Phân tích cái chết của cụ cố tổ trong Hạnh phúc của một tang gia
(Văn mẫu lớp 11) – – Vũ Trọng Phụng. (Bài làm của học sinh Phạm Thu Hà) Đề bài : Trước cái chết của cụ cố tổ thái độ của những thành viên trong gia đình được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng ? Qua đó, anh/chị có suy nghĩ gì về ...
(Văn mẫu lớp 11) – – Vũ Trọng Phụng. (Bài làm của học sinh Phạm Thu Hà)
Đề bài: Trước cái chết của cụ cố tổ thái độ của những thành viên trong gia đình được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng ? Qua đó, anh/chị có suy nghĩ gì về lòng hiếu thảo của con người trong xã hội hiện nay.
BÀI LÀM:
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn có sức sáng tạo dồi dào, mãnh liệt cho dòng văn xuôi hiện đại Việt Nam, đặc biệt là mảng phóng sự và tiểu thuyết. Đây là một nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo, ông được tặng danh hiệu là “ông vua phóng sự đất Bắc”. Nhắc đến Vũ Trọng Phụng người ta không thể không nhắc đến tiểu thuyết danh giá nổi tiếng Số đỏ – một tác phẩm hiện thực phê phán đương thời xen lẫn tiếng cười cùng bài học cuộc sống sâu sắc. Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia thuộc chương XV của Số đỏ có thể nói là phân cảnh tiêu biểu nội dung của tác phẩm mà nhà văn muốn hướng đến.
Hạnh phúc của một tang gia, nhan đề đoạn trích cũng đã gợi ra cho người đọc bao hiếu kì. Thông thường nhắc đến tang gia là cho ta cảm giác đau buồn , thương tiếc… thế nhưng ở đây ngay nhan đề đoạn trích ta lại thấy nhà văn cho từ hạnh phúc đi cùng với tang gia thật là nghịch lí, khác thường. Nhưng khi đọc tác phẩm ta mới nhận ra rằng đó là một dấu hiệu bất thường mà Vũ Trọng Phụng muốn đọc giả chú ý đến, bởi nó chính là ngụ ý của tác phẩm mà nhà văn muốn gửi gắm . Rằng một đám ma của ông cụ cố nhưng lại được mọi người (nhân vật trong truyện) mong chờ, trông đợi xảy ra. Sự mâu thuẫn, trái ngược giữ biểu hiện bên ngoài và cảm xúc của bên trong nhân vật là lời giai thích rõ ràng , chính xác nhất cho nhan đề đoạn trích.
Mỗi một nhân vật trong đoạn trích đều có mảnh ghép bức tranh biếm họa của riêng mình mà khi ghép lại ta sẽ được một bức tranh hoàn chỉnh về xã hội thượng lưu âu hóa lúc bấy giờ. Tang gia theo lẽ thường là rất buồn khổ, đau đớn khi tiễn biệt người thân thích , ruột thịt của mình rời xa sự sống, ấy thế mà ngòi bút ghê gớm , đáo để của Vũ Trọng Phụng đã vạch trần ra sự thật đau lòng trong một đám tang. Nguyên nhân cái chết của cụ cố tổ là do Xuân Tóc Đỏ đã làm cho ông cụ tức quá chết. Ấy vậy mà cháu ông – ông Văn Minh lại cho rằng Xuân Tóc Đỏ có một cái ơn to với gia đình họ là cho một ông già đáng chết phải chết, điều mà cả đại gia đình họ mong muốn. Bởi khi cụ cố tổ chết tức là cái chúc thư sẽ đi vào thời kì thực hiện và các thành viên trong gia đình được hưởng số tài sản thừa kế kếch sù. Đồng tiền đem lại niềm vui, đồng tiền đem lại cảm giác mong chờ đợi con người ta chết dần chết mòn, đồng tiền khiến con người ta không màng ruột thịt để có được nó… Vũ Trọng Phụng cho thấy giá trị đồng tiền thao túng con người ta thật đáng sợ. Đồng tiền đã chi phối đến tận mối quan hệ gốc rễ nhất trong xã hội – quan hệ huyết thống. Đám tang của cụ cố tổ chính là tình huống truyện độc đáo đem lại nhiều suy ngẫm cho người đọc về đồng tiền và tình người bên nào bên nào nhẹ.
Cụ cố tổ có người con trai là cụ cố Hồng. Tuy rằng cụ cố Hồng mới ngoài năm mươi tuổi nhưng lại thích già, một sở thích kì quái. Ông bắt con cháu gọi mình là cụ cố, suốt ngày lặp đi lặp lại những câu nói vô nghĩa để chứng minh rằng mình già rồi, đãng trí , lơ ngơ. Có một quan niệm cô hủ rằng khi con cháu càng già thì nhà càng có phúc, do đó cụ cố Hồng đã vin vào đó mà thích bản thân mình già thật già, thích khoe cái già đó cho mọi người thấy. Nếu trước đây ông chỉ có thể khoe cái già của mình trong nhà, quanh ngõ xóm , một phạm vi nhỏ hẹp thì nay trước một đám tang to, trang trọng, ông ta được thỏa mãn cái lòng tham hư danh của mình trước bàn dân thiên hạ.
Ông Văn Minh là cháu đích tôn của người quá cố. Ông cho rằng, bản di chúc sẽ đi vào thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa. Cái chết của ông nội là niềm vui sướng, hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Cái chết này cũng là dịp để ông lăng xê tiệm may âu hóa. Thêm vào đó là điệu bộ , dáng vẻ của ông Văn Minh khiến người đọc cảm thấy có sự mâu thuẫn, trái đạo đức lương tâm con người. Ông Văn Minh “ phân vân,vò đầu, rứt tóc, lúc nào mặt cũng đăm đăm, chiêu chiêu…” là vì ông đang lo chuyện phân xử Xuân Tóc Đỏ ra sao cho hợp tình, hợp lí. Bởi Xuân theo như ông Văn Minh ngẫm thấy thì hắn đã phạm phải hai cái tội nhỏ và làm nên một cái ơn to. Cái tội nhỏ ở đây mà Văn Minh đề cập đến là tội “quyễn rũ một em gái ông, tố trạng hoang dâm của một em gái khác nữa của ông”, đồng thời cái ơn to là”tình cờ gây ra cái chết của một ông cụ già đáng chết”. Hoàn toàn không có một chút cảm xúc xót thương nào với một mạng người thân ruột thịt chết đi, Văn Minh máu lạnh chăm chăm nghĩ đến khối tài sản thừa kế kếch xù và cách xử trí Xuân Tóc Đỏ với cái bản mặt đăm đăm, chiêu “ thành ra hợp thời trang, vì mặt ông đúng cái mặt một người lúc gia đình đương là tang ra bối rối”. Đồng tiền đã tha hóa con người ta trở nên vô nhân tính, máu mủ ruột thịt dường như đã không còn quá được coi trọng cái xã hội âu hóa.
Nhắc đến ông Văn Minh rồi thì ta không thể không nhắc đến vợ ông Văn Minh, đây cũng là một nhân vật đáng được chú ý đến bởi sự vô nhân tính không kém gì người chồng của mình. Bà chăm chăm đến những bộ trang phục của cửa tiệm âu hóa lần này sẽ được công diễn trước toàn dân thiên hạ, trên một sân khấu lớn miễm phí là đám tang ông của chồng mình. Bà Văn Minh “ sốt hết cả ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng viền đen – dernirères creation! “. Tận dụng một đám tang trang hoàng lộng lẫy của một gia đình quyền quý, bà ta muốn lẵng xê, quảng cáo sản phẩm của tiệm may nhà mình với mục đích kiếm thêm tiền , lợi nhuận bán hàng mà lại tiết kiệm được một khoản kha khá tiền quảng cáo.
Cô Tuyết – một cô gái lẳng lơ nhưng luôn cố gắng tỏ vẻ mình là người trinh tiết. Cái chết của cụ cố là dịp để cô chứng minh với thiên hạ rằng mình chưa đánh mất chữ trinh. Cô diện những bộ trang phục ngây thơ đến lố bịch nhất, lả lơi với những vị quan khách tới dự đám tang củ cụ cố Tổ. Cô cố gắng đưa mắt nhìn trong đám người tới viếng mà không thấy bạn trai đâu cả, nên cô giận, cô buồn mang “vẻ buồn lãng mạn” khiến ai cũng nghĩ rằng đứa cháu gái thương ông tới chà xát con tim. Hình ảnh của Tuyết làm ta cảm thấy xấu hổ thay cho hình tượng người phụ nữ Việt bao đời giản dị, kín đáo mà vẫn duyên dáng, xinh đep trong tà áo bà ba, áo dài. Ngòi bút sắc bén của Vũ Trọng Phụng đã phơi bày sự sa đọa , đồi trụy về văn hóa cùng phẩm chất con người lúc bấy giờ.
Cậu Tú Tân và ông Phán Mọc Sừng tiêu biểu cho chân dung biếm họa lúc hạ huyệt. Tú Tân vui mừng, hả hê với chiếc máy ảnh nên bắt bẻ mọi người đứng trước cảnh hạ huyệt phỉ gục đầu, chống gậy, cong lưng… chẳng khác nào một bộ phim có đạo diễn để lưu lại những khoảnh khắc đau buồn nhất. Còn ông Phán Mọc Sừng , có thể nói bức chan dung biếm họa của ông để lại ấn tượng sâu sắc điển hình cho một tên gian thương. Ngay từ cái tên của ông ta đã gợi cho ta sự nực cười, một người đàn ông bị vợ cắm sừng vẫn thản nhiên cười, chấp nhận cái tên nhuc nhã đó để kiếm chắc thêm lợi của cải thừa kế đền bù cho danh dự mà vốn dĩ danh dự ông ta đã bốc hơi lên như cặp sừng vô hình trên đầu. Trong lúc hạ huyệt , khi mọi người chú ý đến chiếc quan tài hạ xuống lòng đất, ông Phán Mọc Sừng dã khóc rống lên vẻ tuyệt vọng , đau khổ “ Hứt!… Hứt!… Hứt!” và “ai cũng để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy”. Nhưng nào có ai để ý đến hành động dấm dúi, bẩn thỉu của ông ta, mặc dù khóc oặt cả người ra dựa vào Xuân Tóc Đỏ nhưng ông đã nhanh tay dúi vào tay Xuân “ một cái giấy bạc năm đồng gấp tư”. Một cuộc giao dịch được che dấu bởi màn nước mặt nhạt nhòa, không chút tình người đã không qua khỏi con mắt tinh tường cùng ngòi bút ghê gớm nhọn hoắt như lưỡi dao rạch màn kịch giả dối để phơi bày sự thật ghê tởm đến xót xa đau đớn thay cho người nằm trong quan tài.
Một nhân vật không thể thiếu trong việc gây ra cái chết nhanh cho cụ cố Tổ đó chính là Xuân tóc đỏ. Là một người không có nhà không có nơi làm việc hắn nhờ vào mồm miệng để sống, cái nắng đã khiến cho hắn có một mái tóc đỏ rực, kể từ đó hắn có biệt hiệu là “Xuân tóc đỏ”. Hắn là một kẻ vô giáo dục, tinh quái, lắm chiêu trò nhưng lại được nhiều người ngưỡng mộ nhất là tỏng cái chết của cụ cố Tổ. Hắn được nhiều người tín nhiệm sau khi làm ở tiệm may Âu hóa của vợ chồng ông Văn Minh, hắn bốc phét khiến người ta lầm tưởng hắn có tài lắm nhưng thực chất hắn chẳng có tài gì, “hữu danh mà vô thực”. Hắn là kẻ không cha, không mẹ, không có viêc làm cụ thể, lại hay ba hoa khoe mình tài giỏi đặc biệt có công lớn trong việc gây ra cái chết nhanh cho cụ cố Tổ được nhiều phụ nữ theo, trong đó có cô Tuyết.
Một xã hội đầy lố bịch và xảo trá diễn ra trước mắt, một xã hội đầy phản diện, tình người, sự khoe khoang và lố bịch đã làm lu mờ đi những ý nghĩ tích cực của thuần phong mĩ tục trong gia đình truyền thống. Và đồng tiền đã nắm trong tay quyền lực tối cao, tiêu khiển con người cùng mạng sống của họ, nó ăn mòn thao túng lương tâm, hủy diệt máu mủ ruột thịt. Còn đâu lòng hiếu thảo, kính trọng người hơn tuổi mà thay vào đó là sự máu lạnh, vô cảm với người thân.
Người xưa có câu:
“ Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Cha mẹ là đấng sinh thành nên mỗi con người. Người mẹ đã mang nặng đẻ đau ta suốt 9 tháng ròng đầy lao lực. Người cha vì ta mà đem đôi vai gánh vác lấy mọi trọng trách lớn lao cho gia đình. Gia đình chính là chiếc nôi nuôi nấng con người ta dần trưởng thành, là đệm bước nâng bước chân ta vững trãi sau này trên đường đời. Nhìn lại xem nếu không có họ liệu ta cò được ngày hôm nay hay nói cách khác là nếu không có họ chúng ta cũng không được sinh ra, không được ban cho sự sống. Có những gia đình hạnh phúc, cũng có những gia đình kém may mắn hơn nhưng không phải vì thế mà ta không yêu thương, tôn trọng hiếu thảo vói người thân, ruột thịt của mình. Cùng chảy chung một huyết mạch thì ta không thể nào đối xử lạnh nhạt hay bất công với nhau. Chính vì vậy lòng hiếu thảo là một điều tất yếu phải có ở mỗi con người. Ngày nay tình trạng thiếu tình cảm gia đình gắn kết đã làm rạn nứt biết bao tâm hồn con người, đặc biệt là trẻ em có thêm căn bệnh vô cảm. Đó là một điều thật đáng sợ, đáng lo ngại của xã hội và toàn thế giới. Bởi vậy , sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn , tiền bạc không phải tất cả, tình thương, tình yêu là một thứ xuất phát từ con tim chân thành , nhịp đập yêu thương chứ không phải giá trị của đồng tiền làm đảo lộn quy luật tự nhiên, chia rẽ con người đến vói nhau.
Bằng tài năng của mình, Vũ Trọng Phụng đã khắc họa nên một bức tranh phản diện về xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Một gia đình với những đại diện tiêu biểu nhất, với mặt trái xấu xa nhất, giả tạo nhất đã được khắc họa thành công. Tác phẩm để lại tiếng vang lớn trong lòng người đọc bỏi các tình tiết khiến người ta phải nghĩ suy.