Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ
Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Bài làm Nhà văn Tô Hoài là một cây bút xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam với một gia tài tác phẩm khá đồ sộ. Đặc biệt, ông rất thành công trong thể loại truyện ngắn. Lứa tuổi nào cũng thích đọc truyện của ông, ...
Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
Bài làm
Nhà văn Tô Hoài là một cây bút xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam với một gia tài tác phẩm khá đồ sộ. Đặc biệt, ông rất thành công trong thể loại truyện ngắn. Lứa tuổi nào cũng thích đọc truyện của ông, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công nhất trong ba truyện ngắn ông viết về Tây Bắc. Với giá trị hiện thực và nhân đạo, truyện đã phản ánh cuộc sống cơ cực của người dân lao động vùng núi cao dưới ách thống trị tàn bạo của bọn thực dân phong kiến. Nhân vật Mị, một cô gái có vẻ đẹp tâm hồn và sức sống tiềm tàng đã cùng với A Phủ vùng lên thoát khỏi cuộc sống ấy. Qua đó, tác giả muốn khẳng định khả năng đến với cách mạng của người dân vùng Tây Bắc.
Ngay từ mở đầy câu chuyện, người đọc đã bị cuốn hút vào hình ảnh nhân vật Mị qua lối kể chuyện tự nhiên, sinh động của tác giả. Mị được nhắc tới với hàng chuỗi các công việc như quay sợi gai, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, cõng nước. Nhưng điều đặc biệt là lúc nào Mị cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.
Mị là ai, sao Mị lại buồn như vậy? Sao Mị cứ âm thầm lẻ loi như một cái bóng lẫn vào các vật vô tri vô giác ấy. Mị là con người hẳn hoi, lại còn là con dâu của nhà thống lí Pá Tra giàu có, quyền thế, oai phong một vùng.
Phân tích nhân vật Mị
Thì ra, Mị vốn là một người con gái đẹp, có tài thổi sáo. Tâm hồn Mị tràn đầy khát khao cuộc sống, khát khao yêu đương như bao người con gái khác. Mị đã từng được yêu, được hò hẹn. Nhưng rồi Mị đã trở thành nạn nhân của chế độ phong kiến độc tài. Để cứu cha trước món nợ truyền kiếp, cô phải bán mình, phải làm dâu gạt nợ, làm vợ của A Sử, con trai của thống lí Pá Tra khét tiếng gian ác.
Nhà văn đã diễn tả cuộc đời làm dâu, làm vợ của Mị thật chua xót bởi trên danh nghĩa là làm dâu, làm vợ nhưng thực chất Mị là nhân vật thế thân cho con nợ, Mị phải làm việc cật lực để trả món nợ ấy. Đối với kẻ bóc lột thì chúng luôn tìm cách để càng bóc lột sức lao động của con người bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Hơn thế nữa, chúng không hề xem người ta là con người, đối xử một cách tàn ác, bất công.
Bên cạnh những nỗi đau về thể xác, nỗi đau về tinh thần của Mị cũng không hề nhỏ. Đang là một cô gái phơi phới, rạo rực yêu đương, Mị giờ sống lùi lũi, lặng câm. Căn buồng của Mị được miêu tả không khác gì một phòng giam với cửa sổ chỉ là một cái lỗ vuông bằng bàn tay. Bởi vậy, trong căn buồng ấy, qua vuông cửa ấy, cuộc sống ngoài kia với Mị thật xa xăm, chỉ là mờ mờ, trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Mị đã bị cách li với cuộc đời, cả tuổi thanh xuân đầy sức sống của cô đã bị chôn vùi nơi đây, một địa ngục trần gian mà Mị phải sống như kiếp trâu ngựa.
Đau đớn, tuyệt vọng, Mị đã từng muốn chết đi nhưng vì nghĩ đến món nợ của cha Mị lại phải sống tiếp. Khi cha mất thì Mị cũng không còn cái ý định tự tử nữa, Mị buông xuôi cho số phận, Mị sống như một cái máy làm việc, một cái xác không hồn.
Nhìn Mị, tưởng như tâm hồn Mị đã khô héo đi cùng năm tháng, mọi khát khao đã bị vùi lấp, lãng quên. Nhưng không, ẩn chứa trong sâu thẳm người con gái ấy, ngọn lửa khát vọng sống vẫn đang âm ỉ cháy. Ngọn lửa ấy đã được nhen lên trong đêm tình mùa xuân, đem lại một chút ấm áp cho trái tim băng giá của Mị.
Hồng Ngài vào xuân thật quyến rũ, nức lòng người tuổi trẻ. Mị cũng không ngoại lệ. Tâm hồn Mị bấy lâu u uất trong bóng tối cuộc đời giờ muốn nổi loạn. Mị lấy sức mạnh từ men rượu nồng, uống cho đến say. Trong cơn say, Mị quên hết thực tại để nhớ về những ngày vui, nhớ mình là một con người, một cô gái trẻ, có quyền vui sống. Tiếng sáo gọi tình yêu dặt dìu, quen thuộc ngoài kia đang gọi Mị, Mị bay bổng cùng tiếng sáo. Mị quấn lại tóc, thay váy áo như chưa hề mang thân phận nô lệ. Mị với tất cả sự háo hức được có mặt trong đêm tình mùa xuân ấy đã bị A Phủ trói đứng vào cột.
Khi Mị tỉnh rượu cũng là khi ngày mới bắt đầu, Mị lại phải trở về với thực tại, với căn buồng giống phòng giam, với những công việc và khổ đau chồng chất, về với sự lặng câm.
Nhưng Mị đã gặp A Phủ trong cảnh bị trói đứng giống như mình trong cái đêm tình mùa xuân ấy. Cũng chả sao, với Mị thì cũng thế thôi, cuộc sống ở đây là vậy, là cách đối xử bình thường của chủ với tớ. Nhưng không, khi nhìn những giọt nước mắt khổ đau và tuyệt vọng của A Phủ thì trái tim Mị đã tan chảy. Sau những cuộc đấu tranh nội tâm, Mị đã quyết định cởi trói để cứu A Phủ. Đây là một chi tiết thể hiện tính nhân văn của tác phẩm. Nhưng càng nhân văn hơn ở chi tiết Mị cũng chạy đi cùng A Phủ. Mị đã hành động đầy bản năng, không hề có ý định từ đầu khi cởi trói cho A Phủ và đó là một hành động hợp lí bởi nếu Mị không chạy đi cùng A Phủ, cuộc đời Mị mãi mãi bị trói buộc ở đây trong thân phận con nợ trước những chủ nợ tàn ác.
Với lối kể chuyện tự nhiên, mạch lạc và sự am hiểu sâu sắc về đời sống, tập tục của người dân Tây Bắc, thông qua việc khắc họa thân phận, tính cách cô Mị, tác giả đã tố cáo đanh thép những thế lực phong kiến, thực dân bạo tàn đã áp bức, bóc lột, đọa đày người dân nghèo miền núi đến tột cùng. Đồng thời, tác giả cũng ca ngợi tình hữu ái, khẳng định khát vọng tự do, hạnh phúc, tâm hồn và sức sống mạnh mẽ của những người lao động miền núi Tây Bắc.
Tuấn Đức