21/02/2018, 09:18

Phân tích truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc – Văn hay lớp 12

Phân tích truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc – Bài làm 1 Truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc được viết trong dịp vua Khải Định “vi hành” sang Pháp để tham dự triển lãm ở Maxay. Tuy nhiên những hành động mờ ám của vua Khải Định lại khiến nhiều ...

Phân tích truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc – Bài làm 1

Truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc được viết trong dịp vua Khải Định “vi hành” sang Pháp để tham dự triển lãm ở Maxay. Tuy  nhiên những hành động mờ ám của vua Khải Định lại khiến nhiều người bất bình, không đồng lòng. Nguyễn Ái Quốc đã lấy bối cảnh đó để mỉa mai, châm biếm hành vi lén lút của một ông vua triều đại phong kiến.

Ngay từ nhan đề, người đọc đã nhận ra giọng mỉa mai, châm biếm rất sâu cay. “Vi hành” được hiểu là hành vi đi du ngoạn để quan sát tình hình dân chúng một cách bí mật, không công khai nhưng vua Khải Định lại làm trò lố, lợi dụng việc chung để làm việc cá nhân của mình. Giọng văn nhẹ nhàng nhưng đầy hàm ý đã khiến cho người đọc hình dung được sự thối nát của một ông vua.

Điều đặc biệt chính là Nguyễn Ái Quốc đã chuyển thể nội dung bằng cách viết thư cho cô em gái. “Bức thư đặc biệt” đó đã vạch trần ra được sự lố lăng, kệch cỡm, ngây ngô của vua Khải Định trên đất bạn xa xôi. Câu chuyện được xâu chuỗi bằng những sự việc, hiện tượng diễn ra hằng ngày trong suốt chuyến đi của Khải Định. Cuộc trò chuyện của cặp trai gái trẻ người Pháp về vua Khải ĐỊnh khiến tác giả vỡ ra rất nhiều điều.

Dân chúng Pháp đều cho rằng ai da vàng, mũi tẹt, mắt xếch thì đó chính là vua An Nam. Và bọn thực dân đã nhầm lân vua Khải ĐỊnh với Nguyễn Ái Quốc nên đối đãi rất tốt với ông.

Nguyễn Ái Quốc đã khéo lẹo bịa ra những tình huống hay ho, nhưng là bịa như thật, khiến cho người nghe bị cuốn hút vào mạch kể đó. Qua lời của đôi trai gái thì chúng ta có thể nhận ra được Khải ĐỊnh là ông vua “mặt mũi ngây ngô, điệu bộ lúng ta lúng túng, mũ mãng lố lăng”. Thực ra trong mắt của người dân Pháp thì vua Khải Định thật đáng khinh và bị xem thường ở khắp mọi nơi.

Lối dẫn dắt câu chuyện tự nhiên khi kể mọi việc cho cô em gái nghe, Nguyễn Ái Quốc đã làm tăng tính chân thực và hấp dẫn của sự thật. Tác giả đã tố cáo tội ác của Khải Đinh đối với nhân dân ta, đất nước ta. Đớ chính là việc đầu độc nhân dân ta bằng thuốc phiện và rượu độc đầy nham hiểm, hăn chỉ quan tâm đến lợi ích của hắn còn lợi ích của quốc gia thì bỏ mặc.

Giọng điệu đầy mỉa mai, sâu cay khiến cho người dân vô cùng căm phẫn trước tội ác, sự lố lăng của một ông vua đáng khinh bỉ.

Với cách viết giản dị, chân thực và những tình huống hay ho Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra bộ mặt thật của một ông vua đáng trách, đẩy nhân dân vào bước đường cùng.

Phân tích truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc – Bài làm 2

Vi hành được sáng tác vào dịp vua bù nhìn Khải Định của triều đình nhà Nguyễn xin thực dân Pháp cho sang Pháp để dự cuộc triển lãm thuộc địa tổ chức ở Mác-xây (Marseille). Trong thời gian này, dư luận cho rằng Khải Định có một số việc làm ám muội. Bất bình trước thái độ và hành động làm tổn thương tới quốc thể ấy, Nguyễn Ái Quốc viết truyện này nhằm mục đích lột trần chân tướng của một tên vua bán nước.

Cái độc đáo của truyện thể hiện ngay ở cách đặt tên với hàm ý giễu cợt, đả kích nhẹ nhàng mà thâm thuý, sâu cay. Vi hành vốn dĩ là cách gọi những cuộc di kín đáo của các bậc vua chúa ngày xưa, mục đích là được tai nghe mắt thấy hiện thực đời sống dân chúng, từ đó có chính sách cai trị đúng đắn hơn, hợp lí hơn. Nhưng ở đây tác giả đã lồng cho Vi hành một ý nghĩa hoàn toàn ngược lại: để ám chi những cuộc đi lén lút, bất chính, cốt thỏa mãn những lạc thú cá nhân của Khải Định.

Tác giả khôn khéo trình bày truyện dưới hình thức một bức thư gửi cho cô em gái. Thực ra đây là truyện hư cấu một trăm phần trăm. Nhưng cái tài của tác giả là bịa mà như thật, còn hơn cả sự thật. Toàn bộ câu chuyện là một xâu chuỗi những sự hiểu lầm ngày càng tăng. Đôi trai gái người Pháp lầm người thanh niên da vàng ngồi cạnh là Khải Định. Dân chúng Pháp lầm tất cả những người da vàng, mũi tẹt, mắt xếch trên đất Pháp là vua xứ An Nam. Đến ngay chính quyền Pháp cũng lẫn lộn không phân biệt đâu là Khải Định, đâu là kẻ đang bị theo dõi (Nguyễn Ái Quốc) nên lầm tưởng mà đối xử như với vua xứ An Nam. (Nguyễn Ái Quốc đi đâu chúng cũng cho tay sai đi theo đến đó).

Sự thật thì không bao giờ có chuyện nhầm lẫn buồn cười như vậy. Tác giả đã khéo bịa ra các tình huống như thật dưới hình thức như đùa. Nguyên nhân của xâu chuỗi nhầm lẫn tai hại trên là do các cuộc vi hành của Khải Định.

Qua lời trò chuyện của đôi trai gái người Pháp, người đọc có thể hình dung ra Khải Định với những nét lố bịch: mặt mũi ngây ngô, điệu bộ lúng ta lúng túng, quần áo, mũ mãng lố lăng… Thái độ của dân chúng Pháp là khinh bỉ, coi thường hắn.

Để cho câu chuyện đạt được hiệu quả châm biếm, đả kích cao nhất, tác giả đã xen kẽ những đoạn đối thoại của đôi thanh niên Pháp với những đoạn kể chuyện cho cô em họ nghe. Nhân vật cô em họ cũng là sản phẩm của hư cấu, là phương tiện để Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tố cáo tội lỗi của tên vua bù nhìn Khải Định đã thừa lệnh thực dân Pháp đầu độc nhân dân ta bằng rượu và thuốc phiện, đẩy họ vào tình trạng sống khốn cùng, bế tắc.

Sự độc đáo còn thể hiện ở cách dẫn chuyện dí dỏm của tác giả. Ngòi bút biến hóa linh hoạt, hấp dẫn, văn ngắn gọn và súc tích, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Chất hài hước trong truyện vừa mang tính sôi nổi của phương Tây vừa mang tính thâm trầm, sâu sắc của phương Đông.

Truyện ngắn Vi hành chứng minh cho sức tung hoành của ngòi bút đầy sáng tạo Nguyễn Ái Quốc. Truyện được viết nhằm mục đích chính trị rõ ràng nhưng vẫn là một tác phẩm văn chương đích thực. Nó xứng đáng tiêu biểu cho phong cách văn xuôi Nguyễn Ái Quốc.

0