Trong thơ ca Việt Nam hiện đại có rất nhiều bài viết về chủ đề quê hương, đất nước. Những bài thơ ấy thể hiện tình cảm mến yêu tha thiết và lòng tự hào về non sông gấm vóc không chỉ của các nhà thơ mà còn của tất cả chúng ta. Lòng yêu nước hiện lên ở mỗi bài mỗi khác, tuỳ theo cảm hứng của từng tác giả, song mỗi bài thơ là một nốt nhạc trong bản giao hưởng ca ngợi Tổ quốc và nhân dân anh hùng. Trong đó nổi bật nhất là hai bài thơ: Đất nước của Nguyễn Đình Thi và ...
Trong thơ ca Việt Nam hiện đại có rất nhiều bài viết về chủ đề quê hương, đất nước. Những bài thơ ấy thể hiện tình cảm mến yêu tha thiết và lòng tự hào về non sông gấm vóc không chỉ của các nhà thơ mà còn của tất cả chúng ta. Lòng yêu nước hiện lên ở mỗi bài mỗi khác, tuỳ theo cảm hứng của từng tác giả, song mỗi bài thơ là một nốt nhạc trong bản giao hưởng ca ngợi Tổ quốc và nhân dân anh hùng. Trong đó nổi bật nhất là hai bài thơ: Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Đất Nước trích từ trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm.
Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi được viết từ năm 1948 nhưng mãi cho tới năm 1955 mới hoàn thành. Như vậy có nghĩa là cảm hứng thơ của tác giả theo suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp, cảm hứng ấy còn được nối kết với quá khứ và mở rộng tới tương lai : Nước Việt Nam từ máu lửa, Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ về một mùa thu Hà Nội chưa xa bất chợt dâng trào trong tâm tưởng tác giả, giữa một buổi sáng mùa thu nơi chiến khu Việt Bắc:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Thu Hà Nội với hơi may se lạnh, với lá vàng rơi trên thềm nắng… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người ra đi cứu nước
Đang hồi tưởng về một mùa thu cũ đượm buồn, nhà thơ bỗng chuyển hướng cảm xúc về mùa thu hiện tại : Mùa thu nay khác rồi. Đó là mùa thu thứ hai nơi chiến khu Việt Bắc (1948), sau chiến dịch Thu Đông 1947, quân ta chiến thắng. Cái khác của mùa thu nay toát lên từ lời thơ hồ hởi như tiếng reo vui thốt lên tự trái tim tác giả:
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước ta bước sang một thời kì mới. Cuộc đời đổi thay, thiên nhiên khởi sắc. Niềm vui to lớn tràn ngập lòng người, đất trời, cây cỏ. Nhà thơ lắng mình thâu nhận niềm vui từ ngọn gió thu mát lành, từ sắc trời thu trong biếc, từ giọng nói tiếng cười thiết tha. Tâm trạng nhà thơ chan chứa niềm vui, rộn rã âm thanh, tưng bừng màu sắc. Đó là niềm vui được giải phóng của người dân một nước tự do, độc lập.
Từ cảm xúc về mùa thu, bài thơ biểu hiện tình cảm yêu mến và lòng tự hào to lớn về đất nước Việt Nam tươi đẹp:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Điệp khúc của chúng ta cứ ngân vang giữa đất trời, sông núi. Tất cả những gì thân yêu, quen thuộc trên đất nước này đều là của chúng ta. Còn gì sung sướng, thân thương, tự hào hơn mấy tiếng ấy sau hàng trăm năm dân tộc Việt Nam đổ bao xương máu mới giành lại được chủ quyền.
Có được mùa thu đẹp hôm nay, nắm chủ quyền độc lập trong tay, chúng ta không thể không nghĩ đến sức mạnh đã làm nên nó. Đó chính là truyền thống bất khuất bốn ngàn năm đau thương và oanh liệt của dòng giống Lạc Hồng:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Từ trong đau thương, máu lửa chiến tranh, đất nước vùng đứng dậy, sáng ngời ánh sáng của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng, cùng những chiến cống vinh quang:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Những hình ảnh hùng tráng, giàu chất sử thi đan quyện với nhau dệt nên một hình tượng thơ rực rỡ. Các dòng thơ liên kết chặt chẽ, cùng xoay quanh và làm nổi bật ý nghĩa: niềm kiêu hãnh, tự hào của con người Việt Nam về chủ quyền độc lập, tự do, về đất nước quê hương ngàn đời tươi đẹp.
Cùng một cảm hứng về quê hương đất nước như thế còn có bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả đã đi sâu khai thác truyền thống văn hóa, lịch sử của Đất Nước trong sự thân thiết, gần gũi với đời sống con người Việt Nam, nghĩa là về những gì đã tạo ra sức mạnh tinh thần Việt Nam để làm nên chiến thắng.
Tiếp nối quan điểm tiến bộ của Nguyễn Trãi xưa, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện tư tưởng cốt lõi trong nhận thức về đất nước: Đất Nước của Nhân dân. Đất Nước gắn bó với mỗi con người; Đất Nước tồn tại theo chiều dài lịch sử và chiều sâu của nền văn hóa, văn minh dân tộc.
Nhà thơ thể hiện sự cảm nhận của mình về quá trình hình thành và tồn tại của Đất Nước qua hàng loạt hình ảnh và ngôn từ mang màu sắc dân dã. Đất Nước có từ trước khi ta được sinh ra. Khái niệm Đất Nước được hình thành trong trí óc non nớt của tuổi thơ qua lời kể ngày xửa ngày xưa… của mẹ. Đất Nước gắn liền với những truyền thuyết của thời kì đầu dựng nước và giữ nước như Trầu cau, Thánh Gióng :
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…"
mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Lòng yêu nước được thể hiện trước hết là ở tình cảm yêu thương gắn bó với những gì gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống thường ngày : Cái kèo, cái cột, hạt gạo một nắng hai sương… cho đến cái búi tóc của mẹ, đến tình nghĩa thắm thiết, thủy chung giữa mẹ và cha: Tóc mẹ thì bới sau đầu, Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.
Sau đó là sự cảm nhận Đất Nước tử phương diện địa lí, lịch sử, thời gian và không gian; từ những huyền thoại đẹp đẽ về nguồn gốc dân tộc con Rồng cháu Tiên trong lịch sử dựng nước của các vua Hùng:
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
Đất Nước đã hóa thân vào Nhân dân, vào mỗi con người : Trong anh và em hôm nay, Đều có một phần Đất Nước. Vì thế sự sống của mỗi người không phải chỉ là của riêng cá nhân mà còn là của Đất Nước, bởi mỗi cuộc đời đều được thừa hưởng những di sản văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc, của nhân dân. Mỗi người đều phải nâng cao trách nhiệm công dân trước sự sống còn và phát triển của Đất Nước mình. Đây chính là biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước.
Suy nghĩ về hai bài thơ Đất nước của Nguyễn Đinh Thi và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta bồi hồi nhớ lại âm vang hào hùng của tình yêu đất nước trong bài Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt, bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi…
Hai bài thơ viết về đất nước của hai nhà thơ hiện đại tuy mỗi bài mang một vẻ đẹp riêng nhưng đều nói lên lòng yêu nước chân thành, tha thiết của mỗi con người Việt Nam; đồng thời cũng là lời nhắc nhở mọi người hãy sống có ý thức hơn để xứng đáng với những thành quả to lớn mà tổ tiên, ông cha bao đời nay phải đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu mới gây dựng được.