Bình luận câu nói sau đây của Pascal: “Chúng ta hiểu biết chân lý không những do lý trí mà còn do trái tim”.
Đề bài: Bình luận câu nói sau đây của Pascal: “Chúng ta hiểu biết chân lý không những do lý trí mà còn do trái tim”. Bài làm Bản chất của vạn vật trong trời đất từ xưa đến nay vẫn vậy. Vườn hoa vẫn là chính nó chứ ...
Đề bài: Bình luận câu nói sau đây của Pascal: “Chúng ta hiểu biết chân lý không những do lý trí mà còn do trái tim”.
Bài làm
Bản chất của vạn vật trong trời đất từ xưa đến nay vẫn vậy. Vườn hoa vẫn là chính nó chứ không bao giờ là cánh rừng già. Dòng sông vẫn là nó chứ không bao giờ là biển cả. Đồi thông vẫn là đồi thông chứ không bao giờ là dòng suối nhỏ. Tuy nhiên, có làn gió thổi về thì đồi thông sẽ biết hát. Có ánh trăng thì dòng sông trở nên thơ mộng. Có cánh bướm dập dờn thì vườn hoa thêm xinh. Sự hỗ tương của hữu thể này sẽ làm cho hữu thể kia thêm đẹp. Sự bù đắp của sự vật này sẽ làm cho sự vật kia thêm ý nghĩa. Trong chiều hướng này, triết gia Pascal có câu nói: “Chúng ta hiểu biết chân lý không những do lý trí mà còn do trái tim”. Vậy ta hiểu câu nói này như thế nào? Đâu là bài học ta sẽ rút ra từ câu nói?
Đứng ở đây, thấy một làn khói trắng bay lên từ xa ta biết ở đó đang có lửa. Ném một hòn đá lên khoảng không ta biết thế nào nó cũng rơi xuống đất. Đang đi trong đêm tối ta tin tưởng ánh sáng sẽ hiện diện lúc bình minh ló rạng. Chiều hoàng hôn ngắm dòng sông hiền hòa chảy ta biết con nước sẽ trôi về biển cả. Mưa đầu nguồn lớn thì lũ lụt sẽ có ở đồng bằng. Những thực tại trong cuộc sống tin chắc rằng nó sẽ xảy đến và được hiển thị như chính nó thì gọi là chân lý.
Triết gia Aristote đã khẳng định: “con người là con vật có ký trí”, còn triết gia Spinoza lại thêm “con người là cây sậy biết suy tư”, nghĩa là con người khác động vật nhờ có lý trí. Do đó, không lấy làm ngạc nhiên khi quan niệm của triết học Tây Phương lấy lý trí làm nền tảng cho mọi suy tư cũng như sự nhận biết vạn vật trong cũ trụ. Nếu nền triết học thời cổ đại cũng như thời trung cổ dùng lý trí để suy tư các vấn đề và tìm cho tận cùng của sự vật kể cả Thượng Đế, thì đến thời đương đại các triết gia đã dùng lý trí để đặt làm mối nghi ngờ tất cả các giá trị và các phạm trù. Tiêu biểu nhất trong thời này phải kể đến triết gia Descartes. Sau những năm miệt mài nghiên cứu ông đã kết luận “Cogito ergo sum” (tôi suy tư nên tôi hiện hữu), nghĩa là nhận biết bản thân đang suy tư nhờ lý trí nên mình đang hiện hữu trong cuộc sống. Điều này cũng đồng quan điểm với Aristote và Spinoza khi dùng lý trí để nhận biết. Sẽ dư thừa nếu chúng ta đặt những câu hỏi như: con chó, con bò, cái bàn không suy tư vậy tại sao chúng vẫn hiện hữu? Nhưng điểm cốt yếu muốn nhắm tới ở đây là nhờ có lý trí mà con người có khả năng nhận biết, suy luận một thực tại hiện hữu như chính nó. Có lý trí con người sẽ nhìn con bò là con bò chứ không phải là con dê. Hiểu bố mẹ là người sinh ra mình chứ không phải cô hàng xóm. Hiểu theo nghĩa này có thể khẳng định: lý trí chi phối và làm chủ toàn thể con người, từ suy tư đến hành động, từ lời nói đến việc làm.
Nếu triết học Tây Phương lấy lý trí làm nền tảng cho sự hiểu biết thì triết học Đông phương lấy “Tâm” làm căn nguyên cho sự nhận biết. “Tâm” theo quan niệm Đông phương là bản thể học, nó điều khiển và chi phối toàn thể vũ trụ, hiểu được “Tâm” là hiểu vạn vật. Khổng Tử cho rằng: Nhân đạo thì lấy Nhân làm chữ “Tâm”. Nghĩa là, nếu “Tâm” con người luôn hướng về Nhân thì không bao giờ có chuyện phản loạn, chiến tranh, cướp bóc và dấn thân vào việc ác. Cùng quan điểm này, Mạnh Tử cũng cho rằng: “Tâm” là nơi để suy nghĩ, phân biệt phải trái, tốt xấu, hiểu được lẽ phải, hiểu được bản thân. Vì bản tính con người là thiện, là bản nguyên tinh thần vốn có của con người do trời phú bẩm. Cho nên, không lấy làm ngạc nhiên khi ông đưa ra học thuyết “Tồn tâm dưỡng tính” để gìn giữ cũng như bồi dưỡng thiên tính được phú bẩm làm nền tảng. Hiểu theo nghĩa rộng là thế. Còn hiểu theo nghĩa chặt ta có thể đồng hóa chữ “Tâm” với trái tim, bởi theo nguyên ngữ tiếng Hán thì “Tâm” được dịch ra tiếng Việt là trái tim, tấm lòng. Do đó có thể định nghĩa, trái tim là biểu tượng của tình cảm con người, là dấu hiệu tình yêu giữa con người với nhau. Khi hai người cưới nhau trên thiệp người ta vẫn thường dùng biểu tượng của hai trái tim chồng lên nhau để nói lên sự gắn bó mật thiết. Còn khi bị tình phụ người ta hay dùng biểu tượng trái tim có mũi dao đâm qua để diễn tả sự đau khổ.
Như đã nói, lý trí giúp ta nhìn nhận sự vật như chính nó. “Tâm” ngoài việc giúp hiểu được sự vật còn giúp ta phân biệt điều lành, sự giữ, điều tốt, điều xấu nên có thể nói trong chừng mực nào đó thì sự hiểu biết của “Tâm” sẽ sâu sắc hơn sự hiểu biết của lý trí, bởi cái hiểu của “Tâm” còn mang tới cho con người một mục đích khác như niềm vui, hạnh phúc. Nói khác hơn, sự hiểu biết của lý trí dễ rơi vào tính “rập khuôn” chứ chưa mang tới giá trị đích thực của cuộc sống con người. Còn trái tim thường do lương tâm điều khiển và tính thiện trong con người chi phối. Tuy nhiên, lý trí lại điều khiển toàn thể con người kể cả lương tâm, đó là một lợi thế của lý trí. Nhưng cái bất lực của lý trí vẫn còn bị cái “tôi” hay “bản năng” thôi thúc.
Trong kho tàng văn chương Ấn Độ kể câu chuyện có hai anh em mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên người anh có vợ. Mặc dù đã ở riêng nhưng hai anh em vẫn làm ruộng chung với nhau, tới mùa thì chia làm hai phần bằng nhau. Tới một ngày người em nghĩ rằng anh mình đã có vợ và con nên không thể chia hoa lợi làm hai phần bằng nhau được. Vì thế, hằng đêm người em cứ xúc lúa từ lẫm của mình mang bỏ vào kho của anh. Người anh cũng nghĩ chia hoa lợi như thế cũng thiệt thòi cho người em vì mình có con, sau này về già sẽ nương tựa vào con, còn chú em thì lúc về già sẽ phải tự lo nên hằng đêm người anh cứ xúc lúa bỏ vào lẫm của người em. Hai anh em cứ làm như thế cho tới ngày họ gặp nhau khi cả hai đang mang hai bao lúa trên vai. Câu chuyện sẽ không được biết đến nếu không có hành động hai anh em cứ mang lúa bỏ vào kho của người kia. Đành rằng hai anh em làm chung với nhau thì chia bằng nhau là điều hiển nhiên, là sự thật, là chân lý. Nhưng nhờ hành động bỏ lúa vào kho của nhau mà câu chuyện mang một giá trị vượt trên chân lý theo sự hiểu biết thông thường. Nghĩa là lúc này không còn mang tính sòng phẳng nữa mà còn có giá trị của tình yêu. Ở mức độ nào đó, có thể nói hai anh em đã có sự can thiệp của con tim đó là tình yêu thương, lòng trắc ẩn vì muốn cho người khác được hạnh phúc nên câu chuyện được nâng lên tầm giá trị cao hơn.
Gần với chúng ta có Bill Gates, ông sẽ chỉ được biết đến như một nhà sáng lập Microsoft Word hay một nhà tỷ phú không hơn không kém rồi sẽ rơi vào quên lãng. Ngược lại nhờ hành động bỏ tất cả tài khoản của mình và quỹ giúp đỡ người nghèo mà ông đã nâng tầm ảnh hưởng của bản thân lên một tầm cao mới, nghĩa là hiện nay ông là một trong những người được thế giới ngưỡng mộ và biết đến nhờ tấm lòng bao dung. Quả thật, người đời cũng sẽ không cho ông là người keo kiệt, bởi ông dùng năng lực của mình để làm ra tiền cũng giống như bao người đi làm công ăn lương khác “làm thợ thì đáng được trả công” mà. Mặt khác, khi chân lý không được hiểu biết trong mức độ của con tim cũng dễ làm người ta vô cảm trước nỗi đau của người khác. Qua đó, chúng ta thấy, một chân lý, một sự thật được đặt trong sự hiểu của con tim sẽ nâng lên một tầm giá trị cao hơn và làm cho cuộc sống con người bớt đi những niềm đau.
Xã hội càng phát triển, người ta càng nghiêng về chiều hướng hưởng thụ. Ngày nay người ta luôn đi tìm những cảm xúc tốt từ tiện nghi vật chất cũng như sự ngưỡng mộ của những người xung quanh, nên chẳng còn mấy ai sống đúng với chân lý. Nói cách khác, lòng thành thật ngày nay đã thành lỗi thời, trở nên “xa xỉ” và khó giữ gìn. Thật nghịch lý trong cuộc sống ai cũng muốn người khác sống đúng với chân lý và giữ lòng thành thật trong khi bản thân lại sống thờ ơ và “bóp méo” chân lý.
Thật vậy, sự hiểu biết chân lý ngang qua lý trí để tìm ra giá trị của thực tại nhằm áp dụng vào trong cuộc sống ngày nay là điều cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn nếu biết dùng con tim để nhận biết nhằm làm cho các giá trị thực tại mang một ý nghĩa hơn. Xã hội sẽ không lên án những hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên như lũ lụt, sóng thần, thiên tai bởi đó là quy luật vận hành của vũ trụ. Nhưng cộng đồng sẽ lên án những ai có thái độ thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Một chén cơm sẽ không đáng gì trong ngày mùa nhưng nó là một “trời mơ ước” đối với những ai đang mắc kẹt trong vùng lũ. Một cái nắm tay thường ngày chỉ mang tính xã giao, nhưng nó sẽ là động lực để giúp người khác vượt qua những nỗi đau trong cuộc sống. Vì thế, dù sống trong thời đại nào thì chân lý cũng luôn cần sự hiểu biết của trái tim. Bởi chỉ có tình yêu xuất phát từ trái tim mới làm cho con người vơi đi nỗi khổ và bớt đi những niềm đau.
Chân lý luôn phản ánh sự thật của một thực tại không thay đổi. Nhưng ngang qua thực tại này, nhờ lòng trắc ẩn nơi trái tim con người có thể làm cho chân lý có một giá trị hơn. Thấy khói bay lên ta biết ở đó đang có lửa. Nhưng ta không biết lửa này đang phục vụ hay tàn phá con người, vì bản chất của lửa là cháy. Bởi đó, có sự can thiệp của con tim ta có thể tới chỗ khí đang bay lên để xem lửa đang mang lại ích lợi hay tàn phá. Nếu ngọn lửa đang tàn phá ta có thể cầu cứu mọi người để cùng dập tắt. Vì thế, cuộc sống sẽ ý nghĩa thêm khi chân lý ngoài sự hiểu của lý trí thì cần có sự can thiệp của con tim.
Viết Lan