Phân tích nhân vật Tràng trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân
Đề bài: Phân tích nhân vật Tràng trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân. Bài làm Viết về nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân đã khắc họa thành công bức tranh nhiều màu xám ấy qua cái nhìn đầy nhân văn về một câu chuyện đầy tình thương người, câu chuyện Vợ nhặt. Trong cảnh sống bần cùng, ...
Đề bài: Phân tích nhân vật Tràng trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân.
Bài làm
Viết về nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân đã khắc họa thành công bức tranh nhiều màu xám ấy qua cái nhìn đầy nhân văn về một câu chuyện đầy tình thương người, câu chuyện Vợ nhặt. Trong cảnh sống bần cùng, người nông dân vẫn có tấm lòng nhân ái và một khát vọng hạnh phúc. Họ vừa đáng thương lại vừa đáng trân trọng biết bao. Nhân vật Tràng, một thanh niên hiền lành, chân chất, nghèo khổ đã mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc đặc biệt.
Trong thời buổi loạn lạc, những người nông dân tìm đủ mọi cách để kiếm sống bằng sức lao động của mình. Tràng cũng vậy, anh kiếm sống chính bằng việc đẩy xe bò mướn. Không biết do cuộc sống thiếu thốn hay do cuộc đời bất công với anh mà anh đã nghèo lại có ngoại hình khó coi, tính cách có vẻ không bình thường cho lắm. Bù lại, anh vô cùng tốt bụng, yêu trẻ con.
Phân tích nhân vật Tràng
Có lẽ trong hoàn cảnh như vậy, Tràng và người mẹ già của mình chắc chẳng dám mơ một ngày anh lấy được vợ giống như những thanh niên khác khi đến tuổi xây dựng gia đình. Thế nhưng bỗng một ngày Tràng có vợ mà không phải cưới hỏi như lệ thường. Người phụ nữ đói nghèo, rách rưới cứ thế đồng ý theo Tràng về làm vợ. Tràng cũng có chút băn khoăn vì cái cảnh sống thiếu trước hụt sau nhưng Tràng vẫn quyết đem cô vợ nhặt về để bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống có vợ. Hai con người cùng chung cảnh ngộ, cùng nghèo đói. Một người đã đến tuổi cần lấy vợ để xây dựng hạnh phúc còn một người đang bơ vơ không chốn nương thân cũng cần có chỗ dựa. Đây chính là điều bình thường, dễ hiểu trong cuộc sống.
Tràng nhặt vợ, nghe có vẻ như người ta lượm một món đồ về vậy mà lại là sự thật. Nhưng như thế cũng đủ để Tràng thấy vui và hạnh phúc, quên đi cái cơ cực, đói nghèo mà anh đang phải đối mặt từng ngày. Bước vào cuộc sống mới, một cuộc sống có vợ, Tràng đã trưởng thành hơn, thấy bổn phận và trách nhiệm lớn lao là phải lo cho gia đình của mình.
Tình cảm của Tràng với cô gái tuy không phải là tình yêu sét đánh nhưng nó đã thể hiện sự chân thành và cảm động ở Tràng. Tình cảm ấy không chỉ là tình cảm bộc phát cho dù nó đến rất nhanh mà nó được Tràng đặt cả trách nhiệm của mình vào đó. Điều quan trọng là Tràng cảm thấy hạnh phúc, có động lực để sống, để làm việc với mong muốn thay đổi cuộc sống. Tính cách Tràng thay đổi, từ đau khổ sang hạnh phúc, từ chán đời sang vui vẻ yêu đời và từ một con người khờ khạo sang ý thức được trách nhiệm của bản thân. Qua đó, tác giả khẳng định giá trị của hạnh phúc và đây cũng là giá trị nhân văn của tác phẩm.
Tràng đã mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, Tràng muốn thay đổi số phận. Niềm tin và giấc mơ của Tràng đã được gắn với công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc với hình ảnh đoàn người đói khổ không còn nằm vạ vật chờ chết mà họ đã đứng dậy nối thành hàng dài, ầm ầm theo sau lá cờ đỏ sao vàng đi phá kho thóc của Nhật, đi đòi lại những gì mà bao công sức lao động của họ đã bị giặc chiếm giữ. Đó vừa là hiện thực vừa là ước mơ của người nông dân đi theo ngọn cờ cách mạng để đổi đời.
Câu chuyện Nhặt vợ cho ta một góc nhìn khác về xã hội Việt Nam trong những năm xảy ra nạn đói lịch sử. Một câu chuyện vừa hết sức đặc biệt nhưng lại vô cùng dễ hiểu nếu ta đặt mình vào hoàn cảnh của những người nông dân nghèo khổ như nhân vật Tràng. Trong cái đói, cái nghèo, tình cảm và những ước mơ, khát vọng sống vẫn nảy mầm, vẫn vươn về nơi có ánh sáng, hướng tới một tương lai tốt đẹp. Qua nhân vật Tràng ta cảm nhận được một tình cảm trong sáng, một cách sống cho và nhận đẹp đẽ. Khi con người ta không có nhiều vật chất để cho nhau nhưng tình cảm mới là thứ quý giá, chỉ là một bữa cháo cám trong lúc đói kém cũng đủ làm ấm lòng người để cùng dắt nhau đi qua những ngày đói khổ.
Tuấn Đức