21/02/2018, 10:00

Phân tích Vẻ đẹp của sông Hương qua bài Ai đã đặt tên cho dòng sông – Văn lớp 12

Bài làm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bài bút ký là những trang viết nhẹ nhàng miêu tả về vẻ đẹp của dòng sông Hương. Tác phẩm là sự hòa quyện giữa tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước và tinh thần dân tộc. Tất cả ...


Bài làm

“Ai đã đặt tên cho dòng sông” là bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bài bút ký là những trang viết nhẹ nhàng miêu tả về vẻ đẹp của dòng sông Hương. Tác phẩm là sự hòa quyện giữa tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước và tinh thần dân tộc. Tất cả những phẩm chất ấy được ông thể hiện rất rõ nét qua tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.

Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông Hương hiện lên mang một màu sắc và âm hưởng rất riêng của Huế qua sự kết hợp với nhiều góc nhìn khác nhau của tác giả từ địa lý, văn hóa, lịch sử…. Dòng sông Hương được tác giả ưu ái gọi nó bằng cái tên “dòng sông duy nhất chảy qua thành phố Huế”.

Vẻ đẹp của dòng sông Hương được tác giả miêu tả từ thượng nguồn. Vẻ đẹp đó được tác giả so sánh như cô gái Di gan phòng khoáng, mê dại, đầy sức hút. Trước khi về tới thành phố Huế, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa những bóng cây của đại ngàn, lúc mãnh liệt vượt qua nhiều ghềnh thác, khi cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu. Dòng sông mang trong mình một sức sống riêng, dường như cũng có hơi thở và sự sống, nó có thể cảm nhận được sự thay đổi của đất trời, chuyển mình theo sự biến đổi của thiên nhiên. Và khi về tới Huế, dòng sông Hương lại khoác lên mình một vẻ đẹp dịu dàng, khiến người đọc bất ngời về sự thay đổi của nó, nhẹ nhàng, uyển chuyển “trở nên dịu dàng, say đắm giữa những dặm dài chói lọi của hoa đỗ quyên rừng”. Tác giả đã ưu ái gọi nó là “người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô”. Có lẽ, nhà văn đã có một sự khảo sát địa lý sâu rộng và sự miêu tả đầy tinh tế để có thể tái hiện thủy trình của dòng sông Hương từ trung du trở xuống tới thượng nguồn, nó liên tục chuyển dòng “theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó”. Nhà văn đã đặt dòng sông Hương giữa cảnh quan núi đồi, lăng tẩm, …. khi ở giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại nó như “một cô gái đẹp ngủ mơ màng “, tựa như trong những câu chuyện cổ tích. Và dòng sông bỗng chuyển mình liên tuc, “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ”, “trôi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách”…. Sông Hương đến với Huế như một sự sắp đặt tài tình của tạo hóa, là một mối duyên ngầm bắt nguồn từ xa xưa. Vẻ đẹp của dòng sông được tạo nên từ vẻ đẹp của một nền văn hóa vang bóng một thời, nhiều thăng trầm nhưng cũng dịu dàng và quyến rũ. Huế làm cho dòng sông Hương như mang một màu sắc khác, khi về với Huế, được nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ, nghe âm thanh bát ngát tiếng gà, … sông Hương uốn mình nhẹ nhàng qua thành phố, như một người tình lâu năm đang e ấp trong nắng mới. Có thể nói, tác giả đã miêu tả dòng sông Hương với từng đường nét mềm mại, đầy mê hoặc khiến người đọc ngỡ ngàng, say đắm của nó. Tác giả đã dành cho nó một tình cảm đặc biệt, một tình yêu tha thiết. Có như vậy, ông mới liên tưởng như sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang cồn Hến như một tiếng “vâng” của tình yêu. Đó là tình yêu với thành phố, xứ sở này, như một sự đồng tình cho sự gắn bó, khăng khít hòa hợp giữa dòng sông Hương thơ mộng và thành phố Huế. Có thể nói, dòng sông đã mang lại cho thành phố một nét đẹp rất riêng, nó vừa có nét đằm thắm, dịu dàng e ấp như của một cô gái mới biết yêu lần đầu, lại có chút phóng khoáng còn sót lại của rừng già. Nhà văn đã khéo léo so sánh sông Hương với những dòng sông nổi tiếng khác trên thế giới, sông Xen của Pari, sông Nê – va của Nga…. để cho người đọc có thể cảm nhận được nét đặc biệt và tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của dòng sông Hương “lập lèo trong đêm sương, những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không còn một thành phố hiện đại nào có được”. Qua đó, ta cảm nhân được nhà văn không chỉ có một tâm hồn nhạy cảm, một cảm nhận tinh tế mà còn có một vốn kiến thức và sự trải nghiệm, hiểu biết rộng lớn với nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhà văn còn miêu tả dòng sông qua chiều dài của lịch sử, là một minh chứng cho cho quá khứ vàng son của dân tộc chảy qua biết bao biến cố. Nó đã từng mang cái tên sông Linh Giang, dòng sông Viễn Châu đã chứng kiến cuộc đấu tranh oanh liệt của Đại Việt, đã từng soi bóng cho kinh đô Phú Xuân của anh hùng Nguyễn Huệ, rồi chứng kiến bao cuộc đấu tranh của nhân dân trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mĩ. Có thể nói, sông Hương không chỉ soi bóng cho con người, cho thành phố mà dường như nó còn soi bóng cho cả chiều dài lịch sử, như một chứng nhân cho sự tồn tại của bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ và những thăng trầm đổi thay của thành phố này.

Tác giả cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông Hương qua nhiều góc độ, cảm nhận khác nhau. Qua đó ta có thể cảm nhận được Hoàng Phủ Ngọc Tường có một sự cảm nhận tinh tế. Bài ký với lối viết giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy lôi cuốn đã tái hiện lại vẻ đẹp của dòng sông Hương với tất cả vẻ đẹp mà nó đem lại

Nguồn: Văn mẫu hay

0