Quá trình hình thành, phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin
a) Giai đoạn C.Mác – Ph.Ăngghen (1848 – 1895) Các Mác (1818 – 1883), Ph.Ăngghen (1820 – 1895) đều là người Đức. Từ năm 1844, hai ông bắt đầu gặp nhau, sớm thống nhất tư tưởng và hoạt động chính trị. Hai ông cùng nhau phát hiện ra sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân và chuyển biến từ ...
a) Giai đoạn C.Mác – Ph.Ăngghen (1848 – 1895)
Các Mác (1818 – 1883), Ph.Ăngghen (1820 – 1895) đều là người Đức. Từ năm 1844, hai ông bắt đầu gặp nhau, sớm thống nhất tư tưởng và hoạt động chính trị. Hai ông cùng nhau phát hiện ra sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân và chuyển biến từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ tinh thần dân chủ sang lập trường cách mạng.
Tháng 2 – 1848, tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do hai ông dự thảo được Đồng minh những người cộng sản thông qua và công bố ở Luân Đôn. Hai ông đã viết nhiều tác phẩm hình thành ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Hai ông còn tham gia sáng lập và là lãnh tụ của Quốc tế I (1863 – 1876), đặt nền tảng cho sự ra đời phong trào công nhân quốc tế.
Năm 1889, Ph.Ăngghen thành lập Quốc tế II, mở ra thời kỳ phát triển rộng của phong trào. Sau khi Ph.Ăngghen mất, Quốc tế II dần dần bị phân liệt và phá sản năm 1914.
Bằng hoạt động lý luận, sáng lập học thuyết mang tên mình, Mác – Ăngghen đã đưa phong trào công nhân từ tự phát thành phong trào tự giác và phát triển mạnh mẽ.
b) Giai đoạn V.l.Lênin phát triển chủ nghĩa Mác (1895 -1924)
V.I.Lênin (1870 – 1924) đã đấu tranh, phê phán không khoan nhượng đối với mọi kẻ thù, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Người phân tích sâu sắc những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa đế quốc và khẳng định cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một vài nước, thậm chí ở một nước tư bản kém phát triển. Cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc có mối quan hệ khăng khít với nhau. Muốn cho cách mạng vô sản thắng lợi tất yếu phải xây dựng một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Đảng đó phải được tổ chức chặt chẽ và theo chủ nghĩa Mác.
Qua lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga và Liên Xô (1917 – 1924), V.I. Lênin đã phát triển những vấn đề lý luận mới. Đó là lý luận nhà nước và cách mạng, xây dựng chính quyền Xô viết; phát triển kinh tế, khoa học – kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới; công nghiệp hoá, điện khí hoá toàn quốc; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa…
V.I. Lênin đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một hệ thống lý luận thống nhất, vũ khí lý luận của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
c) Giai đoạn sau V.I.Lênin (từ 1924 đến nay)
Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết không ngừng đổi mới và phát triển cùng tri thức nhân loại và phong trào cách mạng thế giới. Các Đảng Cộng sản xác định chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, định hướng hành động của Đảng và sự nghiệp cách mạng. Mỗi Đảng Cộng sản vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin với những nội dung mới, xây dựng đường lối cách mạng phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại mới.
Với bản chất khoa học và cách mạng, phương pháp năng động và linh hoạt, chủ nghĩa Mác – Lênin có sức sống bền vững, tiếp tục được vận dụng, bổ sung và phát triển trong thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, phát triển và chủ nghĩa xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì, vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển và khẳng định: Cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và sự nghiệp cách mạng cùa nhân dân ta.