ này
- Sự hài hòa giữa âm thanh và màu sắc: màu lục của lá hòe làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu, tiếng ve inh ỏi trong ánh mặt trời buổi chiều hòa cùng tiếng lao xao của chợ cá cuối ngày...
 
- Sự hài hòa giữa cảnh vật và con người: người rỗi rãi hóng mát trước cảnh ngày hè tươi đẹp, chợ cá lao xao và những ngư phủ làng chài, ve kêu như tiếng đàn quanh lầu lúc mặt trời sắp lặn...
 
3. Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? tấm lòng của ông đối với thiên nhiên ra sao ?
- Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng nhiều giác quan: thị giác (màu sắc), thính giác (âm thanh), khứu giác (mùi hương), và cả sự liên tưởng (nghe tiếng ve kêu như một khúc đàn của thiên nhiên).
 
- Sự giao cảm mạnh mẽ nhưng tinh tế của nhà thơ đối với cảnh vật cho thấy ông là một hồn thơ yêu thiên nhiên tha thiết, say đắm, đã vẽ nên bức tranh Cảnh ngày hè sinh động, có hồn.
 
4. Tìm hiểu vẻ đẹp tâm hồn (bức tranh tâm trạng) của nhà thơ trong hai câu thơ cuối.
- Không chỉ yêu thiên nhiên, Nguyễn Trãi còn là một con người yêu đời, yêu cuộc sống, một tấm lòng ưu ái với dân, với nước. Điều này được bộc lộ rõ rệt và sâu sắc trong hai câu thơ cuối:
 
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Ông ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong mong cho "dân giàu đủ khắp đòi phương". Câu kết của bài thơ cô đúc trong sáu chữ, thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài. Điểm kết tụ của hồn thơ Nguyễn Trãi không phải ở thiên nhiên, tạo vật mà chính là ở con người, ở người dân. Ông mong cho dân giàu đủ nhưng đó phải là hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nơi: khắp đòi phương.
 
5. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ
Là cả ba điều như SGK đã gợi ý, nhưng nên hiểu theo lôgíc tâm trạng của thi nhân: trước cảnh ngày hè tươi đẹp, ông yêu thiên nhiên tha thiết, từ đó mà yêu đời, yêu cuộc sống và có khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân. Nhân dân vẫn là cội nguồn cho cảm hứng thơ Nguyễn Trãi và làm nên vẻ đẹp tâm hồn của thơ ông.
 
II. LUYỆN TẬP
Gợi ý bài 1:
Yêu cầu cần đạt là nêu rõ vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.

- Vẻ đẹp của thiên nhiên: bức tranh ngày hè hài hòa màu sắc, âm thanh, đầy sức sống, quen thuộc gần gũi mà đẹp.

- Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi: yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng canh cánh bên lòng nỗi niềm ưu ái đối với dân, với nước.

0