Quan hệ nhân thân giữa cha mẹ và con
Quyền của cha mẹ Trao quyền cha mẹ Người có quyền cha mẹ. Tất nhiên, người có quyền cha mẹ trước hết là cha mẹ. Đã coi gia đình như một tổ chức nền tảng của xã hội, thì quyền cha mẹ chỉ có thể được trao cho ...
Quyền của cha mẹ
Trao quyền cha mẹ
Người có quyền cha mẹ. Tất nhiên, người có quyền cha mẹ trước hết là cha mẹ. Đã coi gia đình như một tổ chức nền tảng của xã hội, thì quyền cha mẹ chỉ có thể được trao cho người đã tạo ra người mà đối với người đó, quyền được thực hiện. Chỉ khi nào cha mẹ không làm tròn trách nhiệm của người có quyền đó, thì khả năng chuyển giao quyền đó cho một người khác mới được dự kiến.
Đặc điểm chung của chế định quyền cha mẹ
Quyền và quyền gắn liền với nghĩa vụ. Quyền của cha mẹ trong xã hội hiện đại được thừa nhận chủ yếu nhằm tạo điều kiện để cha mẹ thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với con. Suy cho cùng, trong các quyền của cha mẹ đều có yếu tố nghĩa vụ và ngược lại, các nghĩa vụ của cha mẹ đều thể hiện quyền cha mẹ. Bởi vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, khi mô tả quyền cha mẹ, thường sử dụng cụm từ “nghĩa vụ và quyền”. Nghĩa vụ đi trước, có lẽ nhằm nhấn mạnh sự thay đổi triệt để về quan điểm của người làm luật hiện đại đối với quyền cha mẹ so với người làm luật thời cổ. Tính chất “nghĩa vụ và quyền” của quyền cha mẹ cũng được khẳng định trong Công ước New York ngày 26/01/1990 về quyền trẻ em mà Việt Nam là một thành viên.
Nguyên tắc bình đẳng giữa các con. Khi xây dựng chế định quyền của cha mẹ, luật chỉ dựa vào sự tồn tại của quan hệ cha mẹ-con. Luật không phân biệt tính chất của quan hệ đó tùy theo tính chất của mối quan hệ giữa cha và mẹ, cũng như tính chất của mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Bởi vậy, con sinh ra từ quan hệ hôn nhân hợp pháp, từ quan hệ hôn nhân trái pháp luật, từ quan hệ chung sống như vợ chồng, thậm chí, từ các mối quan hệ “qua đường” giữa cha và mẹ, đều được đối xử ngang nhau. Tuy nhiên, về phương diện thực hiện quyền cha mẹ, sự bình đẳng phải được hiểu theo nghĩa tương đối: con không sống chung với cha mẹ dưới một mái nhà không thể đặt dưới sự kiểm soát, giám sát của cha mẹ cũng như không thể thụ hưởng việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của cha mẹ trong cùng những điều kiện như con sống chung với cha mẹ.
Nội dung quyền cha mẹ
Quyền và nghĩa vụ trông nom
Con được trông nom. Con được trông nom phải là con chưa thành niên. Đối với con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trách nhiệm trông nom thuộc về người giám hộ và việc trông nom được thực hiện trong khuôn khổ quyền giám hộ chứ không phải quyền cha mẹ.
Quyền. Sự trông nom của cha mẹ đối với con không chỉ được hiểu như là sự trông giữ vật chất mà trước hết là tập hợp các biện pháp mà cha mẹ có quyền và có nghĩa vụ thực hiện nhằm đặt con dưới sự kiểm soát của mình và sự kiểm soát đó cần thiết cho việc nuôi dạy con có hiệu quả. Trong chừng mực đó, việc bảo đảm sự hiện diện vật chất của con tại nơi mà cha mẹ có thể thực hiện các hoạt động quản lý bình thường đối với các công việc của gia đình, tức là nơi cư trú của cha mẹ, là điều kiện cần cho việc thực hiện quyền của cha mẹ đối với con. Theo BLDS 2005 Điều 53 khoản 1, nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha mẹ; nếu cha mẹ có nơi cư trú khác nhau, thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Luật nói thêm rằng người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha mẹ, nếu được cha mẹ đồng ý trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vậy nghĩa là trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, người chưa thành niên đủ 15 tuổi không được phép rời khỏi nơi cư trú, một khi chưa được phép của cha mẹ. Quyền cho phép của cha mẹ chắc chắn có hiệu lực đối kháng cả đối với người thứ ba (nghĩa là phải được người thứ ba tôn trọng).
Nghĩa vụ. Cha mẹ không được từ chối việc trông nom con. Vi phạm nghĩa vụ trông nom, trong trường hợp sự vi phạm có tính chất nghiêm trọng, cha mẹ có thể bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 41).
Trông nom con, cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường, bằng tài sản của mình, về những thiệt hại mà con gây ra cho người thứ ba. Tuy nhiên, một khi con chưa thành niên đủ 15 tuổi, thì khối tài sản của cha mẹ chỉ là vật bảo đảm phụ đối với người có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: nếu con có tài sản riêng, thì tài sản của con được ưu tiên dùng để thanh toán nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (BLDS 2005 Điều 606 khoản 2), chỉ sử dụng tài sản của cha mẹ để bồi thường một khi đã dùng tất cả các tài sản của con mà vẫn không đủ để bù đắp thiệt hại cho người thứ ba. Trái lại, nếu con chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi, thì cha mẹ phải sử dụng trước tài sản của mình để bồi thường (BLDS 2005 Điều 606 khoản 2), chỉ dùng đến tài sản của con khi nào đã dùng hết tài sản của cha mẹ mà vẫn không đủ để bồi thường. Trong trường hợp đặc thù mà con chưa thành niên là người làm công hoặc học nghề và gây thiệt hại cho người khác trong quá trình làm công, học nghề, thì trước hết người chủ, người dạy nghề phải bồi thường cho người bị thiệt hại (BLDS 2005 Điều 622); sau đó, nếu người làm công, người học nghề có lỗi, thì người chủ, người dạy nghề có quyền yêu cầu người này hoàn trả khoản tiền bồi thường đó (cùng điều luật); nếu người làm công, người học nghề là người chưa thành niên, thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường theo các quy định được phân tích ở trên.
Quyền và nghĩa vụ giáo dục
Định hướng phát triển và giám sát. Giáo dục được hiểu theo nghĩa rộng nhất, tức là tập hợp các biện pháp mà cha mẹ có quyền và có nghĩa vụ thực hiện nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của con về trí tuệ, tài năng và nhân cách. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 37 khoản 1, cha mẹ có nghĩa vụ và quyềìn giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Việc chăm lo và tạo điều kiện vật chất cho việc giáo dục con nằm trong nội dung của nghĩa vụ và quyền nuôi dưỡng, sẽ được phân tích sau.
- Lựa chọn trường học. Cha mẹ có quyền và có nghĩa vụ lựa chọn trường nơi con theo học phù hợp với điều kiện đi lại, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình cũng như với năng khiếu của con. Cha mẹ theo dõi, kiểm tra việc học tập của con, một cách độc lập tại gia đình hoặc có hợp tác với nhà trường thông qua tổ chức hội phụ huynh học sinh. Tất nhiên, khi đã có khả năng nhận thức nhất định, con có quyền có ý kiến về việc lựa chọn nơi học tập; cha mẹ, về phần mình, chỉ tham gia ý kiến với tư cách cố vấn.
- Giáo dục đạo đức. “Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong một môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt về mọi mặt” (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 37 khoản 1).
- Hướng nghiệp. “Cha mẹ hướng dẫn cho con chọn nghề” (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 37 khoản 2). Song, cha mẹ phải tôn trọng quyền chọn nghề của con (cùng điều luật). Cần lưu ý rằng trong khung cảnh của pháp luật lao động hiện hành, con đủ tuổi để giao kết hợp đồng lao động, thì có thể tự mình giao kết và không cần sự đồng ý của cha mẹ.
Quyền và nghĩa vụ giáo dục, trong chừng mực nào đó, thể hiện dưới hình thức quyền và nghĩa vụ giám sát. Cha mẹ, theo tục lệ, có quyền cho phép hoặc không cho phép con chưa thành niên lui tới những nơi nào đó, giao tiếp với người nào đó, kiểm soát thư từ của con cái,... Các quyền này không được ghi nhận trong luật viết, có lẽ do chúng không phù hợp với tinh thần của nguyên tắc tôn trọng quyền trẻ em; nhưng nếu cha mẹ có thực hiện, thì pháp luật cũng chỉ can thiệp có chừng mực (Đúng hơn là pháp luật can thiệp trong chừng mực của các quy định về quyền của công dân trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong đời tư. Trong quan hệ gia đình, các quyền này của công dân bị chi phối khá sâu rộng bằng các quy tắc của tục lệ hơn là của luật viết. ) ví dụ, trong trường hợp có sự lạm dụng quyền của cha mẹ và sự lạm dụng đó ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển lành mạnh của con, nhất là một khi con chưa thành niên đã đủ 15 tuổi.
Thực hiện quyền của cha mẹ
Mô hình mẫu: Mô hình mẫu, còn có thể gọi là mô hình gia đình bình thường, đặc trưng bằng các yếu tố sau đây: con có đủ cha và mẹ, cha mẹ có đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau, con cùng sống với cha mẹ dưới một mái nhà.
Nguyên tắc thực hiện chung và trực tiếp. “Thực hiện trực tiếp”, cha mẹ phải là chủ thể năng động, tích cực trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với con và phải là những người trực tiếp thực hiện quyền đó. Không thể hình dung được việc thực hiện quyền cha mẹ thông qua vai trò của người được ủy quyền. Trong trường hợp cha mẹ không còn, thì quyền cha mẹ được chuyển giao cho anh, chị, em hoặc ông bà. Trong trường hợp không có cả anh, chị, em hoặc ông bà, thì quyền cha mẹ được thay thế bằng quyền của người giám hộ.
“Thực hiện chung”, cha mẹ không thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với con một cách phân tán, độc lập, cát cứ. Mỗi người thực hiện quyền của cha mẹ theo thiên chức riêng của người cha và của người mẹ, nhưng trên cơ sở mối quan hệ hợp tác, cũng mang tính thiên chức, của cha và mẹ. Dẫu sao, “chung” không thể được hiểu một cách máy móc. Thông thường, một người sẽ đưa ra sáng kiến hoặc sẽ thực hiện một mình và người còn lại đồng ý (rành mạch, rõ ràng hoặc mặc nhiên). Cha và mẹ không cần cùng ký tên vào sổ liên lạc gia đình-học đường, không cần cùng nhau ra trước Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích của con trong một vụ án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, về quyền thừa kế,...
Đơn phương thực hiện quyền của cha mẹ
Các trường hợp thực hiện đơn phương quyền của cha mẹ. Luật chỉ ghi nhận một trường hợp duy nhất mà trong đó cha hoặc mẹ đơn phương thực hiện quyền của cha mẹ đối với con: khi mẹ hoặc cha ở trong tình trạng bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 41 và 42). Thực ra, có những trường hợp khác trong đó cha hoặc mẹ đơn phương thực hiện quyền của cha mẹ đối với con:
- Do mẹ hoặc cha đã chết;
- Do mẹ hoặc cha vắng mặt, mất tích hoặc ở trong tình trạng mất năng lực hành vi.
Ngoài ra, việc thực hiện chung quyền cha mẹ cũng tỏ ra chỉ có giá trị lý thuyết trong trường hợp cha mẹ không có quan hệ chung sống thực tế mà chỉ có quan hệ qua đường.
Quyền cha mẹ trong mối quan hệ với quyền lực công cộng
Nhà nước có thể can thiệp vào việc thực hiện quyền cha mẹ với một trong hai mục đích: giám sát việc thực hiện quyền đó nhằm ngăn chặn việc lạm dụng quyền đó và bảo vệ con; hoặc kiểm tra sự tôn trọng của con đối với quyền cha mẹ nhằm kịp thời hỗ trợ cha mẹ trong việc thực hiện quyền này.
Hỗ trợ thực hiện quyền cha mẹ
Trường hợp cha mẹ cần được hỗ trợ. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 37 khoản 3, khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được, cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con. “Khó khăn không thể tự giải quyết được” không hẳn là các khó khăn vật chất: cha mẹ nghèo vẫn tự mình giáo dục được con. Có lẽ người soạn thảo điều luật liên tưởng đến các trường hợp con ngỗ nghịch, hư hỏng, nghiện ngập mà cha mẹ không có khả năng giáo dục.
Tính chất của sự hỗ trợ. Sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức đối với cha mẹ trong việc giáo dục con có thể được coi như một cách Nhà nước thực hiện việc giáo dục công dân, nhưng cũng có thể là một hình thức giáo dục con gián tiếp mà cha mẹ, trong những hoàn cảnh đặc thù, thực hiện thông qua vai trò của Nhà nước. Được hiểu theo cách thứ hai, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giáo dục con cái thực sự là việc uỷ thác một phần quyền cha mẹ cho Nhà nước.
Thủ tục và thể thức. Luật không có quy định cụ thể về thủ tục và thể thức yêu cầu giúp đỡ. Thông thường, yêu cầu này được đặt ra sau khi con đã có một hành vi trái pháp luật được phát hiện (hút hoặc tiêm chích ma tuý, phá rối trật tự công cộng,...). Có trường hợp do hành vi đó mà con bị xử lý hành chính hoặc hình sự và cha mẹ có thể yêu cầu thực hiện biện pháp giáo dục bổ sung, ngoài biện pháp chế tài theo luật, đối với con. Cũng có trường hợp con không phải chịu sự chế tài theo luật, nhưng cha mẹ chủ động đề nghị dành cho con những biện pháp giáo dục đặc biệt nhằm ngăn ngừa khả năng xảy ra những việc tồi tệ hơn.
Con có thể được giao hẳn cho cơ quan chức năng để được giáo dục tập trung tại một cơ sở giáo dưỡng, điều trị bệnh hoặc chỉ chịu sự giáo dục “bán trú” - ban ngày đến cơ sở giáo dục, ban đêm trở về nghỉ tại nhà cha mẹ.
Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên
Các trường hợp hạn chế quyền của cha mẹ. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 41, cha mẹ rơi vào một trong các trường hợp sau đây thì có thể bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, theo một quyết định của Toà án:
- Bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con;
- Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Có hành vi phá tán tài sản của con;
- Có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Trong trường hợp thứ nhất, có lẽ việc hạn chế quyền của cha mẹ được ghi nhận ngay trong bản án; còn trong các trường hợp khác, việc hạn chế quyền của cha mẹ hẳn được quyết định theo một thủ tục riêng. Dẫu sao, đây là một chế tài đặc biệt của Luật hôn nhân và gia đình; bởi vậy, dù có được ghi nhận trong một bản án hình sự như trong trường hợp thứ nhất, chế tài này cũng không mang ý nghĩa của một hình phạt hay một biện pháp tư pháp của luật hình.
Thủ tục hạn chế quyền của cha mẹ. Toà án có thể tự mình mở thủ tục xem xét việc hạn chế quyền của cha mẹ (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 41) (Có lẽ Toà án chỉ tự mình ra quyết định hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên một khi ra bản án đối với cha mẹ về các tội xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con. )
Trong trường hợp Toà án không tự mình làm việc đó, thì chỉ những người sau đây mới có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 42):
1. Cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên;
2. Viện kiểm sát;
3. Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ.
Những người nêu tại điểm 1 và 3 trên đây có quyền trực tiếp yêu cầu Toà án hoặc gián tiếp yêu cầu thông qua vai trò của Viện kiểm sát. Luật nói thêm rằng cá nhân, cơ quan, tổ chức khác cũng có quyền yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên; tuy nhiên, họ chỉ có quyền gián tiếp yêu cầu Toà án thông qua vai trò của Viện kiểm sát (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 42 khoản 4).
Việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con được quyết định theo thủ tục chung về tố tụng dân sự, nghĩa là người bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con có thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm, có thể yêu cầu xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Hiệu lực của quyết định hạn chế quyền của cha mẹ. Luật viết xây dựng các giải pháp của mình tùy theo cả cha và mẹ hoặc chỉ một trong hai người bị hạn chế quyền của cha mẹ (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 43):
1. Trong trường hợp một trong hai người bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, thì người còn lại thực hiện các quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con;
2. Trong trường hợp cả cha và mẹ đều bị Toà án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, thì việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và việc quản lý tài sản của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ.
Người bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con (cùng điều luật khoản 3). Đây không phải là một chế tài đối với người bị hạn chế quyền của cha mẹ mà chỉ là hệ quả của việc tước một phần quyền của cha mẹ: ta biết rằng quyền của cha mẹ trong khung cảnh của luật thực định là một quyền đồng thời là một nghĩa vụ; việc hạn chế quyền của cha mẹ có tác dụng “treo quyền” nhưng không “treo nghĩa vụ”.
Thời hạn hạn chế quyền của cha mẹ không ngắn hơn 1 năm và không dài hơn 5 năm (Điều 41). Theo câu chữ của luật viết, có thể nghĩ rằng, khi thời hạn hạn chế quyền của cha mẹ đã hết, thì việc khôi phục quyền cha mẹ là đương nhiên chứ không cần thủ tục xoá án như đối với án tích về hình sự; song, không chắc đó là giải pháp mà người làm luật mong muốn. Riêng trong trường hợp cần rút ngắn thời hạn hạn chế quyền cha mẹ, Luật có ghi nhận vai trò xem xét của Toà án (cùng điều luật).
Chấm dứt quyền của cha mẹ
Có hay không việc chấm dứt quyền cha mẹ ? Luật không dự kiến việc chấm dứt quyền của cha mẹ đối với con. Có lẽ do người làm luật thấy không cần thiết. Đến một lúc nào đó, con được luật thừa nhận có đầy đủ năng lực hành vi và do đó có quyền tự mình quyết định con đường đi của mình. Thậm chí, trước khi con đạt đến độ tuổi nhất định để được thừa nhận có đầy đủ năng lực hành vi, con cũng đã dần dần ý thức được các quyền tự do cá nhân của mình cũng như dần dần xây dựng cho mình thế giới quan và nhân sinh quan riêng. Cha mẹ, về phần mình, sẽ dần có xu hướng chuyển thái độ cư xử, trong khuôn khổ thực hiện quyền của cha mẹ, từ sự dẫn dắt chủ động, trực tiếp sang hướng dẫn, gợi ý, cố vấn, giúp đỡ,... Về mặt lý thuyết, cha mẹ không có nghĩa vụ trông nom con đã thành niên: con đã thành niên có quyền có nơi cư trú riêng; con đã thành niên mà gây thiệt hại cho người thứ ba, thì phải tự bồi thường (BLDS 2005 Điều 606 khoản 1). Nếu con đã thành niên mà ở trong tình trạng mất năng lực hành vi, thì con sẽ được đặt dưới chế độ giám hộ.
Quan hệ giữa cha (mẹ) kế và con riêng của vợ (chồng). Cho đến khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, quan hệ giữa cha (mẹ) kế và con riêng của vợ (chồng) chỉ được người làm luật nhắc tới ở góc độ thừa kế và trong trường hợp hết sức đặc thù mà các đương sự cư xử với nhau như cha mẹ ruột và con ruột. Cách cư xử đó, về phần mình, lại chỉ xuất phát từ ý chí của các đương sự chứ không phải do đòi hỏi của luật.
Luật hôn nhân và gia đình đồng hoá quan hệ ấy, về phương diện nhân thân, với quan hệ giữa cha mẹ ruột và con ruột. Theo khoản 1 Điều 38 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, bố dượng, mẹ kế có nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng cùng sống chung với mình theo quy định tại các Điều 34, 36 và 37 của Luật; theo khoản 2 Điều 38, con riêng có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình, theo quy định tại các Điều 35 và 36 của Luật. Song, cần nhấn mạnh rằng để các quyền và nghĩa vụ ấy phát sinh, các đương sự phải cùng sống với nhau dưới một mái nhà; nếu ở riêng, các đương sự chỉ là những người xa lạ đối với nhau, về phương diện pháp luật hôn nhân và gia đình.
Luật cũng cấm các đương sự có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 38 khoản 3). Tuy nhiên, nếu thực hiện hành vi ấy ở mức độ nghiêm trọng, người thực hiện hành vi chỉ bị chế tài theo Điều 151 BLHS 1999 trong trường hợp nạn nhân là người nuôi dưỡng mình.