Nuôi cá trên ruộng trong mùa lũ – những điểm cần lưu ý
Hằng năm vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 (dương lịch) là thời điểm thu hoạch lúa vụ hè thu chính vụ (vụ 3) xong, là thời điểm nước lũ từ thượng nguồn chuẩn bị đổ về, không trồng lúa được, đất ruộng bỏ trống; đây cũng là lúc thích hợp cho mô hình nuôi cá trên ...
Hằng năm vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 (dương lịch) là thời điểm thu hoạch lúa vụ hè thu chính vụ (vụ 3) xong, là thời điểm nước lũ từ thượng nguồn chuẩn bị đổ về, không trồng lúa được, đất ruộng bỏ trống; đây cũng là lúc thích hợp cho mô hình nuôi cá trên ruộng lúa. Để mô hình mang lại hiệu quả cao nhất, người nuôi cần nắm vững những yêu cầu kỹ thuật quan trọng như:
Chuẩn bị ruộng nuôi: Khi thu hoạch lúa hè thu chính vụ xong, gom rơm lại đem lên bờ dùng để làm nấm rơm hay sử dụng làm thức ăn cho bò, không nên để rơm dưới ruộng vì khi cho nước vào ruộng rơm sẽ phân hủy làm môi trường nước xấu ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi. Phần gốc rạ còn lại có thể bón một ít phân để cho gốc rạ đó phát triển tạo lúa chét cho cá ăn.
Làm bờ bao bảo vệ cá: Diện tích bờ bao xung quanh ruộng phải được rào lưới bảo vệ chắc chắn: bờ phải được gia cố chắc chắn và cao hơn mực nước lũ hàng năm khoảng 30cm, phía trên bờ dùng lưới tấn chặt chân lưới xuống bờ và lưới cao ít nhất khoảng 50cm, kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích cỡ cá, kiểm tra lưới thường xuyên hàng ngày để bảo vệ cá nhất là khi có nước lũ về.
Lấy nước vào và cho cá lên ruộng: Chuẩn bị xong ruộng nuôi, chọn lúc nước tốt cho nước vào ruộng với mức nước trên mặt ruộng ít nhất 40cm, rồi cho hết cá đã ương trước trong mương lên ruộng. Định kỳ phòng bệnh cho cá bằng vôi và muối.
Thức ăn: Lưu ý tính ăn của từng loài cá để cung cấp đủ và đúng loại thức ănbằng cách tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá như ốc làm mồi cho cá chép; rau, bèo, lúa chét làm mồi cho cá rô đồng, cá mè vinh; nếu có nuôi cá sặc rằn và mètrắng thì nước ao nuôi phải có màu xanh để cá ăn lọc tảo thì cá mới lớn... Thời giancho cá lên ruộng cá lớn rất nhanh và không cần cho ăn thức ăn viên sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất.
Hợp tác sản xuất: Những hộ liền kề có điều kiện có thể hợp tác thành tổquản lý cộng đồng để giảm chi phí về làm bờ bao rào lưới xung quanh và công quản lý chăm sóc.
Thu hoạch và bán cá: chọn thời điểm bán cá theo nhu cầu thị trường vìchọn thời điểm bán cá quyết định rất lớn đến hiệu quả kinh tế, phải xác định nhu cầu thị trường để bán cá có giá cao như cá rô đồng bán trước khi lũ về, cá chép bán trước tết, mè trắng và sặc rằn bán vào dịp tết để xay chả hoặc làm khô. Đến lúc nước lũ rút, nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm thì xuất bán và chuẩn bị cho vụ lúa Đông-Xuân, nếu cá chưa đạt cỡ bán thì có thể thu tỉa những cá lớn bán trước còn lại cá nhỏ cho xuống mương nuôi tiếp bán sau.
Nếu được chuẩn bị những yêu cầu kỹ thuật trên tốt tin chắc rằng vụ nuôi sẽ đạt hiệu quả cao. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả cao vì đã tạo được việc làm cho nông dân vào mùa lũ, tạo ra sản phẩm cá an toàn, tạo được mặt đất ruộng có nhiều dinh dưỡng sẽ giúp giảm chi phí từ phân bón cho lúa vụ sau, nhờ vậy đã góp phần tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất và là mô hình có thể phát triển bền vững trong tương lai./.