Quy trình sinh sản cá chép Koi
Cá chép Koi (cá chép Nhật) là loài đang được người chơi cá cảnh trong và ngoài nước quan tâm, ưa chuộng nhờ có sự đa dạng về màu sắc, vây đuôi tạo nên sự độc đáo của cá. Nuôi vỗ cá bố mẹ Ao nuôi vỗ cá bố mẹ nên ở gần nguồn nước, mặt ao thoáng. Bờ ao ...
Cá chép Koi (cá chép Nhật) là loài đang được người chơi cá cảnh trong và ngoài nước quan tâm, ưa chuộng nhờ có sự đa dạng về màu sắc, vây đuôi tạo nên sự độc đáo của cá.
Nuôi vỗ cá bố mẹ
Ao nuôi vỗ cá bố mẹ nên ở gần nguồn nước, mặt ao thoáng. Bờ ao cao hơn so với mực nước thủy triều 0,5 m. Diện tích ao nuôi 500 - 1.500 m2, độ sâu 1,2 - 1,5 m. Bón phân gây màu định kỳ bằng phân chuồng ủ hoai 25 - 50 kg/100 m2 để nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng ao nuôi. Thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước trong ao.
Chọn cá thuần chủng, không lấy cá bố mẹ cùng một lứa. Cá khỏe mạnh, không xây sát, dị hình, dị dạng, trọng lượng cá 200 - 300 g/con, cỡ cá 20 - 30 cm/con. Chọn cá cái có vây ngực nhẵn, lỗ sinh dục lồi, thân hình tròn. Cá đực có gờ nhám ở vây ngực, có nhiều núm tròn trên vây ngực, lỗ sinh dục lõm, khi vuốt nhẹ bụng phía lỗ sinh dục thấy có chất dịch màu trắng chảy ra. Cá bố mẹ nuôi chung với mật độ 20 - 25 con/100 m2, tỷ lệ đực cái là 1:2 hoặc 1:3.
Cho cá ăn thức ăn viên có hàm lượng protein là 35 - 40%, cho ăn 5 - 7% tổng trọng lượng đàn. Cần theo dõi thường xuyên để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp khi thời tiết hay sức khỏe cá thay đổi.
Chọn cá Koi sinh sản có màu sắc và hình dáng đẹp.
Chuẩn bị cho cá đẻ
Tiến hành kiểm tra độ thành thục của cá bố mẹ để cho sinh sản sau 7 - 8 tháng tuổi. Chọn cá có màu sắc và hình dạng đẹp như mong muốn và có độ thành thục tốt. Đối với cá cái, chọn những con bụng to, da bụng mềm đều, lỗ sinh dục sưng và có màu ửng hồng, trứng có độ rời cao, nếu vuốt nhẹ bụng từ ngực trở xuống cá tiết ra vài trứng.
Khi kiểm tra còn đực bằng cách vuốt nhẹ phần bụng gần lỗ sinh dục thấy có tinh dịch màu trắng sữa chảy ra là đạt. Không nên vuốt nhiều lần làm ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh. Việc lựa chọn cá bố mẹ thường vào lúc buổi sáng (8 - 10h).
Tiến hành cho cá đẻ trong hồ xi măng, diện tích (2,5 x 5 x 1,2) m, có đáy bằng phẳng và không có vật nhọn, làm ảnh hưởng đến cá bố mẹ. Lấy nước trước 2 ngày với mực nước 0,5 m trước khi cho cá vào bể đẻ. Để theo dõi cá sinh sản và thu gom cá bố mẹ sau sinh sản thuận lợi nên giăng lưới xung quanh bên trong bể.
Do cá chép Koi là loài đẻ trứng dính vì vậy cần chuẩn bị giá thể cho cá đẻ là các cây bèo lục bình đã được xử lý sạch sẽ, cắt bớt phần lá và rễ già. Nên chọn phần rễ khoảng 30 cm, thân 20 cm và đã được sát trùng loại bỏ ký sinh trùng bằng nước muối 5%.
Để cho cá thế hệ sau có màu sắc đẹp và độc đáo nên phối hợp cá bố mẹ đều có màu gấm vàng hay màu gấm bạc cho sinh sản riêng và không phối sinh sản với các màu sắc khác để có được thế hệ cá con có màu sắc chủ yếu như cá bố mẹ.
Cá bố mẹ tương đối có hai màu trên thân là đỏ, đen hay đen, trắng hay đỏ, trắng được cho sinh sản chung với cá có ba màu đỏ, đen, trắng sẽ cho cá con màu sắc phong phú hơn. Để đảm bảo chất lượng trứng thụ tinh thì tỷ lệ cá đực - cái tham gia sinh sản là 1,5 : 1 - 2 : 1, với mật độ 0,5 - 1 kg cá cái/m2 bể đẻ.
Khi cá bố mẹ đã được lựa chọn phù hợp thì tiến hành tiêm kích dục tố. Liều lượng tiêm cho cá cái 60 - 70 mg LH - RHa + 10 viên DOM/kg cá cái. Cá đực tiêm liều bằng 1/3 liều của cá cái. Sau khi tiêm xong cho cá vào bể đẻ. Cho giá thể vào và tạo dòng nước chảy nhẹ vào hồ lúc chiều mát (4 - 5h chiều), bố trí hệ thống sục khí để tăng cường ôxy trong bể.
Hoạt động sinh sản của cá
Dưới sự kích thích của nước mới, cá vờn đuổi nhau từ bên ngoài và chui vào ổ đẻ, tốc độ vờn đuổi càng tăng thì cá sẽ đẻ dễ dàng. Cá cái quẫy mạnh phun trứng, cá đực sẽ tiến hành thụ tinh nơi trứng vừa được tiết ra. Cá sẽ đẻ trứng vào khoảng 4 - 5h sáng ngày hôm sau. Nếu cá không sinh sản, cần vớt giá thể ra, hạ một phần nước và tiếp tục để cho cá phơi nắng rồi cho thêm nước vào và cho giá thể vào. Tạo lại điều kiện môi trường cho cá đẻ lại.
Ấp trứng
Trứng thụ tinh sau khoảng 24h sẽ thấy mắt đen li ti. Để ấp trứng phải thường xuyên cho nước chảy nhẹ nhàng hoặc thay một lượng nước trong bể ấp bằng lượng nước đã dự trữ sẵn, sục khí liên tục và tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Sau 36 - 48h ở nhiệt độ 28 - 300C thì cá nở. Trong giai đoạn cá mới nở, cá dễ chết hàng loạt nếu trên bề mặt có lớp váng do thiếu ôxy, vì vậy phải tăng cường sục khí và theo dõi sau khi trứng nở.
Cá mới nở tự dưỡng bằng noãn hoàng trong 3 ngày. Sau đó, cá ăn phiêu sinh vật, bột đậu nành pha loãng trong nước. Sau giai đoạn này một số cá sẽ trổ màu nhưng chưa rõ nét.