18/06/2018, 12:39

Phú Yên - Làng dệt thổ cẩm của người ÊĐê

Từ lâu ở Phú Yên đã có những làng nghề truyền thống, không ít những làng nghề nổi tiếng đã hình thành từ hàng trăm năm trước. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề truyền thống ở Phú Yên không chỉ góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người dân địa phương, mà còn chứa đựng ...

Từ lâu ở Phú Yên đã có những làng nghề truyền thống, không ít những làng nghề nổi tiếng đã hình thành từ hàng trăm năm trước. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề truyền thống ở Phú Yên không chỉ góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người dân địa phương, mà còn chứa đựng những nét văn hoá đặc trưng trong từng làng nghề, có giá trị cho việc nghiên cứu và tham quan du lịch. Dưới đây chúng tôi xin mời các bạn cùng ghé thăm một làng nghề truyền thống ở Phú Yên đó là làng dệt thổ cẩm của người Êđê, để cùng tìm hiểu cách thức mà đồng bào dân tộc nơi đây tạo ra những tấm thổ cẩm đẹp và đặc sắc, mang dấu ấn văn hoá của con người và vùng đất nơi đây.

Để tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp thì sợi bông chính là nguồn nguyên liệu chủ yếu. Xưa kia, bông được trồng ở khắp nơi trên đất của đồng bào Êđê: đất rẫy, đất thổ, gieo hạt vào tháng 2 và tháng 3 , thu hoạch vào tháng 6 và tháng 7 âm lịch hằng năm. Đến mùa bông chín, người dân hái bông từ rẫy về nhà rồi bắt đầu các công đoạn sơ chế gồm: nhặt bông, cán bông, lăn con cúi, tiếp đến là kéo sợi chỉ, chế biến sợi, nhuộm màu và cuối cùng là mắc sợi chỉ vào khung dệt.

Dụng cụ dệt vải là những bộ phận rời go dài trên 1m dùng để luồng sợi dọc và dập sợi ngang. Khi dệt họ ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt, tất cả các đầu mối của sợi dệt được gộp lại, buộc vào cây cột nhà hay một gốc cây, khi dệt người thợ dùng chân và lưng của mình căng giàn sợi, một tay giật go, một tay giật thoi.

Trong quá trình luồn sợi chỉ vào khung dệt, người thợ có ý định tạo hoa văn cùng lúc với luồng chỉ, khi tấm vải dệt rời khỏi khung đã lên ên, áo, mền, chăn, váy với nhiều màu sắc hoa văn. Để tạo các hoa văn, người dệt sắp xếp trật tự màu sắc của các sợi vải hợp thành thảm dọc ứng với kiểu trang trí được lựa chọn, rồi trong quá trình dệt những sợi chỉ ngang dải hoa văn trên áo, váy, khố thường gần gũi với thiên nhiên, phản ảnh các sinh hoạt đời sống thường ngày của người Êđê. Đó là những dãy núi, nước sông lượn chảy, mưa rơi, hình con cá, lá dứa, tổ ong… được cách điệu, những mũi tên bay nối tiếp nhau cũng là một mô típ hoa văn thường thấy bên cạnh hoa văn kỷ hà.

Do lao động thủ công nên việc tạo ra một tấm thổ phải mất thời gian hàng tháng trời (thời gian dệt liên tục) đôi khi đến vài ba tháng. Ngày nay, người Êđê ở miền tây Phú Yên này vẫn còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng sử dụng sợi chỉ màu của người Kinh còn về vẻ đẹp của áo, váy, khố… đều gắn với người Êđê, luôn có sức hấp dẫn đối với việc bảo tồn và phát huy trang phục của người Êđê, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Người Êđê ở Phú Yên đang ra sức gìn giữ nghề dệt thổ cẩm như giữ gìn nét văn hoá độc đáo của dân tộc mình vậy.

 
0