Điều trị bệnh kênh mang ở cá chép do ấu trùng Centrocestus formosanus gây ra
Cá chép là một đối tượng cá nước ngọt được nuôi phổ biến ở mọi nơi, trong các hệ thống nuôi như nuôi cá trong ao, trong ruộng lúa, trong hồ chứa và nay còn được nuôi trong lồng, bè. Cá chép có chất lượng thịt thơm ngon được nhiều người dân ưa chuộng. Một số ...
Cá chép là một đối tượng cá nước ngọt được nuôi phổ biến ở mọi nơi, trong các hệ thống nuôi như nuôi cá trong ao, trong ruộng lúa, trong hồ chứa và nay còn được nuôi trong lồng, bè.
Cá chép có chất lượng thịt thơm ngon được nhiều người dân ưa chuộng. Một số loài còn được nuôi làm cảnh (cá chép cảnh).
Trước đây khi công nghệ chế biến thức ăn cho cá chưa phát triển đối tượng cá chép thường được nuôi ghép với tỷ lệ khiêm tốn 7-10% tổng số cá thả, nay vấn đề thức ăn đã được giải quyết cùng với ưu thế của đối tượng nuôi này nên hiện nay cá chép đã được tăng tỷ lệ thả trong các thủy vực thậm chí còn phát triển nuôi đơn cá chép trong ao, trong lồng.
Việc phát triển nuôi cá chép rất cần con giống có chất lượng cao, song trong ương nuôi cá chép hương và cá chép giống dịch bệnh đã gây nhiều thiệt hại đặc biệt là bệnh kênh mang, đây là một bệnh lây truyền giữa người, gia súc, gia cầm và cá do ấu trùng sán lá Centrocestus fomorsanus gây ra.
Sán lá C. fomorsanus có vòng đời như sau: Sán trưởng thành có kích thước nhỏ thường sống ở ruột chim (ăn cá), chuột, rắn, vịt, gà, ngan, chó, mèo, thậm chí cả người. Sán đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài vào môi trường nước trứng nở thành ấu trùng (Miracidium), ấu trùng tìm đến ký sinh vào ốc (Melanoides tuberculata), tại ốc ấu trùng sinh sản vô tính thành (Redia), sau đó ấu trùng rời ốc (Cercariae) tìm đến nhiễm trên mang cá. Tại mang cá ấu trùng nằm sâu trong tơ mang hình thành bọc (Metacercariae) khi nhiễm nhiều làm trương phồng các tơ mang gây kênh nắp mang. Khi ấu trùng ký sinh ở mang cá, chúng sẽ cạnh tranh dinh dưỡng làm cá chậm lớn, gây cản trở quá trình hô hấp của cá nên khi cá nhiễm ấu trùng thường bơi lờ đờ trên bề mặt, quanh bờ và nhiễm nhiều gây chết cá đặc biệt ở những ao ương dày vào những ngày thời tiết thay đổi.
Do ấu trùng sán nằm trong bọc ở các tơ mang nên hầu hết các hóa chất thông thường dùng để diệt ký sinh trùng cá như formaline, sulphát đồng, muối ăn, thuốc tím thậm chí thử nghiệm cả hóa chất cấm như xanh malachite dùng ở các nồng độ ngâm, tắm, nhúng và thử nghiệm ở cả nồng độ cao nhưng đều không diệt được ấu trùng (Kim Văn Vạn & Trương Đình Hoài, 2009). Để điều trị bệnh kênh mang nhóm nghiên cứu của Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thử nghiệm dùng thuốc diệt sán lá gan, lá ruột chuyên dùng trên người là Praziquantel, kết quả cho thấy Praziquantel có hiệu quả diệt ấu trùng sán lá C. fomorsanus. Tuy nhiên, để điều trị hiệu quả bệnh kênh mang trên cá chép cần lưu ý rằng Praziquantel có mùi đặc trưng, nếu trộn vào thức ăn với liều cao thì cá không ăn thức ăn nên hiệu quả điều trị kém. Do đó, cần điều trị với liệu trình cho ăn 3-5 ngày với liều lượng thuốc 50-75mg/kg thức ăn và cho cá ăn 10-15% trọng lượng cơ thể. Trong 1-2 ngày đầu trộn thuốc cá ăn ít, sau ăn tăng dần. Sau điều trị 2-3 ngày biểu hiện kênh mang sẽ giảm (nắp mang khép kín lại) cá hoạt động nhanh nhẹn trở lại, tại mang các ấu trùng bị tiêu diệt.
Cơ chế tác dụng: Praziquantel được sán hấp thu nhanh làm tăng tính thấm của màng tế bào dẫn đến mất canxi nội bào, làm co cứng và tê liệt hệ cơ của sán nhanh chóng. Khi giun sán đã ngấm thuốc Praziquantel, vùng da ở phần cổ của sán trưởng thành xuất hiện các mụn nước, sau đó chúng bị vỡ ra tạo thành những vết thương không thể phục hồi. Praziquantel cũng gây ra các không bào ở nhiều nơi trên da sán và sau đó phân hủy làm sán bị tiêu diệt nhanh chóng. Sán và ấu trùng sẽ chết trong vòng 4 giờ sau khi sử dụng thuốc. Praziquantel được hấp thụ nhanh vào trong cơ và các cơ quan nội tạng của cá sau 30 phút điều trị. Đặc biệt là Praziquantel bị phân hủy sinh học nhanh, không tồn lưu trong các mô, cơ của cá sau 24-48 giờ điều trị. Do vậy sử dụng Praziquantel rất an toàn, không không gây hại cho cá và môi trường nuôi, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng cũng như môi trường sống xung quanh.
Cần lưu ý khi trộn thuốc Praziquantel vào thức ăn cần có chất bám dính để thuốc không tan vào nước trước khi vào cơ thể cá. Có thể dùng bột gạo nếp xấy khi trộn thuốc vào thức ăn để điều trị cho cá.