Quản lý tài sản chung
Quản lý chung toàn quyền Chế độ hai chủ sở hữu . Theo BLDS 2005 Điều 219 khoản 1, sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất, nghĩa là sở hữu chung mà trong đó phần quyền của mỗi chủ sở hữu không được xác định ...
Quản lý chung toàn quyền
Chế độ hai chủ sở hữu. Theo BLDS 2005 Điều 219 khoản 1, sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất, nghĩa là sở hữu chung mà trong đó phần quyền của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung (BLDS 2005 Điều 217 khoản 1). “Phần quyền không được xác định”, trong chừng mực nào đó, cho phép hiểu rằng mỗi chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền đối với toàn bộ tài sản chung, nghĩa là mỗi người có quyền sử dụng, định đoạt đối với toàn bộ tài sản chung. Áp dụng giải pháp đó vào trường hợp quản lý tài sản chung của vợ và chồng, ta nói rằng vợ hoặc chồng đều có quyền tự mình sử dụng, định đoạt tài sản chung. Nói rõ hơn, vợ hoặc chồng có toàn quyền sử dụng, định đoạt tài sản chung. Khối tài sản chung của vợ chồng, bởi vậy, có hai chủ sở hữu (chứ không phải hai đồng sở hữu chủ) và chỉ cần một trong hai người thực hiện quyền sở hữu, thì coi như cả hai chủ sở hữu đã thực hiện quyền đó; tương ứng, các nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung do một người xác lập ràng buộc cả hai người.
Đối tượng quản lý
Tài sản “thông thường”. Có thể nói ngay rằng chế độ quản lý toàn quyền có hai chủ sở hữu không thể được áp dụng đối với các tài sản mang tính chất đồ dùng cá nhân hoặc tư trang phù hợp với giới tính. Cũng không áp dụng được chế độ này đối với các tài sản chuyên dùng cho hoạt động nghề nghiệp của vợ hoặc chồng. Ta còn lại các tài sản tạm gọi là thông thường, động sản hoặc bất động sản. Trên nguyên tắc, các tài sản này có thể được vợ hoặc chồng toàn quyền quản lý trong quan hệ với người thứ ba.
Trường hợp vợ và chồng cùng khai thác tài sản trong hoạt động nghềì nghiệp. Một khi vợ và chồng cùng nhau khai thác một số tài sản nhất định trong hoạt động nghề nghiệp (công cụ lao động chung, sản nghiệp thương mại chung,...), thì trước mắt người thứ ba, vợ hoặc chồng cũng có toàn quyền quản lý các tài sản liên quan; tuy nhiên, các công việc quản lý trong trường hợp này phải phù hợp với hoạt động nghề nghiệp, như ta sẽ thấy sau đây.
Nội dung quản lý
Quản trị tài sản chung
Bảo quản, sử dụng. Vợ hoặc chồng có quyền quản trị tài sản chung và, để làm được việc đó, có thể tự mình xác lập tất cả các giao dịch cần thiết mà không cần có sự đồng ý rành mạch của người còn lại. Vợ hoặc chồng có quyền giao kết các hợp đồng nhằìm bảo quản, sửa chữa những hư hỏng thông thường xảy ra đối với tài sản chung (động sản hoặc bất động sản); có quyền quyết định phương thức khai thác đối với tài sản; thu hoạch hoa lợi tự nhiên; bán các tài sản dễ hư hỏng hoặc khó bảo quản; tiến hành các vụ kiện yêu cầu chấm dứt sự quấy nhiễu đối với việc chiếm hữu tài sản chung, các vụ kiện đòi lại tài sản
Tu bổ, nâng cấp hoặc sửa chữa lớn tài sản chung. Việc tu bổ không gắn với “lợi ích sống còn” của tài sản: không được tu bổ, tài sản vẫn tồn tại và vẫn được khai thác bình thường; tuy nhiên, việc tu bổ có thể dẫn đến sự cải thiện chất lượng và công dụng của tài sản, làm cho tài sản có hình thức bề ngoài đẹp hơn, cũng như có thể làm tăng giá trị của tài sản. Luật không có quy định chi tiết về quyền của vợ, chồng trong việc xác lập các giao dịch nhằm tu bổ tài sản chung. Hẳn, mọi chuyện tùy thuộc vào tầm quan trọng của dự án tu bổ cũng như của tài sản được tu bổ đối với gia đình. Trên thực tế, vợ hoặc chồng có thể tự mình giao kết việc tu bổ cả một chiếc ô tô mà không cần có sự đồng ý của người còn lại; trong khi việc tu bổ nhà ở chung phải được sự đồng ý của cả vợ và chồng. Rất khó sử dụng phương pháp quy nạp để xây dựng một giải pháp tổng quát từ các giải pháp cá biệt này: đối với người Việt Nam hiện nay, cả nhà ở và ô tô đều là những tài sản rất quan trọng, việc tu bổ các tài sản này đều có thể chỉ đòi hỏi một khoản chi nhỏ so với ngân sách chung của gia đình nhưng cũng có thể cần những khoản đầu tư lớn...
Cũng như vậy đối với việc sửa chữa lớn đối với tài sản chung.
Cho mượn tài sản chung. Trong điều kiện không có quy định rõ ràng của luật viết, ta nói rằng vợ hoặc chồng có quyền tự mình cho mượn các động sản chung mà không cầìn sự đồng ý của người còn lại, đặc biệt là những vật có thể được mang đi một cách dễ dàng (công cụ lao động trong nhà, đồ dùng sinh hoạt, thậm chí xe đạp, xe máy,...)
Mặt khác, vợ hoặc chồng không có quyền tự mình cho mượn các tài sản dùng cho hoạt động nghề nghiệp riêng của người còn lại mà không cần sự đồng ý của người sau này, trừ trường hợp việc cho mượn hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp ấy. Chồng, một nhà doanh nghiệp, có một máy vi tính xách tay được sử dụng thường xuyên để giao dịch, vợ không có quyền tự ý cho người khác mượn để sử dụng mà không hỏi ý kiến chồng; nhưng nếu người mượn tỏ ra có kinh nghiệm trong việc sử dụng máy vi tính, chỉ muốn sử dụng máy trong một thời gian rất ngắn để nhận hoặc gửi một thư điện tử khẩn hoặc để soạn thảo một văn bản ngắn và trong thời gian đó, chồng không sử dụng máy, thì vợ có thể cho mượn mà không cần hỏi ý chồng.
Vợ hoặc chồng cũng không có quyền, nếu không có sự đồng ý của chồng hoặc vợ, giao kết việc cho mượn những tài sản được gia đình sử dụng một cách thường xuyên, dù có hay không có giá trị lớn, như trường hợp xe máy dùng làm phương tiện đi lại hàng ngày, tivi, máy gịặt,... Tuy nhiên, không nhất thiết cả vợ và chồng cùng đứng ra xác lập giao dịch với người thứ ba: với sự đồng ý của chồng hoặc vợ, vợ hoặc chồng có thể tự mình giao kết việc cho mượn. Trong trường hợp việc cho mượn mang tính khẩn cấp, vợ hoặc chồng có thể tự mình giao kết hợp đồng và sau đó thông báo lại cho chồng hoặc vợ mình.
Cho thuê tài sản chung. Trong luật Việt Nam hiện hành, cho thuê bất động sản được coi như một giao dịch quan trọng và trong trường hợp tài sản cho thuê thuộc khối tài sản chung của vợ chồng, thì việc cho thuê nằm ngoài phạm vi quản lý chung toàn quyền của vợ hoặc chồng. Nói rõ hơn, việc cho thuê bất động sản chung phải được cả vợ và chồng cùng thực hiện.
Trong trường hợp cho thuê động sản, thì mọi chuyện còn tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của tài sản đối với gia đình. Một cách hợp lý, việc cho thuê những tài sản có giá trị lớn phải được coi là một giao dịch quan trọng và do đó, phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng.
Định đoạt tài sản chung
Định đoạt vì lợi ích của gia đình. Có một thời, các thẩm phán đòi hỏi rằng việc mua bán có đối tượng là các tài sản như trâu, bò, máy thu hình, tủ lạnh, xe máy,... đều phải có sự thoả thuận của cả vợ và chồng
Ngày nay, thực tiễn có xu hướng thừa nhận quyền của vợ hoặc chồng tự mình định đoạt tài sản chung như một giải pháp nguyên tắc, còn việc định đoạt mà cần có sự đồng ý rành mạch của cả vợ và chồng chỉ được áp đặt trong một số trường hợp đặc biệt được luật quy định, như các ngoại lệ. Tuy nhiên, để nguyên tắc này không bị lạm dụng, thực tiễn đòi hỏi rằng việc định đoạt tài sản chung do vợ hoặc chồng tự mình thực hiện phải nhằm phục vụ lợi ích của gia đình.
b1. Định đoạt có đền bù
Lương và thu nhập khác do lao động. Thông thường, lương và thu nhập khác do lao động được thể hiện dưới hình thức một số tiền và, trên nguyên tắc, việc sử dụng, định đoạt số tiền này chịu sự chi phối của các quy tắc áp dụng chung cho việc sử dụng, định đoạt tiền bạc chung của gia đình, như đã ghi nhận ở trên. Bên cạnh đó, lương và thu nhập do lao động, một loại tài sản chung do vợ hoặc chồng tạo ra bằng công sức của chính mình, còn có thể được người tạo ra sử dụng, định đoạt với những quyền hạn rộng rãi so với tiền bạc chung có nguồn gốc khác. Giải pháp này không được chính thức ghi nhận trong luật viết, nhưng được thừa nhận trong thực tiễn sinh hoạt của các gia đình. Cụ thể hơn, thực tiễn nói rằng chỉ cần làm tròn các bổn phận liên quan đến việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình, vợ (chồng) có quyền tự mình định đoạt tiền lương, thu nhập khác do lao động theo ý mình mà không cần sự đồng ý của chồng (vợ) mình. Có thể có những cách tiêu pha của cải không được khuyến khích, thậm chí còn bị phê phán hoặc lên án về mặt đạo đức. Song, về mặt pháp lý, việc sử dụng, định đoạt tiền lương, thu nhập khác do lao động mà không phục vụ cho lợi ích của gia đình cũng phải được chấp nhận, một khi người tạo ra tài sản đã thực hiện xong các nghĩa vụ vật chất của mình đối với gia đình.
Các tài sản hữu hình. Vợ hoặc chồng cũng có quyền tự mình định đoạt phần lớn các động sản thuộc sở hữu chung, nhất là các động sản mà quyền sở hữu không cần được đăng ký
Thông tin. Không loại trừ khả năng vợ và chồng có những ý định trái ngược nhau. Trong điều kiện vợ hoặc chồng có quyền tự mình định đoạt tài sản chung, ta nói rằng vợ (chồng), khi tự mình sử dụng, định đoạt tài sản chung, phải thông báo cho người còn lại biết để tránh tình trạng vợ và chồng có những quyết định trái ngược nhau, gây bất lợi cho người thứ ba. Quy tắc này không có trong luật viết, nhưng được lý giải bằng logique của sự việc, nhất là bằng sự cần thiết của việc bảo đảm một môi trường giao dịch an toàn cho người thứ ba.
Cũng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người thứ ba, ta thừa nhận rằng việc vợ (chồng) có những quyết định trái ngược nhau nhưng lại không thông tin cho nhau không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch mà vợ hoặc chồng xác lập với người thứ ba ngay tình
b2. Định đoạt không có đền bù
Nguyên tắc và ngoại lệ. Khác với luật của nhiều nước, luật Việt Nam không có một quy tắc rành mạch theo đó, nếu vợ chồng sống dưới chế độ tài sản chung, thì việc tặng cho một tài sản gọi là của chung phải được sự đồng ý của cả vợ và chồng. Thế nhưng, tục lệ truyền thống thừa nhận việc tặng cho tài sản của gia đình chỉ được coi là một giao dịch bình thường một khi được cả vợ và chồng cùng đứng ra xác lập
Quản lý riêng
Tài sản dùng cho hoạt động nghề nghiệp
Quản lý riêng vì lợi ích nghề nghiệp. Nếu vợ chồng hoạt động kinh tế chung, thì tài sản dùng cho hoạt động kinh tế chung phải được quản lý chung. Vợ chồng hoạt động kinh tế chung trong khuôn khổ hộ gia đình, thì tài sản được khai thác là tài sản của hộ gia đình và được quản lý theo các quy tắc chi phối việc quản lý tài sản chung của hộ gia đình. Nhưng nếu vợ hoặc chồng hoạt động kinh tế riêng, thì luật lại không nói rằng tài sản chung dùng cho hoạt động kinh tế riêng được quản lý riêng. Trên thực tế, một khi vợ hoặc chồng khai thác tài sản chung với tư cách là người hoạt động nghề nghiệp độc lập, thì người còn lại không can thiệp vào việc khai thác đó, ngay cả trong trường hợp tài sản được khai thác có giá trị lớn. Tất cả các giao dịch thông thường liên quan đến tài sản đó đều do người khai thác tự mình xác lập và thực hiện mà không cần có sự đồng ý của vợ (chồng). Về quyền định đoạt tài sản, thực tiễn xây dựng các giải pháp tuỳ theo tài sản liên quan là động sản hay bất động sản: việc định đoạt bất động sản chung luôn phải có sự đồng ý của vợ và chồng; việc định đoạt các động sản chung có thể do người trực tiếp khai thác tài sản tự mình thực hiện
Chắc chắn, không thể coi là bình thường việc vợ (chồng) tự mình định đoạt các tài sản chung được sử dụng vào hoạt động nghề nghiệp riêng của chồng (vợ) mình. Song, vấn đề đặt ra là: làm thế nào để người thứ ba biết rằìng một tài sản nào đó là tài sản được sử dụng vào hoạt động nghề nghiệp riêng của vợ (chồng) của người bán? Trên thực tế, nếu người mua ngay tình, thì trong điều kiện vợ (chồng), trên nguyên tắc có quyền tự mình định đoạt các động sản chung của gia đình, người mua ngay tình sẽ được bảo vệ cả trong trường hợp người bán bán tài sản cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của vợ (chồng) mình.
Để thừa kế theo di chúc và di tặng
Các nguyên tắc chung. Trong khung cảnh của luật thực định, quyền lập di chúc trước hết là quyền của một cá nhân và di chúc, trên nguyên tắc, là sự bày tỏ ý chí của một người về việc chuyển giao các tài sản của mình sau khi chết. Một cách ngoại lệ, vợ và chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung (BLDS 2005 Điều 663). Di chúc chung của vợ chồng sẽ được xem xét sau. Ở đây ta nói rằng vợ hoặc chồng có quyền lập di chúc riêng để định đoạt tài sản của mình, kể cả các tài sản nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng, mà không cần sự đồng ý của người còn lại. Tất nhiên, ngoài tài sản riêng, vợ (chồng) chỉ có quyền định đoạt bằng di chúc phần quyền của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng.
Cả hai người cùng sử dụng, định đoạt tài sản
Thoả thuận mặc nhiên và thoả thuận rành mạch. Suy cho cùng, việc sử dụng, định đoạt tài sản chung phải được sự thoả thuận của vợ và chồng. Đây mới là nguyên tắc cao nhất của chế độ quản lý tài sản chung của vợ chồng. Khi nói rằng vợ hoặc chồng có quyền sử dụng định đoạt tài sản chung hay vợ hoặc chồng có độc quyền sử dụng, định đoạt tài sản chung, ta ngầm hiểu rằng vợ hoặc chồng xác lập các giao dịch trong điều kiện có sự đồng ý mặc nhiên hoặc tự nhiên của người còn lại. Cá biệt, việc vợ hoặc chồng lập di chúc riêng để định đoạt tài sản chung thực sự là việc định đoạt tài sản riêng có điều kiện. Riêng, bỏi vì di chúc chỉ có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết, nghĩa là sau khi hôn nhân chấm dứt và chế độ tài sản chung của vợ chồng chuyển thành chế độ sở hữu chung theo phần; có điều kiện, bởi hiệu lực của di chúc lệ thuộc vào kết quả phân chia tài sản chung, như ta đã biết.
Một cách tổng quát, sự thoả thuận của vợ và chồng luôn là điều kiện cần thiết để cho các giao dịch có đối tượng là tài sản chung của vợ chồng có giá trị. Tuy nhiên, tuỳ theo tính chất, tầm quan trọng của tài sản liên quan so với khối tài sản chung của gia đình, hình thức thể hiện của sự thoả thuận có thể khác nhau. Ta nói rằng trường hợp cả vợ và chồng cùng sử dụng định đoạt tài sản chung là trường hợp trong đó, sự thoả thuận giữa vợ và chồng được biểu hiện ra ngoài và được nhận biết bởi người thứ ba. Khi nào thì sự thoả thuận giữa vợ và chồng cần phải đat đến mức độ đó ?
Di chúc chung của vợ và chồng. Di chúc chung của vợ chồng là một chế định độc đáo của luật Việt Nam, có nguồn gốc trong tục lệ. Đây là là một kỹ thuật giao dịch đặc biệt cho phép vợ và chồng cùng bày tỏ ý chí về việc định đoạt tài sản chung của mình sau khi chết. Cần nhấn mạnh rằng di chúc chung chỉ có thể định đoạt tài sản chung: vợ (chồng) không có quyền định đoạt bằng di chúc chung đối với các tài sản riêng của chồng (vợ) mình.
Luật nói rằng khi vợ, chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc chung, thì phải được sự đồng ý của người kia (BLDS 2005 Điều 664 khoản 2). Tuy nhiên, việc vợ và chồng lập di chúc chung không hề có nghĩa rằng vợ và chồng từ bỏ hẳn quyền lập di chúc riêng của mình. Nói rõ hơn, sau khi lập di chúc chung, vợ (chồng), nếu muốn, vẫn có quyền lập tiếp một di chúc riêng, ngay cả trong lúc chồng (vợ) mình còn sống. Di chúc riêng có thể định đoạt tài sản riêng và cả phần quyền của người lập di chúc trong tài sản chung. Giả sử di chúc riêng được lập sau có những quyết định liên quan đến tài sản chung khác với những quyết định trong di chúc chung lập trước, thì khó có thể nói rằng các quyết định trong di chúc chung lập trước vẫn giữ nguyên giá trị.
Dẫu sao, lập di chúc chung không hẳn là giao dịch mang tính chất quản lý tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Ta đã biết rằng di chúc chỉ có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết: ở thời điểm di chúc chung có hiệu lực, tài sản được định đoạt không còn mang tính chất “chung của vợ chồng” nữa, mà đã trở thành tài sản thuộc sở hữu chung theo phần, theo luật chung.
Luật không nói gì về số phận của di chúc chung trong trường hợp vợ chồng ly hôn, cũng như về quyền thay đổi nội dung di chúc trong trường hợp đó. Tuy nhiên, đây là vấn đề của một nghiên cứu chuyên biệt về di chúc.
Luật. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không có quy định cụ thể về các biện pháp chế tài trong các trường hợp vợ, chồng thực hiện các hành vi quản lý tài sản vượt quá quyền hạn của mình. Thậm chí, luật cũng không nói, như trong trường hợp chia tài sản chung nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản, rằng các hành vi quản lý trái với quy định của pháp luật thì không được pháp luật thừa nhận. Do sự thiếu sót của Luật mà những người soạn thảo Nghị định số 70-CP ngày 03/10/2001 có một số quy định chi tiết đặt cơ sở cho việc giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, những người soạn thảo Nghị định chỉ quan tâm đến các giao dịch liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn, tài sản chung là nguồn sống duy nhất của gia đình và tài sản riêng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi phát sinh là nguồn sống duy nhất của gia đình.
Điều 4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của vợ chồng
1. Trong trường hợp việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng hoặc tài sản chung là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng tài sản đó đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức phát sinh là nguồn sống duy nhất của gia đình mà pháp luật quy định phải tuân theo hình thức nhất định, thì sự thoả thuận của vợ chồng cũng phải tuân theo hình thức đó (lập thành văn bản có chữ ký của vợ chồng hoặc phải có công chứng, chứng thực...).
2. Đối với các giao dịch mà pháp luật không có quy định phải tuân theo hình thức nhất định, nhưng giao dịch đó có liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình hoặc giao dịch đó có liên quan đến việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng đã đưa vào sử dụng chung và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình, thì việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch đó cũng phải có sự thoả thuận bằng văn bản của vợ chồng.
3. Tài sản chung có giá trị lớn nói tại khoản 1, khoản 2 Điều này được xác định căn cứ vào phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng.
4. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà không có sự đồng ý của một bên, thì bên đó có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo quy định tại Điều 139 BLDS 1995 và hậu quả pháp lý được giải quyết theo quy định tại Điều 146 BLDS 1995.
Có thể rút ra điều gì từ câu chữ có vẻ như hơi rối rắm của điều luật vừa dẫn ?
Nhận xét. Khoản 4 Điều 4 của Nghị định dự kiến trường hợp vợ hoặc chồng tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến các tài sản chung quan trọng hoặc tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình mà không có sự đồng ý của chồng hoặc vợ; nhưng việc chế tài lại được dẫn chiếu đến các Điều 139 và 146 của BLDS năm 1995.
Nói riêng về Điều 139 BLDS 1995: Điều luật này được xây dựng quanh giả thiết theo đó các bên tham gia giao dịch đều ưng thuận về việc xác lập giao dịch, nhưng có ít nhất một bên không chịu xác lập giao dịch theo đúng hình thức do pháp luật quy định. Thế thì làm thế nào để áp dụng quy định của Điều 139 BLDS 1995 trong hoàn cảnh của khoản 4 Điều 4 Nghị định?
Cứ hình dung: vợ và chồng cùng đến cửa hàng vàng bạc để bán một số lượng lớn vàng của gia đình; việc mua bán được thực hiện theo đúng tập quán thương mại, nghĩa là chỉ có hoá đơn mà không có văn bản hợp đồng; ít lâu sau, người vợ kiện ra Toà án yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu, áp dụng BLDS 1995 Điều 139, với lý do không có sự thoả thuận bằng văn bản giữa vợ và chồng về việc bán vàng theo quy định của khoản 2 Điều 4 Nghị định 70-CP đã dẫn. Một cách hợp lý, giao dịch chỉ có thể bị tuyên bố vô hiệu do áp dụng Điều 139 BLDS 1995, nếu chính giao dịch đó - giao dịch mua bán vàng theo thoả thuận giữa cửa hàng vàng bạc và vợ chồng - cần phải được lập thành văn bản. Thế mà, theo luật chung, thì sự thoả thuận giữa người bán và người mua về việc mua bán vàng trong giả thiết không cần được lập thành văn bản. Khi đứng trước một đơn kiện như thế, thẩm phán có thể tự hỏi liệu người vợ trong giả thiết có hay không thừa nhận sự đồng ý (sự ưng thuận) của mình đối với việc xác lập giao dịch. Nếu không phủ nhận sự đồng ý của mình, thì người vợ không có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu, vì giao dịch đã được xác lập theo đúng các quy định thuộc luật chung liên quan đến các điều kiện về hình thức; còn nếu người vợ phủ nhận sự ưng thuận của mình, thì giao dịch vô hiệu vì không có sự ưng thuận của người giao dịch chứ không phải vì không tuân theo các điều kiện về hình thức...
Vấn đề còn lại là theo khoản 2 Điều 4 Nghị định, thì sự thoả thuận của vợ chồng trong trường hợp này phải được ghi nhận bằng văn bản.
Việc xác định lợi ích của các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều luật là một việc khá tế nhị. Có vẻ như lúc đầu, người soạn thảo điều luật muốn phân biệt sự đồng thuận giữa vợ và chồng đối với việc xác lập giao dịch và sự thoả thuận giữa vợ và chồng, với tư cách là một bên đối tác, với người thứ ba về việc xác lập giao dịch ấy. Suy cho cùng, việc đặt ra vấn đề phân biệt đó đi theo một logique mà tính phức tạp vượt quá khả năng nắm bắt của một người bình thường. Thế rồi sau đó, tại khoản 4 Điều 4, người soạn thảo điều luật lại đứng trên quan điểm không phân biệt sự thoả thuận giữa vợ và chồng về việc xác lập giao dịch với sự thoả thuận giữa họ và người thứ ba cũng về việc đó.
Thực ra, nếu luật đòi hỏi rằng một giao dịch nào đó phải được xác lập theo một hình thức nào đó (lập văn bản, công chứng, chứng thực,...), thì cả vợ và chồng đều phải tham gia vào việc xây dựng hình thức đó (ví dụ, phải cùng ký tên vào văn bản). Còn nếu luật không đòi hỏi một hình thức đặc biệt cho một giao dịch nào đó, thì sự ưng thuận của vợ chồng chỉ cần được ghi nhận theo luật chung: rất khó lý giải quy tắc theo đó, để tham gia xác lập một hợp đồng, người thứ ba chỉ cần bày tỏ sự ưng thuận theo luật chung, còn vợ, chồng phải bày tỏ sự ưng thuận bằng văn bản. Trong khung cảnh của khoản 2 và khoản 4 Điều 4 Nghị định đã dẫn, có vẻ như trong mọi trường hợp mà luật yêu cầu phải có sự thoả thuận của vợ chồng để xác lập một giao dịch liên quan đến tài sản của gia đình, thì giao dịch đó phải được lập bằng văn bản; nếu không, sẽ vô hiệu do áp dụng BLDS 1995 Điều 139.
Trở lại ví dụ vừa nêu, người bán hàng mà muốn bảo vệ mình, tránh những kiện cáo sau này của người bán, thì phải hỏi xem liệu hai người bán có phải là vợ và chồng; nếu phải, thì việc mua bán phải được lập thành văn bản. Trong trường hợp chỉ một người đến bán vàng, thì cửa hàng phải hỏi xem người bán có vợ (chồng) hợp pháp hay không; nếu có, thì cả hai phải đến, mang theo chứng minh thư và chứng nhận đăng ký kết hôn, rồi cùng với cửa hàng xác lập việc mua bán bằng văn bản. Giả sử người bán khai rằng mình không có vợ (chồng), thì phải chứng minh tình trạng độc thân, trước khii tiến hành mua bán, mà tất nhiên là không cần lập thành văn bản, do áp dụng luật chung. Khó có thể hình dung sự phát triển lành mạnh của giao lưu dân sự trong những điều kiện ngặt nghèo đó.
Có vẻ như có sự ngộ nhận hay nhầm lẫn gì đó về ý nghĩa của Điều 139 BLDS 1995 khi việc soạn thảo Điều 4 Nghị định, đã dẫn, được thực hiện.