21/02/2018, 08:51

Quyền lực của sự tha thứ

Đề bài: Nhiều người tưởng sự tha thứ làm cho người ta yếu đi. Mandela chứng minh ngược lại: Tha thứ làm cho người ta mạnh mẽ. Một số nhà bình luận chính trị cho quyền lực của Mandela, trước hết, là quyền lực của sự tha thứ (Power of ...

Đề bài: Nhiều người tưởng sự tha thứ làm cho người ta yếu đi. Mandela chứng minh ngược lại: Tha thứ làm cho người ta mạnh mẽ. Một số nhà bình luận chính trị cho quyền lực của Mandela, trước hết, là quyền lực của sự tha thứ (Power of forgiveness).

Và đó là bài học quan trọng nhất mà Mandela để lại cho nhân loại. Ý kiến của anh/chị.

Bài làm

Cuộc sống không tránh khỏi những lúc đẩy đưa buộc chúng ta phải đứng trước những ranh giới. Đó có thể là ranh giới giữa cáí thiện và cái ác, giữa sự sống và cái chết, giữa hòa bình và chiến tranh…. và "điều cốt yếu là phải có sức mạnh vượt qua những ranh giới ấy" (Nguyễn Khải). Nhưng sức mạnh ở đâu? Con người ta nhiều khi cứ lầm tưởng rằng chính những của cải, vật chất, những ánh hào quang của địa vị, những cuồn cuộn trên cơ bắp mới làm cho người ta mạnh mẽ, nhưng "không phải cái gì óng ánh cũng là vàng". Đôi khi, chính những điều tưởng như làm cho người yếu đi lại là điều khiến ta trở lên mạnh mẽ – đó là sự tha thứ. Vị tổng thống Nam Phi Mandela đã chứng minh cho chúng ta thấy, và đó cũng là bài học quan trọng nhất mà ông để lại cho nhân loại.

Thần thoại Hy Lạp vẫn thường nhắc đến Hec Quyn như là một vị thần sức mạnh của những cơ bắp cuồn cuộn, đó là hình tượng thể hiện khát vọng sở hữu sức mạnh thể chất của nhân loại. Song, cũng chính chúng ta, những con người bình thường nhỏ bé lại sở hữu những điều kì diệu ẩn sâu bên trong. Sâu bên trong chúng ta là một vùng đất đặc biệt, ở đó có thể là thiên đường, cũng có thể là địa ngục, nếu mảnh đất ấy được soi sáng bởi một trái tim chân thành, một trí tuệ anh minh, một thiên lương cao đẹp, một tấm lòng khoan dung, thì nơi đó, thiên đường sẽ nở hoa. Sự tha thứ ẩn sâu bên trong, bấy lâu nay "tưới tắm" cho mảnh đất tâm hồn mà chúng ta đâu hề hay biết. Trên mảnh đất ấy, những hạt giống sức mạnh được gieo mầm, cho đến khi trở thành những cái cây mạnh mẽ nhất giúp chúng ta vượt qua mọi ranh giới, mọi thử thách và giông tố cuộc đời. Nó còn giúp ta sẵn sàng gạt bỏ những bụi bẩn thấp hèn, mở rộng tâm hồn để đón những gì cao quý. Chính ánh sáng của những "giá trị bền vững", mà đặc biệt là của lòng khoan dung và sự tha thứ đã đánh thức sức mạnh trong ta, nâng đỡ ta trên những hành trình dài và rộng của cuộc sống. Cuộc sống như một chuyến tàu, trên hành trình đó chúng ta gặp nhiều người, nhiều tính cách khác nhau, thật khó tránh khỏi những bất đồng, va chạm. Ta có thể làm tổn thương người khác, bị người khác làm tổn thương, hay chính mình tự gây tổn thương… Làm thế nào để xoa dịu những tổn thương ấy? Chúng ta cần học cách tha thứ. Nhưng, sự tha thứ không có nghĩa là bôi xóa quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy ra. Cũng không có nghĩa là người khác sẽ thay đổi hành vi mà đó là khi ta buông xả cơn giận hay cay đắng những nỗi đau để chuyển sang một miền tốt đẹp, an vui hơn. "Nhiều người tưởng sự tha thứ làm cho ta yếu đi", Mandela đã chứng minh ngược lại: khi chúng ta biết kiềm chế cay đắng để đến với điều tốt đẹp hơn, là tự chúng ta đã tạo nên sức mạnh tột đỉnh giúp ta vượt qua mọi trở ngại. Đó cũng là bài học quan trọng nhất, thấm thía nhất mà Mandela để lại cho chúng ta.

Phải là một con người cao cả và vĩ đại tới mức nào, sâu sắc và tinh tế tới mức nào, vị cha già của dân tộc Nam Phi mới thấu hiểu được trọn vẹn giá trị thực sự của món quà vô giá mang tên "sự tha thứ". Người ta nói quyền lực của Mandela trước hết là quyền lực của sự tha thứ. Có lẽ không một vị tổng thống trên thế giới nào lại có một cuộc đời bất hạnh và đầy bi kịch như ông. Bị cầm tù 27 năm, từng bị kết án tù chung thân, bị kỳ thị và đầy đọa đến tận cùng, Mandela vẫn không chút oán thù, ông vẫn muốn giải quyết xung đột trầm trọng ở Nam Phi qua con đường hòa giải. Bởi, có lẽ ông hiểu rằng "xung đột là căn bệnh trầm trọng của nhân loại và lòng vị tha là liều thuốc duy nhất" (Voltaire). Chúng ta hiểu rẳng, không ai muốn làm tổn thương người khác, càng không muốn bị tổn thương, Mandela cũng vậy. Sự tha thứ của ông chính là sự tự thương mình, để thương người. Những bi kịch của quá khứ khiến vị tổng thống ấy hiểu nỗi đau – nó như thế nào. Nếu dùng chính nỗi đau ấy để gây ra những nỗi đau khác, thì có lẽ Mandela sẽ lại tiếp tục sống trong những chuỗi ngày bi kịch và sự căm ghét của người đời. Nhưng, điều ấy không thể xảy ra ở một con người mà tấm lòng nhân đạo và sự bao dung của ông có thể khuất phục cả những kẻ thù.
 
Nhiều người ví Mandela với tổng thống Abraham Lincoln, người đã có công hàn gắn sự chia rẽ của nước Mỹ sau một cuộc nội chiến đẫm máu và giải phóng nô lệ. Nhưng có lẽ việc làm của Mandela còn khó khăn hơn Lincoln, khác với Lincoln, Mandela từng bị kẻ thù đầy ải hơn nửa thế kỷ. Cái gọi là sự tha thứ của Mandela, do đó, cao cả hơn hẳn những con người có đời sống bình thường khác.
 
Bản chất của con người là "hướng thiện và hướng thượng" (theo cách nói của Ngô Bảo Châu). Nói sự tha thứ chính là sự tự thương mình cũng có nghĩa là ta đang chăm chút cho hành trình vươn tới những điều cao cả, tốt đẹp thêm vững chắc. Con người làm sao có thể yếu đi khi đang ngày càng tiến xa hơn và cao hơn. Trong hành trình này, con người đang tự bồi đắp những giá trị, cao hơn và xa hơn cũng có nghĩa là mạnh mẽ hơn và quyền lực hơn. Đó cũng là những gì mà con người ta nhận được, học được từ sự tha thứ. Quyền lực của đất là bồi đắp và kết tụ, quyền lực của nước là làm tràn đầy, quyền lực của gió là cuốn trôi, quyền lực của lửa là thiêu cháy… và quyền lực của sự tha thứ, có lẽ còn mạnh mẽ hơn quyền lực của đất, nước, lửa, gió. Nó không những kết tụ, trào dâng, cuốn trôi và thiêu rụi mà nó còn gây ra một nỗi ám ảnh, một sự dằn vặt vô cùng. Sự tha thứ, trên một phương diện nào đó, thật đáng sợ. Người được tha thứ, sẽ không tránh khỏi sự dằn vặt, tại sao sau nỗi đau ta gây ra cho người, thì người lại đối đáp ta bằng lòng khoan dung. Nếu như im lặng là đỉnh cao của sự khinh bỉ thì tha thứ cũng là tột cùng của sự trả thù. Nhưng sẽ lại là một sự trả thù thông minh, một sự đối chọi giữa phần Người và phần Con. Người là loài duy nhất có trí tuệ, biết yêu thương và cảm thông và cũng chỉ có Người mới biết thế nào là tha thứ và chỉ có phần Con – giới tự nhiên mới có tham vọng gây thù, gây chiến tranh. Còn gì đau đớn và ê chề hơn nếu là con người mà chỉ như giới tự nhiên, hành động theo bản năng, tham vọng mù quáng? Đó chính là câu hỏi, cũng là mũi dao nhọn đâm vào trí óc những con người bị khuất phục bởi quyền lực của sự tha thứ. Những người lính Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Miền Nam Việt Nam, dù vẫn còn sống sót trở về sau sự tha thứ, khoan dung của người dân Việt nhưng, suốt quãng đời về sau, họ có được sống yên ổn? Thậm chí, nhiều người bị ám ảnh bởi những tội ác mà mình đã gây ra đến nỗi phát điên… Người Việt không cầu điều đó, nhưng đó là sự trả giá cho tội ác Mỹ đã gây ra, mà sự tha thứ đã đứng lên nói hộ.
 
bao giờ cũng mạnh mẽ như vậy. Nó đã giúp Mandela trở thành huyền thoại, nó cũng đã đưa dân tộc Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm châu. Tha thứ đơn giản là quên đi nỗi đau và chuyển sang một miền tốt đẹp hơn. Quá khứ đã qua, nó không diễn ra, ngoại trừ trong tâm trí. Hãy tưởng tượng, mỗi hơi thở ra là đớn đau của quá khứ để loại bỏ nó ra khỏi tâm hồn và hít vào là bình an làm tràn đầy lòng ta. Hãy biết rằng, tha thứ nghĩa là chúng ta đã dành lấy tấm vé bước vào tương lại và hưởng hạnh phúc. Hãy để tình yêu đời và yêu người lớn lên trong tim, để chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn gấp bội.
 
Tôi chỉ là một cô gái nhỏ nhìn thế giới rộng lớn qua ô cửa nhỏ xíu. Luôn có những điều tôi chưa biết ngoài kia. Cuộc sống trong vòng tay cha mẹ, khiến đôi khi, tôi chỉ biết ích kỷ, chỉ biết giữ khư khư cái "tôi" của mình. Những người đã đến trong cuộc sống tôi, đã có những người đối xử với tôi không tốt và thay vì mở lòng với họ tôi chỉ biết căm ghét. Điều đó càng làm cho những mối quan hệ xung quanh tôi trở lên rắc rối. Và, khi tôi học được hai chữ tha thứ, dù là muộn màng nhưng nó cũng đã giúp tôi có được những người bạn thực sự. Từ hai phía trái nhau đến tha thứ và trở thành bạn, đó là một quãng đường đủ dài để cho tôi hiểu được nhiều điều và càng biết trân trọng những gì đang có. Giờ đây, tôi hài lòng với cuộc sống của tôi.
 
"Sự tha thứ là mùi hương mà Viôlét để lại trên gót chân đã dẫm nát nó" (Manr.Twai). Sự tha thứ mãi mãi là món quà kỳ diệu mà thượng đế đã ban tặng cho trần gian. Nếu ai nhận được món quà ấy nghĩa là họ đã có thêm một dư vị cho cuộc sống tươi đẹp…

Phương Thảo

WeagmaZoorm

0 chủ đề

23911 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0