Quan hệ cha mẹ - con ruột
QUAN HỆ CHA MẸ-CON RUỘT Quan hệ cha mẹ-con là mối liên hệ pháp lý giữa một người (gọi là con) và một người khác (gọi là cha hoặc mẹ): tùy theo người khác đó là nam hay nữ quan hệ được thiết lập là quan hệ cha-con hoặc quan hệ mẹ-con. ...
QUAN HỆ CHA MẸ-CON RUỘT
Quan hệ cha mẹ-con là mối liên hệ pháp lý giữa một người (gọi là con) và một người khác (gọi là cha hoặc mẹ): tùy theo người khác đó là nam hay nữ quan hệ được thiết lập là quan hệ cha-con hoặc quan hệ mẹ-con. Quan hệ cha mẹ-con có thể được xác lập một cách tự nhiện từ sự kiện thành thai và sinh nở (gọi là quan hệ cha mẹ-con ruột) hoặc một cách nhân tạo từ việc nhận con nuôi.
Việc làm rõ quan hệ cha mẹ-con ruột không chỉ cần thiết trong trường hợp có tranh cãi về tư cách cha, mẹ, con của một người, khi thẩm phán, theo yêu cầu, phải có trách nhiệm thẩm định các bằng chứng chống lại nhau. Một người nào đó đến cơ quan công chứng và tự xưng rằng mình là con ruột của một người đã chết và di sản đang được thanh toán; cơ quan công chứng phải kiểm tra tư cách “con” của người tự xưng đó trước khi người này tham gia vào việc chuyển giao và thanh toán di sản. Một người chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi có hành vi gây thiệt hại cho một người khác; Toà án gọi cha của người gây thiệt hại ra Toà để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại; một trong những điều kiện để phiên Toà diễn tiến bình thường là người được gọi ra Toà phải thực sự là cha của người gây thiệt hại...
Các cách thức xác định quan hệ cha mẹ-con ruột, tùy theo tính chất, có thể được xếp vào hai nhóm chính: xác định quan hệ cha mẹ-con như là quan hệ tự nhiên và xác định quan hệ cha mẹ-con như là quan hệ pháp lý.
Tạm gọi là có tính chất tự nhiên, quan hệ cha mẹ-con ràng buộc những người có liên quan một cách tự nhiên và được người thứ ba nhìn nhận mà không cần sự can thiệp của luật, không cần dựa vào các quy tắc pháp lý. Với tính cách là quan hệ tự nhiên, quan hệ cha mẹ-con có thể được xác định dựa vào một trong hai yếu tố hoặc cả hai yếu tố: sinh học và xã hội học.
Yếu tố sinh học
Thành thai và sinh sản.
Con ruột của cha và mẹ là con do người mẹ sinh ra từ một bào thai do người mẹ cưu mang và bào thai đó là kết quả của sự phối hợp xác thịt của cha và mẹ. Đối với người mẹ, yếu tố sinh học được xây dựng quanh sự kiện sinh sản: người phụ nữ sinh ra đứa trẻ là mẹ của đứa trẻ ấy. Đối với người cha, yếu tố sinh học lại được xây dựng quanh sự kiện thành thai: người có quan hệ xác thịt với người phụ nữ và dẫn đến việc người sau này mang thai là cha của đứa trẻ sinh ra từ bào thai ấy. Giả sử ngày sinh của con được xác định; làm thế nào để xác định ngày thành thai của con? Luật viết chưa trả lời câu hỏi này. Trước khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, một số văn bản lập quy của cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử có ghi nhận các quy tắc về việc suy đoán khoảng thời gian mà trong khoảng thời gian đó ngườìi phụ nữ có thể mang thai. Các quy tắc ấy không giống nhau ( Ví dụ. Thông tư số 733/BYT/TT nói rằng thời gian mang thai của người phụ nữ dài nhất là 285 ngày, ngắn nhâtú là 200 ngày. Thông tư số 15/DS ngày 27/9/1974 của Toà án nhân dân tối cao lại cho rằng thời gian mang thai dài nhất là 300 ngày và ngắn nhất là 180 ngày) và hầu như không được áp dụng một cách phổ biến trong thực tiễn.
Trường hợp sinh sản nhân tạo.
Nghị định số 12-CP ngày 12/02/2003 về sinh con theo phương pháp khoa học chỉ ghi nhận trường hợp người vợ mang thai, nhưng bào thai là kết quả của sự phối hợp giữa trứng và tinh trùng của người khác hoặc trứng của người vợ và tinh trùng của người khác. Theo Điều 20 khoản 2 của Nghị định thì con được sinh ra trong trường hợp này coi như có cha và mẹ ruột là người chồng và người vợ đó. Tất nhiên, lai lịch của người cung cấp yếu tố vật chất bổ khuyết không được công bố cho vợ và chồng biết, cũng như bản thân người cung cấp yếu tố vật chất bổ khuyết không biết lai lịch của vợ và chồng muốn có con bằng con đường thụ tinh nhân tạo.
Nếu sự thụ tinh là kết quả sự phối hợp giữa các yếu tố vật chất của vợ và chồng, nhưng việc mang thai lại do một người phụ nữ khác thực hiện, thì thực tiễn có xu hướng thừa nhận rằng trẻ sinh ra có cha và mẹ là chồng và vợ đó, người mang thai hộ chỉ đóng vai trò người hỗ trợ cần thiết cho sự ra đời của trẻ ấy.
Yếu tố xã hội học
Cha, mẹ, con trước hết là những quan hệ xã hội.
Giả thiết được hình dung như sau: một người thứ ba đứng trước hai người - A và B. A giới thiệu với người thứ ba rằng B là con ruột của mình. Người thứ ba ghi nhận sự tồn tại của mối quan hệ cha-con giữa hai người đối diện không chỉ thông qua lời giới thiệu mà còn qua thái độ cư xử của hai người đối với nhau. Ta nói rằng sự tồn tại của quan hệ cha mẹ-con được xác định nhờ những biểu hiện bên ngoài của mối quan hệ ấy, được người thứ ba ghi nhận. Một người mang thân phận “con” là người sống và cư xử theo những chuẩn mực tương ứng với thân phận ấy, do xã hội đặt ra, với điều kiện người được cư xử như cha (mẹ) có phản ứng thuận lợi khi được cư xử như thế. Ta nói rằng quan hệ cha mẹ-con được ghi nhận nhờ sự bộc lộ yếu tố xã hội học của quan hệ ấy.
Một cách tổng quát, quan hệ cha mẹ-con được xác định về phương diện xã hội, như là kết quả của sự hội tụ của ba yếu tố nhỏ: danh xưng, thái độ và dư luận.
Danh xưng. Con của một người mang họ của người đó. Thông thường, con sinh ra từ quan hệ hôn nhân mang họ cha; con sinh ra từ quan hệ chung sống như vợ chồng cũng thường mang họ cha. Cá biệt, có trường hợp những người có quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc chung sống như vợ chồng chấp nhận tập tục của cộng đồng dân tộc ít người mà họ có xuất xứ, theo đó, con sinh ra phải mang họ mẹ. Con của một người phụ nữ độc thân thường mang họ của chính người phụ nữ đó. Bằng chứng về việc mang họ có thể là giấy khai sinh hoặc bất kỳ giấy tờ gì khác được thiết lập một cách chính thức (chứng minh thư, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, thậm chí lý lịch có xác nhận, bằng cấp, chứng chỉ,...).
Thái độ. Việc cha, mẹ cư xử với tư cách đó trong quan hệ với con thể hiện một cách chung nhất qua việc cha mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục, gây dựng tương lai của con. Việc con cư xử với tư cách đó trong quan hệ với cha mẹ thể hiện một cách chung nhất qua việc con tỏ ra kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng, tuân theo lời khuyên của cha mẹ. Khác với khá nhiều thứ tiếng, tiếng Việt có các từ dùng để xưng hô cho phép người thứ ba nhận biết được quan hệ cha-con, mẹ-con giữa các đương sự.
Dư luận. Thái độ xử sự của người thứ ba cũng có tác dụng làm rõ mối quan hệ cha mẹ-con của các đương sự: ông bà gọi cha mẹ đến để góp ý về cách giáo dục con; nhà trường gọi cha mẹ đến để họp bàn về việc học của con; Toà án triệu tập cha mẹ đến để tham gia vào vụ án huỷ hoại tài sản của người khác mà con chưa thành niên là thủ phạm;... Trong tất cả những trường hợp đó, người thứ ba cũng như quyền lực công cộng thừa nhận tư cách của người tự xưng là cha hoặc mẹ chỉ trên cơ sở ghi nhận sự hội tụ của những yếu tố xã hội học đặc trưng của quan hệ ấy giữa các đương sự. Người thứ ba cũng như quyền lực công cộng trong các trường hợp ấy không bao giờ yêu cầu cha mẹ xuất trình bằng chứng đặc thù về quan hệ cha mẹ-con.
Xác lập yếu tố xã hội học.
Thực ra, yếu tố xã hội học có thành phần cấu tạo rất phức tạp chứ không chỉ gồm có ba yếu tố nhỏ trên: trao đổi thư từ, giữ gìn những kỷ vật,... cũng có thể được coi là biểu hiện của yếu tố xã hội học. Hơn nữa, sự hội tụ của tất cả các yếu tố nhỏ ấy không phải là điều kiện bắt buộc cho sự thành lập hoàn chỉnh yếu tố xã hội học. Nói chung, có thể thừa nhận rằng gọi là có yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con một khi có đủ các dấu hiệu cho người thứ ba thấy sự hiện diện của mối quan hệ đó như là một thành phần của tổng hoà các mối quan hệ của gia đình mà các đương sự là thành viên. Vậy cũng có nghĩa rằng thái độ cư xử giữa các đương sự là thành phần chính của yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con.
Liên tục, chắc chắn và không mập mờ.
Yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con phải được ghi nhận một cách rõ nét và liên tục trong thời gian. Đó là một cách (một thái độ) sống nhất quán và được ghi nhận như một phần tiểu sử của một con người xem xét ở góc độ quan hệ gia đình. Tuy nhiên, sự liên tục của yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con không nhất thiết là sự liên tục theo nghĩa đen: hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng giây, hai người gọi là cha và con phải biểu lộ mối quan hệ cha-con của họ trước người thứ ba. Thông thường những người cư xử với nhau như cha-con, mẹ-con sống chung với nhau dưới cùng một mái nhà, nhất là chừng nào người được gọi là con chưa đến tuổi thành niên. Nhưng đó không phải là điều kiện bắt buộc cho sự hình thành và duy trì quan hệ cha mẹ-con về mặt xã hội. Trong nhiều trường hợp, sự quan tâm của một người cha và thái độ tích cực của một người con trong việc tiếp nhận sự quan tâm đó, được bộc lộ ở một thời điểm nhất định, cũng đủ để nuôi dưỡng mối quan hệ giữa hai người và khiến cho yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con được ghi nhận.
Truy tầm sự thật sinh học.
Việc xác định quan hệ cha mẹ-con về phương diện pháp lý chịu sự chi phối của những quy tắc đặc thù, được xây dựng tùy theo việc xác định được thực hiện trong hay ngoài thủ tục tư pháp. Các yếu tố đặt cơ sở cho việc thiết lập quan hệ tự nhiên giữa cha mẹ và con được pháp lý hoá và trở thành chất liệu chính xây dựng chứng cứ của quan hệ cha mẹ-con. Tiêu chí đánh giá chứng cứ là sự phù hợp giữa chứng cứ và sự thật; và, không kể các trường hợp sinh sản nhân tạo hoặc vô tính, nội dung của sự thật về quan hệ cha mẹ-con chỉ có thể là: một người sinh ra từ sự phối hợp xác thịt giữa một người đàn ông và một người đàn bà, thì là con ruột của hai người này. Ta gọi đó là sự thật sinh học. Một cách duy lý, sự thật sinh học phải dựa trên các yếu tố sinh học - có quan hệ xác thịt, có sự thành thai như là hệ quả của quan hệ xác thịt đó và có sự sinh sản từ sự thành thai đó. Tuy nhiên, trên thực tế sự việc lại rất không đơn giản: sự thật sinh học về quan hệ cha mẹ-con như là quan hệ pháp lý phải được xây dựng từ kết quả sự phối hợp giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội học của sự thật đó. Yếu tố xã hội học đóng vai trò bổ sung trong điều kiện yếu tố sinh học thường bị che lấp bởi tính chất không công khai (và không thể công khai) của quan hệ xác thịt.