24/05/2018, 23:23

Sân khấu dân gian Việt Nam

Ở Việt Nam, đã có nhiều hình thức sân khấu dân gian tồn tại lâu đời như hát chèo, hát tuồng, múa rối nước...và mới hơn như cải lương, kịch dân ca. Chèo là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên ...

Ở Việt Nam, đã có nhiều hình thức sân khấu dân gian tồn tại lâu đời như hát chèo, hát tuồng, múa rối nước...và mới hơn như cải lương, kịch dân ca.

Chèo là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng. Nội dung của các vở chèo lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm, mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc, đồng thời thể hiện tính dân tộc Việt. Sân khấu chèo đơn giản, với các diễn viên có thể không chuyên, biểu diễn ngẫu hứng.

Loại hình nghệ thuật dân gian này được phát sinh và phát triển ở nông thôn Việt Nam, chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ. Nó đạt đỉnh cao phát triển vào thời kỳ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Đến thế kỷ 19, chèo nhận ảnh hưởng của tuồng. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu thành thị.

Múa rối nước ra đời khoảng thế kỷ 10-11 ở đồng bằng Bắc Bộ gắn với mặt nước hồ ao đồng ruộng.

Tuồng (còn gọi là hát Bội hay hát Bộ) là môn nghệ thuật từng thâm nhập vào cuộc sống cung đình và dần dà, có nhiều gánh hát đã được chuyên nghiệp hóa. Chữ tuồng có người cho là bởi chữ tường mà ra; tức hình dung dáng dấp, cử chỉ của người đời xưa. Thế kỷ 19 là thời hoàng kim của nghệ thuật tuồng. Tại từng địa phương ở Việt Nam còn có trường phái tuồng riêng, như tuồng Quảng Nam.

Cải lương là một nghệ thuật kịch hát của miền nam Việt Nam, trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ. Nghệ thuật này ra đời vào năm 1917, chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc Tây phương hơn so với các nghệ thuật thuần túy như hát chèo và hát bội. Đề tài của các tuồng cải lương thường liên quan đến các điển tích và những vấn đề xã hội. Hiện nay cải lương vẫn còn thịnh hành, đặc biệt là tại miền nam Việt Nam.

Loại hình sân khấu mới xuất hiện ở Việt Nam từ sau Cách mạng tháng 8, dựa trên nền tảng âm nhạc là các làn điệu dân ca ở địa phương, ví dụ như Kịch dân ca Bài chòi, Kịch dân ca Huế, Kịch dân ca Nghệ Tĩnh... Đây là loại hình nghệ thuật mới, tương tự như tuồng, chèo và cải lương.

Ca kịch Bài chòi bắt nguồn từ thú chơi bài chòi của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng, về sau phát triển thành hình thức biểu diễn thơ tự sự, kể chuyện. Âm nhạc bắt nguồn từ các làn điệu dân ca miền Trung như Quảng Nam - Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị..., có các điệu chính là xuân nữ, nam xuân và xàng xê. Dàn nhạc đơn giản chỉ có đàn nhị, sanh sứa, sau có thêm đàn nguyệt, sáo và sinh tiền. Điều độc đáo của ca kịch Bài chòi là một diễn viên có thế thủ một lúc nhiều vai, với dàn nhạc đơn sơ nhưng vẫn lôi cuốn khán giả (tương tự như Pansori của Hàn Quốc). Bài chòi được phát triển chuyên nghiệp từ sự ra đời của Đoàn ca kịch Liên khu V với nghệ sĩ tiêu biểu như Lệ Thi.

0