Soạn bài Cảnh khuya – Rằm tháng giêng (Nguyên tiêu) SBT Ngữ Văn 7 tập 1 trang 103...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6 trang 103 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Có gì đặc biệt trong cách so sánh “Tiếng suối trong như tiếng hát xa” ? Hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” có vẻ đẹp như thế nào ?. Soạn bài Cảnh khuya – Rằm tháng giêng (Nguyên tiêu) SBT Ngữ Văn 7 tập 1 – Soạn ...
Bài tập
1. Dựa vào những hiểu biết về thể thơ tứ tuyệt (tuyệt cú) mà em đã được học trong các bài 5, 6, 9, 10, nhận xét về hình thức thể thơ của bài Cảnh khuya và bài Nguyên tiêu. Chú ý nêu rõ những điểm tương đồng và những chỗ khác biệt của bài thơ này với mô hình chung của thể thơ tứ tuyệt.
2. Có gì đặc biệt trong cách so sánh “Tiếng suối trong như tiếng hát xa” ? Hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” có vẻ đẹp như thế nào ?
3. Câu thơ thứ ba và thứ tư trong bài Cảnh khuya đã bộc lộ chiều sâu và vẻ đẹp tâm hồn của tác giả như thế nào ? Nhận xét về giá trị của điệp ngữ “chưa ngủ” trong hai câu thơ này.
4. Câu 4, trang 142, SGK.
5. Câu 7*, trang 142, SGK.
6. Câu 6, trang 142, SGK.
Gợi ý làm bài
1. Cần đọc lại các bài thơ thể tứ tuyệt ở các bài 5, 6, 9, 10 và chú thích về thể thơ này ở Bài 5 – SGK. Từ đó rút ra đặc điểm chung về hình thức của thể thơ tứ tuyệt : số câu thơ trong một bài, số tiếng (chữ) trong mỗi câu, vần và vị trí của vần, cách ngắt nhịp, phối hợp thanh điệu trong từng câu.
Đối chiếu hình thức thể thơ của hai bài Cảnh khuya và Nguyên tiêu (phiên âm chữ Hán) vói mô hình chung về hình thức của thể tứ tuyệt để thấy được những điểm trùng hợp và những chỗ khác biệt. Chú ý đến cách ngắt nhịp ở câu thứ nhất và câu thứ tư của bài Cảnh khuya.
2. a) Cần đọc lại đoạn trích Bài ca Côn Sơn – Bài 6, chú ý trong câu thơ của Nguyễn Trãi, tiếng suối gợi ra âm thanh gì. Đối chiếu với cách so sánh tiếng suối với tiếng hát trong câu thơ đầu của bài Cảnh khuya, từ đó nhận ra sự khác biệt và độc đáo của hình ảnh so sánh trong câu thơ này. Cố gắng cảm nhận vẻ đẹp riêng của hình ảnh tiếng suối được gợi ra trong câu thơ của Bác Hồ.
b) Chú ý bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong câu thơ có chiều cao và nhiều tầng bậc trong không gian, lại có những đường nét, hình ảnh lung linh được tạo nên bởi ánh sáng và bóng cây, bóng lá.
Hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” có vẻ đẹp của một bức tranh nhiều tầng, lớp, đường nét, hình khối đa dạng ; có ánh trăng từ trên cao toả xuống toàn bộ không gian, lồng vào vòm cây ; có dáng hình vươn cao toả rộng của vòm cổ thụ lấp loáng ánh trăng ; có bóng lá, bóng cây, bóng trăng in vào khóm hoa, in lên mặt đất thành những hình như trăm ngàn bông hoa được thêu dệt. Bức tranh chỉ có hai màu sáng – tối, trắng – đen mà tạo nên vẻ lung linh, chập chờn, lại ấm áp, hoà hợp, quấn quýt bởi âm hưởng của hai từ “lồng” ở một câu thơ.
3. Hai câu thơ cuối của bài Cảnh khuya đã bộc lộ vẻ đẹp và chiều sâu tâm hồn của tác giả. Câu thơ thứ ba : “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ” đã thể hiện chất nghệ sĩ trong tâm hồn Hồ Chí Minh. Đó là sự rung động, niềm say mê trước vẻ đẹp như tranh của cảnh trăng rừng Việt Bắc. Nhưng câu thứ tư bất ngờ mở ra vẻ đẹp và chiều sâu mới trong tâm hồn nhà thơ : thao thức chưa ngủ còn vì lo nghĩ đến vận mệnh của đất nước trong hoàn cảnh rất khó khăn – thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Điệp ngữ “chưa ngủ” đặt ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư như một bản lề mở ra hai phía của tâm trạng trong cùng một con người : niềm say cảnh thiên nhiên và nỗi lo việc nước. Điều đặc sắc ở đây là hai khía cạnh ấy không mâu thuẫn với nhau mà hoà hợp, thống nhất trong tâm hồn của Bác Hồ, cũng như chất nghệ sĩ và chất chiến sĩ luôn thống nhất trong con người Bác.
4. Hai câu đầu của bài Rằm tháng giêng vẽ ra một khung cảnh không gian cao rộng, bát ngát, tràn đầy ánh sáng trong trẻo và sức sống của mùa xuân. Câu thơ đầu mở ra khung cảnh bầu trời cao rộng, trong trẻo của đêm rằm tháng giêng, nổi bật trên bầu trời ấy là vầng trăng rằm tròn đầy, toả ánh sáng trong trẻo xuống khắp mặt đất. Câu thơ thứ hai vẽ ra một không gian xa rộng bát ngát như không có giới hạn, với con sông, mặt nước tiếp liền với bầu trời. Trong nguyên văn chữ Hán, câu thơ này có ba từ “xuân” được lặp lại, đã nhấn mạnh vẻ đẹp và sức sống mùa xuân của cảnh vật. Khí xuân, sắc xuân thấm vào mọi cảnh vật và tràn ngập cả đất trời. Cách miêu tả không gian ở bài thơ này cũng giống như trong thơ cổ phương Đông, chú ý đến toàn cảnh và sự hoà hợp, thống nhất của các bộ phận trong cái toàn thể.
5.* Cả hai bài thơ đều tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng cảnh trong mỗi bài có một vẻ đẹp riêng.
Cảnh khuya là cảnh trăng rừng. Trong đêm khuya yên tĩnh, tiếng suối càng vang xa, trong trẻo và cảnh vật càng trở nên lộng lẫy với “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Còn Rằm tháng giêng (Nguyên tiêu) là cảnh trăng bát ngát giữa trời nước bao la của một đêm xuân. Hai câu đầu mở ra một cảnh rộng rãi, bao la, có chiều cao của bầu trời với vầng trăng tròn đầy của đêm rằm tháng giêng, có chiều rộng, xa bát ngát của sông nước tiếp liền với bầu trời. Thiên nhiên ấy tràn đầy sức sống của mùa xuân và lai láng ánh trăng. Giữa cảnh trăng nước mênh mang của đêm rằm tháng giêng, sau lúc bàn bạc việc quân, con thuyền đang lướt đi trên sông như cũng chở đầy ánh trăng.
6. a) Để cảm nhận được phong thái ung dung, lạc quan của Bác Hồ thể hiện trong hai bài thơ, cần chú ý : hoàn cảnh sáng tác, hình ảnh thiên nhiên qua cái nhìn của tác giả, tâm trạng và hoạt động của con người trong khung cảnh ấy và giọng điệu của bài thơ.
b) Phong thái ung dung lạc quan đựơc thể hiện ở :
– Những rung động tinh tế và dồi dào của một tâm hồn nghệ sĩ trước cái đẹp của thiên nhiên đất nước, đã sáng tạo nên những bức tranh đẹp về cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc.
– Tâm trạng của tác giả trong bài Cảnh khuya : mặc dù lo nghĩ việc nước đến tận canh khuya nhưng vẫn không quên cảm nhận vẻ đẹp kì thú của cảnh trăng rừng, của tiếng suối trong.
– Cảnh con thuyền của vị lãnh tụ và các đồng chí sau lúc bàn bạc việc quân trở về, phơi phới nhẹ nhàng chở đầy ánh trăng trong bài Rằm tháng giêng.
– Giọng thơ khoẻ khoắn, trẻ trung, có suy tư, trăn trở nhưng vẫn hào hứng, đầy tin tưởng.
Đặt trong hoàn cảnh sáng tác ở thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, càng thấy rõ phong thái ung dung lạc quan của Bác Hồ trong hai bài thơ.