Phân tích đoạn cuối tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa (Bài 2)
Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là người không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn. Bằng tâm huyết và tài năng, bằng khát vọng chân chính và ý thức được yêu cầu phải đổi mới tư duy văn học, ông đã trở thành “người mở đường tinh anh và tài năng” cho công công cuộc đổi mới văn ...
Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là người không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn. Bằng tâm huyết và tài năng, bằng khát vọng chân chính và ý thức được yêu cầu phải đổi mới tư duy văn học, ông đã trở thành “người mở đường tinh anh và tài năng” cho công công cuộc đổi mới văn học nước nhà từ sau năm 1975. “Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu sáng tác năm 1983, in lần đầu trong tập “Bến quê” (1985) sau đó được tác giả lấy làm tên chung cho tuyển tập truyện ...
- Tấm ảnh Phùng đã chụp đã chụp được là cảnh chiếc thuyền lưới vó đang tiến vào bờ. “Mũi thuyền in một nét mơ hồ, lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. “Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Cảnh thật huyền ảo, tinh khôi, tinh khiết như “một bức tranh mực tàu của một danh họa đời cổ”.Tất cả khung cảnh ấy được nhìn qua một cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt một cánh dơi.
Tấm ảnh được bổ sung vào bộ lịch năm ấy và góp phần nâng cao uy tín cho tác giả của tấm ảnh :“trưởng phòng rất bằng lòng”. Tấm ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” có giá trị nghệ thuật cao, được mọi người yêu thích, “được treo rất nhiều nơi nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”. Không những thế, nó còn có giá trị lâu bền “không những cho bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau” Có thể nói cách khác, tấm ảnh ấy cũng đựơc treo trong những phòng khách sang trọng của những người sành điệu. Sự đánh giá cao ấy xứng đáng với công sức mà Phùng đã bỏ ra để “phục kích” nhiều ngày mới chộp đựơc nó. Đó là vẻ đẹp mà có khi cả đời Phùng chỉ nắm bắt được một lần. Những người yêu nghệ thuật trân trọng tấm ảnh ấy cũng là điều dễ hiểu. Song, có khi họ là những người yêu nghệ thuật thuần túy, cảm nhận cái đẹp trên bình diện của một tấm ảnh toàn bích, đáng thưởng thức, đáng treo ở những nơi sang trọng nhất. Và ai đã sưu tầm được nó, chắc hẳn đã tự hào rất nhiều. Nghệ thuật là vô giá! Tác phẩm nghệ thuật chỉ có giá trị khi nó phản ánh hiện thực đời sống.
ẤN TƯỢNG CỦA PHÙNG VỀ TẤM ẢNH MÌNH CHỤP:
Nhưng đối với Phùng (hay nói cách khác, đối với Nguyễn Minh Châu) chưa hẳn là như vậy. Tuy chụp được tấm ảnh toàn mĩ nhưng dường như tâm trạng của Phùng vẫn còn nhiều băn khoăn, ray rứt. Bởi vì Phùng còn nhìn thấy từ tấm ảnh, đằng sau tấm ảnh , những hình ảnh khác. Đó là hình ảnh của những con người khốn khổ. Phùng là tác giả, người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật nhưng Phùng lại không nhìn lướt, nhìn hời hợt như một số người thưởng thức. Có thể nhiều người chỉ nhìn bề ngoài thấy nó đẹp, thích, trầm trồ khen ngợi một đôi câu... rồi quên lãng! Còn Phùng “mỗi lần ngắm kĩ”, nghĩa là anh đã hơn một lần ngắm kĩ, rồi lại “nhìn lâu hơn”. Điều đó nói lên, đằng sau tấm ảnh, vẫn còn có điều gì khiến anh trăn trở.
* Vẻ đẹp nghệ thuật gợi lên từ tấm ảnh:
Một điểm nữa, Nguyễn Minh Châu cũng làm cho người đọc không thể bỏ qua trong cách nhìn lại tấm ảnh của Phùng “tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai”. Đó là ấn tượng đặc biệt về hiệu ứng màu sắc của Phùng lúc chụp ảnh, là niềm hân hoan khi anh phát hiện ra vẻ đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh.Cũng là màu sắc thể hiện niềm tin vào tương lai của gia đình hàng chài nghèo khổ, đầy nghịch lí sống trên chiếc thuyền ấy. Phải chăng tác giả muốn nói sau khi tước bỏ mọi lớp sơn hào nhoáng bên ngoài, cái chất thật của cuộc đời khi hiện ra chỉ là hai màu đen trắng . Nhưng nó không hoàn toàn xám xịt, hay đen tối làm cho người ta cảm thấy buồn rầu, mà khi để hết tâm trí nhìn ngắm, người ta vẫn có thể phát hiện ra những điểm hồng nào đó. Chẳng qua là màu hồng kia bị che lấp bởi vô vàn cái bùng nhùng, rối rám của cuộc đời – cũng như cuộc đời thầm lặng, vô danh của người phụ nữ hàng chài kia tưởng như không có gì đáng nói mà thật ra, một cách tình cờ, Phùng đã phát hiện ở chị những phẩm chất đáng quý khiến anh phải suy ngẫm rất nhiều và thay đổi quanh niệm về con người và cuộc sống.
* Vẻ đẹp cuộc sống đời thường sau tấm ảnh:
Hình ảnh người đàn bà hàng chài “cao lớn với những đường nét thô kệch,tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm” cứ hiện lên trong sự gợi nhớ của Phùng sau khi ngắm nhìn vẻ đẹp của bức ảnh. Điều đó cho thấy Phùng luôn bị ám ảnh bởi cuộc sống của gia đình hàng chài, đặc biệt là số phận đáng thương của những người phu nữ ở vùng biển này .Đó là người mẹ giàu đức hi sinh và thấu hiểu lẽ đời. Một phụ nữ vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của người Á Đông là biết nhẫn nhịn, biết hi sinh bản thân vì gia đình, chồng con. Người phụ nữ hàng chài nghèo khổ vừa phải lo cái ăn, cái mặc cho một lũ con, vừa bị chồng đánh liên miên “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Cái khổ, cái nghèo của chị hiện ra trong hình dáng “tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ mệt mỏi, đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm”. Hình ảnh nhẫn nhục, cam chịu của chị khi bị chồng đánh, không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn. Ngoài ra, còn thằng Phác, chị nó, và cả lão đàn ông cục mịch, vũ phu. Đó là những mảnh đời khốn khổ, mà để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí Phùng vẫn là hình ảnh người phụ nữ hàng chài. Chị là đại biểu cho những kiếp người lao động vất vả trăm chiều. Hạnh phúc trong cuộc đời họ là những điều rất đơn sơ, giản dị nhưng không phải bao giờ cũng có được. Hạnh phúc của chị là những lúc được ngắm nhìn “đàn con chúng nó được ăn no”, vợ chồng con cái “hòa thuận vui vẻ”, dẫu đó là những niềm vui hiếm hoi trong cuộc đời nhiều cay đắng, nghiệt ngã của chị.
* Nghịch lí của đời sống
* Niềm tin vào con người:
Phùng thấy người đàn bà ấy bước ra khỏi tấm ảnh “bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất, hòa lẫn trong đám đông …”. Những bước đi chắc chắn và hòa lẫn vào đám đông của người đàn bà hàng chài thể hiện niềm tin của Phùng về sự hòa nhập của họ trong hành trình đi lên của cuộc sống.
* Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống:
Nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng có vẻ đẹp lí tưởng như nghệ thuật. Điều nầy không mới. Cách ta hơn sáu mươi năm, Nam Cao chẳng đã từng nói “Nghệ thuật không cần phải là... không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than. . .” (Trăng sáng – 1943). Người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng bị ám ảnh mỗi khi nhìn lại tấm ảnh, vì có thể anh nghĩ rằng tấm ảnh đó sang trọng quá, xa cách quá với cuộc sống của những người lao động nghèo khổ kia. Nó chỉ là cái vỏ bọc của những mảnh đời bất hạnh mà những người không trực tiếp chứng kiến như anh thì sẽ không bao giờ cảm nhận được một cách đầy đủ đằng sau tấm ảnh kia chứa đựng những gì. Giữa nghệ thuật và cuộc sống vẫn cón một khoảng cách. Anh muốn thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông nhiều hơn với nỗi đau của người khác bằng tất cả tấm lòng, vì thế mà anh “ngắm kĩ” rồi lại “nhìn lâu hơn”, Phùng muốn đào bới những gì trong một tấm ảnh rất quen thuộc của chính mình? Âu đó cũng là cái tâm của người say mê nghệ thuật.Có lẽ vì vậy mà Phùng dường như còn muốn làm điều gì xa hơn, cụ thể hơn chăng để cho nghệ thuật gắn liền với cuộc đời. Bằng không thì tấm ảnh đẹp như một giấc mơ đó mãi mãi vẫn là Chiếc thuyền ngoài xa!
* Quan niệm về nghệ thuật của nhà văn:
Những ấn tượng của Phùng đã thể hiện quan điểm nghệ thuật của tác giả: nghệ thuật không thể xa cách với hiện thực nhọc nhằn, cay cực của con người. Nghệ thuật phải dành ưu tiên trước hết cho con người, phải góp phần giải phóng con người khỏi sự cầm tù của đói nghèo, tăm tối và bạo lực. Người nghệ sĩ phải có tấm lòng biết trăn trở về số phận ; phải nhìn cuộc đời sâu sắc, đa chiều, không giản đơn, dễ dãi và và phải dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực. Không những vậy, một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải là tác phẩm thể hiện được chiều sâu, bản chất của hiện thực đằng sau cái vẻ ngoài đẹp đẽ, lãng mạn. Để làm được điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều, sâu sắc, toàn diện về hiện thực, phải có sự trải nghiệm và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ.
ĐÁNH GIÁ VỀ NGHỆ THUẬT:
Truyện được xây dựng theo lối kết cấu vòng tròn : mở đầu là đi tìm ảnh, kết thúc là ngắm nhìn ảnh mà ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm nhằm nhấn mạnh tính triết lí của truyện. Giọng văn trầm lắng, suy tư, nhiều dư vị, nhiều liên tưởng bất ngờ
KẾT BÀI :
Đoạn kết không chỉ khép lại câu chuyện mà còn mở ra một hướng mới cho số phận của con người. Đoạn kết đã tổng hợp lại toàn bộ ý đồ của tác giả cho những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, về nghệ thuật. Đó là cái nhìn đa chiều, ở các cự li khác nhau, để phát hiện ra bản chất sau vẻ ngoài của cuộc sống và con người. Phải chăng sau câu chuyện rất buồn này, trái tim nhân hậu của Nguyễn Minh Châu vẫn ấm áp niềm tin vào cuộc sống, trân trọng vẻ đẹp của tuổi thơ, của tình mẫu tử, sự can đảm và tấm lòng bao dung của người phụ nữ ? Đó không phải là vẻ đẹp chói chang, hào nhoáng mà là những hạt ngọc khuất lấp, lẫn trong cái lấm láp, lam lũ của đời thường.