18/06/2018, 12:39

Quảng Nam - Nghề Đúc Đồng Phước Kiều

Làng đúc Phước Kiều nằm trên quốc lộ 1, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam . Theo tư liệu gia phả của các tộc họ hiện còn lưu giữ, làng được thành lập từ buổi đầu thời các chúa Nguyễn dựng nghiệp ở hai xứ Thuận - Quảng. Đây vốn là vùng đất truyền thống đúc đồng nổi ...

Nghề đúc đồng Phước Kiều

Làng đúc Phước Kiều nằm trên quốc lộ 1, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Theo tư liệu gia phả của các tộc họ hiện còn lưu giữ, làng được thành lập từ buổi đầu thời các chúa Nguyễn dựng nghiệp ở hai xứ Thuận - Quảng. Đây vốn là vùng đất truyền thống đúc đồng nổi tiếng, các ông tiền hiền của tộc Dương Ngọc và Nguyễn Bá đã truyền dạy nghề đúc cho bà con đồng tộc, lập ra làng đúc Phước Kiều cho tới nay. Khi các chúa Nguyễn ra sức mở mang, ổn định ở hai xứ Thuận - Quảng, nghề thủ công trong đó có nghề đúc đồng, sản xuất đồ gia dụng phát triển.

Nghề đúc đồng có những bí quyết riêng để có thể tạo ra được những sản phẩm nổi tiếng mà nhiều nơi biết đến. Một trong những bí quyết đó là pha hợp kim. Qua bao thời tồn tại, phát triển nghề đúc làng Phước Kiều đã tích luỹ được những kinh nghiệm lớn. Để có được sản phẩm (nhất là các loại nhạc khí) người thợ phải mất nhiều thời gian, công sức với sự tỉ mỉ, khéo léo trong việc làm khuôn. Khuôn đất sét qua nhiều công đoạn: nhồi đất, làm bìa, giáp khuôn, thét khuôn, trổ điệu... Tuỳ sản phẩm mà làm khuôn sống (dùng một lần) hoặc khuôn bền (dùng nhiều lần). Cũng tuỳ sản phẩm, thợ đúc làng áp dụng những kỹ thuật khác nhau trong việc nung khuôn, nấu kim loại, rót khuôn và ra khuôn. Mỗi gia đình có bí quyết pha chế hợp kim riêng để đúc. Như đồng đỏ, đồng thau (đồng pha thiếc), đồng (đồng pha nhôm), đồng xanh (đồng pha kẽm) và đồng thoà (đồng pha vàng).

Trong nghề đúc truyền thống, thì làm nguội chính là công đoạn cuối trong việc quyết định chất lượng sản phẩm. Người trong làng nghề Phước Kiều quan niệm, một cái chiêng mới ra khuôn đánh lên vẫn có tiếng, nhưng chưa phải là tiếng chiêng, mà chỉ như âm thanh ban đầu của một đứa bé mới tập nói, vì thế cần phải tạo cho chiêng ngân vang. Kỹ thuật lấy tiếng nhạc khí là nét riêng của làng đúc Phước Kiều, nhờ đó có thể phân biệt nhạc khí của làng với bất cứ nơi nào khác.

Đến nay, nhiều chùa chiền ở Quảng Nam còn lưu giữ các chuông đồng, nhiều buôn làng ở phía tây Quảng Nam, Tây Nguyên, Bình Phước... còn sử dụng những bộ nhạc khí được làm từ làng đúc Phước Kiều. Ngày giỗ tổ Không Lộ Giác Hải thiền sư - 12 tháng giêng âm lịch hằng năm - được xem là nghi lễ cung kính của chủ tộc dân làng diễn ra trong tiếng ngân vang của chiếc chuông được đúc từ thời Tự Đức 11 (1858). Đặc biệt, với đại hồng chung, thợ phải ăn chay ba ngày, làm lễ cầu an mới bắt tay vào việc.

 

 
0