Bình giảng bài ca dao: “Lao xao gà gáy rạng ngày. Vai vác cái cày tay dắt con trâu…” – Văn hay lớp 10
Ca dao dân ca Việt Nam nói về công việc nhà nông và những đức tính tốt đẹp của họ, lúc nào đọc lên ngâm lên, âm điệu thiết tha, ngọt ngào của nó cứ quyện lấy tâm hồn ta. Trong những bài ca ấy, cảnh vật đồng quê và hình ảnh bà con dân cày hiện lên với bao yêu thương gần gũi. Ta cảm thấy tâm hồn ...
Ca dao dân ca Việt Nam nói về công việc nhà nông và những đức tính tốt đẹp của họ, lúc nào đọc lên ngâm lên, âm điệu thiết tha, ngọt ngào của nó cứ quyện lấy tâm hồn ta. Trong những bài ca ấy, cảnh vật đồng quê và hình ảnh bà con dân cày hiện lên với bao yêu thương gần gũi. Ta cảm thấy tâm hồn mình như được tắm mát trong màu xanh bát ngát và hương lúa quê nhà:
"Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?".
Mở đầu bài ca là tiếng gà gáy báo sáng, "lao xao" cất lên từ những mái nhà gianh sau lũy tre làng, Gà gáy "lao xao" lúc to lúc nhỏ, khi gần khi xa. Đó là lúc trời sắp sáng "rạng ngày", làng quê dần dần hiện ra trong làn sương mờ. Sao chỉ còn lác đác và đã nhạt dần trên bầu trời. Lao xao nghĩa là ồn ào, nhộn nhịp (từ điển Tiếng Việt – Văn Tân). Âm thanh dân dã, thân thuộc ấy không chỉ nói về thời gian sắp sáng mà còn gợi lên khung cảnh và nhịp sống lao động sôi nổi, vui vẻ của làng quê, không khí yên bình một buổi sáng trong thốn xóm xa xưa. Cùng với tiếng gà lao xao gáy, bếp các gia đình đỏ lửa. Nhà nông cơm nước rồi lục tục ra đồng cày cấy… Một ngày làm đồng bắt đầu.
Nhịp thơ 2/2/2 của câu ca như nhịp điệu bình yên êm đềm của làng quê:
"Lao xao / gà gáy / rạng ngày
Từ láy tượng thanh "lao xao" đứng đầu câu thơ theo phép đảo ngữ có giá trị làm nổi bật nhịp sống lao động nhộn nhịp của đồng quê.
Tiếng gà trong thơ ca thật đa dạng nhiều vẻ. Là bước đi của thời gian, là tâm trạng, là âm thanh dân dã:
“Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom".
(“Tự tình” – Hồ Xuân Hương)
“Tiếng gà xao xác gáy mau”
("Truyện Kiều" Nguyễn Du)
"Gà gáy đầu thôn, gáy giữa thôn
Mưa tinh sương mát tận tâm hồn (…)
Gà gáy trong mưa tiếng vẫn trong,
Giọng kim giọng thổ rộn vang đồng.
Được mùa giống mới, gà no bữa,
Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông".
(Gà gáy trên cánh đồng Ba Vì được mùa – Huy Cận)
Câu ca thứ hai ngắt thành vế tiểu đối, mỗi vế nói lên một động tác của người nông dân:
"Vai vác cái cày // tay dắt con trâu".
Chữ "ngày" cuối câu lục vần với chữ thứ 4 "cày" câu bát; đó là lục bát biến thể. Âm điệu câu thơ như trĩu xuống, có giá trị gợi tà sự vất vả, nặng nhọc của người đi cày. Chiếc cày nặng nề đè xuống đôi vai. Trâu đi trước, người đi sau: “Vai vác cái cày, tay dắt con trâu " biết bao nặng nhọc. Trâu với người vất vả có nhau:
"Cánh đồng ta năm đôi ba vụ,
Trâu với người vất vả quanh năm".
Hai câu đầu có tiếng gà gáy, có hình ảnh người nông dân (vác cày, dắt trâu); cảnh vật đồng quê được miêu tả một cách bình dị, thân thuộc, đáng yêu. Và đức tính cần cù; chịu khó của người nông dân Việt Nam được khẳng định và ca ngợi.
Hai câu 3,4 tiếp theo tả cảnh người nông dân cày đồng:
"Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mất mở đuổi trâu ra cày".
Đã có cảnh cày đồng dưới ánh nắng chang chang mùa hạ "Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày". Đã có cảnh làm đồng vui như ngày hội:
"Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
hay:
"Nhà nhà vợ vợ chồng chồng,
Đi làm ngoài đồng, sá kể sớm trưa”
Cảnh cày đồng sớm nay, người với trâu ra đi lúc "lao xao gà gáy…". Nơi cày là "cánh đồng sâu” đầy bùn sục, nhiều nước, lắm đỉa. Trâu kéo cày nặng nhọc đi trước, người bì bõm vất vả theo sau. Câu ca "Bước chân xuống cánh đồng sâu" đã cực tả nỗi vất vả, cực nhọc của người với trâu. Đã từ bao đời nay, người nông dân phải một nắng hai sương, phải thức khuya dậy sớm, lam lũ cuốc bẫm cày sâu, vất vả làm ăn quanh năm. Hình ảnh "Mắt nhắm mắt mở" gọi tả một trạng thái còn ngái ngủ. Phải thức dậy rất sớm, ngày nào cũng như ngày nào, dắt trâu ra đồng và bắt đầu buổi cày lúc sáng tinh mơ sao mà không thiếu ngủ, thèm ngủ? Câu ca dao "Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày " đã cho thấy mối quan hệ lao động cần cù khó nhọc giữa trâu với người qua mấy nghìn năm: Ta đây, trâu đấy ai mà quản công.
Tám thanh trắc (Bước / xuống / cánh / mắt / nhám /mở / đuổi) đã góp phần diễn tả sự lam lũ, vất vả, nặng nhọc của cảnh cày đồng. Tuy nặng nhọc mà khỏe khoắn. Tuy vất vả mà tin tưởng: "Một giọt mồ hôi một nồi cơm dẻo", "Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng". Cái giá của lao động nông nghiệp thật vô cùng to lớn, không thể nào kể xiết.
Bốn câu đầu bài ca dao là bức tranh sinh hoạt đồng quê rất giàu tính hiện thực. Phẩm chất cao quý của nhà nông như cần cù, chịu khó, lạc quan tin tưởng… được khẳng định và ca ngợi. Tác giả bài ca là người trong cảnh và có tấm lòng quý trọng bà con dân cày mới có thể viết được những vần lục bát mộc mạc và đậm đà thế!
Hai câu cuối vang lên ngọt ngào tha thiết qua tiếng nhắn gọi "ai ơi". "Ai” là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, trong văn cảnh, trong ca dao dân ca là chỉ tất cả mọi người gần xa trong cộng đồng, "ơi" là cảm thán từ. Hai tiếng "ai ơi" là giai điệu đồng quê thiết tha đã tỏa hương vào hổn ca dao dân cư từ bao đời nay:
"Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?”.
"Bát cơm đầy" dẻo thơm đã thấm bao công sức mồ hôi của người trồng lúa người gieo hạt, người bón phân, làm cỏ, tát nước be bờ,… đem lại ấm no cho xã hội. "Nhớ công hôm sớm" là nhớ công lao cày cấy vất vả khó nhọc, dãi đầu mưa nắng của nhà nông. "Ăn một bát cơm – Nhớ người cày ruộng – Ăn đĩa rau muống – Nhớ người đào ao…" (đồng dao) là vậy. Một chữ "nhớ" biết bao ân tình. Câu hỏi tu từ "Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng? " chứa đựng biết bao tình người và tình đời sâu năng, thủy chung. Có biết hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no" ("Hơi ấm ổ rơm” – Nguyễn Duy). Có biết "Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái" V V… “Đất nước" – Nguyễn Khoa Điềm). Có biết bát cơm đầy dẻo thơm mà ta ăn uống hằng ngày "Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần" v.v… Từ đó, ta mới thấy được vai trò của người nông dân là vô cùng to lớn, công sức của nhà nông là vô cùng vĩ đại. Bài học "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây " được diễn tả một cách ngọt ngào thấm thía.
Hơn 600 năm về trước, Nguyễn Trãi đã từng viết:
"Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”
("Bảo kính cảnh giới" -10)
Lộc của vua ban cho các quan đều do công sức "kẻ cấy cày" làm nên. Ăn lộc vua mà nhớ đến công ơn nhân dân; tình cảm ấy thật là chí tình chí nghĩa.
Nền văn minh Việt Nam là nền văn minh sông Hồng, nền văn minh trồng lúa nước hơn 4000 năm. Nguồn sống cho dân tộc, lương thực nuôi bộ đội đánh giặc, nhiều triệu tấn gạo xuất khẩu hiện nay,… là do công sức nhà nông làm ra. Câu ca dao đã nhắc nhở, giáo dục chúng ta lòng biết ơn và kính trọng người nông dân trên mọi miền đất nước. Mạch cảm hứng trữ tình ấy đã thấm sâu vào lòng người qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Vì thế lúc nào ta vẫn cảm thấy mới mẻ xúc động:
"Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần".
Đúng ca dao dân ca là cây đàn muôn điệu.
Sáu câu thơ lục bát trong bài ca dao xưa sao mà ngọt ngào tha thiết thế! Tính hiện thực và chất trữ tình hòa quyện thành lời ca tiếng hát. Nó đã ca ngợi công sức to lớn của nhà nông, và nêu lên bài học "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thấm thía. Bài ca ấy đã thức dậy trong lông ta một hồn quê và tình quê vơi đầy. Bức tranh lao động dân dã càng trở nên đáng yêu muôn phần hơn bao giờ hết.