04/06/2017, 00:33

Phân tích hình ảnh hai chị em Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam thời kì 1930- 1945, sáng tác của Thạch Lam có những điểm riêng khá nổi rõ. Thạch Lam dành tấm lòng ưu ái, xót thương cho những lớp người nghèo trong xã hội thời đó. Đời sống cơ cực, bế tắc, số phận tăm tối của những người bình dân hiện lên xót xa, sinh động qua ...

Trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam thời kì 1930- 1945, sáng tác của Thạch Lam có những điểm riêng khá nổi rõ. Thạch Lam dành tấm lòng ưu ái, xót thương cho những lớp người nghèo trong xã hội thời đó. Đời sống cơ cực, bế tắc, số phận tăm tối của những người bình dân hiện lên xót xa, sinh động qua những trang viết đượm buồn của Thạch Lam.

Ông viết về lớp người nghèo bằng một nỗi buồn man mác, mênh mông, một niềm cảm thương sâu sắc và bằng cả một thái độ mến yêu, trân trọng. Ngòi bút của Thạch Lam đã đi sâu vào nội tâm của nhân vật với những tình cảm, cảm xúc mơ hồ mong manh và qua đấy ta thấy rõ ở ông một tâm hồn đôn hậu, tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi đổi thay của lòng người và tạo vật.
 
Hai đứa trẻ là một truyện ngắn rất tiêu biểu cho sáng tác của Thạch Lam về cả phương diện nội dung lẫn nghệ thuật. Cũng như nhiều truyện ngắn khác của ông, đây là một truyện ngắn không có xung đột, ít tính hành động. Xuyên suốt từ đầu đến cuối là tâm trạng mơ hồ, khắc khoải của hai chị em Liên, An trước các mốc chuyển thời gian của một ngày, trong khung cảnh sinh hoạt đơn điệu, buồn tẻ ở một phố huyện nghèo. Từ các chi tiết cho tới giọng kể chuyện nhỏ nhẹ, bình thản của nhà văn đều thấm đượm nỗi buồn thương khi mênh mông, khi da diết.
 
Câu chuyện được mở đầu bằng cảnh trời chuyển sang cuối chiều để dần vào đêm. Một hình ảnh, cảnh vật nơi phố huyện nhỏ đều thu về lặng lẽ, lắng lại. Chiều, chiều rồi... Giọng văn êm ả như ru, đầy tâm trạng của Thạch Lam nhẹ nhàng dẫn người đọc vào một thế giới thanh sạch mà buồn thấm thía. Tiếng trống thu không từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào; màu đỏ rực của chân trời phía tây, đám mây hồng như hòn than sắp tàn, màu đen của dãy tre làng đang cắt hình rõ nét trên nền trời... Âm thanh nào, màu sắc nào cũng gợi lên cảm giác về sự tàn lụi, cũng khơi sâu vào nỗi buồn.
 
 Liên ngồi yên lặng mà cảm nhận nỗi buồn mờ, nỗi buồn lặng đang lan tỏa khắp không gian ấy. Đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thâm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao nhưng chị thấy buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.
 
Trong khung cảnh tan vắng trên, lần lượt xuất hiện những kiếp người bé nhỏ, tội nghiệp, đang luẩn quẩn trong nếp sống buồn tẻ của mình. Bên cạnh hình ảnh gian hàng tạp hóa tồi tàn của gia đình Liên (ngay đến cái chõng tre cũng đã cũ nát), là cảnh vãn chợ, là hình ảnh hàng nước của chị Tí, là hình ảnh của bà cụ Thi hơi điên với tiếng cười khanh khách ghê sợ. Những cuộc đời ấy không có tương lai, những cảnh vật ấy đều dần chìm sâu vào bóng đêm của một ngày tàn. Điều đáng chú ý là mọi hình ảnh này đều được hiện lên qua cái nhìn, trong cảm nhận của chị em Liên.
 
 Nhìn những đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ đang lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi, nhặt nhạnh... Liên động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó. Trời nhá nhem tối, hai chị em Liên mới thấy thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai chiếc ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra, chị Tí, mẹ nó, theo sau, đội cái chõng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc. Sau khi ngửa cổ uống một hơi cạn sạch cút rượu, lần ruột tượng trả tiền, bà cụ Thi lảo đảo bước ra ngoài, đi lẫn vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng và hai chị em Liên đứng sững nhìn theo. Thạch Lam thật nhất quán khi chọn một điểm nhìn để miêu tả, trình bày, cảm nhận. Nhà văn đặt lòng mình vào nhân vật, nhờ thế mà nhân vật hiện lên trực tiếp, sống hơn và sinh động hơn.
 
Nỗi buồn man mác trong Liên càng rõ rệt hơn khi sinh hoạt của phố huyện dần chuyển vào đêm. Hai chị em lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao, nhìn vào vũ trụ thăm thẳm bao la như chứa đầy bí mật và xa lạ. Rồi chỉ một lát, lại chúi nhìn về mặt đất. Giữa đêm tối mênh mông, ngọn đèn dầu trên chõng hàng của chị Tí chỉ tỏa ra một quầng sáng nhỏ yếu ớt như cuộc đời của chị, Bếp lửa của hàng phở bác Siêu chiếu sáng một vùng đất, bóng bác mênh mang và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ. Ngòi bút Thạch Lam thật gợi cảm khi nêu sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Mấy vầng sáng này đều lọt thỏm giữa bóng đêm thăm thẳm, sẫm đen. Cuộc sống của những người dân nghèo phố huyện thật đơn điệu, tù đọng trong bóng đêm vây hãm. Lại thêm gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu cạnh đó với cái thau sắt trắng để trước mặt. Tất cả đều vắng khách. Tất cả đều mong đợi một cái gì đó thật mơ hồ, mong manh. Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng của họ.
 
Hai chị em Liên cứ cảm thấy quẩn quanh, tù túng trong không khí buồn tẻ của đời sống phố huyện. Nhưng tâm hồn của hai đứa trẻ không phải đã khô cằn đi trong nếp sống nhàm chán này. Dường như nơi sâu thẳm trong tâm hồn non nớt mà đằm thắm của hai chị em Liên, An vẫn có niềm tưởng nhớ một cái gì đó thật tươi mát, êm đềm, vẫn có nỗi ngóng vọng một cái gì khác để xua bớt đi cái không khí bế tắc này. Đó chính là lí do để chi tiết đoàn tàu xuất hiện.
 
Vì sao đang buồn ngủ ríu cả mắt hai chị em vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa chờ chuyến tàu đêm đi ngang phố? Từ những kỉ niệm trong cuộc đời tuổi thơ, Thạch Lam đã xây dựng nên một chi tiết có ý nghĩa khái quát nghệ thuật sâu sắc. Nơi phố huyện buồn vắng, nơi giữa đêm tối mênh mông chỉ leo lét ngọn đèn dầu trên chõng hàng chị Tí và ánh lửa bếp của bác Siêu, con tàu sang trọng, sáng trưng đi qua là hình ảnh của một thế giới khác. Cái thế giới ấy ồn ào, sang trọng đến xa lạ nhưng sự xuất hiện của nó đã thân quen với nếp sống của phố huyện này. Cứ chín giờ đêm lại có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua phố huyện. Vì thế niềm mong đợi ấy thực chất là nỗi khát khao được sống với một thế giới khác, dù trong khoảnh khắc: Liên dắt em đứng dậy nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than bay tung trên đường sắt. Thật tội nghiệp cái tư thế ngóng vọng này: Hai chị em Liên còn nhìn theo những chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.
 
Gia đình hai chị em Liên, An vốn trước kia ở Hà Nội. Trong tâm hồn hai chị em giờ đây vẫn ôm ấp những kỉ niệm về tuổi thơ êm đẹp ở thủ đô. Con tàu lại ở Hà Nội về. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Hai chị em cố thức bởi luôn ngóng vọng về quá khứ chưa xa, bởi trong mình có nhu cầu cất cánh thoát khỏi - dù chỉ chốc lát thôi - cái không khí, môi trường tù hãm này. Nhắc về quá khứ hay gợi đến tương lai, con tàu cũng là biểu tượng cho một thế giới khác hẳn - thế giới đối lập với hiện tại tối tăm, tù đọng mà hai chị em Liên đang phải chịu đựng. Thạch Lam đã phát hiện ra niềm khao khát tội nghiệp, đáng thương nhưng cũng rất đáng trân trọng ở những tâm hồn trẻ thơ này.
 
Qua miêu tả tâm trạng đợi tàu và tư thế nhìn ngắm con tàu của hai chị em Liên, thiên truyện thể hiện niềm xót thương vô hạn những kiếp người nhỏ bé, cuộc sống mãi mãi bị chôn vùi trong tối tăm, nghèo đói. Ước mong cũng chỉ là mong ước.
 
Hình ảnh cái thế giới khác lạ vụt qua nhanh và cuộc sống của Liên, An vẫn quẩn quanh, đơn điệu như cũ. Một mặt, chi tiết đợi tàu càng tô đậm thêm vào nỗi buồn, vào vẻ tội nghiệp của thân phận của hai chị em Liên. Nó như tia sáng lóe lên rồi tắt ngấm để ta thả lòng vào thế giới tĩnh mịch, tối đen thăm thẳm. Mặt khác, tâm trạng đợi tàu được thể hiện như thế cũng nhắc nhở người đọc rằng phải biết trân trọng những khao khát, ước mong của con người, đặc biệt là những mong ước về đời sống tinh thần. Chừng nào con người ta còn biết khao khát, ước mong là chừng đó đang còn lòng ham yêu cuộc sống, đang còn muốn cuộc đời giàu thêm ý nghĩa. Tâm trạng đợi tàu kiên nhẫn, háo hức của Liên và An có tác dụng lay tỉnh tâm hồn người đọc. Nó thắp lại ở những tâm hồn đang uế oải ngọn lửa của niềm khao khát vươn tới cái đẹp.
Hình ảnh hai chị em Liên mang hình bóng số phận bao lớp người nghèo trong xã hội thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ. Lấy hồn mình để hiểu lòng người, Thạch Lam đã diễn tả thật tinh tế dòng cảm- giác, tâm trạng của các nhân vật trong sự biến chuyển của thời gian. Qua hình ảnh Liên, An và những người dân nghèo phố huyện, chúng ta nhận ra tấm lòng thông cảm, ưu ái của Thạch Lam, nhận ra tinh tế của một ngòi bút văn xuôi trữ tình.

0