Phân tích bản chất tàn bạo của xã hội phong kiến qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ – Văn hay lớp 8
Ngô Tất Tố viết tiểu thuyết Tắt đèn vào thời kì đen tối nhất của xã hội Việt Nam: những năm cuối thập niên 30 của thế kỉ XX. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là xã hội thực dân phong kiến vô cùng tàn ác và bất nhân. Bộ mặt tàn bạo và vô nhân tính cua xã hội được hiện diện trong suốt chiều dài của tác ...
Ngô Tất Tố viết tiểu thuyết Tắt đèn vào thời kì đen tối nhất của xã hội Việt Nam: những năm cuối thập niên 30 của thế kỉ XX. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là xã hội thực dân phong kiến vô cùng tàn ác và bất nhân. Bộ mặt tàn bạo và vô nhân tính cua xã hội được hiện diện trong suốt chiều dài của tác phẩm, nhưng đặc biệt rõ nét trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ.
Đoạn trích: Tức nước vỡ bờ có dung lượng chưa đầy ba trạng. Thế nhưng với dung lượng ít ỏi ấy mà ngòi bút thần tình của Ngô Tất Tố đã phơi bày ra trước mắt người đọc những gì xấu xa, độc ác nhất của xã hội đương thời.
Mở đầu tác phẩm là không khí ngột ngạt của làng quê Việt Nam trong những ngày sưu thuế. Tiếng trống, tiếng tù và inh ỏi, tiếng thét, đánh đập, tiếng kêu khóc vang lên như trong một cuộc săn người. Để vơ vét cho đầy túi tham, chính quyền cai trị thực dân phong kiến đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, bất công. Ngô Tất Tố không đi sâu vào phản ánh những thủ đoạn bóc lột thuế má của bọn thực dân phong kiến, ông chỉ tập trung vào một thứ thuế dã man nhất: thuế thân (còn được gọi là sưu). Đó là thứ thuế đánh vào đầu những suất đinh. Để tróc cho đủ sưu, bọn quan cai địa phương không từ bất cứ thủ đoạn nào, không cần nương nhẹ tay với bất cứ ai, kể cả kẻ khốn cùng nhất: chết cũng không trốn được sưu của nhà nước. Và thế là, chúng gô cổ tất cả những kẻ thiếu sưu, điệu ra đình để trừng phạt. Ngay cả anh Dậu, một người đang ốm, gia cảnh lại quá khốn đốn, cũng không thoát. Nếu không có tiền nộp sưu anh Dậu sẽ chết.
Trước tình thế ấy, chị Dậu đã phải dứt ruột bán đứa con gái đầu lòng mới tròn bảy tuổi cho Nghị Quế bên thôn Đoài để lấy tiền nộp sưu cho chồng.
Ngờ đâu anh Dậu còn phải nộp thêm suất sưu cho người đã chết từ năm ngoái. Thật là vô lý! Và thế là, mặc cho những tiếng kêu uất ức của chị Dậu vang lên thảm thiết giữa sân đình, anh Dậu vẫn bị trói. Chỉ đến khi anh rũ ra như một cái xác, chúng mới trả anh về cho chị Dậu. Nhờ bà con láng giềng cứu giúp, anh mới tỉnh lại. Nhưng vừa mới tỉnh lại, chưa kịp hớp một hớp cháo sau mấy ngày nhịn suông, bọn chúng đã ập đến. Bọn chúng ở đây được đại diện bằng tên cai lệ và tên người nhà lí trưởng.
Cai lệ là hình ảnh tiêu biểu của bọn tay sai đầu trâu mặt ngựa hung hãn, với bản chất tàn ác và tư cách đê tiện, không chút tình người, một công cụ bằng sắt đắc lực của chính quyền thực dân phong kiến. Trong bộ máy thống trị của xã hội thực dân đương thời, hắn chỉ là một tên tay sai mạt hạng. Nhưng dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, hắn là hình ảnh tượng trưng và tiêu biểu của chính quyền thực dân phong kiến, hung dữ, sẵn sàng gây tội ác mà không hề chùn tay.
Hắn sầm sập tiến vào nhà kẻ thiếu sưu đang ốm nặng với bộ mặt hằm hằm, với roi song, tay thước và dây thừng. Bất chấp tình trạng anh Dậu vừa thoát khỏi bàn tay tử thần, còn đang ốm lè bè lệt bệt, bỏ ngoài tai mọi lời van xin tha thiết của chị Dậu, hắn cứ xông vào để trói anh Dậu. Trong tiềm thức của hắn, hình như hắn chỉ nghĩ đến việc ra tay đánh trói kẻ thiếu sưu. Hắn đáp lại lời van xin tha thiết của chị Dậu bằng những tiếng chửi rủa mày định nói cho bố mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà dám mở mồm ra khất!. Nếu không cố tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ồng sẽ dỡ cả nhà mày đi, chứ chửi mắng thôi à!; và những hành động tàn bạo vừa nói hán vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu, cai lệ tát vào mặt chị Dậu một cái đánh bốp, rồi hán cứ nhảy vào cạnh anh Dậu…
Có thể nói, tàn bạo, không chút tính người, là bản chất và tính cách của tên cai lệ! Tính cách ấy được Ngô Tất Tố thể hiện rất rõ nét trong đoạn trích. Dưới ngòi bút đầy căm phẫn của nhà văn, cai lệ hiện nguyên hình là một con thú dữ, chỉ biết sủa, rít, gầm; chỉ biết lăn xả vào cắn xé người lương thiện, cắn xé những kẻ khốn khổ.
Cai lệ không phải là một tên tay sai bất lương vô danh, hắn là hiện thân của cái nhà nước bất nhân lúc bấy giờ. Chính xã hội thực dân phong kiến đã nhào nặn nên hắn, nuôi dưỡng hắn, biến hắn thành một công cụ đắc lực để phục vụ cho những thủ đoạn thống trị, bóc lột tàn bạo của chúng. Hắn tận tụy với chức trách, với công việc đến mức khi bị chị Dậu ấn dúi ra cửa, ngã chỏng queo trên mặt đất mà miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.
Cai lệ là một nhân vật phụ trong tác phẩm, nhưng lại là hình tượng điển hình cho bộ mặt và tội ác của chế độ thực dân phong kiến. Thông qua việc xây dựng nhân vật cai lệ và vạch trần bản chất xấu xa, độc ác, bỉ ổi của hắn, Ngô Tất Tố đã viết một bản cáo trạng đanh thép cái xã hội thực dân phong kiến tàn bạo, bất nhân ấy. Dường như bao nhiêu sự căm giận của ông đều trào ra ngòi bút thành những trang văn bất hủ.