Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
Phan tich hinh tuong song trong bai tho Song cua Xuan Quynh – Đề bài: Phân tích hình tượng sóng để làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Bài làm Xuân Quỳnh là một gương mặt tiêu biểu trong lớp các nhà thơ thời chống Mỹ và cũng là gương mặt ...
Phan tich hinh tuong song trong bai tho Song cua Xuan Quynh – Đề bài: Phân tích hình tượng sóng để làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Bài làm Xuân Quỳnh là một gương mặt tiêu biểu trong lớp các nhà thơ thời chống Mỹ và cũng là gương mặt tiêu biểu trong các nhà thơ nữ của văn học Việt Nam hiện đại. Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ viết nhiều và viết hay về phụ nữ. Sóng là bài thơ tiêu biểu cho tâm hồn, giọng thơ Xuân ...
– Đề bài: Phân tích hình tượng sóng để làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Bài làm
Xuân Quỳnh là một gương mặt tiêu biểu trong lớp các nhà thơ thời chống Mỹ và cũng là gương mặt tiêu biểu trong các nhà thơ nữ của văn học Việt Nam hiện đại. Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ viết nhiều và viết hay về phụ nữ.
Sóng là bài thơ tiêu biểu cho tâm hồn, giọng thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ này được viết năm 1967 và được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968). Bài thơ được viết trong thời điểm gay go ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vậy mà bài Sóng của Xuân Quỳnh ta không hề thấy tiếng bom gầm đạn réo mà chỉ thấy tiếng đập bồi hồi rạo rực của trái tim trong tình yêu. Bản lĩnh con người Việt Nam, vẻ đẹp con người Việt Nam được thể hiện ngay trong những giờ phút căng thẳng nóng bỏng nhất. Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh như đóa hoa tình yêu vẫn nở dọc chiến hào trong những năm đánh Mỹ.
Trong thơ ca đã có nhiều tác giả mượn hình tượng sóng để nói về tình yêu. Với bài thơ Sóng Xuân Quỳnh đã đi vào một đề tài muôn thuở đề tài tình yêu, đã sử dụng một hình tượng quen thuộc – hình tượng sóng nhưng thi sĩ vẫn có những sáng tạo riêng độc đáo. Lần đầu tiên người phụ nữ mạnh dạn chủ động nói lên khát vọng tình yêu chân thành và cháy bỏng. Sóng chính là trái tim "dữ dội và dịu êm" của Xuân Quỳnh. Cùng qua hình tượng sóng người đọc thấy được tâm hồn người phụ nữ Việt Nam nói chung.
Hình tượng sóng là hình tượng trung tâm xuyên suốt bài thơ.
Sóng là hình tượng mang ý nghĩa ẩn dụ gắn với hình tượng sóng là "em". Sóng là sự hóa thân của "em" và ngược lại em tìm thấy sự thể hiện của mình qua sóng. Từ sóng đến "em" tác phẩm đã tạo được ra hai hình tượng song hành xoắn xuýt đi suốt chiều dài bài thơ.
Trước hết hình tượng sóng được gợi lên từ nhịp điệu, nhạc điệu của câu thơ, bài thơ. Bài thơ được viết bằng những câu thơ 5 chữ mỗi khổ 4 câu nhịp điệu những câu thơ 5 chữ đều đặn như gợi lên những bước sóng tiếp nối nhau.
Thêm vào đó là sự chuyển đổi thành điệu bằng trắc. Câu trên kết thúc là vần bằng nối tiếp với câu dưới là vần trắc:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Nhịp điệu câu thơ tạo âm hưởng lên bổng xuống trầm khi thanh khi giáng gợi lên âm điệu của sóng lúc ồn ào lúc lặng lẽ. Nhịp điêu câu thơ còn có tác dụng tạo hình những con sóng nhấp nhô liên tiếp. Cặp thơ trên vừa lướt qua thì cặp thơ sau lại xuất hiện như con sóng này vừa chìm xuống thì con sóng khác lại ào ạt xô lên.
Tác giả đã khéo léo đưa nhịp điệu của sóng biển thành nhịp điệu của sóng thơ. Sóng thơ lại diễn tả sóng lòng. Con sóng tâm trạng trào dâng thành sóng chữ, sóng chữ lại gợi lên nhịp điệu của sóng biển cứ như vậy những con sóng gối lên nhau vỗ suốt bài thơ.
Trước khi ta cảm nhận được hình ảnh của sóng thì ta đã bị chinh phục bởi nhịp điệu, nhạc điệu của bài thơ.
Sóng là sự thể hiện những trạng thái của cảm xúc tâm trạng. Mỗi biểu hiện tâm trạng tìm thấy những biểu hiện ở sóng.
Trước hết đó là tâm trạng khát khao một lý tưởng thủy chung trong sáng của người phụ nữ.
Mở đầu bài thơ sóng được miêu tả ở trạng thái ngược đối cực nhưng vẫn gợi lên sự dịu dàng đằm thắm: "Dữ dội/dịu êm", "ồn ào/lặng lẽ". Những trạng thái đối cực của sóng đã diễn tả rất đúng tâm tình tính khí của người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ sống trong tâm trạng trái ngược ấy vì họ khao khát vượt ra ngoài những giới hạn chật chội cái tầm thường để đến với những chân trời rộng mở "Sóng không hiểu nổi mình, Sóng tìm ra tận bể. Hành trình từ sông ra bể của sóng chính là sự đoạn tuyệt cái giới hạn chật chội để tìm tới khoảng chân trời bao la vô tận với những chân trời rộng mở của mơ ước khát vọng. Nhà thơ không viết "Dịu êm và dữ dội, Lặng lẽ và ồn ào" bởi vì viết như thế sẽ không làm toát lên được vẻ đẹp dịu dàng đáng yêu của người phụ nữ. Cách viết "Dữ dội và dịu êm, Ồn ào và lặng lẽ" đã nói lên được bản chất của người phụ nữ, bản chất của tình yêu. Tình yêu có khi dữ dội nhưng nó luôn tìm đến sự dịu êm, tình yêu cùng có lúc ồn ào nhưng nó luôn hướng tới sự lặng lẽ có chiều sâu. Bản chất của người phụ nữ là đằm thắm yêu thương.
Tấm lòng thủy chung trong sáng được thể hiện qua nỗi nhớ, nỗi nhớ choán đầy không gian, thời gian. Nỗi nhớ trong không gian như con sóng dưới lòng sâu con sóng trên mặt nước lúc nào cũng nhớ tới bờ. Nỗi nhớ trong thời gian cả khi thức và khi ngủ có trong ý thức và cả trong tiềm thức:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Khổ thơ có cặp hình ảnh sóng đôi rất đặc sắc: con sóng ngày đêm vỗ bờ cũng như lòng em nhớ đến anh bất kể đêm ngày "cả trong mơ còn tiềm thức".
Nỗi nhớ trong tình yêu chung thủy là nồi nhớ đau đáu hướng về một phương duy nhất. Nhà thơ đã mượn hình tượng sóng để nói lên tâm trạng này. Con sóng dù xuôi về phương bắc dù ngược về phương nam dù qua muôn trùng cách trở thì con sóng nào cũng hướng tới bờ. Nỗi nhớ tấm lòng chung thủy của em cũng thế dù em ở nơi đâu thì lòng em cũng hướng tới anh. Anh chính là tiềm thức của lòng em.
Qua hình tượng sóng, người phụ nữ còn thể hiên sự chủ động trong tình yêu. Khát vọng sống hết mình cho tình yêu.
Sự chủ động tự ti của người phụ nữ trong tình yêu thể hiện qua hình tượng sóng là để nói về người con gái còn bờ cát đế nói về người con trai. Người phụ nữ giờ đây không còn là bến đợi con thuyền như trong ca dao xưa: Thuyền về có nhứ bến chăng Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền". Người phụ nữ xưa thường ở vị thế bị động họ là tấm vải lụa đào phất phơ giữa chợ phụ thuộc người mua, họ là hạt mưa rào, hạt mưa sa mà may rủi phụ thuộc vào số phận:
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Họ không chủ động trước tình yêu vì họ không làm chủ cuộc đời.
Trong bài Biển của Xuân Diệu hình tượng sóng là nói về người con trai và bờ cát để nói về người con gái:
Bờ lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Tình yêu trong bài thơ Biển là tình yêu của người con trai, là tình yêu nam tính nên dữ dội mạnh mẽ cuồng nhiệt, hình tượng sóng là nói lên sự nồng thắm ấy. Còn hình tượng sóng trong thơ Xuân Quỳnh là sự thể hiện chủ động tự tin. Người phụ nữ chủ động trong tình yêu vì họ làm chủ cuộc đời.
Tuy nhiên mạnh bạo chủ động mà vẫn đầy nữ tính, vẫn dịu dàng đằm thắm, vẫn chân thành hồn nhiên:
Sóng bắt đầu từ giỗ
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng khống biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Câu thơ như gợi cái bắt đầu nhẹ nhàng rất ý tứ rất nữ tính. Sự hồn nhiên đến như trẻ thơ mà sâu sắc như một triết gia. Xuân Quỳnh đã đề cập tới câu hỏi của muôn đời muôn người trong tình yêu. Có những câu hỏi thuộc quy luật tình cảm thì không dễ có lời giải đáp. Cái giây phút khởi đầu của tình yêu cũng thế ai dễ truy tìm nguyên nhân, ai dễ nhớ tình yêu bắt đầu như thế nào. Xuân Diệu cũng cố lần định cắt nghĩa tình yêu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió đìu hiu.
Thi sĩ tưởng như cắt nghĩa được tình yêu nhưng hóa ra tất cả đều mông lung mơ hồ như nắng nhạt, như làn mây, mong manh như gió hiu hiu. Chính vì làm sao cắt nghĩa được tình yêu mà tình yêu càng trở nên kỳ diệu huyền ảo. Có thể nói Xuân Quỳnh cũng như Xuân Diệu trước đó đã nói lên được một cách tinh tế tâm trạng của bao đôi lứa trong tình yêu.
Mạnh bạo, chủ động muốn sống hết mình cho tình yêu nhưng vẫn hướng tới niềm khao khát thủy chung duy nhất:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau cũng thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Niềm khao khát thủy chung từ ngày xưa đến ngày sau, câu thơ chạm tới cái muôn đời: Ngày xưa, ngày sau vẫn thế, vẫn tấm lòng thủy chung duy nhất.
Khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu là khát vọng đạt tới sự vĩnh hằng. Người phụ nữ muốn vĩnh viễn hóa tình yêu của mình để nó sống mãi với thời gian.
Cuộc đời là hữu hạn, còn khát vọng hạnh phúc khát vọng tình yêu là vô hạn, nhận thức được điều này thơ Xuân Quỳnh thoáng chút âu lo:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Nhưng không phải âu lo để chìm trong tuyệt vọng. Nhận thức được nghịch cảnh éo le là khao khát vươn lên và Xuân Quỳnh đã hướng tới một giải pháp đầy tinh thần nhân bản.
Với Xuân Quỳnh bằng tình yêu con người có thể đạt tới sự vĩnh hằng. Cái để con người có thể tồn tại mãi bằng thời gian chính là tình yêu:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Khát vọng ở đây thật mãnh liệt: "tan ra" sự hóa thân tuyệt đối, "ngàn năm" khát vọng đật tới sự vĩnh hằng. Con người hóa thân trong tình yêu, tình yêu riêng hòa trong tình yêu chung, con người có thể đạt tới sự vĩnh hằng như con sóng nhỏ hòa vào biển lớn thì không bao giờ khô cạn mà ngàn năm sau còn vỗ.
Tình yêu mà Xuân Quỳnh nói tới là một tình yêu lớn nó không mang màu sắc vị kỷ. Câu thơ của Xuân Quỳnh gợi ta nhớ đến hai câu thơ của một nhà thơ Nga:
Một giọt nước hòa vào biển cả
Mãi mãi là sức sống thanh xuân
Có thể nói với bài thơ Sóng Xuân Quỳnh đã đề cập tới một chân lý muôn đời, một chân lý mà nhiều người cùng từng nói tới: không có gì vĩnh viễn nếu thiếu tình yêu.
Qua hình tượng sóng người đọc không chỉ thấy những trạng thái cảm xúc mà còn thấy vẻ đẹp tâm hồn trong tình yêu. Đó là vẻ đẹp có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và yếu tố thời đại, giữa dân tộc và hiện đại.
Lần đầu tiên trong thơ ca hiện đại ta thấy người phụ nữ mạnh bạo nói lên những khát vọng mãnh liệt và chân thành của một trái tim trong tình yêu. Họ chủ động tự tin trong tình yêu, đây không chỉ là nét mới trong thơ mà còn là nét mới trong đời. Họ khao khát được sống hết mình cho tình yêu. Với Xuân Quỳnh tình yêu đâu chỉ là hưởng thụ mà hạnh phúc còn là sự dâng hiến. Sự hi sinh, sự dâng hiến trong tình yêu làm nên vẻ đẹp thánh thiện của người phụ nữ. Biết hi sinh vì người khác, biết hóa thân cho một tình yêu cao đẹp. Người phụ nữ không chỉ khao khát mà họ còn thật sự đạt tới sự vĩnh hằng. Đó là nét mới hiện đại ở người phụ nữ. Tuy nhiên hiện đại mà vẫn dân tộc, người phụ nữ đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh mang một vẻ đẹp truyền thống như bao người phụ nữ khác. Họ chân thành đằm thắm trong tình yêu, họ hướng tới sự thủy chung trong sáng, họ khao khát hạnh phúc đời thường bình dị. Trong bài thơ Tự hát Xuân Quỳnh không muốn trái tim mình hóa thành vàng với những người coi thường của cải thường khi cần có thể bán đi ngay. Xuân Quỳnh cũng không muốn trái tim mình thành mặt trời vì mặt trời sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống sẽ còn mình anh với đêm dài thăm thẳm. Xuân Quỳnh khao khát được sống trọn vẹn với trái tim con người, với trái tim người phụ nữ.
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Đó là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
"Sóng" là bài thơ thật sự tiêu biểu cho hồn thơ, giọng thơ Xuân Quỳnh, Sóng làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam, một vẻ đẹp bình thản giàu tình yêu thương giữa giông bão của cuộc đời và giông bão của đất nước, cần nhắc lại giữa đạn bom ác liệt giữa đấu tranh hủy diệt thì bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh giàu sức sống như đóa hoa tình yêu vẫn nở dọc chiến hào những năm đánh Mỹ.
Sóng của Xuân Quỳnh chắc sẽ còn dào dạt mãi trong tâm hồn những người biết sống cho tình yêu và nhất là biết sống cho một tình yêu lớn.