11/05/2018, 14:31

Phân tích khổ 1 trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy của nhà thơ Hàn Mặc Tử. (Bài phân tích của bạn Nguyễn Thị Phương trường THPT Hồng Quang). Đề bài: Phân tích khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ BÀI LÀM Hàn Mặc Tử là nhà thơ tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào Thơ Mới. Một thi sĩ có phong ...

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy  của nhà thơ Hàn Mặc Tử. (Bài phân tích của bạn Nguyễn Thị Phương trường THPT Hồng Quang).

Đề bài: Phân tích khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

BÀI LÀM

Hàn Mặc Tử là nhà thơ tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào Thơ Mới. Một thi sĩ có phong cách sáng tạo đa dạng, độc đáo. Bên cạnh những bài thơ “thuận nghịch độc” cực kỳ điêu luyện, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” xứng đáng là tuyệt bút của Hàn Mặc Tử. Trong bài thơ, mỗi khổ thơ đều được ngợi khen giống như một bức tranh tuyệt đẹp trong đó khổ thơ thứ nhất được nhiều người yêu thích hơn cả:

“Sao anh không về chơi thôn Vỹ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Vĩ Dạ là một làng nằm kề sát thành phố Huế, bên bờ sông Hương. Những quan lại viên chức về hưu thường ở đây. Làng Vĩ Dạ có những ngôi nhà xinh xắn ẩn hiện giữa những vườn cây cảnh, cây trái sum suê và đẹp. Hồi còn là nhân viên Sở đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử có yêu thầm nhớ trộm một cô gái tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ Sở đạc điền. Sau đó một thời gian dài, Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo. Khi nhà thơ quay lại Quy Nhơn thì gia đình Hoàng Cúc đã chuyển về sống ở Vĩ Dạ. Một ngày kia được sự gợi ý của người em thúc bá là bạn Hàn Mực Tử, Hoàng Thị Kim Cúc đã gửi cho nhà thơ một bức bưu ảnh chụp phong cảnh sông nước có thuyền, có bến và mấy lời thăm hỏi an ủi nhà thơ lúc này đang mắc bệnh hiểm nghèo.  Nhìn bức bưu ảnh, trí tưởng tượng của Hàn Mặc Tử gán cho là bến Vĩ Dạ cùng dòng chữ của Hoàng Thị Kim Cúc đã khơi nguồn cảm hứng và gọi dậy trong nhà thơ những kỷ niệm về Huế. “Đây thôn Vĩ Dạ” ra đời, bài thơ được in trong tập “Thơ điên” (1940).

Mở đầu bài thơ, thi sĩ viết:

“ Sao anh không về chơi thôn Vỹ?”

Câu thơ là một câu hỏi tu từ, cô gái hỏi anh không về chơi thôn Vĩ nhưng cũng là nhà thơ đang tự hỏi mình. Với 6 thanh bằng và một thanh trắc, câu thơ giống như một lời trách móc nhẹ nhàng, vừa như một lời chào mời, chứa đựng bao hoài niệm, bâng khuâng.

Ngay sau đó, không gian Vĩ Dạ hiện lên với vẻ đẹp của hàng cau trong trẻo:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

“Hàng cau” là một hình ảnh quen thuộc của thôn Vĩ của xứ Huế và của Việt Nam. Hàng cau vút cao vẫy chào du khách từ xa, điệp từ “nắng” đem đến cho không gian Vĩ Dạ một màu nên thơ, mơ màng, màu vàng nhạt. Điều đáng lưu ý trong hình ảnh “nắng” là “nắng mới lên” không phải nắng trưa gay gắt, nắng chiều nhợt nhạt mà là nắng mới lên, tinh khôi và trong trẻo. Câu thơ đã miêu tả thành công vẻ đẹp thiên nhiên thân thiện, đẹp đẽ rạng ngời của hàng cau thôn Vĩ trong một buổi sớm mai.

phan-tich-kho-1-trong-bai-day-thon-vi-daphan-tich-kho-1-trong-bai-day-thon-vi-da

Câu thơ thứ ba “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” giống như một tiếng reo đầy ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhà thơ khi phát hiện ra vẻ đẹp tốt tươi, đầy sức sống của khu “vườn ai”. Tính từ “mướt quá” diễn tả sự mượt mà, nõn nà trên cành lá, cách so sánh “xanh như ngọc”, gợi cảm giác trong trẻo, tươi sáng. Chỉ với câu thơ thứ hai và câu thơ thứ ba, hai câu thơ 14 chữ song nhà thơ đã tái hiện được một bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ, thiên nhiên xứ Huế đẹp đẽ, nên thơ, đầy sức sống.

Câu thơ cuối khổ thơ khép lại đoạn đầu bài với sự xuất hiện của con người nổi bật trên nền thiên nhiên thôn Vỹ:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

“Lá trúc” là loại lá nhở, gọi sự mảnh mai, thanh tú. “Mặt chữ điền” gợi một gương mặt phúc hậu, 2 vẻ đẹp tương giao hài hòa, vẻ đẹp thiên nhiên gắn liền với vẻ đẹp con người tạo nên vẻ đẹp kín đạo, dịu dàng, bí ẩn, kín đáo của người thôn Vĩ, của xứ Huế.

Chỉ bằng một vài nét chấm phá, bốn câu thơ 28 chữ, Hàn Mặc Tử đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên xứ Huế đẹp đẽ, nên thơ, qua đó cũng ngợi ca con người xứ Huế đôn hậu, hiền lành, kín đáo. Chắc hẳn sau khi đọc đoạn thơ này, nhiều người Việt trên mọi miền Tổ quốc cũng sẽ ước mong một lần được đến Huế, đến bến Vĩ Dạ để có thể thưởng thức, thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên bình yên, trong trẻo….

0