Soạn bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê SBT Văn 7...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 trang 83 SBT Ngữ Văn 7 tập 1- Soạn bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) – Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư) Bài tập 1. Câu 1, trang 124, SGK. 2. Câu 2, trang 124, SGK. 3. Dân ca Nam triều (đầu thế kỉ V – cuối thế kỉ VI) đã ...
Bài tập
1. Câu 1, trang 124, SGK.
2. Câu 2, trang 124, SGK.
3. Dân ca Nam triều (đầu thế kỉ V – cuối thế kỉ VI) đã ảnh hưởng sâu sắc đến Lí Bạch. Hãy so sánh bài Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tmh) với bài Thu ca (Bài ca mùa thu) sau đây trong dân ca Nam triều;
Phiên âm
Thu phong nhập song lí
La trướng khởi phiêu dương
Ngưỡng đầu khán minh nguyệt
Kí tình thiên lí quang.
Dịch thơ
Gió thu luồn song cửa
Màn lụa cuốn bay tung
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Gửi tình theo nghìn dặm ánh trăng.
(Hưng Hà dịch)
4. Đọc bài thơ Qua sông Tang Càn (Độ Tang Càn) sau đây của nhà thơ Giả Đảo thời Đường và thực hiện các yêu cầu ở dưới.
Phiên âm
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương.
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ,
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
Dịch nghĩa
Làm khách ở Tinh Châu đã mười sương (tức “mười mùa thu”, “mười năm”)
Lòng muốn về quê, đêm ngày nhớ Hàm Dương.
Bỗng dưng lại phải qua sông Tang Càn (để tới nơi còn xa cố hương hơn nữa)
Ngoảnh nhìn Tinh Châu (lại thấy) Tinh Châu là cô hương.
Tạm dịch thơ
Tinh Châu đất khách mười thu trải,
Khuya sớm Hàm Dương dạ nhớ quê.
Qua bến Tang Càn, chưa rõ cớ,
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê !
(Có tham khảo bản dịch của Tản Đà)
Yêu cầu :
a) So sánh tình cảm quê hương ở bài thơ này với tình cảm quê hương trong bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh.
b) Phải chăng có thể xem đây là một bài thơ có mang màu sắc và ý nghĩa hiện tại ?
c*) Và nếu vậy, phải chăng tình cảm quê hương giữa hai bài thơ này có điều mâu thuẫn nhau ?
5. Chứng minh hai câu đầu trong bài Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê) đã dùng phép đối trong câu và phân tích tác dụng của phép đối ấy. Nhận xét và nếu có thể, so sánh lời dịch hai câu thơ này ở bản dịch của Phạm Sĩ Vĩ và Trần Trọng San.
6. Tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê được biểu hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp ? Vì sao ?
7. Cách lập ý, xây dựng bố cục và thể hiện giọng điệu ở bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê có gì độc đáo ?
Gợi ý làm bài
1. Đọc kĩ ba gợi ý cho câu 1 ở trang 124, SGK.
– Chú ý các từ “thuần tuý” và “hoàn toàn” trong câu hỏi và các câu gợi ý.
– Các từ ấy lưu ý ta không được trả lời phiến diện, cực đoan, một chiều, nghĩa là đã gợi cho ta phương hướng trả lời : trong cảnh có tình và trong tình có cảnh.
– Trong hai câu đầu, tả cảnh là chính nhưng đã thấp thoáng thấy hoạt động, suy tư cảm nghĩ của con người. Có hoạt động, suy tư cảm nghĩ vì tuy không xuất hiện trực tiếp chủ thể trữ tình, không xuất hiện đại từ nhân xưng, song nếu không có con người thì không có việc ngắm trăng, lại càng không có việc so sánh ánh trăng với sương thu, hai sự vật khác nhau về nhiều mặt dù có một chút giống nhau bên ngoài về màu sắc trong những điều kiện nhất định. Từ “trăng” chuyển đến “sương” là từ lĩnh vực “thị giác” chuyển sang “xúc giác” (gây ấn tượng “lạnh”), một lĩnh vực rất dễ lây lan sang lĩnh vực tình cảm, tạo điều kiện cho việc thể hiện tình cảm quê hương ở hai câu sau một cách tự nhiên.
– Trong hai câu sau, tả tình là chính, nhưng ngoài cụm từ “tư cố hương”, tất cả những chữ còn lại đều thông qua hình ảnh hoạt động của con người (ngẩng, ngắm, cúi) để gợi cho người đọc cảm nhận được tình cảm tác giả.
– Từ sự phân tích trên có thể kết luận cảnh và tình trong bài thơ đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn tuy mức độ và cách thể hiện sự kết hợp đó giữa hai câu trên và hai câu dưới có chỗ khác nhau. Trong thơ trữ tình, tình cảm thường biểu hiện một cách gián tiếp nhân một sự kiện nào đó. Sự kiện ở đây là ánh trăng trong vắt trong đêm khuya thanh tĩnh đối với khách tha hương.
2. Phép đối có hai loại : câu trên đối với câu dưới (như trong các bài thất ngôn bát cú Đường luật đã học, như câu thứ ba đối với câu thứ tư trong bài này) và đối giữa hai vế trong một câu (như ở nhiều câu trong đoạn trích Sau phút chia li). Câu 3 và 4 đối với nhau theo đúng nguyên tắc cùng từ loại và cùng cấu trúc ngữ pháp, song đây là thơ cổ thể, nên có thể dùng chữ đầu (ở câu 3) đối với chữ đầu (ở câu 4), một hiện tượng không thể chấp nhận ở thơ Đường luật.
– Có thể dựa vào gợi ý ở câu 1 để phân tích tác dụng của phép đối ở đây. Cũng có thể xem trước đề bài tập 3 ở dưới để làm rõ thêm tác dụng ấy. Sáng tạo của Lí Bạch chính là đưa vào hình ảnh “cúi đầu” để đối với hình ảnh “ngẩng đầu” mà trong bài dân ca Nam triều đã có, để hình tượng hoá, khách quan hoá tình cảm “tư cố hương”.
3. Thu ca là một bài thơ hay trong dân ca Nam triều, so sánh không nhằm hạ thấp giá trị của bài Thu ca mà chủ yếu là để làm rõ đặc sắc của bài Tĩnh dạ tứ.
– Không thể phủ nhận ảnh hưởng sâu sắc của bài Thu ca đối với Tĩnh dạ tứ trên các mặt : sử dụng thể thơ, xây dựng tứ thơ, sử dụng hình ảnh, từ ngữ.
– Mặt khác, cần chỉ rõ : hình tượng ở thơ Lí Bạch tập trung hơn (chỉ tả trăng), câu từ chặt chẽ, tinh tế hơn (câu thứ hai “Ngỡ … sương” đã gắn kết một cách tự nhiên, sinh động câu thứ nhất và hai câu cuối), tình cảm thổ lộ cụ thể hơn (tình quê hương chứ không phải một thứ tình chung chung), đa dạng hơn (qua biểu hiện trực tiếp và gián tiếp, qua suy nghĩ và qua những cử động).
4. – Tình cảm quê hương ở cả hai bài đều thiết tha, sâu nặng : Ở cả hai bài, tình cảm ấy đều. được thể hiện một cách độc đáo qua những khoảnh khắc đặc biệt song ở những khoảnh khắc đặc biệt ấy lại xuất hiện những “sự kiện” khác nhau, những tình huống khác nhau.
– Phải công nhận tình cảm quê hương ở bài Độ Tang Cản có điểm rất mới mẻ. Chính điều này đã khiến cho nhiều bạn đọc Việt Nam khi đọc bài thơ này không thể không nghĩ tới hai câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên trong bài Tiếng hát con tàu : “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.
– Nói như vậy không có nghĩa là khẳng định tình cảm đối với cố hương giữa hai bài thơ có điều mâu thuẫn nhau. Có thể suy luận : Tình cảm của Giả Đảo đối với “quê mới” Tinh Châu còn như thế, huống hồ là đối với “cố hương” Hàm Dương !
“Mới” hay “cũ” đều chỉ là tương đối. Ngay cả với Lí Bạch cũng vậy. Ông vốn quê ở Cam Túc chứ không phải ở Tứ Xuyên, song gia đình đã di cư về đây lâu rồi nên ông đã coi Tứ Xuyên là “cố hương” của ông, và hơn thế, vầng trăng xuất hiện thường xuyên trong thơ Lí Bạch thường là hình ảnh vầng trăng trên đỉnh núi Nga Mi ở Tứ Xuyên chứ không phải là vầng trăng gợi nhớ đến quê gốc Cam Túc. Xét như vậy sẽ thấy tình cảm giữa hai bài thơ không có gì là mâu thuẫn. Ở xã hội hiện đại, cuộc sống của con người lại dịch chuyển nhiều hơn, khẩn trương hơn, nên quan niệm về cái gọi là quê hương cần phải mở rộng, linh hoạt. Cho dù như vậy, thì bên cạnh yếu tố biến động vẫn có yếu tố ổn định. Và dù xét từ góc độ nào, những tình cảm sâu nặng đối với quê hương như trong Tĩnh dạ tứ, Độ Tang Cần vẫn không bao giờ cũ, vẫn còn mang ý nghĩa giáo dục đối với hậu thế.
5. – Phép đối thể hiện trong câu thứ nhất rõ hơn : thiếu – lão, tiểu – đại, li gia – hồi (hương hoặc gia được tỉnh lược).
– Ở câu thứ hai, cần kết hợp phân tích đối chữ và đối ý : dùng một yếu tố thay đổi (tóc mai) đối với một yếu tố không thay đổi (giọng quê).
– Câu thứ nhất dùng khoảng cách rất lớn về thời gian, kết hợp sự thay đổi rất lớn về tuổi tác, vóc dáng người để làm nổi bật tình cảm quê hương. Phép đối ở câu thứ hai nhằm làm nổi bật yếu tố không đổi : tiếng nói quê hương, biểu tượng thiêng liêng của tình cảm quê hương.
– Bám vào văn bản để phân tích song cần vận dụng cả những điều cần thiết ngoài văn bản để làm nổi bật vấn đề : Hạ Tri Chương đã rời quê trên 60 năm, được vua Đường rất quý trọng, ông vẫn xin cáo lão về quê, về quê được mấy tháng thì qua đời. Tiếng Trung Quốc ở mỗi vùng mỗi khác, Hạ Tri Chương làm quan xa quê hàng nghìn dặm trong một quãng thời gian dài như vậy mà giọng nói quê hương không đổi…
– HS tự so sánh hai bản dịch thơ.
6. Nếu ở Tĩnh dạ tứ, còn có cụm từ “tư cố hương” biểu hiện tình cảm một cách trực tiếp, thì ở Hồi hương ngẫu thư, tuyệt không có chỗ nào tác giả biểu hiện tình cảm trực tiếp như vậy.
– Xem lại gợi ý ở bài tập 5 để thấy tác giả đã dùng phép đối trong câu ở hai câu đầu để thể hiện tình cảm gián tiếp như thế nào.
– Để thấy tác giả đã thể hiện tình cảm gián tiếp như thế nào trong hai câu sau, hãy giả định là có người đã sửa hai câu đó như sau :
Lân nhân tương kiến bất tương thức,
Tiện vấn : Quân tòng hà xứ lai ?
(Người hàng xóm gặp mặt không quen biết,
Liền hỏi: Ông ở nơi nào tới ?)
thì sẽ thấy, không chỉ ý nghĩa và sắc thái biểu cảm của hai câu này sẽ đổi khác mà ý nghĩa của cả bài thơ cũng sẽ đổi khác. Điều đó lưu ý ta lúc phân tích phương thức biểu cảm ở hai câu sau, phải xoáy vào các từ : nhi đồng, tiếu, khách.
7. Để trả lời câu hỏi này, cần lần lượt giải đáp ba vấn đề sau đây :
– Ý nghĩa của từ ngẫu (ngẫu nhiên) trong nhan đề thơ. Nói ngẫu nhiên là rất chân thật vì tác giả quả không có chủ định làm một bài thơ ngay khi mới đặt chân về quê. Nhưng một sự việc bất ngờ, một tình huống đầy kịch tính đã xảy ra ngoài dự liệu đã gây sốc thật sự cho tác giả (xem phần gợi ý cho câu 6 ở trên), khiến cho tình cảm tác giả xao động, và tứ thơ tức thời nảy sinh từ đó. Sự việc, tình huống, duyên cớ là có tính ngẫu nhiên song nếu chỉ vì sự ngẫu nhiên đó mà thành thơ thì thơ không thể hay, không thể rung động lòng người. Đằng sau duyên cớ ngẫu nhiên ấy là những điều kiện có tính tất yêu : đó là tình cảm quê hương sâu nặng, là tài năng của nhà thơ.
– Bước nhảy có vẻ đột ngột từ hai câu đầu sang hai câu sau. Suy ngẫm một chút sẽ thấy ở đây đúng là “ngắt mà tiếp”, một lối chuyển tài hoa thường thấy trong những bài thơ Đường xuất sắc. Tiếp là vì sự thay đổi quá lớn ở tác giả (trừ giọng nói), khoảng cách quá lớn về không-thời gian… đã dẫn tới chỗ các em gọi tác giả-đồng hương là khách !
– Sự chuyên hướng đột ngột ở trên đã kéo theo sự thay đổi cũng khá đột ngột về giọng điệu : từ giọng điệu tường thuật bề ngoài dường như bình thản sang giọng điệu hài hước pha lẫn bùi ngùi xót xa.