Phân tích tác phẩm Tấm Cám – Văn hay lớp 10
Phân tích tác phẩm Tấm Cám – Văn hay lớp 10 Phân tích tác phẩm Tấm Cám – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Lào Cai Tấm Cám là một câu truyện cổ tích độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Xung quanh câu truyện này có biết bao vấn đề cần luận bàn, nhưng ...
Phân tích tác phẩm Tấm Cám – Văn hay lớp 10
Phân tích tác phẩm Tấm Cám – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Lào Cai
Tấm Cám là một câu truyện cổ tích độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Xung quanh câu truyện này có biết bao vấn đề cần luận bàn, nhưng trong phạm vi bài viết này người viết nên đưa ra hai vấn đề để người đọc cùng xem xét, đánh giá. Đó là vấn đề xung đột mâu thuẫn và hành động trả thù của Tấm.
Quả là, khi phân tích truyện Tấm Cám mọi người thường chú ý, nhấn mạnh đến xung đột dì ghẻ – con chồng (mẹ Cám – Tấm) và coi nhẹ thậm chí bỏ qua xung đột giữa hai chị em cùng cha khác mẹ (Tấm – Cám). Do đó đã đơn giả hoá chủ đề và nội dung của truyện.
Ông cha ta có câu: Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng để nói về mối quan hệ của hai đối tượng này. Ngày nay, khi xã hội đã văn minh, quyền bình đẳng, tự do của con người phát triển đặc biệt là văn hoá, kinh tế phát triển vấn đề tranh chấp quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình đặc biệt giữa mẹ kế với con chồng gần như không còn. Nhưng trong xã hội xưa, xung đột này là rất lớn nó gần như không hoá giải được. Nên sự xung đột giữa Tấm và dì ghẻ không thể không có. Nhưng trong xã hội xưa, sự xung đột giữa Tấm với dì ghẻ không thể không có. Tuy nhiên theo đánh giá của tôi thì xung đột giữa Tấm và Cám – hai chị em cùng cha khác mẹ mới thực sự quyết liệt và trực tiếp. Nó diễn ra liên tục và xuyên suốt tác phẩm.
Mở đầu câu truyện, mụ dì ghẻ sai Tấm và Cám ra đồng bắt tép và giao hẹn: ai bắt được nhiều hơn thì sẽ được thưởng một chiếc yếm đỏ. Đi bắt không được thì phạt đòn. Tấm chăm chỉ, khéo léo nên đã được đầy giỏ; còn Cám mải chơi, hái hoa bắt bướm nên chẳng bắt được con nào. Trước tình thế đó Cám nghĩ rằng mình không những không được yếm mới mà còn bị đòn nữa, nên Cám đã lừa dối và cướp công của chị. Cám bảo: Chị Tấm ơi, đầu chị lấm, chị hụp xuống sâu kẻo về mẹ mắng.
Tấm thật thà tưởng thật xuống sông tắm rửa, Cám ta ở trên bờ trút hết giỏ tép của chị đem về nhận phần thưởng. Ở đây, chưa hề có xung đột giữa mẹ ghẻ – con chồng. Dì ghẻ của Tấm đến giờ phút này cũng hết sức công bằng, không thiên vị. Và hành động lừa gạt chị của Cám hoàn toàn là tự ý chủ động không có sự dặn dò, sai khiến của mẹ. Tất cả là do lòng tham muốn có được yếm mới của Cám mà thôi.
Như vậy, người cướp công của Tấm chính là Cám. Và sau này cũng chính là Cám đã theo dõi việc nuôi bống của Tấm và xui mẹ giết thịt. Cũng chính là Cám lấy quần áo của Tấm, cướp chồng Tấm và năm lần bảy lượt giết Tấm (giết chim vàng anh lấy thịt cho mèo, chặt xoan đào, đốt khung cửi – hiện thân của Tấm). Cám đã trực tiếp nhúng tay vào tội ác, liên tục tấn công hãm hại và cướp đoạt quyền lợi của Tấm. Càng về sau thì hành động của Cám càng quyết liệt, dã man hơn. Ớ đây ngoài việc chặt cau cho Tấm ngã chết ra thì mụ dì ghẻ chỉ tham gia vào mọi việc với tư cách quân sư – bày mưu tính kế giúp Cám mỗi khi nó về than khóc. Có lẽ vì thế mà sự tấn công của Tấm (ở kiếp sau) đều hướng vào Cám (vàng anh, khung cửi) đặc biệt là sự trả thù khốc liệt của Tấm ở cuối truyện.
Nói như vậy không có nghĩa truyện Tấm Cám không có xung đột giữa mẹ ghẻ – con chồng mà chẳng qua là xung đột ấy gián tiếp không liên tục mà thôi. Nhưng dù sao, sự xung đột ấy cũng góp phần làm tăng thêm sự nặng nề, phức tạp cho xung đột giữa Tấm và Cám (liên hệ với truyện Cô bé lọ lem…)
Có thể nói, truyện Tấm Cám vừa có xung đột mẹ ghẻ – con chồng vừa có chị em cùng cha khác mẹ – những người cùng thị … Sự xung đột này diễn ra theo cấp độ tăng tiến: từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ trong nhà ngoài xã hội (hội làng, cung vua), từ kiếp này đến kiếp khác. Nó dai dẳng và khốc liệt (nhan đề đưa đến mâu thuẫn chính).
Nhưng điều gây nhiều bàn cãi nhất trong câu truyện này là hành động trả thù của Tấm. Trước khi bị giết, Tấm hiền dịu, ngây thơ mỗi khi gặp khó khăn, bị đối xử bất công, Tấm chỉ biết khóc và nhờ vào sự giúp đỡ của lực lượng thần kì (ông Bụt). -Thế nhưng, đến cuối truyện, hành động của Tấm lại quyết liệt khiến cho người nghe hả hê, sảng khoái vì thiện đã thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng hành động của Tấm là quá tàn nhẫn, nó mâu thuẫn với bản chất, con người của Tấm.
Quả là, nếu như chúng ta thoát ra khỏi câu truyện thì hành động trả thù của Tấm thật đáng sợ, nó mâu thuẫn với chính con người của Tâm. Nhưng trước hết, ta phải xét đến thể loại truyện. Đây là một câu truyện cổ tích, nó có đặc trưng là tưởng tượng, hư cấu và có chức năng phản ánh đời sông, ước mơ của nhân dân, đáp ứng nhu cầu nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục và giải trí của nhân dân trong những thời kỳ, hoàn cảnh lịch sử khác nhau của xã hội có giai cấp. Điều đó có nghĩa vào thời điểm đó, nhu cầu lởn nhất của con người là khát vọng công bằng trong xã hội: ác giả ác báo. Cho nên hành động trả thù của Tấm là thoả mãn ước nguyện của người lao động, nó mang tính chủ quan của người sáng tác.
Mặt khác, nếu như trong các truyện cổ tích khác, lực lượng thần kỳ xuất hiện với chức năng như luật pháp không những giúp đỡ người tốt mà còn trừng trị kẻ xấu. Chẳng hạn như trong truyện Thạch Sanh lực lượng thần kỳ không chỉ giúp sức cho Thạch Sanh vượt qua thử thách mà còn thay Thạch Sanh trừng phạt mẹ con Lý Thông. Còn trong truyện Tấm Cám thì lực lượng thần kỳ xuất hiện chỉ như người chỉ đường mà thôi. Tất cả từ đầu đến cuối, đều là do con người hành động (giảm vai trò của lực lượng thần kỳ là muốn nâng cao vai trò của con người). Nên việc để cho Tấm báo thù Cám là tất yếu. Và cũng nhờ thế mà ta thấy Tấm hiện lên chân thật hơn.
Hành động trả thù của Tấm là hành động của một con người bị áp bức, hành động diệt trừ, loại bỏ hoàn toàn cái ác, cái xấu, xây dựng một xã hội tốt đẹp như con người mong ước. Do vậy hành động của Tấm là tất nhiên và hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên ta phải đặt nó trong xã hội ấy và nhìn nó dưới quan điểm thẩm mĩ (tại thời điểm ấy) đương thời.
Bằng bút pháp hư cấu với các yếu tố thần kỳ tạo ra sự ly kỳ hấp dẫn cho người đọc. Nhưng với ngôi kể thứ ba tạp ra sự khách quan chân thật, bởi thế truyện có ý nghĩa giáo dục rất lớn: hướng con người sổng lương thiện hơn.
Phân tích tác phẩm Tấm Cám – Bài làm số 2
Ông cha ta thường có câu “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành” đó cũng chính là đạo nhân quả mà nhà Phật thường dạy. Mỗi con người khi sống trên đời đều phải lấy cái nhân, cái đức để cảm hóa lòng người, chứ đừng chỉ vì lợi ích cá nhân, mưu cầu hạnh phúc của bản thân mình mà chà đạp lên người khác. Người biết đối nhân xử thế sẽ gặp được người biết đối nhân xử thế. Và câu chuyện cổ tích Tấm Cám chúng ta đã thuộc làu từ khi còn rất bé lại ẩn chứa nhiều bài học quý báu và bổ ích về cách ứng xử, cải thiện sẽ chiến thắng cái ác và sự bất công không thể tồn tại mãi trong xã hội.
Ông cha ta thường nói: Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng. Câu nói ấy quả là không sai để nói về mối quan hệ giữa mẹ ghẻ và con chồng. Mặc dù xã hội đã văn minh, đã phát triển các quyền bình đẳng, quyền tự do của con người nhưng trên thực tế, một số thực trạng vẫn đang xảy ra. Tuy nhiên, nếu để so sánh giữa xã hội cũ và xã hội hiện đại thì trong xã hội cũ, xung đột ấy dường như là không thể xóa bỏ, nó được coi là một bức tường vô hình ngăn cản tình cảm giữa con người với con người. Nhưng trong câu chuyện này, xung đột gay gắt không phải là cuộc xung đột giữa mẹ ghẻ và Tấm mà cao trào lại là cuộc đối đầu giữa Tấm và Cám – mối quan hệ này làm nên một câu chuyện khiến cho nhiều người đọc phẩm ngẫm nghĩ.
Câu chuyện không chỉ kể về một cô gái bất hạnh, chịu nhiều đau khổ, nỗi đắng cay, nhưng ở hiền gặp lành, không biết bao nhiêu lần cô được bụt giúp đỡ, những lần cô bị hãm hại tưởng chừng như đã kết thúc cuộc đời của cô gái tội nghiệp nhưng cuộc đời luôn luôn mỉm cười với những người tốt và Tấm cũng vậy.
Tấm là con vợ cả, mẹ Tám mất sớm, cha tấm lấy mẹ Cám, mấy năm sau thì cha cũng mất, Tấm trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ còn mỗi mẹ con Cám để nương nhờ vậy mà từ ngày ấy, mẹ con Cám coi Tấm không bằng một người làm trong nhà. Cô làm quần quật cả ngày, chỉ mong được ăn cơm qua ngày, vậy mà Cám thì được mẹ hết lòng yêu thương, muốn gì được ấy, cuộc sống kham khổ, chịu đựng thì đã có Tấm làm hết cho rồi.
Một hôm, mụ dì ghẻ mang ra hai cái giỏ bảo Tấm và Cám đi bắt tép, ai bắt được nhiều hơn thì sẽ mua cho một cái yếm đỏ. Công việc này ngày nào Tấm cũng làm nên không có gì khó đối với cô, nhưng Cám thì ngược lại. Cô ta chả bắt được con nào đành lủi thủi đi lên bờ. Trên đường về, do ghen tức với Tấm mà Cám đã lừa Tấm: “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.” Câu nói tưởng chừng như thật lòng của Cám lại đầy nhưng toan tính, mưu đồ. Tấm tưởng thật bèn làm theo, Cám không ngần ngại gì đổ hết giỏ tép sang giỏ của mình rồi chạy về nhanh. Sự lừa lọc, dối trá của Cám và sự chân thật của Tấm ngày càng được thể hiện rõ hơn qua các giai đoạn tiếp theo.
Đã đoán ra sự việc, Tấm ngồi khóc, cô khóc không phải là vì cô tiệc công hay tiếc giỏ tép mà cô khóc cho chính bản thân mình, sao lại phải chịu những tình cảnh trớ true như vậy. Bụt xuất hiện, đến giờ phút này, chỉ có Bụt mới có thể giúp Tấm, Bụt dặn Tấm mang cá Bống về nuôi và mỗi khi ăn cơm lại gọi:
Bống bống, bang bang,
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người
Trong các câu chuyên cổ tích, luôn có ông bụt hay bà tiên sẽ giúp đỡ những số phận không may mắn, giúp họ có thêm điểm tựa để có nghị lực vượt qua mọi chuyện.
Trong suốt một thời gian dài, Tấm luôn có cá Bống làm bạn, nhưng chẳng mấy lâu sau mà mụ dì ghẻ không nghi ngờ, bà ta bèn sai con gái ra rình rồi nhân lúc Tấm phải đi chăn trâu theo lời mẹ con Cám thì hai người đã ở nhà để thực hiện mưu đồ của mình. Chiều muộn khi Tấm trở về nhà, cô vẫn mang cơm như đều đặn ra cho Bống ăn, nhưng cô gọi mãi, gọi mãi mà không thấy Bống đâu, chỉ có một cục máu đỏ nổi lên. Tấm đã dự báo chuyện chẳng lành xảy ra với Bống. Tấm buồn và đã khóc rất nhiều. Cô khóc không chỉ bởi thương Bống mà cô còn thương cho chính thân phận hẩm hiu của mình. Cuộc sống của cô không những phải chịu nhiều đau khổ, bất công mà cô còn phải chịu sự áp bức, tình cảm bị dồn nét khi tất cả những điều quý giá nhất đối với cô đều bị chà đạp, hãm hại không thương tiếc.
Tính cách độc ác ngày được gia tăng trong con người của hai mẹ con nhà Cám. Sự độc ác, không bằng lòng với những giá trị hiện có và luôn ghen tức đã làm cho mẹ con của Cám ngày càng trở nên tổi tệ hơn.
Khi nghe thấy Tấm khóc, Bụt bèn hiện lên – sự hiện lên và giúp đỡ của Bụt đã cho thấy tia hy vọng của sự sống và của tình yêu thương con người vẫn luôn còn tồn tại, kể cả khi những lúc con người ta cảm thấy chán trường và thất vọng thì cũng không bao giờ được từ bỏ. Bụt đã chỉ cho Tấm cách tìm xương của Bống: “Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho”. Tấm làm theo yêu cầu của gà, chú gà tốt bụng đã bới đất tìm xương cho Bống. Sau đó Tấm để xương vào bốn cái lọ chon ở bốn chân giường như theo lời Bụt căn dặn. Câu chuyện đang dừng lại ở chi tiết bốn lọ xương, không ai biết bốn lọ xương của Tấm sẽ được làm gì?, nó có ẩn ý gì? – cái dòng suy nghĩ của con người luôn đặt ra những câu hỏi và sự tò mò là điều không thể thiếu, càng như vậy, người đọc càng bị lôi cuốn theo mạch của câu chuyện.
Khi đến ngày hội, một lần nữa, Tấm lại cảm thấy tuyệt vọng khi bản thân mình không thể đấu tranh để có thể đi tham gia lễ hội – trong khi đó là quyền hạnh phúc của mỗi con người. Đến bay giờ, bốn lọ xương được chon như đã phát huy được công dụng. Nó chính là trang phục, giày thêu hoa và yên ngựa, tất cả đã sẵn sàng để Tấm đi trẩy hội. Chiếc giày bị rơi như là chiếc giày tạo lên mối nhân duyên cho Tấm, khi nhà vua nhặt được chiếc hài của Tấm. Chính nhờ chiếc giày được biến hóa từ xương của bông mà Tấm được vua sai đoàn thị nữ rước nàng vào cung, dù trước đó khi gặp hai mẹ con Cám trong buổi thử giày nàng đã bị mụ dì ghẻ bĩu rằng: Chuông khánh còn chả ăn ai, nữa là mảnh chinh vứt ngoài bờ tre.Tưởng chừng như những điều khổ đau sẽ không còn xuất hiện bên cuộc đời Tấm, nhưng không, ngay cả khi cô làm hoàng hậu, thì những điều xấu vẫn luôn đeo bám lấy cô, nhất là mẹ con nhà Cám. Bản chất xấu xa, ghen tị đã khiến cho mẹ con Cám rắp tâm hãm hại Tấm để giành được vinh hoa, họ không thể nào để “miếng mồi ngon” lọt vào tay Tấm được.
Dù đã là Hoàng hậu nhưng Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha – đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây, con cái không bao giờ được quên công ơn dưỡng giục của cha mẹ. Lợi dụng lòng tốt cũng chính là điểm yếu của Tấm, mụ dì ghẻ đã sai nàng trèo cây cau để lấy một buồng cũng giỗ bố và cũng chính là cái cớ để hãm hại nàng. Sự tin cậy của Tấm chính là điểm yếu hại chết nàng. Sau khi thực hiện xong, mẹ Cám đưa Cám vào cung để thay thế, nhà vua cũng chấp thuận nhưng bằng mặt mà không bằng lòng.
Cái chết của Tấm không phải là chấm dứt câu chuyện, câu chuyện vẫn được tiếp tục khi Tấm chết oan và biến thành chim vàng anh. Nhưng không phải là hót là phát ra tiếng nói vang vọng bên Cám:” Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”. Chim vàng anh được nhà vua yêu quý, cho ở lồng vàng. Phải đâu khi lòng tham và sự ghen tức đã ngấm sâu vào con người, một lần nữa Cám nghe lời mẹ bắt vàng anh làm thịt nấu ăn và vứt lông chim ra vườn. Lông chim hóa ra hai cây xoan đào được vua cho mắc võng và ngày nào cũng ra nám hóng mát. Mụ dì ghẻ và Cám lén chặt cây làm khung cửi. Cứ mỗi lần ngồi dệt và Cám nghe lời đe dọa:
Cót ca cót két,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra
Đúng là có tật giật mình, người ngay thẳng thì không thể nào có thể có uẩn khúc. Nhưng một người như Cám – với rất nhiều tội lỗi, dù cho như thế nào đi thì trong lòng trắc ẩn của Cám vẫn có một sự sợ hãi, lo lắng. Vì vậy mà Cám đã sai người đốt khung cửi rồi sai người đổ tro bên đường, cách xa nơi hoàng cung để không bao giờ có thể rấy lên sự lo sợ trong lòng. Từ đống tro mọc lên một cây thị chỉ đậu được một quả khi đến mùa, hương thơm ngát tỏa ra khấp nơi. Bà lão hàng nước gần đó thấy bèn xin: “Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn”
Về với bà lão hiền từ, Tấm từ quả thị chui ra giúp bà dọn dẹp nhà cửa, múc nước, nấu cơm, rồi lại chui vào. Tấm vẫn cứ làm việc như vậy mỗi ngày. Nhiều người thắc mắc tại sao Tấm không quay về cung, ở Tấm hiện lên sự hài lòng và chấp nhận với thực tại. Cô không muốn sự bon chen, đố kỵ. Bà lão thấy lạ bèn rình xem. Khi thấy cô gái xinh đẹp thì bà ôm choàng lấy, rồi xé vụn võ thị Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương yêu nhau như hai mẹ con.
Nhân một chuyến vi hành, thấy quán nước sạch sẽ và tươm tất nên nhà vua ghé vào. Bà lão mang cau trầu và nước dáng vua. Thấy miếng trầu têm cánh phượng, vua nhớ tới miếng trầu Tấm têm dâng vua ngày trước, bèn hỏi bà lão. Nhờ vậy mà Tấm và vua đoàn tụ.
Như các cụ ta đã nói, ở đời luôn có luật nhân quả, con người ta dù có bị vùi dập đến đâu những vẫn được hồi sinh từ chính những điều tốt đẹp nhất. Câu chuyện kép lại khiến cho nhiều người đọc phải suy ngẫm, không phải chỉ về sự đau khổ đến tận cùng của Tấm mà trên hết Tấm là người đại diện cho cái thiện và mẹ con Cám đại diện cho cái ác. Cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác. Trong toàn bộ diễn biến của câu chuyện, mặc dù Tấm không trả thù hay oán trách gì mẹ con Cám nhưng cuối cùng, mẹ con Cám vẫn phải trả giá cho những hành động của mình đã gây ra. Hình tượng của Tấm chính là biểu trưng cho sự đấu tranh gay gắt giữa sự bất công, mâu thuẫn trong nội tại mỗi con người, nhưng qua cuộc đấu tranh ấy, hình tượng nhân vật Tấm lại được sáng lên với những bài học vô cùng sâu sắc và ý nghĩa.
Phân tích tác phẩm Tấm Cám – Bài làm số 3
Những câu hát à ơi bên cánh võng,những câu truyện cổ tích thần kì êm đềm đã đã theo mỗi người lớn lên trong suốt thời ấu thơ. Trong biết bao câu truyện ấy có lẽ chẳng ai trong chúng ta có thể quên được hình ảnh cô tấm ngoan hiền,vẫn xuất hiện trong lời kể ấm áp của bà của mẹ thuở nào. Câu truyện về cô tấm hiền lành,xinh đẹp nhưng luôn phải chịu sự áp bức đè nén của mẹ con nhà Cám. Cùng với đó là ý nghĩa lấp lánh đầy nhân văn phía đằng sau câu truyện, đó là chiến thắng của cái Thiện đối với cái Ác đúng như quan niệm của nhân dân. Một chiến thắng đi từ những phản ứng yếu ớt đến mạnh mẽ.từ bị động chịu áp lực đến chủ động phản kháng.
Đến với câu truyện Tấm cám người đọc không chỉ đến với cái huyền diệu của cái truyện cổ tích,mà người đọc còn cảm nhận được hiện thực của cuộc sống.Một hiện thực mà có lẽ luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta,đó là sự mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác,giữa sự công bằng và sự bất công của xã hội.Trong truyện cổ tích Tấm Cám,ta thấy rõ được hai tuyến nhân vật thiện – ác rất rõ nét.Nhân vật cô Tấm biểu thị cho cái thiện,cái đẹp cô vừa đẹp người vừa đẹp nết nhưng phải chịu số phận hẩm hiu bất hạnh sớm mồ côi mẹ phải ở với gì ghẻ.Cái ác trong câu truyện tiêu biểu là hình ảnh của dì ghẻ – Cám là hai nhân vật có những hành động áp bức bóc lột đối với nhân vật khác,cùng với đó là những âm mưu thâm độc thủ đoạn xấu xa mất hết tính người của nhân vật.
Trong xã hội khi có phân chia giai cấp,luôn có sự tồn tại song song giữa cái thiện và cái ác.Mà ở đó theo quan niệm của dân gian cái đẹp cái thiện bao giờ cũng thuộc về tầng lớp nghèo khổ là nhân dân lao động,luôn là giai cấp bị áp bức bóc lột trong xã hội.Ngược lại cái các cũng là cái tồi tệ xấu xa lại luôn ngự trị,chúng rất mạnh và luôn dùng sức mạnh đó để bóc lột đàn áp cái đẹp,cái thiện.Chúng thuộc về giai cấp thống trị của xã hội,luôn đè nén bóc lột nững người thấp cổ bé họng yếu thế hơn.Dân gian ta ngày trước thường có câu: “ “ Bao giờ bánh đúc có xương -Thì bà dì ghẻ mới thương con chồng” Câu ca dao ấy trở nên thấm thía hơn bao giờ hết,trong mối quán hệ giữa mẹ con bà gì ghẻ với tấm.Phận con chồng Tấm luôn bị hành hạ,phải làm lụng vất vả chẳng một phút nghỉ ngơi,trong khi đó mẹ con nhà Cám thì suốt ngày rong chơi lười nhác.Tấm bị mẹ ghẻ nhửi bới đối xử tệ bạc.Cám lại được cưng chiều hết mực.Đến ngay cả nguồn vui duy nhất của Tấm để tâm sự chiua sẻ buồn vui là bống cũng bị mẹ con nhà Cám giết không thương tiếc.Không chỉ có thể Tấm còn luôn bị Cám ghen ghét,lừa dối cướp công mà cụ thể là tranh mất phần thưởng nhờ việc lừa lọc tấm khi đi bắt tép.Về phần Tấm mỗi khi bị ức hiếp,đối xử bất công Tấm cũng chỉ biết ôm mặt khóc,nhẫn nhục chịu đựng.Điều đấy cho ta thấy cái thiện ban đầu luôn tỏ ra nhẫn nhục chịu đựng đến nhu nhược.Đó là một nét đẹp của văn hóa truyền thống luôn muốn “ một điều nhịn chín điều lành”.Không muốn ân oán chất chồng,luôn mong một cuộc sống bình yên hòa thuận.Tuy nhiên sự thành tâm thiện ý ấy không những không được đáp trả mà còn bị vùi dập,càng nhún nhường thì các ác càng lấn tới đàn áp muốn triệt hạ cái thiện. Để tồn tại bị bức tới đường cùng cái thiện chỉ còn cách vươn lên chống trả giành lấy chiến thắng vẻ vang. Điều đó thể hiện ở một số chi tiết trong truyện. Đó là việc mụ dì ghẻ và đứa con đẻ ác ngiệt không chiếm được ngôi vị hoàng hậu thì âm mưu giết Tấm.Bốn lần chúng ra tay thì bốn lần đều thất bại:chặt cây cau, giết chim vành anh,chặt cây xoan đào,đốt khung cửi.Sau mỗi lần bị hại,Tấm không khóc nức nở nhịn nhục mà ra lời cảnh báo với con người độc ác kia:“Phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào – Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao”. Hay đó là lời nói mang tính răn đe của Tấm: Kẽo cà kẽo kẹt – Lấy tranh chồng chị chị khoét mắt ra”. Lần cuối hóa thân trở trong quả thị ngát hương, cũng là lần để khẳng định một chân lí đó là cái thiện luôn chiến thắng cái ác.
Ra đời từ thuở xa xưa trong lịch sử dân tộc,cho đến ngày nay và sẽ mãi mãi mai sau,câu chuyện Tấm Cám được người Việt giữ gìn,truyền lại cho nhau như người xưa giữ lửa và truyền lửa qua mỗi nếp nhà. Ấy là ngọn lửa cho truyền thống dân tộc,truyền thống yêu cái thiện ghét cái Ác.Quan trọng hơn đó là truyền thống đấu tranh với cái Ác để chiến thắng vẻ vang.
Phân tích tác phẩm Tấm Cám – Bài làm số 4
Truyện “Tấm Cám ” là một truyện cổ tích thần kì rất quen thuộc trong nhân dân ta. Nhiều nước bên Tây, bên Đông Nam Á cũng có những truyện kể tương tự như truyện "Tấm Cám”.
Tấm hiền lành. Mụ dì ghẻ và cô em gái mình hành hạ đủ điều mà không hề oán trách. Đi bắt cua, Tấm bắt được nhiều, Cám bắt được ít. Cám lừa cho Tấm hụp xuống sông để trộm tôm tép. Bà dì ghẻ bảo Tấm đi chăn trâu ở đồng xa, Tấm cũng vâng lời. Người ta đi hội vui vẻ, Tấm phải ở nhà nhặt thóc, Tấm cũng không dám oán trách,… Tấm không có mưu mô thủ đoạn, không cãi cọ gây chuyện với ai, yên lòng với số phận hẩm hiu tội nghiệp của mình. Tấm hiền lành như thế. Tấm luôn luôn bị khinh thường, hành hạ, nhưng lại được Bụt, được Tiên giúp đỡ. Bụt bày cho Tấm nuôi con bống để cho đời Tấm đỡ cô quạnh. Bống chết, Bụt bày cho Tấm chôn xương nó vào hũ, để sau này xương biến thành quần áo, giày dép để cho Tấm mặcđi hội. Tấm bị chết. Bụt lại hoá phép cho Tấm thành chim, thành cây. Tấm còn được hoá thành quả thị thơm tho, thành cô gái quê biết têm trầu cánh phượng, nghĩa là cũng thành quả quý, người đẹp. Dù ở hoàn cảnh nào, dù mang lốt người hay lốt chim, lốt cây, Tấm cũng vẫn có đức tính là hiền lành, tốt nết. Tại sao Phật, Bụt lại cho Tấm biến hoá thành nhiều kiếp như vậy? Cách biến hoá ấy chỉ cốt nói lên một điều: cái tốt không bao giờ mất đi cả. Bị ngăn trở, bị hãm hại đến đâu, cái tốt vẫn tồn tại. Cô Tấm bị giết nhưng cô không chết! Tạm thời cô chỉ phải đổi lốt mà thôi. Chim vẫn nói được tiếng nói của Tấm. Cây xoan đào thành khung cửi, vẫn phát ra lời của Tấm. Tấm vẫn sống, vẫn chứng kiến mọi việc xảy ra xung quanh mình, vẫn thấy cái ác cái xấu của Cám và đã báo trước những lời trừng phạt. Sức sống của Tấm là như thế. Sức sống ấy tồn tại mãi mãi. Dù mẹ con Cấm có tốn bao nhiêu công sức, có tìm hết cách để tiêu diệt sức sống ấy thì cũng không thể diệt được. Sự sống luôn luôn biến hoá: lúc là người, lúc là chim, lúc là cây, lúc là quả, lúc là đồ vật. Dù mang hình thức gì đi nữa thì vẫn là nàng Tấm xinh đẹp, nết na trường tồn, bất diệt.
Người ác trong truyện này là hai mẹ con Cám. Cái xấu của Cám là ở bản tính lừa gạt. Cám lừa chị Tấm để trút hết tôm tép, chạy về nhà trước, chỉcốt được lợi cho mình, mặc cho cô chị khốn khổ mang giỏ không về nhà, chịu sự đánh đập nhiếc móc của bà dì ghẻ. Sau hành động ấy, Cám trởthành cô bé nghe theo mẹ mà lao vào những tội ác. Không nghĩ ra được những mưu mẹo, nhưng đã thực hành những mưu mẹo ấy thì cũng đáng giận, đáng ghét rồi. Bà mẹ Cám thì thật là gian ác và tai ngược. Bà ta cố tìm cách hại Tấm, hết cách này sang cách khác. Ta có cảm tưởng bà ta đứng sẵn đâu đó, hễ thấy Tấm ló đầu ra là để hành hạ, để không cho Tấm được xuất hiện giây phút nào trong cuộc sống nữa. Lừa cho Tấm đi chăn trâu xa để mẹ con ở nhà ăn thịt bống. Bắt tấm nhặt thóc lẫn với gạo để giam Tấm lại trong nhà. Xui Tấm trèo cau để chặt cây cho Tấm ngã. Cho con gái mặc quần áo giả dạng Tấm để lừa hoàng tử. Rồi lại xui làm thịt chim vàng anh, xui chặt cây xoan đào, xui đốt khung cửi cốt làm cho Tấm phải hết đường tái sinh. Mụ ta là hiện thân của cái ác, cái ác đội lốt người. Tại sao bà ta ác như vậy? Một phần, vì bà ta là dì ghẻ. Ca dao có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương- Mấy đời dì ghẻ mà thương conchồng? Bà ta muốn cho con mình sung sướng để được sướng lây. Bà ta không biết rằng làm như thế chỉ đẩy cô Cám vào cảnh khổ. Cám tuy được hưởng nhiều thứ của Tấm, nhưng lúc nào cũng bị tiếng nguyền rủa dội vào tai. Đó là một hình phạt đối với Cám. Cuối cùng Cám chết và mẹ Cám cũng chết theo. Trời, Bụt đã trừng phạt mẹ con họ. Tấm chỉ chết tạm thời, chỉ là một sự hoá thân, chết mà vẫn sống. Còn mẹ con Cám thì chết vĩnh viễn, chết mãi mãi, chết trong sự khinh ghét của chúng ta, của mọi người.
Truyện cổ tích “Tấm Cám" còn hay ở chỗ: trong truyện, cuộc sống của đất nước Việt Nam ta được hiện lên rất sinh động. Trong truyện có cảnh mò cua bắt ốc, cảnh chăn trâu, có quán nước bán hàng, có những hội hè đình đám, có đám giỗ cha, có cơi trầu mời khách. Thật là một đất nước có nhiều phong tục đẹp. Không một truyện cổ tích nào có nhiều hiện tượng phong tục phong phú như truyện này. Các loài vật, các cây cỏ, các dụng cụ đều được đưa vào trong truyện. Có con cá nhỏ bé hiền lành như con cá bống, có con chim nhảy nhót như chim vàng anh. Có con chim sẻ nhặt thóc, có khung cửi kẽo cà kẽo kẹt, có ông hoàng tử khi ở trong cung sang trọng, khi ra ngồi quán nước với bà lão bình dân… Thật là rất Việt Nam. Cả một đất nước hiền lành, đủ cả con người, cả chốn cung đình, cả nơi thôn dã, cùngvới bao nhiêu sắc màu, cảnh vật thiên nhiên. Học truyện "Tấm Cám ”, nên biết điều đó, cũng như phải nhớ ý nghĩa của truyện là: “ở hiền gặp lành”.
Truyện “Tấm Cám " còn có một điều hay nữa mà rất nhiều truyện cổ tích không có hoặc có rất ít. Đó là khi kể chuyện, người ta dẫn thêm những câu ca, câu hát. Đấy là một đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam. Những lời vần vè gây một không khí sinh động cho câu chuyện thêm phần đằm thắm. Hãy đọc lại những câu rất vui như của gà: “Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xươngcho”. Hoặc những câu rất cảm động như: “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo”.Cái hồn cổ tích, cái chất Việt Nam nằm trong những câu ca, điệu nói ấy.
Hồng Loan tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm:
- phân tích nhân vật tấm
- Phân tích truyen Tấm Cám
- Phan tich truyen Tam Cam lop 10
- phân tích tấm cám
- Phân tích nhân vật cô Tấm
Bài viết liên quan
- Phân tích tác phẩm Người trong bao (Sê-khốp) – Văn hay lớp 11
- Phân tích tác phẩm Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy – Văn hay lớp 10
- Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng – Văn hay lớp 12
- Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm Mẹ tôi – Văn hay lớp 7
- Phát biểu cảm nghĩ về truyện Thầy bói xem voi – Văn hay lớp 6
- Tả cảnh đường phố vào giờ tan tầm – Văn hay lớp 6
- Nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội; giữa một người và mọi người – Văn hay lớp 12
- Phân tích tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Văn hay lớp 11