Soạn bài Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (Tiếp theo) SBT Ngữ văn 10 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 99 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Phân tích đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. ...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 99 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Phân tích đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
1. Bài tập 1, trang 127, SGK.
Trả lời:
Đoạn trích Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm mang đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, ghi lại những ý nghĩ, tâm trạng riêng tư của một con người cụ thể (chính tác giả). Tính cảm xúc bộc lộ ở những suy tư, ở tâm trạng, những trăn trở về bản thân và tình cảm đối với nơi đang sinh sống, đối với sự nghiệp cách mạng đang cống hiến.
2. Bài tập 2, trang 127, SGK.
Trả lời:
Chú ý các từ xưng hô (mình/ ta, cô/ anh), các chi tiết cụ thể (nhớ hàm răng, yếm trắng loà xoà, đập đất trồng cà), cách bộc lộ tâm tình của nhân vật trữ tình (thẳng thắn, bộc trực).
3. Bài tập 3, trang 127, SGK.
Trả lời:
Chú ý đến những câu nói song hành đối xứng, tạo nên sắc thái hùng tráng của sử thi. Ngoài ra, cần chú ý đến những cách nhấn mạnh bằng từ ngữ chỉ mức độ cao (tất cả, nghìn, vạn,...), những câu cầu khiến kêu gọi,...
4. Phân tích đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện qua đoạn hội thoại sau:
Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:
- Ai đấy nhỉ ?... Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên ?
- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.
- Quái nhỉ ?
Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.
- Hay là vợ anh cu Tràng ? Ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.
- Ôi chao ! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không ?
Họ cùng nín lặng.
(Kim Lân, Vợ nhặt)
Trả lời:
Cần phân tích đoạn hội thoại theo những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (tính cụ thể, tính cảm xúc và tính cá thể). Tính cụ thể biểu hiện ở việc nêu rõ thời gian, địa điểm, con người, sự việc. Tính cảm xúc thể hiện ở sự thay đổi cảm xúc của các nhân vật (rạng rỡ hẳn lên), ở các từ ngữ tình thái (quái nhỉ, ôi chao,...). Tính cá thể thể hiện ở sự suy đoán và lời nói khác nhau của các nhân vật, ở cử chỉ khác nhau của họ (thở dài, thì thầm, cười lên rung rúc...). Cần chú ý đến những từ ngừ có tính khẩu ngữ (từ xưng hô, từ tình thái, quán ngữ,...), việc dùng nhiều câu hỏi, câu cảm thán, những dạng câu tỉnh lược.
5. Đoạn thơ sau đây tuy thuộc văn bản nghệ thuật, nhưng có những chi tiết của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Hãy phân tích điều đó.
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô,
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng,
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.
- Đằng nớ vợ chưa ?
- Đằng nớ ?
- Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp,
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.
(Hồng Nguyên, Nhớ)
Trả lời:
Đoạn thơ tuy thuộc văn bản nghệ thuật, nhưng có những chi tiết của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt :
- Về nội dung, đoạn thơ thuật lại cảnh sinh hoạt gần gũi, thân mật hằng ngày của một đơn vị bộ đội trong kháng chiến chống Pháp.
- Những hình ảnh, chi tiết trong sự việc rất cụ thể (nắng mưa sờn mép ba lô, nghỉ lại lưng đèo, nằm trên dốc nắng, kì hộ lưng nhau, quờ chân tìm hơi ấm,...).
- Có một đoạn hội thoại giữa những người lính, ở đó họ dùng những từ xưng hô thân mật, suồng sã và dùng từ địa phương, từ khẩu ngữ (đằng nớ, tớ,...).
Sachbaitap.com