Rối loạn tiêu hóa lâu dễ bị ung thư đại trực tràng?
Nội soi đại tràng toàn phần giúp phát hiện sớm polyp, ngăn chặn nguy cơ ung thư đại trực tràng. Một số triệu chứng sớm của bệnh là đi ngoài có máu trong phân, thường xuyên bị tiêu chảy, táo bón, người thiếu máu... Việc tầm soát, phát hiện và cắt bỏ polyp có thể giúp phòng ngừa ung ...
Nội soi đại tràng toàn phần giúp phát hiện sớm polyp, ngăn chặn nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Một số triệu chứng sớm của bệnh là đi ngoài có máu trong phân, thường xuyên bị tiêu chảy, táo bón, người thiếu máu... Việc tầm soát, phát hiện và cắt bỏ polyp có thể giúp phòng ngừa ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến với tỷ lệ tử vong rất cao, đứng hàng thứ 2 trong các ung thư, sau ung thư phổi.
Theo Giáo sư Trịnh Đình Hỷ, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Orland, Pháp, Giáo sư danh dự Đại học Y Dược TP HCM và Đại học Y khoa Huế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu ca ung thư đại trực tràng được phát hiện mới và một nửa trong số đó, tức khoảng 500.000 ca tử vong. Việt Nam có 84 triệu dân thì có khoảng 40.000 ca mới mỗi năm, và ước chừng một nửa số này mất vì bệnh.
Ung thư đại trực tràng thường phát triển âm thầm trong nhiều năm, đại đa số có nguyên nhân là do polyp đại tràng. Đây là loại ung thư có tiên lượng xấu nếu phát hiện trễ, đã có triệu chứng rõ rệt. Ngược lại nó có thể được phòng ngừa hữu hiệu khi tầm soát sớm và điều trị dưới dạng polyp tuyến.
Theo giáo sư Hỷ, thông thường, thời gian tiến triển từ polyp tuyến thành ung thư là khoảng 7 - 10 năm, với tốc độ lớn khoảng vài mm trong một năm. Polyp càng lớn thì càng có khả năng có thành phần ung thư. Với những polyp lớn hơn 1cm thì khả năng có thành phần ung thư là 10%. Vì thế, cách tốt nhất để phòng ngừa, điều trị ung thư là cần tầm soát, phát hiện sớm và cắt bỏ polyp từ khi nó chưa có thành phần ung thư.
Hiện nay có nhiều phương tiện tầm soát ung thư đại trực tràng. Có thể phát hiện chảy máu hoặc tế bào ung thư bằng việc tìm máu ẩn trong phân, tìm DNA tế bào ung thư thải trong phân. Bên cạnh đó, có thể phát hiện hình ảnh ung thư và polyp bằng việc chụp đại tràng CT – Scanner, soi smiga, soi đại tràng toàn phần, soi viên nang đại tràng. Trong số này, soi đại tràng toàn phần là “tiêu chuẩn vàng”, có hiệu quả cao trong việc phát hiện, chẩn đoán, sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp, giảm 50% tử vong do ung thư đại trực tràng.
Việc phòng ngừa và tầm soát ung thư đại trực tràng tùy thuộc vào tiền sử gia đình, tiền sử cá nhân và triệu chứng lâm sàng của từng người.
"Những người có nguy cơ cao như có tiền sử polyp tuyến, tiền sử phẫu thuật ung thư đại tràng, người mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính lâu năm, người có tiền sử gia đình, người thân trong liên hệ độ 1 như bố, mẹ, anh, chị, em, con… có polyp tuyến hoặc ung thư đại tràng, người có hội chứng đa polyp… cần phải được nội soi đại tràng toàn phần 5 năm một lần và theo dõi chặt chẽ hơn", giáo sư Hỷ cho biết.
Những người lớn tuổi, người hút thuốc, béo phì, người có chế độ ăn nhiều chất béo cũng là những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh.
Một số triệu chứng sớm thường gặp của ung thư đại trực trànglà khi đi ngoài thường có máu trong phân hoặc phân đen, thường xuyên bị tiêu chảy, táo bón, người thiếu máu. Giai đoạn nặng của bệnh sẽ dẫn tới tắc ruột, nôn mửa, bắt đầu sụt ký.
Giáo sư Hỷ cho biết, sau khi cắt bỏ polyp, vẫn cần có sự theo dõi. Thời gian theo dõi tùy thuộc polyp ở giai đoạn nào, theo sự chỉ định của bác sĩ. Thông thường, nếu là polyp tăng sản thì không cần theo dõi nhưng nếu là polyp tuyến thì phải theo dõi tầm soát.
Về vấn đề nội soi đại tràng, thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Vĩnh, Phòng khám Đa khoa Yersin cho biết, việc nội soi là nỗi sợ hãi, ám ảnh của không ít bệnh nhân vì thường gặp phải cảm giác nôn ọe, khó chịu. Tuy nhiên hiện nay có nhiều kỹ thuật mới giúp cho việc nội soi nhẹ nhàng, an toàn và chính xác hơn như nội soi qua đường mũi, nội soi viên nang... Ngoài ra, phương pháp thường dùng là nội soi có an thần, giảm đau giúp bệnh nhân trải qua việc nội soi nhẹ nhàng, êm dịu, không đau và thoải mái hơn.