31/05/2017, 12:07

Phân tích tư tưởng Đất Nước này là Đất nước Nhân dân trong đoạn thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Phân tích những biểu hiện của tư tưởng "Đất Nước này là Đất nước Nhân dân" trong đoạn thơ Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm). Bài làm Lịch sử văn học đã từng ghi dấu rất nhiều tác phẩm ra đời ca ngợi quốc gia dân tộc, ca ngợi nhân dân. Nhưng trong số đó, ...

Phân tích những biểu hiện của tư tưởng "Đất Nước này là Đất nước Nhân dân" trong đoạn thơ Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm). Bài làm Lịch sử văn học đã từng ghi dấu rất nhiều tác phẩm ra đời ca ngợi quốc gia dân tộc, ca ngợi nhân dân. Nhưng trong số đó, hiếm thấy có tác phẩm nào có được quan niệm mới mẻ như trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Trường ca là một dấu ấn tiến bộ trong quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm về ...

Phân tích những biểu hiện của tư tưởng "Đất Nước này là Đất nước Nhân dân" trong đoạn thơ Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm).

Bài làm

Lịch sử văn học đã từng ghi dấu rất nhiều tác phẩm ra đời ca ngợi quốc gia dân tộc, ca ngợi nhân dân. Nhưng trong số đó, hiếm thấy có tác phẩm nào có được quan niệm mới mẻ như trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Trường ca là một dấu ấn tiến bộ trong quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm về công lao của nhân dân đối với lịch sử. Công lao ấy được quy tụ lại trong quan điểm "Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân", một tư tưởng mới thể hiện tập trung và sâu sắc trong đoạn thơ Đất Nước (trích phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng).

Đất nước – hai tiếng gần gũi, thiêng liêng và tha thiết đã từng theo mỗi chúng ta đi suốt cuộc đời. Nó thân thuộc vô cùng bởi được xây nên từ tình cảm yêu thương của mỗi chúng ta. Ai đã từng một lần định nghĩa về đất nước? Khái niệm ấy bao la lắm mà sao vẫn cảm thấy thân quý vô cùng. Ta hãy nghe nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận, cắt nghĩa về đất nước:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa… " mẹ thường hay kể

Đất nước của nhà thơ được cảm nhận bằng thời gian quá khứ xa xăm. Đất nước ấy là thế giới của ca dao cổ tích. Chẳng ai biết được nó có tự bao giờ, chỉ biết từ khi có miếng trầu, khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc, Đất nước đã có rồi. Đất nước được hình thành từ sự vất vả, yêu thương, của cha, của mẹ. Nguyễn Khoa Điềm đã dùng toàn bộ là chất liệu dân gian mà tạo nên đất nước của mình. Đất nước ấy vẫn có chiều dài của lịch sử nhưng không phải là lịch sử của những vương triều mà là lịch sử của nhân dân được ghi bằng cổ tích, bằng ca dao và bằng phong tục.

Sau phần cảm nhận về hai từ đất nước thiêng liêng và cao quý, Nguyễn Khoa Điềm bắt đầu diễn nghĩa tư tưởng đất nước của Nhân dân.

Đất nước của Nhân dân theo sự cảm nhận triết lý của nhà thơ là đất nước được dệt bởi một không gian văn hóa. Đó là một "không gian mênh mông" mở ra cái mênh mang về chiều kích của đất nước mình. Không gian ấy có khi gần gũi:

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Có khi xa xăm, huyền thoại hơn:
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi "con cá ngư ông mong nước biển khơi”

Vận dụng triệt để thủ pháp nghê thuật "chiết tự" (tách chữ) và kiểu câu định nghĩa, nhà thơ đã tạo nên khái niệm "không gian đất nước" khái quát mà thống nhất hòa hợp vô cùng. Nó không phải là thứ không gian được đo bằng những phép đo thường lệ. Nó là không gian mà ở đó cái chung thống nhất với cái riêng, cộng đồng hòa hợp từ mỗi chính sách, không gian của hiện thực pha vào huyền thoại. Không gian ấy không đo đếm được. Nó mênh mang như tâm tưởng kia không giới hạn.

Nhưng đất nước ấy còn phải có chiều dài lịch sử. Thời gian đằng đẵng thống nhất với không gian mênh mông. Thời gian ấy được dệt bằng huyền thoại.

Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Đất nước được gọi về tự phía cội nguồn với những khái niệm mà không người dân đất Việt nào nghe mà không biết: chim Lạc, giống Rồng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bọc trứng, vua Hùng, giỗ Tổ… Những câu thơ đã chạm nên vẻ đẹp của đất nước vừa chân thực lại vừa huyền thoại. Nó còn được gợi ý thức về tổ tiên nòi giống. Từ đó mà nghĩ về đất nước, mọi người sẽ tự ý thức về trách nhiệm của mình bởi:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước

Chúng ta biết Mặt đường khát vọng là một bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng tạm chiếm miền Nam. Nhưng đúng! để nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ từ đó ý thức được sứ mệnh của mình, xuống đường hòa nhịp cùng cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc thì trước hết các thế hệ thanh niên phải được gợi lên cái ý thức dân tộc của mình. Đó là ý thức về giống nòi, về niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Ý thức về một quá khứ anh hùng của cha ông. Chỉ có như vậy, tuổi trẻ mới thực sự được khắc sâu cái sứ mệnh thế hệ của mình.

Nguyễn Khoa Điềm cắt nghĩa nhiều khái niệm nhưng khái niệm nào cũng được ông hình tượng hóa nên nó cứ nhẹ nhàng mà thấm đẫm hồn ta. Ở đoạn thơ tiếp sau này, tư tưởng đất nước nhân dân được thể hiện qua cái nhìn độc đáo và mới mẻ về thiên nhiên. Chẳng có gì xa lạ, thiên nhiên được gọi ra bằng những cái tên gần gũi quen thuộc vô cùng: những núi Vọng Phu, những hòn Trống Mái, những nút Bút, non Nghiên hay đảo Con Cóc, Con Gà trên Hạ Long bãi đảo… Thiên nhiên ấy vẫn là niềm say mê của muôn đời nhưng nó tồn tại chưa chắc đã phải do tạo hóa làm ra. Nếu nó không được thổi vào đó những cuộc đời, những tâm hồn, những số phận thì chắc gì đã khiến con người say sưa đến ngàn năm. Vậy thiên nhiên làm sống lại những cuộc đời hay chính những cuộc đời, những số phận đã tạo nên "hồn sống" cho thiên nhiên! Cùng vậy, đất nước làm nên những cuộc đời hay chính những cuộc đời thầm lặng đang điểm vào những tên núi, tên sông kia đã làm nên đất nước. Và còn nữa, những cuộc đời đã nên núi nên sông kia chỉ là những cái tên rất nhỏ trong hàng triệu triệu cuộc đời đã, đang và sẽ làm ra đất nước. Cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm về thiên nhiên quả thực là sâu sắc.

Nhưng cũng phải đến đây, đến tận đoạn cuối này, tác giả mới khẳng định cái vai trò lịch sử của nhân dân để hoàn thiện tư tưởng "Đất Nước này là Đất Nước nhân dân". Trong phần này, tác giả đã "cố tình" không nhắc đến những anh hùng đã từng rạng danh trong lịch sử để dành trọn những trang thơ cho hàng triệu những anh hùng vô danh. Giọng thơ vẫn là giọng triết lý khơi gợi thấm đậm sâu xa:

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái con trai bằng tuổi chúng ta

Câu thơ giản dị mà đánh thức suy nghĩ sâu xa của không biết bao nhiêu thế hệ. Những con người ấy hàng ngàn đời nay vẫn "cần cù làm lụng” và đánh giặc chẳng kể gái trai; đàn ông, đàn bà; người già hay con trẻ:

Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Không chỉ đấu tranh và xây dựng quê hương, làm nên lịch sử, họ còn là những người âm thầm gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc. Họ truyền hạt lúa, truyền lửa qua mỗi nhà. Họ gánh theo tên làng, tên xã trong mỗi chuyến di dân. Họ đắp đập be bờ, trồng cây cho người đời sau hái trái. Và tóm lại, họ đã đem cả cuộc đời để dựng xây và phát triển những giá trị vật chất và tinh thần cho con cháu mãi mãi về sau. Đoạn thơ cuối lặp ý ngọt ngào. Nét đẹp trữ tình và thơ mộng trong tâm hồn dân tộc dịu dàng lan tỏa.

Cắt nghĩa sâu sắc tư tưởng "Đất Nước này là Đất Nước nhân dân", đoạn Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đã đánh giá thật khái quát vai trò của nhân dân trong lịch sử. Nhân dân là chủ nhân của lịch sử, chủ nhân của đất nước mình. Chân lý ấy đã, đang và sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi không chỉ đối với dân tộc chúng ta.

0