Soạn bài Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh SBT Ngữ văn 10 tập 1
Giải câu 1, 2 trang 123 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Anh (chị) hãy phân tích hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh sau đây : XUÂN DIỆU - MỘT NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH, NGHIÊN CỨU THƠ CA TÀI NĂNG ...
Giải câu 1, 2 trang 123 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Anh (chị) hãy phân tích hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh sau đây : XUÂN DIỆU - MỘT NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH, NGHIÊN CỨU THƠ CA TÀI NĂNG
1. Anh (chị) hãy phân tích hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh sau đây :
XUÂN DIỆU - MỘT NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH,
NGHIÊN CỨU THƠ CA TÀI NĂNG
Tôi không hiểu nhiều lắm về đời tư Xuân Diệu, cũng không hiểu ở các lĩnh vực khác, ở những mối quan hệ khác, Xuân Diệu là người như thế nào. Còn đối với văn chương, ở riêng địa hạt văn chương thì Xuân Diệu quả thực có biệt tài. Đặc biệt là tài thẩm thơ. Có khi ông chỉ chữa giúp tôi một chữ mà bài thơ biến đổi cả thần thái. Ví như bài Đêm Côn Sơn, tôi viết:
Mờ mờ ông Bụt ngồi nghiêm
Sợ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền.
Sợ gì là tôi tự nói với mình, trong đêm đừng sợ ông Bụt, ông vẫn chỉ ngồi yên thế thôi. Nhưng đến Xuân Diệu, ông chữa thành :
Mờ mờ ông Bụt ngồi nghiêm ;
Nghĩ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền.
Xuân Diệu chỉ thay một chữ nghĩ, ông Bụt đã hoá thành cơ thể sống, đã thành sự sống.
Xuân Diệu tinh tường như vậy đấy. Còn trong lĩnh vực sáng tác, Xuân Diệu đã hoàn thành xuất sắc sự nghiệp thơ ca của mình từ khi ông mới hai mươi tư tuổi : cho ra đời hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Đây là thời kì rực rỡ nhất trong đời thơ Xuân Diệu. Thơ ông tài hoa, tinh tế và sang trọng. Sau này Xuân Diệu vẫn tiếp tục làm thơ, đều đặn và cần mẫn: "Cục ta cục tác - Đẻ trứng này rồi - Tôi còn trứng khác". Và cũng như con gà công nghiệp ấy, Xuân Diệu "đẻ" liên tục, sòn sòn hết lứa này đến lứa khác.Trung bình cứ một, hai năm ông lại cho ra đời một tập thơ đề huề, vạm vỡ. Nhưng đấy vẫn là sản phẩm phụ, là phần ông làm thêm, cho ta một Xuân Diệu sung sức, một Xuân Diệu phong phú, đa dạng, tung hoành trên nhiều đề tài.
Tuy thế, tôi trộm nghĩ, sự đóng góp lớn lao của Xuân Diệu sau Cách mạng vẫn không phải là thơ ca, mặc dù thơ ông vẫn hay, cũng không phải ở mảng dịch thuật, mặc dù mảng dịch thơ, giới thiệu thơ này cũng đã đủ thành một sự nghiệp mà nhiều người không dám mơ tưởng. Tài năng Xuân Diệu sau thời Thơ thơ và Gửi hương cho gió, một lần nữa lại rực chói lên ở lĩnh vực phê bình, nghiên cứu thơ ca. Nói như Chế Lan Viên, một mình Xuân Diệu làm việc bằng cả một viện hàn lâm văn học. Ở đó, ông vừa là viện trưởng vừa là anh loong toong. Xuân Diệu đã viết về hầu hết các danh nhân văn học Việt Nam. Viết hay đến mức không ai có thể sánh được. Mặc dù trước Xuân Diệu, chúng ta đã có Hoài Thanh - nhà phê bình thiên tài ở thời Thơ mới. Trong khi có những nhà nghiên cứu viết hàng tập chuyên luận dày hàng trăm trang về một tác giả nào đó mà vẫn lù mù, vẫn "mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm", thì Hoài Thanh chỉ lẩy vài chữ, thậm chí chẳng cần trích một câu thơ nào, mà vẫn thể hiện hết thần thái, hồn vía của thi sĩ đó. Nếu Hoài Thanh có biệt tài tiên cảm văn chương, thì Xuân Diệu lại rất giỏi đi vào kĩ xảo, đi vào thực tiễn cụ thể của bếp núc nhà nghề. Hai tập Nhà thơ cổ điển của ông, cùng với Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, là hai bộ sách quý, và đối với tôi, đó còn là bảo bối, là sách học nghề...
(Theo Trần Đãng Khoa, Chân dung và đối thoại,
Nhan đề do NBS đặt)
Trả lời:
Anh (chị) hãy đọc kĩ văn bản và trả lời các câu hỏi sau đây :
- Tài năng của Xuân Diệu được thuyết minh trên những lĩnh vực nào ?
- Trong từng lĩnh vực, tài năng đó được giới thiệu theo cách nào ? (Lưu ý: lĩnh vực sáng tác, lĩnh vực phê bình và nghiên cứu thơ ca).
- Nhìn toàn cục cũng như từng phần, văn bản đã lựa chọn những hình thức kết cấu nào ?
2. Hãy viết một bài văn thuyết minh một danh lam thắng cảnh ở địa phương hoặc anh (chị) đã có dịp đến thăm.
Trả lời:
- Chọn một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở địa phưong hoặc ở một nơi nào đó mà anh (chị) đã có dịp đến thăm.
- Dự kiến hình thức kết cấu của văn bản và lập dàn ý cho bài viết. Ví dụ :
+ Giới thiệu vị trí địa lí, cách đi đến địa điểm danh lam thắng cảnh đó.
+ Lần lượt thuyết minh những nét thật nổi bật như phong cảnh, sản vật, lịch sử,...
+ Bộc lộ suy nghĩ và tình cảm của mình.
Có thể tham khảo bài viết dưới đây:
HỘI AN TRÊN BẾN DƯỚI THUYỀN
Hội An ngày nay là một thị xã gồm ba phường nội thị và sáu xã vòng ngoài. Từ Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, đi về phía nam dọc sân bay quân sự Nước Mặn, qua phố Non Nước, qua Điện Ngọc rồi đến Hội An chỉ 32 km, có xe buýt đi suốt ngày; hoặc có thể đi xe lam, xe buýt theo quốc lộ số 1 vào Vĩnh Điện 28 km, rồi từ Vĩnh Điện đi xe lam sang phía đông đến Hội An thêm 10 km nữa.
Đất Hội An chằng chịt sông lạch. Sông Thu Bồn từ phía tây Gò Nổi chảy ra Cửa Đại, có tên là sông Chợ Củi hay Sài Thị, đến đây được gọi là sông Hội An. Bên dưới thị xã Hội An vài cây số là ngã ba có Trường Giang chảy từ nam lên bắc, song song với bờ biển suốt từ cửa sông Tam Kì lên tới cửa sông Thu Bồn. Trường Giang là tàn tích của phá nước mặn xưa kia nằm dọc bờ biển Quảng Nam.
Ngoài hai sông lớn chảy ngang, chảy dọc như thế, lại còn vô số ngòi lạch chi chít, làm cho Hội An thành một ngã ba đường thuỷ tiện lợi vô cùng : phía đông có thể xuôi ra Cửa Đại, phía tây ngược lên đến các ngọn nguồn của các sông Vu Gia, Thu Bồn, theo đường biển lên đến sông Hàn ; phía nam theo Trường Giang vào Thăng Bình, Tam Kì, ra cửa Lỡ, cửa An Hoà và vũng Dung Quất; nghĩa là đi ngang dọc gần hết đất Quảng Nam. Vị trí đặc biệt như thế làm cho Hội An nay cũng như xưa, vừa là cảng sông, vừa là cảng biển, sầm uất, tấp nập lạ thường, nhộn nhịp suốt ngày và cả một phần đêm nữa. Quang cảnh trên bến dưới thuyền ấy, ngày trước Nguyễn Tuân đã tả trong tuỳ bút Cửa Đại: "[...] bóng trăng thanh rọi xuống mặt sông Hội An. Trên mặt sông, thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít dây lèo buồm, dây thừng. Bấy nhiêu nét đen sắc đều nhấp nhô lay động theo mực nước thuỷ triều đang dâng lên rất mạnh. Ánh trăng bị dầm tan trong lòng con sông mà nước ngọt đang bị bể ngoài pha rót vào bao nhiêu là muối chát mặn".
Thuyền xuôi, thuyền ngược, thuyền vào, thuyền ra, không mấy ai quên ghé lên Phố ăn một món đặc biệt của Hội An là món "cao lầu" - một món ăn tương tự như phở, nhưng nước dùng rất ít, chỉ đủ ướt bánh mà thôi, còn thịt thì không phải luộc chín hay chần tái, mà xào qua trong chảo mỡ.
Hội An cũng không hiếm món ăn thú vị do sông nước đem lại. Sông Hội An - cũng được quen gọi là sông Phố - có một giống cá rất ngon, chỉ ở đây mới có mà thôi, là cá trảnh, mà chính người rất sành ăn là Nguyễn Tuân đã phải khen là thịt thơm như cá sông Hương. Và Nguyễn Tuân còn kể thêm một món ăn rất bình dân nữa: "[...] bên bờ xa kia là làng Cẩm Phố, một cái làng rất giàu có mà sớm mai tới đây người ta sẽ đem sang bên này bờ bán cho tôi những con hến luộc nhỏ xíu dùng làm đồ ăn điểm tâm với bánh tráng. Ở Huế món ăn bình dân nổi tiếng là hến ăn với cơm nguội, thì ở đây ăn với bánh tráng tức bánh đa. Bánh bẻ ra từng miếng, cầm tay xúc hến đưa lên miệng ăn luôn, bánh giòn nhai rau ráu, hến thì mềm mại, mặn mà, béo béo, mùi vị tương phản nhưng hợp thành một món thì lại hài hoà hết sức, vì món ăn mà lí thú thì chẳng nhất thiết cứ phải là cao lương, mĩ vị".
Sông trước mặt, biển bên cạnh lại còn cho người Hội An những món ăn trong bữa cơm hằng ngày rẻ mà ngon nữa: nào là mắm cá dưa, mắm cá cơm và nhiều thứ mắm khác; nào là cá nục, những con to bằng hai ngón tay và dài hơn ngón tay giữa người lớn; còn rau thì rau Trà Quế nổi tiếng, và tất cả rau, cá, thứ gì cũng rẻ lạ thường...
(Theo Hoàng Thiếu Sơn,
Việt Nam non xanh nước biếc)
Sachbaitap.com