18/06/2018, 15:53

Quá trình thiết lập thuộc địa của thực dân Anh ở vùng Đông Nam Á hải đảo giai đoạn 1786 – 1909

Battle of Malacca Straits. Feb. 15th 1804- Robert Dodd Robert Dodd (1748-1815) Lê Duy Hùng Khoa Lịch sử-ĐHSP Huế Những vùng kinh tế của Mã Lai trải qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm phức tạp. Thế kỉ XIII – XIV, ở Mã Lai có một số thành phố buôn bán sầm uất, có nhiều quan hệ ...

Battle of Malacca Straits. Feb. 15th 1804- Robert Dodd Robert Dodd (1748-1815)

Battle of Malacca Straits. Feb. 15th 1804- Robert Dodd Robert Dodd (1748-1815)

Lê Duy Hùng

Khoa Lịch sử-ĐHSP Huế

Những vùng kinh tế của Mã Lai trải qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm phức tạp. Thế kỉ XIII – XIV, ở Mã Lai có một số thành phố buôn bán sầm uất, có nhiều quan hệ với nước ngoài. Nhưng chiến tranh liên miên các thành phố này bị sa sút và phá huỷ hoàn toàn. Vì vậy trong giai đoạn sau, Malacca trở thành thương cảng quan trọng nhất. Sự lớn mạnh về kinh tế dần đưa Vương quốc Malacca lên vị trí hàng đầu trên bán đảo.

Với vị trí quan trọng, Malacca trở thành miếng mồi hấp dẫn đối với tư bản phương Tây. Thực dân Bồ Đào Nha là kẻ đi đầu trong công cuộc xâm lược vùng này.

Năm 1511, 1400 tên lính Bồ Đào Nha và Ấn Độ đổ bộ xuống Malacca. Cuộc chiến tranh thực dân tàn bạo bắt đầu. Nhân dân Malacca đã chiến đấu rất dũng cảm. Cuộc chiến tranh kéo dài hàng tháng trời, nhưng cuối cùng nhờ ưu thế kĩ thuật, thực dân Bồ Đào Nha đã chiếm được Malacca. Cuộc chiến đấu còn kéo dài trong nhiều năm sau nhưng cuối cùng bị dập tắt.

Sau khi chiếm được Malacca, Bồ Đào Nha biến nó thành cứ điểm buôn bán hương liệu ở phương Đông. Đồng thời lợi dụng vị trí chiến lược của Malacca làm bàn đạp xâm chiếm các vương quốc khác trên bán đảo. Đến thế kỉ XV, thực dân Bồ Đào Nha trở thành kẻ lũng đoạn lớn nhất về hương liệu và hàng hoá phương Đông ở châu Âu. Trong hàng trăm năm, chúng khống chế cả một vùng rộng lớn gồm các địa điểm ở châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Mã Lai, Indonesia, Nam Mĩ… Malacca giữ một vị trí kinh tế và chiến lược vô cùng quan trọng đối với thực dân Bồ Đào Nha.

Nhưng đến giữa thế kỉ XVII, Bồ Đào Nha suy yếu dần, không cạnh tranh nổi với các nước tư bản đang lên. Những thuộc địa của Bồ Đào Nha dần rơi vài tay các nước thực dân khác. Bằng vũ lực uy hiếp và thủ đoạn lường gạt, Hà Lan chiếm được khu vực hương liệu giàu có ở Indonesia và Malacca.

Sau khi chiếm được Malacca, Công ti VOC (Vereenigde Oost-Indische Compagnie – Công ti Đông Ấn Hà Lan) [24, 32] liền mở rộng thế lực đến các vương quốc phía Bắc vốn phụ thuộc Xiêm. Chúng xúi giục các vương quốc này đánh nhau, làm suy yếu lẫn nhau rồi dùng vũ lực bắt phải thần phục. Hệ thống thuộc địa của Hà Lan, dù ở Indonesia hay ở Mã Lai cũng đều xây dựng nên “một bức tranh miêu tả những sự giết hại, phản trắc, sa đoạ và đê tiện, không thời nào có thể sánh kịp”[tr.757, 4].

Nhưng thời kì thống trị của Hà Lan ở Mã Lai cũng nhanh chóng kết thúc cùng với sự kết thúc địa vị bá quyền trên biển của chúng. Thời kì huy hoàng của ưu thế thương nghiệp đi qua, giai đoạn bá quyền về công nghiệp quyết định vị trí của các nước tư bản bắt đầu. Nước Anh tư bản công nghiệp đang lên trở thành đối thủ đáng gờm của Hà Lan. Thực dân Hà Lan phải nhường bước cho thực dân Anh trong việc xâm chiếm các lãnh thổ đặc biệt là các vương quốc ở bán đảo Mã Lai.

I. Các vương quốc trên bán đảo Mã Lai.

1. Vương quốc Kedah

 Trong giữa thế kỷ XVII, các công ty Anh nhận thấy giá trị thương mại củabán đảo Malay. Tháng 4 năm 1771, Jourdian, Sulivan de Souza, một công ty Anh có trụ sở ở Madras, Ấn Độ đã cử Francis Light để đáp ứng yêu cầu của Sultan Kedah là Kedah, là Muhammad Jiwa Shah, mở cửa thị trường của nhà nước để kinh doanh, Light là một thuyền trưởng của EIC (English East India Company – Công ty Đông Ấn Anh) [12, 24, 32].

Trong thời gian này Sultan phải đối mặt với nhiều mối đe dọa bên ngoài. Xiêm, thường xuyên có chiến tranh với Miến Điện, vì Kedah là nước chư hầu của Xiêm, nên yêu cầu Kedah phải gửi quân tiếp viện. Nhưng Kedah là một đồng minh miễn cưỡng của Xiêm. Thông qua đàm phán giữa Sultan Kedah và Light, Sultan đã đồng ý cho phép công ty để xây dựng một cơ sở kinh doanh và hoạt động trong Kedah, nếu người Anh đã đồng ý để bảo vệ Kedah từ áp lực bên ngoài. Light chuyển yêu cầu này cho cấp trên của mình ở Ấn Độ.

Năm 1785, trong bức thư nhà vua gửi tới chính phủ thuộc Anh, đã giải thích các điều kiện cho phép Anh thiết lập khu định cư trên đảo. Khi chiếm đóng đảo Penang, chính phủ Ấn Độ thuộc Anh gửi tới nhà vua những lời bảo đảm làm cho nhà vua tin rằng Anh chấp nhận các nghĩa vụ liên quan. Ngay sau khi Light tiếp quản hòn đảo, ông đảm bảo rằng trong khi Anh còn ở đó họ sẽ giúp đỡ nhà vua nếu bị Xiêm tấn công.

Tuy vậy, tháng 1-1787, chính phủ Ấn Độ thuộc Anh quyết định không lập liên minh phòng thủ với Kedah, Light bằng những nỗ lực cá nhân của mình tiếp tục nhắc nhở vận động EIC phải đáp ứng yêu cầu của nhà vua. Nhưng EIC dứt khoát từ chối không cam kết một hiệp định phòng thủ và viện trợ quân sự cho Kedah.

Quan điểm thành lập liên minh phòng thủ được một số quan chức Anh và đại đa số người châu Âu không phải là quan chức ở Mã Lai ủng hộ. Xét trên góc độ pháp lý thì EIC không cần phải bảo vệ Kedah, nhưng qua việc chiếm đóng Penang EIC đã đảm nhận một trách nhiệm đạo lý đối với Kedah, nhưng công ty đã phủ nhận hoàn toàn. Điều này đã bôi nhọ thanh danh người Anh và làm suy yếu ảnh hưởng của Anh đối với Mã Lai trong nhiều năm. Light đã gửi thư cho toàn quyền, cho rằng: “ Hai đại đội lính Ấn Độ và bốn khẩu pháo, một dự trữ nhỏ vũ khí đạn dược cũng đủ bảo vệ đất nước này chống lại quân Xiêm”[tr.748, 4]. Ông tin rằng cả Xiêm và Miến Điện đều không tấn công Kedah chừng nào nước Anh ủng hộ Kedah.

Năm 1790, Quốc vương Abdullah huy động quân đội để thoát khỏi sự khống chế của người Hà Lan và người Anh. Sau khi Công ty đã không chấp nhận thành lập liên minh phòng thủ và viện trợ quân sự cho Kedah. Ông tập hợp quân đội của mình tại Seberang Prai (tỉnh Wellesley) để chiếm lại đảo Penang nhưng đã bị Francis Light đánh bại. Sau thất bại này Kedah đã phải lần lượt kí các hiệp ước bất bình đẳng với thực dân Anh.

Thỏa thuận đầu tiên quy định Anh chiếm đóng Penang không phải là một hiệp ước. Năm 1791, sau khi Light đánh bại những cố gắng của nhà vua hòng lấy lại hòn đảo, vua đã phải ký kết một hiệp ước nhượng lại hòn đảo để đổi lấy khoản trợ cấp 6000 đôla một năm; văn bản này không quy định EIC bảo vệ Kedah.

Năm 1800 hiệp ước thứ hai được ký kết quy định nhà vua nhượng lại một dải đất đối diện trên lục địa và khoản trợ cấp của ông tăng lên 10.000 đôla một năm, nhưng nó cũng không đề cập đến liên minh phòng thủ. Công ty đơn thuần chỉ có nghĩa vụ không cung cấp nơi trú ngụ cho quân phiến loạn hoặc kẻ phản bội từ Kedah và bảo vệ bờ biển chống lại các cuộc tấn công từ hải tặc.

Trong những năm đầu thế kỷ 16, thương nhân Bồ Đào Nha tổ chức những chuyến thám hiểm về vùng Đông Ấn để tìm kiếm nguồn hương liệu. Họ đi qua một hòn đảo nhỏ không có người ở nơi họ có thể bổ sung nguồn cung cấp nước ngọt.

Hòn đảo Penang là một phần của Vương quốc Hồi giáo Kedah. có vị trí chiến lược nằm ở phía bắc đến eo biển Malacca đã làm cho nó một bến cảng tự nhiên để neo đậu trong những tháng gió mùa cho tàu Ả Rập, Trung Quốc, châu Âu và Ấn Độ. 

Sau khi chiếm được Penang từ Kedah, Light đặt tên hòn đảo là “Hoàng tử xứ Wales” (The Prince of Wales island) [25, 27], ông đã tổ chức cai trị ở Penang bằng nhiều biện pháp nhằm biến hòn đảo này thành bàn đạp để mở rộng lãnh thổ của thực dân Anh trong khu vực.

Từ năm  1786 đến 1805, Penang là xứ phụ thuộc của chính phủ Ấn Độ thuộc Anh. Trong thời gian đầu công ty không thể quyết định được liệu hòn đảo có phải là địa điểm thích hợp để xây dựng căn cứ hải quân hay không. Năm 1797 Penang được sử dụng làm nơi tập trung lực lượng quân sự để mở cuộc viễn chinh vào Manila. Từ đây vai trò của Penang được đánh giá cao hơn. Đến năm 1800 thực dân Anh chiếm tỉnh Wellesley để khống chế cả hai bờ biển của cảng và làm cho Penang độc lập với nguồn cung cấp lương thực thực phẩm từ bên ngoài.

Đến năm 1832, Penang cùng với Singapore, Malacca được thực dân Anh hợp nhất thành một đơn vị hành chính là khu định cư eo biển (Straits Settlements), trong thời gian đầu Penang là trung tâm hành chính của khu định cư eo biển, nhưng sau đó vai trò này đã chuyển sang Singapore. Như ý định của Light ban đầu, Penang cùng với khu định cư eo biển trở thành bàn đạp quan trọng trong việc xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ của bán đảo Mã Lai.

Kedah năm 1786 có là quốc gia độc lập và có chủ quyền nhượng lãnh thổ cho EIC hay không là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Việc Xiêm nêu yêu sách về quyền minh chủ đối với toàn bộ bán đảo và các quốc gia ở đó là điều không quan trọng. Trung Quốc có thể đưa ra những yêu sách tương tự đối với toàn bộ Đông Nam Á, kể cả bản thân Xiêm. Thực tế năm 1786, Xiêm đã thần phục Miến Điện vì bị Miến Điện chinh phục năm 1767. Cứ ba năm một lần, Kedah gửi Bunga Mas tức các cây trang trí với lá và hoa bằng vàng bạc tới Xiêm, Xiêm có thể yêu cầu Kedah cung cấp quân lính và tiền bạc. Nhưng không thể lấy tư tưởng châu Âu về luật quốc tế để đánh giá những nghĩa vụ đó. Đây là thực tiễn phổ biến trên toàn Đông Nam Á lục địa; các quốc gia yếu hơn thực hiện nghĩa vụ đó với các quốc gia láng giềng mạnh hơn, như một hình thức bảo hiểm để giữ chủ quyền. Như trong trường hợp Campuchia trong quan hệ Xiêm và Việt Nam, phải làm chư hầu đồng thời với cả hai quốc gia mạnh hơn. Vì thế Kedah trên thực tế là một quốc gia độc lập. Nhưng Xiêm đã phục hồi nhanh chóng và sớm có những hành động mạnh mẽ để khẳng định tham vọng của mình đối với các quốc gia Mã Lai.

Đến đầu thế kỷ XIX, Xiêm đã phục hồi sau những cuộc xâm lăng của miến Điện. Dưới triều đại Chakri, Xiêm là vương triều hùng mạnh nhất trong lịch sử của mình. Điều này làm dấy lên lo ngại của các quan chức ở Penang rằng bán đảo Mã Lai sẽ rơi vào ách thống trị của Xiêm. Lúc này, Miến Điện vẫn tiếp tục âm mưu cùng các tiểu vương Mã Lai để chống lại Xiêm.

Đến năm 1818, Xiêm ra lệnh cho cho Kedah xâm lược Perak, buộc Perak phải triều cống Bunga Mas cho Xiêm. Những yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở và không có lý do gì để hai quốc gia Mã Lai gây chiến với nhau. Đến năm 1821, Xiêm triệu tập vua Kedah để trả lời một số lời buộc tội, nhưng bị từ chối. Đáp trả lại, quân Xiêm đã bất ngờ tấn công và đánh chiếm Kedah biến nó thành một đống hoang tàn. Nhà vua phải chạy sang Penang để tị nạn. Hàng ngàn người tị nạn đổ vào tỉnh Wellesley, quân Xiêm đuổi theo họ. Khi một đội quân Ấn Độ được phái tới nơi có rắc rối thì quân Xiêm quay trở lại Kedah. Quân Xiêm đã yêu cầu Penang giao nộp vua Kedah, nhưng thống đốc Penang dứt khoát từ chối.

Trước tình hình thực dân Anh làm ngơ trước yêu cầu xin giúp đỡ phục hồi ngôi báu của mình, nhà vua Kedah đã liên hệ với Miến Điện và các quốc gia Mã Lai khác mở một cuộc tấn công vào Xiêm. Điều này đã làm cho các nhà chức trách Anh ở Penang lo lắng cho nên đã mật báo với quân Xiêm nên kế hoạch trên bị đổ vỡ. Việc Xiêm tấn công Kedah đã gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung cấp lương thực của Penang. Vì thế chính phủ Ấn Độ thuộc Anh  đã cử một phái đoàn tới Xiêm để bàn về các vấn đề ở bán đảo Mã Lai, trong đó có Kedah.

Trong các hiệp ước kí với Xiêm, thực dân Anh đã giành được sự công nhận chính thức của Xiêm đối với Penang. Nhưng lúc này Kedah vẫn bị quân Xiêm chiếm đóng. Thực dân Anh lo ngại về quyền lực của Xiêm ở đây, nên đã xúi giục Kedah nổi dậy khởi nghĩa và nhiều lần gửi thư đe dọa Xiêm. Dưới áp lực ngày càng tăng của thực dân Anh, năm 1842, Xiêm đã phải phục hồi ngôi báu cho vua Kedah.

Đến năm 1909, Hiệp ước Anh – Xiêm được kí kết, trong đó Xiêm từ bỏ quyền lực của mình ở Kedah mở đường cho thực dân Anh áp đặt quyền lực của mình ở đây, với hình thức thông qua vai trò cố vấn. Đến đây vương quốc Kedah đã hoàn toàn rơi vào tay thực dân Anh, mất toàn bộ chủ quyền về chính trị, kinh tế, ngoại giao.

2. Vương quốc Perak

Perak là lãnh thổ trên bờ phía tây của bán đảo Mã Lai. Trong thế kỷ XVII và XIX, người châu Âu phát hiện ở đây rất giàu thiếc và các loại tài nguyên khác. Châu Âu ở thời gian này đã trải qua một cuộc cách mạng công nghiệp và điều này tạo ra một nhu cầu rất lớn về thiếc. Người Anh cũng như người Hà Lan đã hoạt động ở các bang, mỗi bên tìm kiếm để độc quyền sản xuất thiếc và các hàng hóa khác. Tuy nhiên, tình hình chính trị ở Perak đã gây khó khăn và nâng cao chi phí của hoạt động khai thác mỏ thiếc. Năm 1818, Xiêm đã ra lệnh Kedah tấn công Perak. Tình trạng mất an ninh của Perak buộc người Anh bảo vệ Perak vào năm 1826.

Perak tiếp tục gia tăng các hoạt động khai thác mỏ của, nhưng tình trạng thiếu lao động rất trầm trọng. Để giải quyết vấn đề này, ​​Jaafar Long tuyển dụng người nhập cư Trung Quốc ở Penang đến làm việc ở Perak, đặc biệt  tại Larut. Những năm 1840, dân số Trung Quốc ở Perak bùng nổ. Những người mới nhập cư là thành viên của các hội kín Trung Quốc. Trong số đó, lớn nhất là Ghee Hin và Hải San. Hai nhóm này cố gắng tăng cường ảnh hưởng của họ trong Perak và điều này dẫn đến những cuộc bạo loạn thường xuyên. Những cuộc đụng độ này đã vượt ra khỏi sự kiểm soát của nhà cầm quyền địa phương.

Trong khi đó, có một cuộc đấu tranh quyền lực trong hoàng gia Perak. Sultan Ali qua đời vào năm 1871 và người thừa kế ngai vàng là thái tử Raja Abdullah. Tuy nhiên ông không có mặt trong lễ tang của vua. Giống như Tengku Hussein của Johor, Raja Abdullah không được bổ nhiệm là vị vua mới của Perak. Thay vào đó, hoàng tử thứ hai, Raja Ismail, đã trở thành vị vua tiếp theo của Perak.

Raja Abdullah đã rất tức giận và lên kế hoạch đòi lại ngai vàng. Ông đã tìm kiếm hỗ trợ chính trị từ các kênh khác nhau, bao gồm cả một số lãnh chúa địa phương của Perak và một số thương nhân Anh mà ông đã hợp tác kinh doanh trong quá khứ, lợi dụng những hội kín của người Hoa trong cuộc chiến cung đình. Hơn nữa, ông hứa sẽ chấp nhận một cố vấn của Anh nếu người Anh công nhận ông là người cai trị hợp pháp của Perak.

Nhưng thống đốc khu định cư eo biển tại thời điểm đó là Ngah Ibrahim, có mâu thuẫn với Raja Abdullah. Với trợ giúp của Toàn quyền Ord, Ngah Ibrahim gửi quân sepoy từ Ấn Độ để ngăn chặn Raja Abdullah tuyên bố lên ngôi và đã mở rộng kiểm soát đối với các hội kín Trung Quốc.

Năm 1873, Văn phòng Thuộc địa tại London đã đánh giá Ord không đủ năng lực. Ông nhanh chóng bị thay thế bởi Sir Andrew Clarke và ông được lệnh báo cáo để có được một bức tranh hoàn chỉnh của những gì đã xảy ra ở các bang Mã Lai và đưa ra những kiến nghị để sắp xếp quản lý của Anh tại Mã Lai. Lý do là London ngày càng nhận thức rằng khu định cư eo biển ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế của tiểu bang Mã Lai, trong đó có Perak. Thông qua tìm hiểu, Clarke đã nắm được vấn đề của Raja Abdullah và sẵn sàng chấp nhận một đại diện Anh tại triều đình của mình nếu người Anh hỗ trợ ông là người thừa kế hợp pháp.

Clarke nắm lấy cơ hội để mở rộng ảnh hưởng Anh. Đầu tiên, ông tập trung tất cả các hội kín của Trung Quốc lại với nhau và yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn. Sau đó, thông qua việc ký kết Hiệp ước Pangkor ngày 20 – 1 – 1874, Clarke thừa nhận Raja Abdullah là vua hợp pháp của Perak. Ngay lập tức, J.W.Birch được bổ nhiệm là một cố vấn của Anh ở Perak. Trong khi đó Raja Ismail, không tham gia hiệp ước, đã bị buộc phải thoái vị, do áp lực mạnh mẽ của Clarke.

Hiệp ước Pangkor đánh dấu sự khởi đầu cho việc can thiệp chính thức của nước Anh vào công việc nội bộ của Perak. Bản hiệp ước đã giải quyết sự bất hòa về quyền kế vị về các dòng tộc hoàng gia Perak và những tranh chấp giữa các hội kín người Hoa khai thác thiếc ở Perak. Các công sứ của thực dân Anh được tham gia công việc nhà nước, trừ những việc liên quan đến phong tục và tôn giáo.

Hiệp ước Pangkor là văn bản chính thức đầu tiên, hợp pháp hóa sự can thiệp của người Anh vào Perak. thực dân Anh đã đưa một hệ thống cai trị gián tiếp là hệ thống công sứ để cai trị Perak cũng như các quốc gia Mã Lai khác. Đến tháng 7 – 1895, Perak cùng với một số vương quốc khác thành lập Liên bang Mã Lai, chịu sự cai trị trực tiếp của thực dân Anh, Perak mất hoàn toàn quyền hành về chính trị, kinh tế. Năm 1909, Perak tham gia vào Hội đồng Liên bang do Thống đốc Anh làm cao ủy. Thực dân Anh hoàn thành việc thiết lập sự cai trị của mình ở vương quốc Perak.

3. Vương quốc Selangor

Selangor, một tiểu bang Mã Lai ở phía nam của Perak, có nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú. Selangor, có hai khu vực quan trọng, đó là Hulu Klang trong khu vực trung tâm  Lukut gần Negeri Sembilan ở phía nam. Năm 1840, dưới sự lãnh đạo của Raja Jumaat từ Riau, khai thác mỏ thiếc ngày càng phát đạt. Công lao của ông nhanh chóng được tưởng thưởng bởi Sultan Muhammad của Selangor, Raja Jumaat được bổ nhiệm làm người đứng đầu Lukut năm 1846. Đến năm 1850, khu vực này nổi lên như một trong các khu định cư hiện đại nhất trên bán đảo Mã Lai, ngoài khu định cư eo biển. Tại thời điểm đó, đã có hơn 20.000 người lao động, hầu hết trong số họ người Hoa nhập cư từ Trung Quốc. Jumaat qua đời vào năm 1864, cái chết của ông tạo ra một khoảng trống lãnh đạo, các thủ lĩnh khác tranh giành quyền lực, môi trường chính trị không còn đảm bảo. Dần dần, Lukut rơi vào lạc hậu và bị lãng quên.

Trong khi đó, Hulu Klang có sự tăng trưởng chưa từng có do khai thác mỏ thiếc. Trong khoảng thời gian từ năm 1849 và 1850, Raja Abdullah bin Jaafar, người anh họ của Raja Jumaat, được bổ nhiệm cai trị Klang. Khi tầm quan trọng kinh tế của Lukut giảm dần, của Hulu Klang lại tăng nhanh chóng. Điều này thu hút nhiều lao động di chuyển về đó, đặc biệt là người nhập cư Trung Quốc đã từng làm việc trong Lukut. Một trong những người thuyết phục Trung Quốc để di chuyển từ Lukut về Hulu Klang là Sutan Puasa từ Ampang. Ông cung cấp cho các khu khai thác mỏ ở Hulu Klang nhiều hàng hoá khác nhau, từ gạo đến thuốc phiện. Hulu Klang phát triển thịnh vượng, một số khu định cư mới ra đời, bắt đầu phát triển vào cuối những năm 1860. Hai trong số đó là Kuala Lumpur và Klang, đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn lịch sử sau này. Một thương nhân Trung Quốc tên là Yap Ah Loy có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của Kuala Lumpur.

Như Perak, sự phát triển nhanh chóng này đã thu hút được sự quan tâm chú ý rất lớn từ người Anh ở khu định cư eo biển. Nền kinh tế của Selangor trở nên đủ quan trọng cho sự thịnh vượng của khu định cư eo biển, bất kỳ xáo trộn trong trạng thái đó sẽ làm tổn thương quyền lợi thương mại của khu định cư eo biển. Vì vậy, người Anh cảm thấy họ cần phải có tiếng nói trong nền chính trị Selangor. Một sự xáo trộn lớn, dẫn tới một cuộc nội chiến, đó là chiến tranh Klang bắt đầu vào năm 1867. Cuộc nội chiến này, đã tạo một cơ hội không thể tốt hơn, cho thực dân Anh can thiệp sâu vào Selangor. Với thủ đoạn bảo vệ các hoạt động thương mại và thương nhân Anh ở đây, thực dân Anh đã cho quân tiến vào đóng ở Selangor. Bị suy yếu bởi cuộc nội chiến, Selangor dần dần chấp nhận quyền lực của thực dân Anh.

Tháng 11 năm 1873, một chiếc tàu từ Penang đã bị hải tặc tấn công gần Kuala Langat, Selangor. “Cớ trực tiếp là vụ cướp biển đặc biệt tàn bạo ở Kuala Langat đối với chiếc thuyền Malacca, bọn cướp biển làm thuê cho con trai nhà vua đã thảm sát tám thần dân Anh” [tr.816, 4]. Tòa án đã được lập gần Jugra và những tên cướp biển đã bị kết án tử hình.

Nhà vua bày tỏ sự quan tâm và yêu cầu sự giúp đỡ của Sir Andrew Clarke để chống lại nạn cướp biển và những cuộc nổi loạn khác. Frank Swettenham được bổ nhiệm làm cố vấn của vua. Khoảng một năm sau đó, một luật sư từ Singapore tên là J.G.Davidson được bổ nhiệm là thường trú Anh ở Selangor. Đến khi các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa ở đây là Raja Mahadi và Sultan Puasa bị bắt và đày đến Singapore, chết ở đó năm 1882.

Cuộc nội chiến tranh giành ngôi báu kết thúc vào năm 1874, thì ảnh hưởng của thực dân Anh đã có vị trí vững chắc ở Selangor. Năm 1895, Selangor gia nhập Liên bang Mã Lai, gia nhập Hội đồng Liên bang năm 1909, từ đây Selangor nằm hoàn toàn dưới sự cai trị của thực dân Anh.

4. Vương quốc Sungei Ujong

Sungei Ujong, một nhà nước trong liên minh đặc biệt bao gồm nhiều vùng khai thác mỏ ở các địa phương. Nó được cai trị bởi Sendeng Kelana Dato. Tuy nhiên, một thủ lĩnh địa phương là  Bandar Kulop Tunggal Dato có ảnh hưởng nhiều hơn Dato Kelana. Dato Bandar nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ người dân địa phương và thậm chí cả từ những người nhập cư Trung Quốc đang làm việc tại các mỏ của Sungei Ujong. Quyền lực hạn chế của Dato Kelana thể hiện ở việc ông phụ thuộc vào thủ lĩnh Sayid Abdul Rahman. Các mối quan hệ căng thẳng giữa Bandar Dato và Dato Kelana thường xuyên gây ra rối loạn trong Sungai Ujong.

Năm 1873, Kelana Dato phát động cuộc chiến tranh để củng cố quyền kiểm soát của mình ở Sungai Linggi. Negeri Sembilan tại thời điểm đó giao thương với Malacca qua Sungai Linggi, và một khối lượng lớn của thương mại thông qua thông qua Sungai Linggi hàng ngày. Bất cứ ai kiểm soát Sungei Linggi sẽ đạt được sự giàu có thông qua thu thuế. Tình trạng bất ổn và chiến tranh xảy ra ngay bên cạnh Malacca, buộc thực dân Anh có những biện pháp can thiệp vào Sungei Ujong để kiểm soát tình hình và nắm các lợi ích thương mại to lớn ở vương quốc này với Malacca.

Cuối năm đó, Dato Kelana Sendeng chết. Đầu năm 1873, Sayid Abdul Rahman đã lợi dụng vị thế và quyền lực của mình, trở thành vua mới. Tuy nhiên, điều đó đã không cải thiện mối quan hệ giữa Dato Kelana và Dato Bandar, ngược lại, nó xấu đi. Do Dato Kelana vẫn lo ngại ảnh hưởng Dato Bandar, nên ông tìm cách để chống lại quyền lực của kẻ thù.

Khi thực dân Anh thay đổi chính sách không can thiệp vào năm 1873 bằng việc thay thế Harry Ord bởi Andrew Clarke làm thống đốc mới của khu định cư eo biển, Dato Kelana ngay lập tức nhận ra rằng người Anh có thể củng cố vị trí của mình trong Sungai Ujong. Dato Kelana đã liên lạc và vận động người Anh ở Malacca hỗ trợ ông. Tháng 4 năm 1874, Andrew Clarke đã chấp nhận yêu cầu Kelana Dato, qua đó để xây dựng sự hiện diện của Anh tại Sungai Ujong. Clarke thừa nhận Kelana Dato là người đứng đầu hợp pháp của Sungai Ujong. Thực dân Anh và Dato Kelana đã ký một hiệp ước để bảo vệ thương nhân, và ngăn chặn bất kỳ hành động chống thực dân Anh ở đây. Dato Bandar đã không tham gia ký hiệp ước nên ông không bị ràng buộc bởi thỏa thuận này. Hơn nữa, Dato Bandar và người dân địa phương đã từ chối sự hiện diện của Anh tại Sungai Ujong. Điều này làm cho quyền lực của Dato Kelana ngày càng giảm sút ở các địa phương. Dato Bandar lãnh đạo các cuộc nổi dậy chống Dato Kelana và thực dân Anh, tình hình này gây khó khăn cho việc buôn bán của thương nhân Anh, các lợi ích của thực dân Anh bị đe dọa ngiêm trọng.

Ngay sau đó, một đội quân dẫn đầu bởi W.A.Pickering , từ các khu định cư eo biển, đã được gửi đến Sungai Ujong để kiểm soát tình hình. Ông nhận thấy Kelana Dato đang ở trong tình trạng khó khăn, ông báo cáo về khu định cư eo biển. Chính quyền Anh gửi thêm 160 binh sĩ đến Sungai Ujong giúp Pickering đánh bại Bandar Dato.

Vào cuối năm 1874, Dato Bandar chạy trốn đến Kepayang. Mặc dù bị thất bại, thực dân Anh đã trả ông một khoản trợ cấp và cho ông tị nạn ở Singapore.

Năm 1874, ảnh hưởng của Anh tăng đến đỉnh điểm, một cố vấn đã được đặt ở đó để tham mưu, giúp Kelana Dato cai trị Sungai Ujong. Đến tháng 11- 1875, quân Anh lại được huy động đi giúp Dato Kelana đánh bại những kẻ thù của ông ta do Tunku Anta của Sri Menanti cầm đầu. Đến năm 1889, Sri Menanti, Tampin, Rembau được sát nhập thành Negeri Sembilan, một viên chức của thực dân Anh làm cố vấn cho đơn vị hành chính mới này.

Năm 1895, Sungai Ujong, Jelebu đã hợp nhất với Negeri Sembilan. Các vùng đất này cùng nhau yêu cầu có sự giúp đỡ của người Anh và cam kết thực hiện theo sự cố vấn của các công sứ trong công việc hành chính, ngoài những việc liên quan đến văn hóa và tôn giáo. Đến năm 1909, vương quốc này nằm trong Hội đồng Liên bang, chịu sự cai trị trực tiếp của chính phủ thực dân Anh. Quá trình xâm nhập và thiết lập cai trị ở đây cơ bản đã hoàn thành.

5. Đảo quốc Singapore

Ngay từ đầu thực dân Anh dự tính biến Penang thành trạm trung chuyển thương mại và căn cứ quân sự chính của mình ở Đông Nam Á. Tuy nhiên Penang lại không phù hợp cho hoạt động thương mại với khu vực, ở nơi mà nạn cướp biển hoạt động mạnh mẽ. Thêm vào đó Hà Lan đã bóp nghẹt thương mại của thực dân Anh trong khu vực, bằng cách cấm thương nhân Anh hoạt động ở các cảng do Hà Lan kiểm soát, hoặc đánh thuế suất cao vào hang hóa của Anh. Nhận thức được vấn đề này thực dân Anh nhiều lần thám hiểm dọc theo eo biển Malacca, các đảo Borneo, Java để tìm địa điểm thích hợp hơn. Quá trình khám phá và đặt sự thống trị ở Singapore của thực dân Anh có vai trò to lớn của Thomas Stamford Raffles.

Đầu năm 1819, Raffles từ đảo Penang đến quần đảo Riau ở phía Nam eo biển Malacca, nhưng địa điểm đó đã bị người Hà Lan chiếm giữ. Ông liền chuyển hướng sang phía Tây Bắc và đến đảo Singapore vào ngày 28-1-1819. Nó nằm ở phía Nam của bán đảo Mã Lai, gần eo biển Malacca và có cảng biển tự nhiên sâu, có nước ngọt và gỗ để sửa chữa tàu. Khi đó đảo còn thuộc lãnh thổ của Johore. Sau một ngày trinh sát, Raffles đã đổ bộ lên đảo. Ngay sau khi đặt chan lên đảo Raffles cho rằng, Singapore sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng cho Anh, cái mà “ Hà Lan sẽ không bao giờ lại có thể thiết lập một độc quyền mà họ từng có – một hải cảng tự do và buôn bán, bởi Singapore sẽ phá vỡ thế mạnh đó. Hà Lan không còn có thể đóng cửa eo biển trong trường hợp xảy ra chiến tranh và đe dọa buôn bán với Trung Quốc” [tr.755, 4] và “Malta là gì ở phương Tây thì Singapore sẽ trở thành như vậy ở phương Đông” [tr.746, 4].

Ngày 30-1-1819, Raffles đã thúc ép Sultan và các quan cai trị địa phương của Johore ký thỏa thuận cho phép người Anh xây dựng cơ sở thương mại và buôn bán tại Singapore.

Đến 6-2-1819, thực dân Anh và Johore ký bản hiệp ước mới với nội dung: “EIC có thể xây dựng thương quán của tại bất cứ nơi nào ở Singapore và trong lãnh thổ của Johore; EIC mỗi năm trả cho Sultan Johore là Hussien 5000 đôla, và viên đại quan ở Singapore 3000 đôla; EIC có trách nhiệm bảo vệ Johore và Johore không được cho các nước phương Tây khác xây dựng các cơ sở thương mại ở đây; Singapore do EIC kiểm soát, số tiền thu thuế từ các tàu bè cập bến sẽ được chia đôi” [tr.52, 14].

Sau khi kí kết hiệp ước, Raffles giao quyền cai quản Singapore cho Farquhar, ông trở về Bencoolen và yêu cầu chính phủ Anh ủng hộ kế hoạch biến hòn đảo này thành một cảng thương mại tự do. Được sự khuyến khích của chính phủ Anh, Raffles trở lại Singapore năm 1822. Ông  phân chia các khu vực hành chính theo chức năng như: khu hành chính, khu buôn bán, khu người Anh, khu người Hoa, khu người Mã Lai… Hơn nữa, Raffles còn áp dụng chế độ thuế và sử dụng đất, lập các cơ quan hành chính, đóng cửa các sòng bạc, đánh thuế cao các mặt hàng rượu, thuốc phiện… Năm 1823, Raffles rời khỏi Singapore, đến năm 1826 ông qua đời. Ông đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc thiết lập quyền lực của thực dân Anh ở Singapore.

Do vị trí địa lý thuận lợi và chính sách thương mại tự do, chỉ sau vài năm, thu nhập thương mại của Singapore đã vượt Penang. Chính vì sinh lời nhanh như vậy, năm 1824 thực dân Anh đã ký các hiệp ước với Hà Lan và Johore nhằm hợp thức hóa quyền cai trị của Anh tại Singapore.

Hiệp ước Anh – Hà Lan (Anglo – Dutch Treaty of London) [21, 24], tháng 3-1824, với nội dung chính là: Hà Lan công nhận ảnh hưởng của Anh ở Singapore và nhượng cho Anh Malacca, để đổi lại Anh công nhận quyền cai trị của Hà Lan ở Indonesia.

Tháng 8-1824, Anh và Johore kí Hiệp ước Thân hữu và Đồng minh (Treaty of Friendship and Alliance), với những nội dung chính như: “Sultan Johore và vị đại quan nhường quyền cai trị vĩnh viễn Singapore cho EIC; sultan Johore sẽ được nhận tiền bồi thường từ EIC số tiền là 33.200 đôla và khoản phụ cấp suốt đời là 1300 đôla mỗi tháng, còn vị đại quan được nhận 26.800 đô la và tiền trợ cấp mỗi tháng là 700 đôla; khi chưa được sự đồng ý của EIC, Johore không được liên minh với nước nào khác; Anh được hưởng quyền tối huệ quốc” [tr.756, 4].

Với hiệp ước này, quyền lực của đế chế Johore bị triệt tiêu, Singapore hoàn toàn nằm trong tay thực dân Anh. Sau này, lợi dụng sự tranh giành quyền lực của các phe phái, thực dân Anh củng cố vững chắc sự thống trị của mình ở Johore một cách triệt để hơn.

Sau khi hợp pháp hóa quyền cai trị của họ tại Singapore, thực dân Anh sát nhập ba đơn vị hành chính là tỉnh Wellesley (gồm cả đảo Penang), Singapore và Malacca thành một đơn vị hành chính với tên gọi là Khu định cư Eo biển (Straits Settlements) và Penang là trung tâm hành chính của thực thể này. Đế năm 1832, Singapore trở thành trung tâm hành chính mới, với một Thống đốc điều hành, do Toàn quyền Anh ở Ấn Độ bổ nhiệm. Đến năm 1867, Khu định cư eo biển nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ thuộc địa, đứng đầu là viên Toàn quyền.

Khác với thực dân Hà Lan ở Indonesia, thực dân Anh thi hành chính sách thương mại tự do tại Singapore. Như phát biểu của Raffles “Singapore từ lâu và sẽ luôn luôn vẫn là một cảng tự do và không bị đánh thuế về thương mại, công nghiệp, kinh tế sẽ phát triển thịnh vương” [22, 26]. Chính sách này cùng với pháp luật của của nước Anh, là một trong những nhân tố cơ bản thu hút vốn và nhân công nước ngoài tới Singapore. Cũng chính vì thế Singapore nhanh chóng trở thành thuộc địa phát triển nhanh nhất của thực dân Anh ở Đông Nam Á.

6. Vương quốc Malacca

Trong thời kỳ đầu khi thực dân phương Tây đặt chân đến khu vực Malacca giữ một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Năm 1511, khi Bồ Đào Nha chiếm đóng Malacca, đây đã trở thành một dấu mốc quan trọng dẫn tới sự biến đổi trong lịch sử bán đảo Mã Lai. Malacca trở thành trung tâm buôn bán của toàn bộ khu vực  Đông Ấn.

Đến khi Malacca rơi vào tay Hà Lan năm 1641, thì vị trí, vai trò của nó dần dần bị giảm sút. Thực dân Anh khi bắt đầu đặt chân đến khu vực, thì Malacca cũng được chú ý đến như là bàn đạp để xâm chiếm các khu vực khác. Nhưng quá trình xác lập quyền cai trị trị của thực dân Anh ở Malacca diễn ra một cách tương đối hòa bình, êm ả, không phải tiến hành chiến tranh. Malacca rơi vào tay thực dân Anh thông qua nhiều hiệp ước, thỏa thuận với thực dân Hà Lan.

Một hiệp ước giữa Anh – Hà Lan được ký kết trong thời kỳ cách mạng Pháp, quy định rằng nếu có một cuộc chiến tranh ở châu Âu nổ ra thì một trong hai bên có thể chiếm thuộc địa của bên kia như là một biện pháp để phòng chống kẻ thù chung. Theo tinh thần thỏa thuận này, vua Hà Lan William V đang sống lưu vong tại Anh đã ký các “Bức thư Kew” tháng 2 – 1795, “cho phép các thuộc địa của Hà Lan tiếp nhận các lực lượng vũ trang của Anh nhằm ngăn chặn chúng rơi vào tay Pháp” [22, 24].

Vì thế việc thực dân Anh chiếm đóng Malacca  ngay sau đó đã không gặp sự phản kháng của Hà Lan. Trong năm đó dân số của Malacca đã giảm xuống còn 1500 người, còn dân số  của Penang lên tới 20.000 người. Thực dân Anh đã tìm cách thu hút thương mại từ Malacca tới Penang. Nhân cơ hội này thực dân Anh còn phá bỏ các pháo đài và hệ thống phòng thủ, để đề phòng một ngày nào đó Anh sẽ phải tấn công Malacca.

Đến năm 1802, theo Hiệp ước Amines, Malacca được trao trả cho Hà Lan, nhưng chiến tranh với Napoleon lại nổ ra trước khi nó được trao trả, do đó mãi đến năm 1818, người Hà Lan mới tiếp nhận nó.

Sau Hiệp ước Anh – Hà Lan 1824, thực dân Anh chính thức tiếp quản Malacca, nhưng lúc này nó đã vô dụng về mặt chiến lược. Eo Malacca lúc này bị khống chế một bên do Penang và bên kia do Singapore. Sự phát triển của cả hai cảng khiến Malacca chỉ đóng một vai trò nhỏ bé trong thương mại của khu vực và so với vai trò của nó trước kia lại càng bị sa sút thảm hại.

Cảng Malacca nhanh chóng bị ngẽn bùn và chỉ còn là một trung tâm thu thập sản phẩm của vùng eo biển để cung cấp cho Penang và Singapore. Thương mại ở đây chỉ còn giữ vai trò thứ yếu, không còn ảnh hưởng rộng lớn đối với khu vực như thời kỳ nằm trong tay thực dân Bồ Đào Nha và Hà Lan.

Tuy vậy việc thực dân Anh chiếm đóng Malacca là điều có lợi lớn, đã loại bỏ hoàn toàn Hà Lan ra khỏi khu vực và Malacca được sử dụng như là trung tâm để mở rộng quyền kiểm soát ra toàn bán đảo. Sau đó Malacca được sát nhập vào khu định cư eo biển, nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của Toàn quyền Anh ở Ấn Độ, sau này chịu sự cai quản trực tiếp của Bộ thuộc địa ở London.

II. Đảo Borneo

1. Hoạt động của thực dân Anh ở Borneo trước năm 1824

Borneo, hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Mã Lai, và hòn đảo lớn thứ ba trên thế giới, nhưng vai trò lịch sử có nó không tương xứng với diện tích rộng lớn đó. Vùng nội địa của đảo phần lớn là rừng rậm bao phủ, chưa được biết đến nhiều, dân cư thưa thớt. Vào những thế kỷ trước khi người châu Âu đặt chân tới đây, người Mã Lai, Java, Sulu và Bugis đã đến định cư ở đây và thành lập các quốc gia dọc bờ biển của Borneo.

Trong nửa đầu của thế kỷ XIX, sự quan tâm của chính phủ Anh và Công ty Đông Ấn Borneo chỉ hạn chế trong việc bảo vệ các tuyến đường thương mại đến Trung Quốc từ sự can thiệp của các quốc gia châu Âu khác và cung cấp các điều kiện tối thiểu cho việc mở rộng thương mại của Anh trong khu vực.

Hiệp ước Anh-Hà Lan năm 1824, theo đó Anh mua lại Melaka từ Hà Lan và từ bỏ Benkulen trên các bờ biển phía tây nam của Sumatra và theo đó người Hà Lan đã rút tất cả các phản đối chiếm đóng của Anh của Singapore, có điều mà được bảo lãnh nhập cảnh thương nhân Anh để các cảng Hà Lan quản lý và đặt ra mức tối đa thuế nhập khẩu.

Với việc vai trò thương mại của Anh ở đây bị giảm sút, đã gây nhiều bất bình cho các thương nhân ở Singapore. Họ đã mở một lộ trình mới về phía Đông của mình để thách thức vai trò của Hà Lan ở đây. Cùng với việc các khu định cư không thành công ở miền bắc Australia, vịnh Melville, Essington đã hướng sự chú ý của thực dân Anh tập trung vào bờ biển phía tây bắc của Borneo, nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của Hà Lan.

Năm 1797 khi Hà Lan rút dần sự hiện diện của mình ở Banjermasin, một vương quốc ở phía Nam đảo Borneo, đến năm 1809 Hà Lan rút bỏ hoàn toàn sự có mặt của mình ở đây. Tiếp theo việc Anh chiếm đóng Molucca năm 1808, đã khiến cho nhà vua lo sợ không thể bảo vệ được vương quốc của mình trước các cuộc tấn công của các nước láng giềng. Ông đã gửi thư cho Penang để tranh thủ sự bảo hộ của Anh. Lời thỉnh cầu đó được Raffles ủng hộ. Sau đó Alexander Hare với sự duyệt y của chính phủ Ấn Độ thuộc Anh được giao nhiệm vụ thiết lập một khu đinh cư ở Benjermasin trên đảo Borneo. Để tạo chỗ đứng đầu tiên cho thực dân Anh ở Borneo.

Trong Hiệp ước 1 – 10 – 1812, nhà vua nhượng lại cho công ty Đông Ấn các pháo đài cũ của Hà Lan ở Tatas và Tabanio cùng với các tỉnh của người Dyak ở phía Nam Borneo và các huyện phụ cận của chúng ở bờ biển phía Nam và phía Đông. Nhà vua cho phép công ty độc quyền về hạt tiêu. Về phần mình, công ty sẽ bố trí một số tàu vũ trang nhẹ ở phía ngoài thủ đô đủ để chống lại các kẻ thù của vua. Hiệp ước cũng giải phóng vua khỏi các nghĩa vụ với Hà Lan. Hiệp ước này, nhìn chung có nhiều điểm giống với các hiệp ước trước đó của Benjermasin đã kí với Hà Lan.

Hare, người phụ trách ở Banjermasin có nhiều hành động vì lợi ích cá nhân, dẫn đến khu định cư bị thất bại hoàn toàn. Việc quản lý khu định cư cũng không kém phần bê bối. Năm 1816, EIC bị thâm hụt 60.000 bảng về chi phí quản lý và đã quyết định từ bỏ khu định cư và cho dân định cư trở về Java. Vài ngày sau khi thực dân Anh rút khỏi đây, một tàu chiến Hà Lan đến làm “phái viên tiếp quản cơ sở Banjermasin” [tr.777, 4].

Trong thời gian này hoạt động cướp biển đã tăng vọt, mối đe dọa đối với việc vận chuyển trên biển đã buộc thực dân Anh chú ý tới hoạt động cướp biển của Sarawak và Sambas. Sambas và Pontianak là đối thủ của nhau tranh giành quyền kiểm soát bờ biển phía Tây của Borneo. Pontianak sẵn sàng tiến hành buôn bán hòa bình, được người châu Âu ưa thích. Năm 1812, Raffles âm mưu chấm dứt quyền lực của Sambas, nhưng cuộc viễn chinh của ông thất bại thảm hại, vì thế ông ủng hộ tham vọng của Pontianak.

Thực dân Anh không muốn mở thêm khu định cư ở Borneo mà chỉ tập trung vào việc thúc đẩy thương mại hợp tác và loại trừ cướp biển. Đến năm 1913 thực dân Anh thiết lập một đại lý thương mại ở Pontianak, tiếp đó đánh chiếm và làm cho Sambas bị suy yếu. Sau đó Raffles tuyên bố phong tỏa tất cả các cảng biển của Borneo, trừ Brunei, Banjermasin và Macassar, nhằm mục đích thương mại và cảnh cáo các tiểu vương không được tham gia vào các hoạt động cướp biển. Sau một thời gian ngắn, vua Sambas đã chấp nhận sự bảo hộ của Anh và các quốc gia hàng đầu khác đã công nhận vị trí và ảnh hưởng của thực dân Anh.

Các hoạt động này không chỉ xuất phát từ mong muốn bảo vệ hoạt động thương mại, mà còn có một động cơ sâu xa hơn. Bản thân Raffles coi chúng là một bộ phận của một kế hoạch lớn nhằm thiết lập ưu thế chính trị lâu dài của Anh ở Borneo và loại trừ quyền lực của người Hà Lan. Tuy nhiên, lúc này toàn quyền Anh ở Ấn Độ là Huân tước Moira đã yêu cầu chấm dứt các kế hoạch của Raffles ở Borneo vì chúng quá tốn kém và gây bất hòa với người Hà Lan. EIC thời kỳ này cũng đã nhấn mạnh “thương mại chứ không phải là lãnh thổ” [tr.778, 4] ở phía đông eo biển Malacca là nguyên tắc chỉ đạo.

Đến công ước London (13-8-1814) [tr778, 4], chính phủ Anh đã trả lại cho Hà Lan các thuộc địa trước kia. Hà Lan tiến hành phục hồi ảnh hưởng của mình ở Borneo. Điều này làm cho thực dân Anh lo sợ nó trở thành mối đe dọa với hoạt động thương mại tới Trung Quốc.

Tháng 6-1818, thực dân Anh đã cử thiếu tá John Farquhar đến đàm phán các hiệp ước thương mại với Riouw, Lingga, Pontianak và Siak. Điều này chứng tỏ thực dân Anh không thể chấp nhận một sự gạt bỏ vai trò về các hoạt động thương mại ở Borneo, cũng như hoạt động thương mại với Trung Quốc gặp khó khăn bị cản trở. Do trong thời kỳ này các vị trí trọng yếu ở eo biển Malacca đều do Hà Lan kiểm soát.

Hà Lan không tán thành các hành động của thực dân Anh. Tuy nhiên họ không muốn có xung đột và có một giải pháp  lâu dài với Anh. Do đó đến năm 1820, hai nước bắt đầu đàm phán và đi đến kí kết Hiệp ước Anh – Hà Lan năm 1824. Về vấn đề Borneo, thực dân Anh công nhận các hiệp ước mà Hà Lan ký với các quốc gia Borneo từ năm 1817, với các điều kiện không được loại trừ hoạt động thương mại của Anh.

2. Hoạt động của thực dân Anh ở Borneo sau năm 1824

Một hoạt động quan trọng của thực dân Anh thời kỳ này là chống lại nạn cướp biển ở khu vực. Vào đầu thế kỷ XIX, bờ biển Tây Bắc của Borneo là một trung tâm hải tặc khét tiếng nhất. Nghề cướp biển ở đây được coi trọng và làm ngơ, thúc đẩy hoặc trực tiếp tham gia của những kẻ cầm quyền. Nhưng nước Anh thời kỳ này không có đủ lực lượng hải quân. Bởi vì sau năm 1833, EIC không còn là một công ty thương mại nữa và không sẵn sàng chi phí cho các khu định cư eo biển. Còn Hà Lan và Tây Ban Nha chỉ tập trung bảo vệ giới hạn trong khu vực họ kiểm soát.

Sự phát triển của Singapore đã thu hút thương mại trong khu vực, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hải tặc hoạt động. Trước sự đe dọa của nạn hải tặc, các thương nhân ở đây, đã yêu cầu chính phủ Anh có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ họ.

Trong thời gian này, đã xuất hiên một nhân vật có vai trò quan trọng trong việc thanh toán nạn hải tặc ở khu vực.

James Brooke là con trai trong một thành viên bộ máy quan chức ở Ấn Độ, bản thân ông phục vụ trong quân đội của EIC, ông bị thương nặng trong chiến tranh Anh – Miến, đến năm 1826 thì ông thôi việc. Năm 1830, ông  đi tàu đến Trung Quốc và khi đi qua khu vực này ông có ấn tượng về cảnh vật nơi đây và sự tàn phá của nạn cướp biển và chiến tranh gây ra. Sau đó ông đã đầu tư xây dựng một chiếc du thuyền Royalist trọng tải 140 tấn, đào tạo một đội thủy thủ. Đến năm 1839, ông đi thuyền đến Borneo với mục đích là tiến hành thăm dò nghiên cứu khoa học.

Vào lúc này, khu vực Sarawak đang nổi dậy chống vua Brunei, chú của vua là Muda Hashim thất bại trong việc đàn áp người Dyak nổi dậy. Năm 1840, Muda Hashim mời James Brooke làm thống đốc Sarawak để đổi lấy việc dập tắt quân phiến loạn. James Brooke không chỉ đánh tan quân nổi dậy mà còn giành được sự trung thành của người Mã Lai và Dyak. Sau đó ông được bổ nhiêm làm thống đốc Sarawak tháng 9-1841 và được nhà vua thông qua.

James Brooke đã tích cực tìm cách làm cho chính phủ Anh quan tâm đến Brunei. Sự phát triển giao thông bằng tàu hơi nước đi tới Trung Quốc đã tạo ra nhu cầu cần có một trạm tiếp tế than giữa Singapore và Hồng Công. Bản thân Brunei có những mỏ than rất tốt.

Năm 1844, vua Omar đề nghị nhượng Labuan cho Anh và Brooke cho rằng nên cử một đại diện của Anh tới Brunei để làm cố vấn cho nhà vua. Chế độ công sứ được nảy sinh và sau này được áp dụng rộng rãi vào Mã Lai.

Năm 1846, Brunei xảy ra khủng hoảng, phái hải tặc nắm quyền hành trong triều đình, đã gây nhiều khó khăn cho James Brooke và thương nhân Anh. Nhưng được sự giúp sức của chính phủ Anh, James Brooke đã đánh bại các cuộc tấn công của hải tặc. Sau khi được khôi phục ngôi báu, vua Omar nhượng toàn bộ chủ quyền của Sarawak cho “Raja Brooke” [4, 25, 28]. Toàn quyền Anh ở Ấn Độ đã chấp nhận đề nghị của nhà vua xin nhượng lại Labuan và ký kết hiệp ước thương mại, nhưng bác bỏ đề nghị thiết lập đại diện Anh ở Brunei. Anh được hưởng quyền tối huệ quốc. James Brooke được cử làm thống đốc Labuan, làm phái viên và tổng lãnh sự Anh bên cạnh nhà vua và các địa phương ở Borneo.

Hà Lan theo dõi hành động của thực dân Anh ở Borneo,tỏ ra lo lắng về quyền lực ngày càng mở rộng của người Anh ở đây. Hà Lan đã đưa ra các yêu sách của mình với toàn bộ đảo Borneo. Họ đã thực hiện chính sách mở rộng ảnh hưởng của mình với bờ biển phía đông thông qua các hiệp ước với các tiểu vương ở đây. Nhưng thực dân Anh đã phản đối các yêu sách của Hà Lan, người Anh đã viện dẫn Hiệp ước 1824 để bảo lưu quyền lập các thuộc địa ở Borneo. Thêm vào đó tình hình chính trị ở châu Âu trong năm 1848 “năm của các cuộc cách mạng” [tr.793, 4], đã buộc Hà Lan chấp nhận các hành động của thực dân Anh ở đây.

Năm 1881, vùng lãnh thổ Sabah ngày nay bị đặt dưới quyền quản lý của công ty thương mại Bắc Borneo của Anh. Sau đó công ty này thuê của Brunei một vùng đất rộng 72.000 km2. Theo Hiến chương Bắc Borneo của Anh năm 1881, thì vua Brunei nhượng lại cho thực dân Anh “tất cả các vùng lãnh thổ thuộc về Sultan, từ sông Sulaman trên bở tây bắc Borneo đến sông Paitan trên bờ đông bắc đảo” để đổi lại thực dân Anh sẽ trả “một khoản 6.000 đôla hằng năm” [tr.635, 9]. Bản hiến chương còn quy định thực dân Anh có quyền chiếm hữu nhiều khu vực rộng lớn khác, mà chỉ phải chi trả một khoản tiền nhỏ cho Brunei.

Triều đình Brunei lúc này rất suy yếu do tranh giành nội bộ, công ty Bắc Borneo và Sarawak giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ còn lại trên đảo Borneo. Thực dân Anh lo sợ các nước phương Tây như Pháp và Đức sẽ can thiệp vào Brunei đang rối loạn. Vì thế năm 1886, thực dân Anh quyết định thiết lập sự bảo hộ trực tiếp của mình đối với phía Bắc Borneo và Sarawak. Thực dân Anh đã kí nhiều hiệp định với vua Brunei để hợp pháp hóa sự cai trị của mình ở đây. Lãnh thổ của vương quốc Brunei bị thu hẹp dần, chỉ còn một vùng đất nhỏ bé nằm ở phía Tây của hòn đảo. Vương quốc Brunei mất toàn bộ chủ quyền của mình, nhưng được thực dân Anh đảm bảo về ngôi báu, chống lại các mối đe dọa bên trong cũng như bên ngoài. Năm 1891, Anh và Hà Lan kí một hiệp định phân định các vùng lãnh thổ của hai bên trên đảo Borneo, trong đó các lãnh thổ của thực dân Anh chiếm ưu thế.

Đến năm 1906, Brunei chấp nhận một cố vấn người Anh, tương tự như chế độ công sứ được thực hiện ở các vương quốc trong bán đảo Mã Lai. Đến lúc này thực dân Anh đã làm chủ hầu hết các vùng lãnh thổ trên đảo Borneo bao gồm Sarawak, Sabah, Brunei. Cùng với việc làm chủ bán đảo Mã Lai, thực dân Anh đã hoàn toàn khống chế khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên nhất ở vùng Đông Nam Á hải đảo và con đường thương mại với Trung Quốc đang rất phát đạt lúc bấy giờ.

Đến năm 1909, toàn bộ vùng lãnh thổ ngày nay của Malaysia, Singapore, Brunei đã rơi vào tay thực dân Anh. Tuy nhiên những vùng lãnh thổ này lại chịu những hình thức cai trị khác nhau.

Khu định cư eo biển (Straits Settlements – SS) gồm Penang, Malacca, Singapore là vùng đất trực trị của Anh, đứng đầu là thống đốc Anh.

Liên bang Mã Lai (Federated Malay States – FMS) gồm Perak, Selangor, Negri – Sembilan và Pahang. Mặc dù trên danh nghĩa là độc lập, nhưng thực dân Anh vẫn kiểm soát thông qua viên công sứ của mình.

0