11/05/2018, 14:43

Quá trình đô thị hoá? Một số lĩnh vực nghiên cứu trong xã hội học đô thị?

19.2.1. Thế nào là quá trình đô thị hoá – Là quá trình tập trung ngày càng đông dân cư sống trong những vùng lãnh thổ hạn chế về địa lý gọi là các đô thị (dấu hiệu về lượng). – Cùng với quá trình tập trung dân cư, còn là quá trình phát triển kinh tế – xã hội mang tính quy luật trên quy mô toàn ...

19.2.1. Thế nào là quá trình đô thị hoá
– Là quá trình tập trung ngày càng đông dân cư sống trong những vùng lãnh thổ hạn chế về địa lý gọi là các đô thị (dấu hiệu về lượng).

– Cùng với quá trình tập trung dân cư, còn là quá trình phát triển kinh tế – xã hội mang tính quy luật trên quy mô toàn cầu: là quá trình hình thành lối sống đô thị, là quá trình chuyển thể nhiều kiểu mẫu đời sống xã hội mang đặc trưng văn hoá đô thị khác biệt với văn hoá nông thôn (dấu hiệu về chất).

19.2.2. Đô thị hoá trên thế giới

– Đô thị hoá xuất hiện là một quá trình tất yếu của sự phát triển kinh tế – xã hội của nhân loại. Trong lịch sử loài người đã hình thành 2 kiểu cộng đồng dân cư: nông thôn và đô thị. Cộng đồng dân cư đô thị đã hình thành trong lịch sử với các dạng đô thị như đô thị hành chính, đô thị thương mại, đô thị sản xuất.
– Cuộc cách mạng đô thị lần thứ nhất diễn ra vào khoảng 8000 năm trước Công nguyên, khi có sự phân công lao động giữa các ngành nghề, nghề thủ công và buôn bán ra đời thì cũng là lúc các đô thị cổ đại ra đời. Nó là các trung tâm sản xuất thủ công và thương nghiệp của các bộ lạc. Thật ra các trung tâm ấy chưa thể gọi là đô thị được, vì quy mô còn rất nhỏ bé và tính không ổn định của nó. Nhưng những điểm dân cư tập trung đó lần đầu tiên hình thành một kiểu cộng đồng dân cư mới của nhân loại có sự đối lập với nông thôn. Các đô thị hình thành trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến nói chung còn lỏng lẻo về tổ chức. Các cụm dân cư đô thị tồn tại độc lập bên cạnh nhau theo kiểu tự cấp tự túc.
– Cuộc cách mạng đô thị lần thứ hai diễn ra vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII là lúc bắt đầu quá trình công nghiệp tư bản chủ nghĩa thì cũng xuất hiện các đô thị lớn. Các đô thị ở thời kỳ này không chỉ là các trung tâm công nghiệp, mà còn là một tổng thể hài hoà của nhiều yếu tố, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội của các nhóm dân cư.
– Hiện nay người ta đang nói đến cuộc cách mạng đô thị lần thứ 3 đang diễn ra ở các nước đang phát triển (các nước thế giới thứ 3) nơi mà tỷ lệ dân số thành thị còn rất thấp khoảng 30% dân số. Cuộc cách mạng đô thị lần thứ 3 dường như lặp lại cuộc cách mạng lần thứ 2, nhưng có nét độc đáo của những điều kiện không gian, thời gian của thời đại ngày nay như:
+ Các dòng người di cư từ nông thôn vào thành thị làm cho đô thị quá lớn, dân số đô thị tăng nhanh, số lượng đô thị ngày một nhiều.
+ Đời sống dần mang tính chất đô thị nhiều hơn nông thôn.
+ Đô thị xâm lấn, bành trướng “thôn tính” nông thôn.
Như vậy, ở các nước đang phát triển quá trình đô thị hoá tập trung chủ yếu trên bề rộng, tức là tăng dân số đô thị, tăng số lượng đô thị. Còn ở các nước phát triển thì ngoài việc mở rộng đô thị để trở thành “ các quốc gia đô thị “, họ còn chú ý phát triển đô thị theo chiều sâu, tức là nâng cao chất lượng, điều kiện sống của đô thị bằng việc áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm thoả mãn nhu cầu ngày một tăng của dân cư đô thị, làm cho con người có thể sống thoải mái trong một không gian sinh tồn hết sức hạn chế của đô thị.

19.2.4 Các lĩnh vực nghiên cứu trong xã hội học đô thị

– Vị trí của đô thị trong xã hội và trong hệ thống cư trú
– Cơ cấu xã hội cũng như các vấn đề nảy sinh và việc chuyển xã hội ở đô thị.
– Nghiên cứu những đặc điểm lối sống văn hoá và các vấn đề của cộng đồng dân cư ở đô thị. Lối sống đô thị có các đặc điểm sau: Tính cơ động nghề nghiệp – xã hội, không gian xã hội cao (khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi nơi ở, sự thăng tiến xã hội). Sự phụ thuộc của các hoạt động sống, nhất là sinh hoạt gia đình vào dịch vụ công cộng. Nó phá vỡ và đối lập lối sống tự cung tự cấp ở nông thôn. Nhu cầu văn hoá giáo dục cao, việc sử dụng thời gian nhàn rỗi rất phong phú và đa dạng. Phạm vi giao tiếp rộng, cường độ giao tiếp cao, có nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, nhiều chiều. Các giao tiếp truyền thống suy giảm, còn giao tiếp theo nhóm sở thích, nhóm vai trò thì tăng lên. Con người đô thị có tính năng động cao, có ý chí tiến thủ mạnh, trong cuộc sống con người tự do hơn, cá tính và nhân cách phát triển mạnh nhưng cũng dễ làm cho con người trở nên phóng túng, tự do vô kỷ luật.
* Một số đặc điểm cần chú ý trong lối sống đô thị ở nước ta:
+ Trước hết do trình độ đô thị hoá còn thấp, trong lối sống đô thị hoá của thành phố Việt Nam còn nhiều dấu vết của cộng đồng làng xã nông thôn. Các quan hệ xã hội vẫn còn dựa trên nhiều quan hệ sơ cấp hơn là quan hệ chức năng biểu hiện rõ trong lối sống ở các chung cư, cư xá, các khu nhà tập thể.
+ Các chuẩn mực hành chính xã hội còn chưa mang tính chất đô thị cao, phần nào còn bị nông thôn hoá, do thành phần dân cư đô thị phức tạp, nhiều người là dân nông thôn mới nhập cư vào thành phố ở thế hệ đầu tiên.
+ Văn hoá đô thị cũng chịu ảnh hưởng nhiều của các dòng văn hoá khác nhau trong lịch sử.
– Nghiên cứu về môi trường đô thị.
– Nghiên cứu về quá trình quản lý đô thị
– Nghiên cứu về những căn bệnh  đô thị:
1) Tắc nghẽn huyết mạch giao thông. Đây là căn bệnh phổ biến do quy mô phát triển đôthị không đáp ứng tốc độ gia tăng dân số và cơ sở hạ tầng không theo kịp mức độ gia tăng quá nhanh của phương tiện giao thông cá nhân.
2) Ô nhiễm môi trường: ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm cống rãnh kênh rạch, nhiệt độ trong đô thị ngày càng nóng hơn.
3) Gia tăng vô tổ chức các tế bào xã hội: đó là hiện tượng dân số trong đô thị tăng quá nhanh, nhất là tăng cơ học. Mức độ gia tăng đã vượt quá sự kiểm soát của các cấp quản lý.
4) Rối loạn nhịp đập đó là căn bệnh phản ánh sự không hoà nhập được giữa các lối sống khác nhau của các nhóm cư dân khác nhau. Mỗi một nhóm cư dân có một kiểu sống khác nhau do nguồn nhập cư khác nhau, do tôn giáo, dân tộc, mức sống phong tục tập quán khác nhau. Chính vì lẽ đó mà các nhóm dân cư trong một đô thị không thể cùng chung nhau một nhịp đập trong đời sống xã hội và sự mâu thuẫn xung đột đôi khi khó tránh khỏi.
5) Bệnh to đầu (Macrocephalous). Đó là hiện tượng phát triển mất cân đối ở khu vực hay quốc gia. Cả một vùng rộng lớn nổi lên một thành phố phát triển cực kỳ đồ sộ hút nhân tài, tiền của, tiềm lực của cả vùng, trong khi đó các vùng xung quanh ngày càng trở nên kiệt quệ, nghèo đói và lạc hậu. Đây là tình trạng khá phổ biến ở các nước chậm phát triển trong quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá.

0