11/05/2018, 14:31

Phân tích bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh Lớp 9

(Văn mẫu lớp 9) – Anh (Chị) hãy Lớp 9. (Bài phân tích của bạn Nguyễn Phương Anh trường THCS Nhân Quyền). Đề bài: Phân tích bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh BÀI LÀM “Sang thu” là bài thơ năm chữ thể hiện những cảm nhận sâu sắc, tinh tế của nhà thơ trữ ...

(Văn mẫu lớp 9) – Anh (Chị) hãy  Lớp 9. (Bài phân tích của bạn Nguyễn Phương Anh trường THCS Nhân Quyền).

Đề bài: Phân tích bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

BÀI LÀM

“Sang thu” là bài thơ năm chữ thể hiện những cảm nhận sâu sắc, tinh tế của nhà thơ trữ tình hiện đại Hữu Thỉnh về thời khắc giao mùa : cuối hạ bước sang thu.

 

Cả bài thơ là một bức tranh phong cảnh sinh động :

“Bỗng nhận ra hương ổi

  Phả vào trong gió se

  Sương chùng chình qua ngõ

  Hình như thu đã về

 

  Sông được lúc dềnh dàng

  Chim bắt đầu vội vã

  Có đám mấy mùa hạ

  Vắt nửa mình sang thu

 

  Vẫn còn bao nhiêu nắng

  Đã vơi dần cơn mưa

  Sấm cũng bớt bất ngờ

  Trên hàng cây đứng tuổi”

 

Tác giả cảm nhận khoảnh khắc giao mùa tuyệt đẹp bằng tất cả các giác quan.Ông ngửi thấy mùi hương và gợi liên tưởng vị thanh chua của ổi chín, những chùm ổi trĩu quả lắc lư cùng những hạt sương long lanh.Hình ảnh trái ổi bình dị dân dã quen thuộc, đặc trưng của các vườn cây miền Bắc và gắn liền với kí ức tuổi thơ của rất nhiều người, đã đi vào thơ Hữu Thỉnh thật thanh tao và độc đáo,thi vị.Ông  nghe được tiếng gió se ỡm ờ với  hương ổi “phả vào”.Là phả vào nhau đấy, là báo hiệu cho nhau nữa đấy! Từng câu chữ được nhà thơ dùng rất “đắt”, bắt được đúng cảm xúc và thời điểm. “Bỗng”, một từ thật nhẹ nhàng mà thể hiện được rát nhiều trạng thái,bâng khuâng, bất chợt, hơi ngỡ ngàng bất ngờ của con người trước những chuyển động tự nhiên của vạn vật:hương ổi phả phảng phất, làn gió “se” nhè nhẹ và sương thì “chùng chình” đi qua ngõ như kiểu từ tốn lả lơi của nàng thôn nữ còn bận ngắm hoa bắt bướm. Tất cả ùa đến trong tâm trí tác giả với sự báo hiệu rằng đã sang thu: “Hình như thu đã về”- Ta có thể thấy hình ảnh con người đầy tươi mới, háo hức, vui tươi nhưng cũng có sự điềm nhiên như đã sẵn sàng để đón nhận thời khắc ấy.

“Sông được lúc dềnh dàng

 Chim bắt đầu vội vã

 Có đám mây mùa hạ

 Vắt nửa mình sang thu”

Đoạn thơ với những động từ, tính từ đối lập thể hiện sự quan sát tinh tế, sự am hiểu tường tận từng đặc điểm, quy luật tồn tại của sự vật xung quanh tác giả. Ta có thể thấy, tác giả đang đắm mình trong cái không gian ấy, thời khắc chuyển giao ấy. Sông dềnh dàng bởi đã bắt đầu sang thu rồi, không còn những trận mưa xối xả, không còn những dòng nước ào ào cuộn chảy. Nhà thơ như muốn nhấn mạnh “cái quyền” của những con sông khi dùng cụm từ “được lúc dềnh dàng”, “dềnh dàng” chứ không phải “dùng dằng” hay hối hả, giống như con người, đã trải qua những đợt nước lớn, đến lúc để được thong dong rồi.

Nhưng đàn chim thì vì sao mà lại “bắt đầu vội vã”? Cũng là vì đã sang thu rồi! Sang thu rồi, không còn phải tránh trú những cơn mưa rào xối xả của mùa hạ, lại còn chuẩn bị cho mùa đông phía trước, chúng phải tăng tốc vận động và kiếm mồi, để làm tổ xây nhà làm hành trang cho mùa đông giá rét.

phan-tich-bai-tho-sang-thu-cua-huu-thinh-lop-9phan-tich-bai-tho-sang-thu-cua-huu-thinh-lop-9

Và, lại “có đám mây mùa hạ-vắt nửa mình sang thu”. Thật lạ, thật gợi hình và gợi nhiều cảm xúc! Bao trùm lên trên tất cả những đổi thay của vạn vật dưới mặt đất, là không gian, bầu trời với những đám mây như cũng đang có sự thay đổi,chuyển mùa theo cảm nhận của người viết. Trong mắt những người bình thường, mây vẫn trôi như thế, mây mùa nào cũng chỉ là mây, nhưng trong mắt nhà thơ, những đám mây mùa hạ đang “vắt nửa mình” sang mùa thu. Bởi mây thì xám đen cứ trôi bồng bềnh, bầu trời mùa hạ chói chang hay âm u trong khi mùa thu trời trong xanh dịu ngọt, thế nên nhìn mây nhà thơ nghĩ rằng chúng cũng đang “vắt nửa mình” trên trời xanh trong vắt vun vút.

Thêm nữa, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, ý tứ “đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu” là tác giả đang nghĩ, đang đề cập đến chính mình, đến chính thế hệ những người đang bước sang giai đoạn mùa thu của cuộc đời. Nói xa hơn, đặt trong bối cảnh thời gian nhà thơ Hữu Thỉnh viết bài thơ này là những năm đầu sau khi giải phóng đất nước, sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Đất Nước đang trong những mùa thu bình yên, ổn định, thư thái. Cuộc sống và mọi thứ xung quanh đều đang chuyển mình, như đám mây mùa hạ đang từ từ vươn tới, “vắt sang”; như thế hệ những người trẻ đã trải qua gian nan và thử thách đầy sắc màu đầy nhiệt huyết, thì bây giờ đến lúc cân bằng lại . Hai câu thơ được tác giả sử dụng cả phép ẩn dụ và hoán dụ làm khái quát nội tâm yếu tố con người bên cạnh những miêu tả về cảnh vật chung quanh, đầy hàm ý mà sâu sắc hiệu quả.

Chi tiết gửi gắm tâm tư của nhà thơ còn đượ thể hiện rõ hơn ở đoạn thơ kết:

 “Vẫn còn bao nhiêu nắng

  Đã vơi dần cơn mưa

  Sấm cũng bớt bất ngờ

  Trên hàng cây đứng tuổi”

Nếu như hai khổ thơ đầu tràn trề sự tươi mới, nhẹ nhàng, thong dong, báo sự trở mình sang thu đầy háo hức, thì ở những câu thơ cuối, nhà thơ gửi nhiều tâm tư, nhiều nhắn nhủ, cho bản thân mình, cho người đọc thơ. Cảnh vật đã trở sắc sang thu rồi, con người cũng chuyển mình sang thu rồi! Đã không còn những đợt nắng hạn, hanh khô, những trận mưa rào, nhưng mùa thu thì “vẫn còn bao nhiêu nắng”, và những cơn mưa chỉ là “đã vơi dần” đi thôi.Nhà thơ tĩnh táo hiểu rằng, nên trân quý những gì đang có, dù còn chưa trọn vẹn, bởi đó là quy luật , là cuộc sống, bởi để có được những thong dong tự tại, những bình yên trên khoảng trời trong xanh và bình yên cho tâm hồn con người sau chiến tranh,mất mát, là quý giá biết chừng nào!

 Tác giả tự nhủ, và dặn lòng mình rằng : “Sấm cũng bớt bất ngờ-trên hàng cây đứng tuổi”

Đay là hai câu thể hiện rõ nét chất “lính” trong bài thơ này của nhà thơ Hữu Thỉnh- cũng là những câu hàm súc nhất thể hiện chính con người của nhà thơ.

Những hàng cây đứng tuổi-những người đang ở độ tuổi “bước sang thu” như tác giả và thế hệ những người lính một thời hừng hực,oanh liệt…cũng đã đủ bản lĩnh để chấp nhận những thay đổi, và tiếp nhận bao điều mới mẻ tươi đẹp.

“Sang thu” là một trong những bài thơ trữ tình hay nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh. Đây không chỉ là bài thơ phong cảnh đơn thuần mà còn là một bức tranh sinh động, một khúc hát sâu lắng nhẹ nhàng, lạc quan. Cùng với những bài thơ trữ tình nổi tiếng khác của ông, “Sang thu” để lại nhiều cảm xúc thơ ca và ý nghĩa lịch sử

 

 

0