21/02/2018, 09:57

Phân tích giá trị nghệ thuật và tư tưởng của đoạn văn tả cảnh ông Huấn Cao cho chữ trong trại giam – văn 11

Đề bài: Phân tích giá trị nghệ thuật và tư tưởng của đoạn văn tả cảnh ông Huấn Cao cho chữ trong trại giam Bài làm “Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân trong xu hướng tìm về vẻ đẹp vàng son trong dĩ vãng. Và có lẽ cảnh ...

Đề bài: Phân tích giá trị nghệ thuật và tư tưởng của đoạn văn tả cảnh ông Huấn Cao cho chữ trong trại giam

Bài làm

“Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân trong xu hướng tìm về vẻ đẹp vàng son trong dĩ vãng. Và có lẽ cảnh đẹp nhất trong tác phẩm đó chính là hình ảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong trại giam, mà theo tác giả, đây là hình ảnh xưa nay chưa từng có!

Nguyễn Tuân với khả năng sử dụng chất liệu ngôn ngữ bậc thầy, đã miêu tả cho chúng ta một khung cảnh thật lạ và cũng thật đẹp. Tác giả sử dụng những hình ảnh, ngôn từ và màu sắc đối lập nhưng lại khiến chúng hòa lại với nhau thành một bức tranh tuyệt đẹp, ngỡ như chỉ có trong truyền thuyết. Màu trắng của khuông lụa được căng ra. Màu đen của chậu mực mới mài còn thơm mùi mới. Ánh lửa sáng của ngọn đuốc rực cháy, soi sáng phòng giam bẩn thỉu ẩm thấp. Hay nhân cách của kẻ tù ngục soi sáng trái tim người cai ngục. Đó là khi người bị xiềng xích ngẩng cao đầu, tỏa sáng rực rỡ cho kẻ cầm quyền đang cúi đầu lĩnh ngộ. Ngục tối và thiên đường. Thiện và ác. Đẹp và xấu. Sự tương phản lại kết hợp và hòa lại tạo nên một giá trị nghệ thuật to lớn ẩn trong một hình ảnh xưa nay chưa từng có. Một vẻ đẹp vĩnh cữu với thời gian.

Nhưng chỉ giá trị nghệ thuật là chưa đủ. Hình ảnh còn mang một giá trị tư tưởng lớn và sâu sắc. Giữa chốn lao tù không phải xiềng xích hay bạo lực chiếm hữu, không phải bóng tối hay quyền lực có thể khuất phục được con người, mà chính con người lại có sức cảm hóa kì diệu. Giữa chỗ xiềng xích hình ảnh người tử tù chợt trở nên to lớn, vĩ đại, chợt tỏa sáng một cách lạ thường vượt qua những dung tục thấp hèn của lao ngục xung quanh. Khi đó bóng tối và sự mục ruỗng bị xua đi bởi ánh sáng rạng rỡ và vầng hào quang tỏa ra như nhân cách từ khí tiết cao vời vợi của kẻ tử tù – người sáng tạo ra cái đẹp. Hành động cho chữ của Huấn Cao – những dòng chữ cuối cùng của cuộc đời một lần nữa khẳng định khí phách, bản lĩnh của ông. Ông muốn truyền lại cái trong sáng, tài hoa của mình cho hậu thế, thông qua kẻ biệt nhỡn liên tài, tri âm tri kỉ. Trước mắt, ông muốn cứu một con người ra khỏi chốn bùn nhơ, trả lại thiên lương cho người ấy. Đây cũng là hành động vì nghĩa mang tính nhân đạo cao cả của Huấn Cao.

Đoạn truyện ông Huấn Cao cho chữ là đoạn văn hay nhất trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Bút pháp điêu luyện, sắc sảo khi dựng người, dựng cảnh, ngôn ngữ biến hóa, sáng tạo, có hồn. Vừa cho ta một giá trị nghệ thuật tuyệt đẹp, lại cũng dạy chúng ta một tư tưởng to lớn sâu sắc. Không hổ là “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có”!chữ người tử tùgiá trị nghệ thuậtHuấn caotư tưởng2017-03-15

Nguồn: Văn mẫu hay

0