Phân tích đoạn trích Nỗi Thương Mình trong truyện kiều
(Kenhvanmau.com) – Anh(Chị) hãy của Nguyễn Du.( Bài làm của học sinh trường THPT Nho Quan B). Đề bài: Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều. BÀI LÀM Truyện Kiều là tuyệt tác của đại thi hào Nguyễn Du và cũng là một trong những tác phẩm kinh điển của nền ...
(Kenhvanmau.com) – Anh(Chị) hãy của Nguyễn Du.( Bài làm của học sinh trường THPT Nho Quan B).
Đề bài: Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều.
BÀI LÀM
Truyện Kiều là tuyệt tác của đại thi hào Nguyễn Du và cũng là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời "hồng nhan bạc mệnh" của Thúy Kiều, trong đó, "Nỗi thương mình" là đoạn trích kể về nỗi đau đớn tủi nhục của nàng khi bị lừa gạt rơi vào chốn lầu xanh.
Từng giai đoạn đầy chông gai, đau khổ trong cuộc đời của Kiều đều được Nguyễn Du lột tả xuất sắc qua mỗi câu thơ, nhưng nỗi đau đớn, tủi nhục, uất hận có lẽ được thể hiện rõ nét nhất trong đoạn trích "Nỗi thương mình". Nỗi đau đớn khi phải trao duyên, phải bán thân, phải lẻ loi trong lầu ngưng bích làm sao có thể so sánh với tâm trạng tủi nhục khi một người con gái tài sắc vẹn toàn bỗng nhiên lại trở thành gái thanh lâu rẻ mạt.
“Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh. ”
Chỉ với bốn câu thơ, Nguyễn Du đã khắc họa hoàn hảo hình ảnh của chốn thanh lâu với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Những cô gái lầu xanh, trong đó có Kiều hàng ngày phải cười đùa, phải chìm đắm trong cơn say cũng những kẻ "ong bướm lả lơi", toàn là người xa lạ. Điển tích Tống Ngọc, Trường Khanh cũng được tác giả sử dụng để diễn tả tâm trạng của Kiều khi phải sống một cuộc sống xô bồ, nhơ nhớp.
Để rồi “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa”. Khi cơn say đã qua đi, trở về với cuộc sống hiện tại, Kiều buồn tủi, bẽ bàng, xót thương cho thân phận của chính mình. Một người con gái tài sắc, đức hạnh, nay tỉnh dậy giữa lúc tàn canh tĩnh mịch, trên mình không xiêm y, bên cạnh là một gã đàn ông xa lạ còn hơi nồng hương rượu. Tưởng tưởng đó khiến người đọc bất chợt cảm thấy Nguyễn Du như một họa sĩ tài ba, ông đã vẽ nên một bức tranh người con gái cô đơn tủi nhục giữa đêm khuya vắng ngồi khóc than cho số phận của mình. Nhịp thơ 3/3 và 2/2/2/2 như càng làm rõ nét hơn cái "giật mình" của Kiều. Có lẽ, dù phải sống trong cảnh nhơ nhớp đó mỗi ngày, nàng vẫn không thể chấp nhận được sự thật, vẫn nửa đêm giật mình tỉnh dậy và ước tất cả chỉ là một giấc mơ.
Nỗi đau đớn xót xa của Kiều thực sự đã bùng nổ trong những câu thơ tiếp theo:
“Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!”
Thực tại càng trở nên phũ phàng khi nó được cạnh một quá khứ tươi đẹp và tinh khiết. Cuộc sống êm đềm xưa kia nay biến thành "tan tác như hoa giữa đường". Hoàn cảnh của Kiều lúc này chính là một bông hoa đẹp bị rơi rớt giữa đường, mặc cho người đời giày xéo. Người con gái chính chuyên trong trắng xưa kia nay chỉ còn lại vẻ "trơ lì", dạn dĩ. Nàng đã chán ngán chính bản thân mình và dường như chẳng còn chút xúc cảm tốt đẹp nào đối với cuộc sống.
Nhưng trong những câu thơ tiếp theo, chúng ta lại nhìn thấy được chút Kiều của ngày xưa:
“Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu. ”
Rõ ràng, nàng vẫn chưa phải là gái thanh lâu, nàng vẫn là Kiều với tâm hồn đoan chính như xưa. Bởi mặc cho những kẻ xung quanh vui thú dục vọng, Kiều vẫn chẳng thấy vui gì. Bên trong sự tủi nhục bẽ bàng, chúng ta vẫn nhìn thấy phẩm chất của Kiều chưa hề bị vùi dập.
Nàng vui đùa chẳng qua cũng chỉ là vui gượng, hoàn toàn không phải vì tìm thấy lạc thú trong cuộc sống nhơ nhuốc đó:
“Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?”
Nàng tuyệt vọng vì nghĩ rằng chẳng thể tìm được tri âm ở chông phong lưu. Nhưng điều đó cũng cho thấy, ẩn sâu trong lòng Kiều vẫn còn khao khát yêu thương, vẫn còn mong người tri kỷ.
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Hai câu thơ trên chính là lời kết cho nỗi xót thương chính bản thân mình của Kiều. Bởi tâm trạng của Kiều đang buồn bã, tủi nhục nên cảnh vật như cũng nhuốm màu u ám theo. Một cái kết đầy lắng đọng, mang tới cho ta cảm nhận chân thực về cảm xúc của Kiều và của cả thi hào Nguyễn Du.
Có thể nói, đoạn trích "Nỗi thương mình" cho ta thấy được cảm xúc chân thực của người con gái tài sắc, đức hạnh không may bị đẩy vào chốn phong trần, nhưng đồng thời cũng thể hiện tâm trạng đồng cảm, xót thương của Nguyễn Du đối với người con gái "hồng nhan bạc mệnh" đó./.
Tác giả: ANH ĐÀO