Việt Bắc là một khúc tình ca nồng nàn và cũng là khúc hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của cảm hứng là tình yêu quê hương đất nước, là sức mạnh của nhân dân, là truyền thống đạo lí ân nghĩa thủy chung của dân tộc Việt Nam. Bao trùm bài thơ Việt Bắc là nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết. Qua dòng hồi tưởng miên man của chủ thể trữ tình, cảnh vật và con người Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ. Nỗi nhớ hướng về nhiều đối ...
Việt Bắc là một khúc tình ca nồng nàn và cũng là khúc hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của cảm hứng là tình yêu quê hương đất nước, là sức mạnh của nhân dân, là truyền thống đạo lí ân nghĩa thủy chung của dân tộc Việt Nam.
Bao trùm bài thơ Việt Bắc là nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết. Qua dòng hồi tưởng miên man của chủ thể trữ tình, cảnh vật và con người Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ. Nỗi nhớ hướng về nhiều đối tượng, nhưng có lẽ tập trung nhất là nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc, về người dân Việt Bắc cần cù trong lao động, thủy chung trong nghĩa tình để lại ấn tượng không phai mờ trong tâm trí người ra đi:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Đoạn thơ này được coi là một trong những đoạn hay nhất bởi bút pháp nghệ thuật của Tố Hữu đã đạt tới trình độ cổ điển. Căn cứ vào nội dung và vị trí của đoạn thơ trong chuỗi lời đối đáp giữa người đi và kẻ ở, ta hiểu đây chính là lời của người ra đưa tiễn các cán bộ, chiến sĩ về xuôi.
Câu thơ mở đầu: Ta về, mình có nhớ ta… giống như lời đưa đẩy trong đối đáp giao duyên của ca dao, dân ca. Mình về mình có nhớ chăng, Ta về ta nhớ hàm răng mình cười… là câu hỏi tu từ có tác dụng khơi gợi và liên kết các nỗi nhớ lại với nhau một cách khéo léo, nhuần nhị.
Ở câu thơ thứ hai: Ta về ta nhớ những hoa cùng người, hình ảnh hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc. Trong tâm tưởng của những người ra đi in đậm cảnh sắc tươi xanh, tràn đầy sức sống của vùng đất mình đã gắn bó suốt một thời gian dài. Nhớ hoa cũng chính là nhớ người và ngược lại.
Trong bốn câu lục bát tiếp theo, tác giả đã vẽ nên bằng ngôn ngữ thơ ca một bộ tranh tứ bình về thiên nhiên Việt Bắc. Mỗi bức tranh đều có nét đẹp riêng. Ngòi bút tạo hình của nhà thơ đã đạt tới trình độ “thi trung hữu họa”. Bút pháp miêu tả nhất quán : câu lục được dành để tả cảnh, còn câu bát được dành để vẽ người. Trong nỗi nhớ của người ra đi, cảnh vật và con người Việt Bắc hòa quyện với nhau, tạo thành một chính thể thống nhất.
Bức tranh thứ nhất:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Màu hoa chuối đỏ tươi nổi bật trên sắc xanh của rừng núi. Nhà thơ đã khéo léo dùng sự tương phản giữa màu đỏ và màu xanh để làm sáng lên cảnh rừng già, gợi lên cảm giác ấm áp. Những bông hoa chuối như những ngọn lửa làm giảm bớt vẻ u tịch của cảnh vật. Giữa khung cảnh ấy, hình ảnh con người tuy bé nhỏ nhưng vẫn sinh động, không bị chìm đi. Ánh nắng chiếu lấp lánh trên con dao người đi rừng giắt ngang lưng khiến con người trở thành điểm sáng di động và là trung tâm của bức tranh. Thiên nhiên không che lấp mà thực sự làm nền cho vẻ đẹp của con người lao động.
Bức tranh thứ hai:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Xuân về, sắc trắng tinh khôi của hoa mơ làm choáng ngợp hồn người. Âm điệu của hai chữ trắng rừng thể hiện được cảm giác ngỡ ngàng, hạnh phúc của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp tràn đầy sức sống của đất trời Việt Bắc. Giữa một thiên nhiên tuyệt vời như thế, dáng vẻ con người dường như cũng khoan thai, thong thả hơn. Chuốt vốn là động từ nhưng khi được đặt trong câu thơ nó lại kiêm luôn chức năng của tính từ đặc tả sự óng chuốt của từng sợi giang dùng để đan nón. Con người ở đây chính là chủ nhân của mùa xuân, đang tô điểm cho sắc xuân của đất trời thêm lộng lẫy.
Bức tranh thứ bạ:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Có thể nói đây là một trong những câu thơ hay nhất tả cảnh mùa hè trong thơ ca Việt Nam. Bởi nó xôn xao tiếng nói của cả màu sắc lẫn âm thanh. Tiếng ve ngân vang như tiếng đàn trong rừng phách nở hoa vàng thắm. Âm thanh vang rền của tiếng ve làm cho màu vàng của rừng phách như rung lên thành tiếng và ngược lại, màu vàng của rừng phách dường như cũng “nhuộm vàng” cả tiếng ve. Chữ kêu, chữ đổ thể hiện thật tài tình không khí rạo rực và màu sắc nồng nàn rất đặc trưng của mùa hạ. Hình ảnh cô gái hái măng một mình khơi dậy trong lòng người ra đi một nỗi nhớ ngọt ngào, sâu lắng.
Bức tranh mùa thu êm dịu, trong sáng được vẽ nên bằng những đường nét mảnh mai, tinh tế, thắm đượm cảm xúc trữ tình, gợi ra cả một trường liên tưởng mênh mông cho người đọc:
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Anh trăng thu mát dịu tỏa chiếu khắp núi rừng, tạo nên khung cảnh thanh bình, yên ả. Tiếng hát ân tình thủy chung của một cô gái nào đó cất lên nghe thật tha thiết, cứ ngân nga vang vọng mãi trong tình yêu và nỗi nhớ của người đi. Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp muôn màu, muôn sắc, trong sự thay đổi của các mùa. Thiên nhiên luôn gắn liền với bóng dáng con người cần lao. Cuộc sống kháng chiến sản xuất và đánh giặc gian khổ, hiểm nguy song không thiếu những nét thanh bình, êm ả.
Đoạn trích trên là bức tranh vừa hiện thực vừa trữ tình về chiến khu Việt Bắc. Tình cảm chân thật, thắm thiết của nhà thơ Tố Hữu đối với thiên nhiên và con người nơi đây chính là động lực thúc đẩy thi hứng và sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.