14/05/2018, 16:48

Quan hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con – Giáo trình pháp luật Việt Nam đại cương

Quan hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con a, Quan hệ giữa vợ và chồng Quan hệ nhân thân là những quy định mang tính khái quát về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng như: tình nghĩa vợ chồng; vợ chồng bình đẳng về nghĩa vụ và quyền, việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng; vợ chồng có nghĩa vụ ...

Quan hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con

a, Quan hệ giữa vợ và chồng

Quan hệ nhân thân là những quy định mang tính khái quát về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng như: tình nghĩa vợ chồng; vợ chồng bình đẳng về nghĩa vụ và quyền, việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng; vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau, vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau, giúp đỡ tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt; việc đại diện cho nhau giữa vợ và chồng, về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện, quan hệ hôn nhân khi một bên bị tuyên bố là đã chết mà trở về.

Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng bao gồm:

Quyền sở hữu của vợ chồng đối với tài sản chung hợp nhất: Tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung và những tài sản khác vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Như vậy, tài sản chung của vợ chồng được xây dựng căn cứ vào nguồn gốc tài sản gồm: tiền lương, tiền thưởng, tiền lương hưu, tiền trợ cấp, các khoản thu nhập về sản xuất ở gia đình và các khoản thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng không phân biệt mức thu nhập của mỗi bên. Các tài sản mà vợ chồng mua sắm được từ các nguồn nói trên hoặc tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung. Tài sản chung vợ chồng được chi dùng để đảm bảo những nhu cầu chung của gia đình thì được xác định là đương nhiên có sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng.

Quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng: Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo Điều 29 và khoản 30 của luật này; đồ dùng tư trang cá nhân. Vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

          b, Quan hệ giữa cha mẹ và con

          Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con cái dựa trên sự kiện pháp luật nhất định do Luật hôn nhân gia đình: Sự kiện sinh đẻ và sự kiện nhận nuôi con nuôi.

Trước hết, quan hệ giữa cha mẹ và con dựa trên sự kiện sinh đẻ.

 Theo khoản 1 Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngay đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng”.

          Về nguyên tắc các trường hợp sau đây coi là con chung của vợ chồng:

           Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nghĩa là sinh ra sau khi đã tổ chức đăng ký kết hôn cho đến khi chấm dứt quan hệ hôn nhân do một bên chết trước hoặc do Tòa án công nhận, quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc của cả hai bên vợ chồng.

          Có thai trong thời kỳ hôn nhân nghĩa là con sinh ra khi chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân (trong thời kỳ từ khi tổ chức đăng ký kết hôn cho đến khi chấm dứt quan hệ hôn nhân). Về nguyên tắc trong thời hạn 300 ngày (kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân) người vợ sinh con thì đứa trẻ đó xác định là con chung của vợ chồng.

          Để đảm bảo lợi ích cho đứa trẻ pháp luật quy định con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn (ngày tổ chức đăng ký kết hôn) nhưng được cả vợ chồng thừa nhận. Trong trường hợp cha mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định (khoản 1 Điều 63) và người không được nhận là cha mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha mẹ một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình. Ngoài việc sinh sản tự nhiên thì việc sinh con theo phương pháp khoa học được quy định tại Nghị định 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Việc sinh con theo phương pháp khoa học có sự tham gia của người thứ ba đó là người cho noãn, cho tinh trùng, cho phôi thì cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân luôn luôn được xác định là cha mẹ của đứa trẻ được sinh ra theo phương pháp khoa học.

Thứ hai, dựa vào sự kiện nuôi con nuôi (từ Điều 67 đến Điều 78).

          Nuôi con là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con cái giữa người nhận làm con nuôi và người được nhận làm con nuôi, đảm bảo cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội (Điều 67). Quan hệ nuôi con nuôi chỉ được xác lập khi thỏa mãn các điều kiện sau:

          Về điều kiện đối với con nuôi:

           Về độ tuổi con nuôi phải là người từ dưới 15 tuổi trở xuống (trừ trường hợp người được nhận làm con nuôi là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi người gìa yếu, cô đơn).

          Một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của hai vợ chồng hay nói cách khác một người không thể làm con nuôi của nhiều người cùng một lúc mà chỉ tham gia vào một quan hệ nuôi với tư cách là nuôi.

          Về điều kiện đối với người nhận con nuôi. Người nhận nuôi con nuôi phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Luật dân sự; Hơn người con nuôi 20 tuổi trở lên; Có tư cách đạo đức tốt; Có điều kiện thực tế đảm bảo trông mon, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Không phải là người bị hạn chế một số quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa xóa tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hành hạ ông, bà, cha, mẹ, chồng, con, cháu, người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái đạo đức xã hội.

          Việc nhận nuôi con nuôi phải đảm bảo điều kiện hình thức: Theo quy định tại Điều 72, việc nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch. Việc nhận nuôi giữa các công dân Việt Nam với nhau phải được đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nuôi con hoặc con nuôi; việc nhận con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài phải được đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của công dân Việt Nam.

Khi xác định quan hệ cha mẹ và con thì các nghĩa vụ và quyền về nhân thân giữa họ được pháp luật quy định như sau:

Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông non, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập, giáo dục con để phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo gia đình, công dân có ích cho xã hội (Điều 34).

Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi hành hạ xúc phạm con; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên; không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội.

Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện học tập cho con.

Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề, tôn trọng quyền chọn nghề, tham gia hoạt động xã hội của con.

Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ có người khác đại diện theo pháp luật.

Cha mẹ có trách nhiệm bồi dưỡng thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của pháp luật dân sự.

Con có bổn phận yêu quí, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Con có nghĩa vụ và quyền lợi chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật, trong trường hợp gia đình có nhiều con, thì các con phải cùng nhau chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế cùng chung sống với mình theo quy định của luật này.

          Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

0