Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga để thấy rõ Lục Vân Tiên đã hành động đúng với lí tưởng của mình: Nhớ câu kiến ngải bất vi/ Làm người thế ấy cùng phi anh hùng.
Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng lung linh trên bầu trời văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho đời kiệt tác Truyện Lục Vân Tiên. Đây là tác phẩm tiêu biểu và tâm huyết nhất cho giai đoạn sáng tác của nhà thơ trước khi Pháp bắt đầu xâm lược Tổ quốc ta. Trong Truyện Lục Vân Tiên, Lục Vân Tiên là nhân ...
Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng lung linh trên bầu trời văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho đời kiệt tác Truyện Lục Vân Tiên. Đây là tác phẩm tiêu biểu và tâm huyết nhất cho giai đoạn sáng tác của nhà thơ trước khi Pháp bắt đầu xâm lược Tổ quốc ta. Trong Truyện Lục Vân Tiên, Lục Vân Tiên là nhân vật chính, có diện mạo khôi ngô tuấn tú, tài đức vẹn toàn, đồng thời có những hành động rất đúng với lí tưởng của chàng: Nhớ câu kiến ngãi bất vi, Làm người thế ấy cũng phi anh hùng ...
Trên đường lên kinh đô dự thi, Lục Vân Tiên gặp bọn cướp đường. Chàng không ngoảnh mặt làm ngơ mà dừng lại hỏi thăm dân chúng đầu đuôi sự việc:
Vân Tiên nổi trận lôi đình,
Hỏi thăm lũ nó còn đình nơi nao.
Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này.
Dân rằng: lũ nó còn đây,
Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành.
E khi họa hổ bất thành,
Khi không mình lại xô mình xuống hang?
Trong khi mọi người còn đang hoang mang, sợ sệt thì Lục Vân Tiên chẳng hề băn khoăn, suy tính thiệt hơn cho bản thân mình. Ngay tức khắc:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Đó là một hành động vì nghĩa lớn, đáng mặt “nam nhi đại trượng phu”. Đứng giữa vòng vây của bọn cướp đông đúc, có tổ chức, có kẻ cầm đầu, Lục Vân Tiên chửi mắng bọn chúng rồi liền đánh vào bên trái, xông sang bên phải:
Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử mở vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Nếu Triệu Vân, tự Tử Long, một tướng trẻ có tài của Lưu Bị đời Tam Quốc, một mình phá vòng vây của Tào Tháo ở trận Đương Dang bảo vệ được A Đẩu, con nhỏ của Lưu Bị thì Lục Vân Tiên, một mình, một gậy đánh tan bọn cướp hung ác cứu được nàng Kiều Nguyệt Nga. Thật đúng là một con người “vị nghĩa vong thân” (vì việc nghĩa quên thân mình), một bậc anh hùng luôn hướng tới cái cao cả, không bao giờ chịu khuất phục trước cơn khốn khó, hiểm nguy, trước cảnh “chướng tai gai mắt”.
Sau khi được thoát khỏi tay lũ cướp quỷ quyệt, bạo tàn, Kiều Nguyệt Nga bày tỏ lòng biết ơn hết sức chân thành, tha thiết và mong muốn được đền ơn cho Lục Vân Tiên:
Chút tôi liễu yếu đào thơ,
Giữa đường gặp phải bụi dơ đã phần.
Hà Khê qua đó cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.
Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.
Xét cho cùng, việc “báo đức thù công” - đáp lại ơn đức, trả ơn công lao - là một việc phù hợp với những chuẩn mực đạo đức mà cha ông ta đã từng dạy bảo con cháu từ lâu đời. Lục Vân Tiên đã không những cứu mạng Kiều Nguyệt Nga mà còn cứu cả cuộc đời con gái trong trắng, thơ ngây của nàng. Cái ơn ấy cao như núi dài như sông, dù có bạc vàng châu báu cũng chẳng thế nào đền đáp cho tương xứng được. Tuy nhiên, Kiều Nguyệt Nga vẫn khát khao được báo đáp trong khả năng hiện có của gia đình. Giả sử Lục Vân Tiên là một người bình thường, chấp thuận đề nghị của nàng thì cũng chẳng có việc chi sai quấy. Thế nhưng Lục Vân Tiên là người “trọng nghĩa khinh tài”, chính trực, đại lượng, chàng kiên quyết từ chối sự đền ơn:
Vân Tiên nghe nói liền cười.
Đó là “Cái cười đáng yêu, đáng kính sao! Một là cái cười của anh hùng quân tử, hai là cái cười của anh con trai, ba là cái cười của quần chúng rộng lượng, đều ở trên môi Vân Tiên”. (Xuân Diệu)
Chàng đáp lại Nguyệt Nga bằng một lời lẽ khiêm nhường, khẳng khái, không vụ lợi, không tính toán:
Làm ơn há dễ trông người trả ơn
(...) Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Phải chăng phẩm chất tốt đẹp ấy đã ngấm vào trong máu, vào hơi thở của Lục Vân Tiên cũng như của nhiều người dân Việt Nam tuy nghèo vật chất nhưng giàu tình nặng nghĩa “Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa” (Huy Cận)?
Sau này, khi Nguyệt Nga trao chiếc trâm vàng của nàng:
Thưa ràng: nay gặp tri âm,
Xin đưa một vật để cầm làm tin.
Lục Vân Tiên khăng khăng không nhận. Cho nên nàng đề nghị:
Đưa trâm chàng đã làm ngơ,
Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ.
Là người có học thức, sẵn có tâm hồn văn chương phong phú, Lục Vân Tiên chấp nhận đề nghị chân thật nhưng cũng lãng mạn của nàng: Làm thơ cho kịp bấy chờ chớ lâu.
Sỡ dĩ chàng đồng ý là vì thơ văn không phải là của cải vật chất, đó là sản phẩm của tâm hồn con người. Lòng người càng đẹp thì thơ càng hay. Thật vậy, Kiều Nguyệt Nga là cô con gái có tâm hồn trong trắng, giàu ân tình “ơn ai một chút chẳng quên”. Còn "Lục Vân Tiên là chàng trai hào hiệp. Bởi thế, hai tầm hồn cao đẹp cùng nhau xướng họa một bài thơ rồi thanh thản chia tay. Riêng Lục Vân Tiên không hề vương vấn rằng mình đã làm ơn cho người khác. Chàng chỉ ôm ấp và mong mỏi thực hiện một lí tưởng duy nhất:
Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Quan niệm của nhân vật Lục Vân Tiên phát xuất từ nhân dân “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” - thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng cảm. Đây là nhân sinh quan của người anh hùng. Nhân sinh quan ấy biểu hiện cái đẹp của lí tưởng nhân nghĩa cũng như cái đẹp của đạo lí nhân dân. Bản thân Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho, sống gần dân, thân dân, từng cùng dân ăn những bát cơm hẩm với cà thiu, từng cùng dân chạy giặc, từng rơi nước mắt khi thấy nhân dân khổ đau, nghèo túng. Còn nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện của ông cũng là một nho sĩ. Ông ngợi ca nhân vật Lục Vân Tiên anh hùng nghĩa hiệp, đầy tài năng - chí khí, sẵn sàng ra tay trừng trị kẻ ác độc, bênh vực người dân lương thiện yếu đuối, bất hạnh cũng chính là ca ngợi đạo lí nhân dân. Ông ca ngợi Hớn Minh, Lương Tử Trực hay những nhân vật không tên như ông Ngư, ông Quán, lão bà, ông tiều, cùng với những triết lí sống phong phú, súc tích do những con người ấy nói ra cũng chính là ca ngợi đạo lí nhân dân. Đó là đạo lí kẻ ác phải bị trừng trị thích đáng, người lương thiện phải được sống ấm no, hạnh phúc. Cái gốc đạo đức sâu xa, bền bỉ do nhân dân đề ra sẽ giúp con người vượt qua mọi lực cản để thực hiện biết bao hoài bão, lí tưởng trên những chặng đường đời đầy phong ba, bão tố, thác ghềnh.
Tóm lại, tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một khúc ca chiến thắng của những người kiên quyết vì chính nghĩa mà chiến đấu, là bản kết tội những kẻ bất nhân phi nghĩa. Riêng trích đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, chúng ta thấy nhà thơ đã vẽ lên bức chân dung tuyệt vời của nhân vật Lục Vân Tiên gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì việc nghĩa, sống đúng với lí tưởng cao đẹp mà chàng đã tự đặt ra cho chính bản thân mình. Do đó, càng yêu mến nhân vật Lục Vân Tiên, chúng ta càng quý trọng Nguyễn Đình Chiểu - một nhà thơ, “nhà văn có cái đẹp từ con người đẹp đến văn chương” - càng nhiệt liệt ủng hộ quan điểm sáng tác văn chương của ông:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.