Phân tích triết lí nhân sinh của Nam Cao trong truyện ngắn Lão Hạc – Văn hay lớp 8
Nam Cao là một cây bút hiện thực độc đáo. Với một tấm lòng luôn trăn trở về con người, về cuộc đời, Nam Cao đã đưa vào trong các sáng tác của mình những triết lí nhân sinh sâu sắc. Nam Cao không phải là người đầu tiên lấy thơ văn để triết lí về cuộc đời. Từ xa xưa, văn học đã coi ...
Nam Cao là một cây bút hiện thực độc đáo. Với một tấm lòng luôn trăn trở về con người, về cuộc đời, Nam Cao đã đưa vào trong các sáng tác của mình những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Nam Cao không phải là người đầu tiên lấy thơ văn để triết lí về cuộc đời. Từ xa xưa, văn học đã coi trọng điều này. Ý nghĩa triết lí nhân sinh của dân gian về bản lĩnh của người quân tử: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, triết lí sống cao đẹp của nhân dân kí thác vào con cò khi gặp nạn: Có xáo thì xáo nước trong – Đừng xáo nước đục đau lòng cò con, quan điểm ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão trong các truyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh… chẳng phải là những minh chứng chứa đựng triết lí đó sao?
Nam Cao không phải là người khởi nguồn lấy văn chương để gửi gắm những triết lí về cuộc đời, về con người, về cách ứng xử của mỗi người; nhưng Nam Cao là người đã kế tục được truyền thống đó của văn chương và nâng nó lên một tầm cao mới, sâu sắc hơn và toàn diện hơn.
Đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của ông, ta càng thêm khẳng định một cách chắc chắn và thấm thía điều đó.
Trong truyện ngắn Lão Hạc, cái triết lí nhân sinh của Nam Cao được biểu hiện ở hai phương diện: trực tiếp và gián tiếp qua những ý nghĩ được phát ra thành lời của nhân vật ông giáo và qua suy nghĩ hành vi, việc làm của nhân vật lão Hạc.
Trước hết, ta tìm hiểu những triết lí sống của Nam Cao qua nhân vật lão Hạc. Để biểu hiện được những triết lí của mình, Nam Cao đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh đặc biệt: Nghèo khổ về vật chất, thiếu thốn về tình cảm, vừa phải vật lộn để mưu sinh, vừa phải đối mặt với những thách thức, giằng xé với bao trách nhiệm với bản thân, với con cái, với cuộc đời.
Trong hoàn cảnh như thế, lão Hạc đã xử trí thế nào?
Không phải chỉ đến Lão Hạc, Nam Cao mới tạo tình huống để thử thách nhân vật của mình, ông đã thực hiện điều này trong một loạt các sáng tác văn chương khác nhau. Hầu hết các nhân vật của ông đã phải đầu hàng hoàn cảnh, buông xuôi theo dòng xoáy của cuộc đời, trở nên méo mó, dị dạng cả về thể chất lẫn tâm hồn. Âu đó cũng là một ngụ ý của Nam Cao đề lên thành những triết lí khác nhau về con người, về cuộc đời!
Trở lại với nhân vật lão Hạc, hoàn cảnh nghiệt ngã đã không khuất phục được lão. Cuộc đời càng đầy lên những khó khăn và bất hạnh, thì tâm hồn lão càng được mài giũa sáng trong thêm, nhân cách của lão càng tỏa rạng hơn. Đỉnh cao của lòng nhân ái, đức hi sinh, lòng tự trọng, sự cao thượng và vị tha, ý thức trách nhiệm, là hành động ứng xử đầy dũng cảm của nhân vật: chọn cái chết. Một cái chết bất thình lình và đau đớn. Nhưng từ cuộc đời và cái chết của lão Hạc, ta cảm nhận được bao ý nghĩa về cuộc đời.
Suy nghĩ và hành động của lão Hạc chính là những triết lí của Nam Cao về cuộc đời: Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn. Nam Cao đã tạo dựng niềm tin cho mọi người về một cuộc đời sẽ có thể tốt đẹp lên nếu ai cũng biết sống đẹp như lão Hạc.
Nam Cao không chỉ đã tạo niềm tin cho mọi người về cuộc đời, ông còn tạo niềm tin cho mọi người về con người. Con người không thể buỗng xuôi đầu hàng hoàn cảnh để đánh mất lương tri và nhân phẩm. Triết lí của lão Hạc là sống nghèo còn hơn sống hèn, sống nhơ bẩn, thà chết trong còn hơn sống đục, thà chấp nhận một cuộc đời ngắn ngủi còn hơn sống mà để phiền lụy đến mọi người, sống mà vô trách nhiệm với bản thân, với cuộc đời, và cả với thế hệ sau. Đó là những triết lí sống đẹp.
Bên cạnh cách thể hiện triết lí qua việc xây dựng tính cách nhân vật, Nam Cao còn trực tiếp phát biểu ra những quan điểm, suy nghĩ của mình. Và nhà văn đã mượn lời ông giáo để nói hộ quan điểm của mình:
Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thương… Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo láng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất.
Đây là một triết lí khá sâu sắc về con người, về cách nhìn nhận đánh giá về con người. Nam Cao đã có một phát hiện mới mẻ về con người. Theo Nam Cao không có con người hoàn toàn thánh thiện, cũng như không có con người hoàn toàn xấu; con người là tổng hòa của nhiều mặt đối lập: vừa đẹp đẽ; vừa xấu xa; vừa cao thượng, vừa tầm thường; vừa vị tha, vừa ích kỉ; vừa đáng thương, vừa đáng giận; vừa đáng yêu, vừa đáng ghét. Cũng theo quan điểm của Nam Cao, trong những con người tưởng chừng như chỉ là toàn những thói xấu như gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi, nếu ta có sự cảm thông, chia sẻ ta vẫn tìm thấy ở họ ánh sáng của lương tri, ý thức của nhân phẩm, một nét đẹp nào đấy của tâm hồn mà ta cần trân trọng. Triết lí này đã được Nam Cao khẳng định qua rất nhiều sáng tác của ông. Triết lí nhân sinh cao đẹp này của Nam Cao xuất phát từ lòng yêu thương và trân trọng con người.
Có thể nói truyện ngắn Lão Hạc là một sáng tác tự sự chứa đựng nhiều triết lí sống thật đẹp, nhiều triết lí nhân sinh sâu sắc của Nam Cao. Đây chính là sự trăn trở của một trái tim yêu thương vĩ đại.